Nhận xét về thông tin hóng được sau ngày thứ 122 của cuộc chiến tranh Nga-Ukraine (25/06/2022)

Thứ Hai, 27 Tháng Sáu 20225:47 CH(Xem: 1968)
Nhận xét về thông tin hóng được sau ngày thứ 122 của cuộc chiến tranh Nga-Ukraine (25/06/2022)

seve 

1. Sơ lược về tình hình.

Trong ngày hôm kia và cả hôm qua, hầu như tất cả các bản tin trên báo chí cũng như các trạng thái trên mạng xã hội, đều không tránh khỏi tin Serevodonetsk bị quân Nga chiếm. Rất may là chúng ta đã chờ đợi điều đó từ lâu.

Ngày 28/05 thì Nga bắt đầu trận đánh chiếm Serevodonetsk, sau đó vài ngày thì tui bàn với các bác: thành phố có thể giữ được 3 ngày, 5 ngày hoặc một tuần… Sau đó thì khả năng cao quân Ukraine sẽ phải rút về Lysychansk.

Và bây giờ thì việc đó đã xảy ra vào ngày 24/06, nghĩa là họ đã giữ những phần còn lại của “thành phố” được gần một tháng.

Ở đây có thể có các cách tiếp cận khác nhau, ví dụ như chúng ta thì đã chờ sự việc này từ cách đây gần một tháng và tin rằng Bộ chỉ huy Ukraine sẽ có kế hoạch rút an toàn cho phần lớn lực lượng của mình đang bảo vệ thị trấn. Ngược lại, ví dụ như bài báo của Tiền Phong (cơ quan ngôn luận của Trung ương Đoàn thanh niên C.S Hồ Chí Minh) thì dẫn Reuter theo góc độ “Nga đạt được chiến quả quan trọng.” Cách nhìn này cũng đúng chứ không có gì là sai.

Sáng nay, có một bạn Facebook hỏi tôi về thông tin của một bạn khác viết là Nga đang tấn công rất mạnh thành phố Slovyansk từ hướng Izyum – tôi chưa kiểm tra thông tin nhưng cũng liều… không tin một cách chủ quan. Đến bây giờ đọc bản tin của Bộ Tổng tham mưu Ukraine thì thấy điều này cũng không sai, khi họ báo cáo quân Nga bắn phá một loạt các điểm dân cư trên hướng này.

Có vẻ thời gian vừa qua, Bộ chỉ huy Nga đã lên một kế hoạch khá tổng thể: tấn công dằng dai trong khi bổ sung phục hồi cánh quân ở nam Izyum rồi đến thời điểm tấn công mạnh để cố chiếm Slovyansk. Họ đã làm việc này một cách khá chủ động và rõ ràng, kế hoạch được thi hành rất chuyên nghiệp và bài bản.

Điều chúng ta phân tích với nhau ở đây là về việc họ “co dần” giảm các mục tiêu và giảm quy mô chiến trường (đặc biệt rõ ở tuyến Rubizhne – Serevodonetsk – Lysychansk) và kiên trì giữ nguyên mục đích ở hướng Izyum. Để thực hiện kế hoạch này, họ giữ vững phòng tuyến trên hướng bắc Kharkiv và mặt trận miền Nam. Đặc biệt trên mặt trận miền bắc Kharkiv họ bắn phá thật lực nhằm hai mục đích:

• Với các vùng ngoại vi thành phố, bắn phá để ngăn chặn Bộ chỉ huy Ukraine chuyển quân tới các vùng chiến sự khác đang căng thẳng.

• Với nội đô thành phố, ngoài Kharkiv họ còn bắn phá nhiều thành phố khác như Lviv, Zhitomir và Kyiv… Việc họ bắn chủ yếu vào các mục tiêu dân sự cho thấy Nga đã không còn có đủ thông tin tình báo về các mục tiêu quân sự, kho tàng dự trữ của Ukraine, mà bắn phá mang tính khủng bố tinh thần và nhất là để trả thù cho thất bại của Nga về chính trị: không thể ngăn được đất nước và nhân dân Ukraine hội nhập với nền dân chủ của cuộc sống châu Âu.

2. Nhìn lại kế hoạch chuẩn bị lực lượng để tấn công tiêu diệt Ukraine của Nga.

Point 1. Hiện đại hóa Lực lượng Mặt đất không phải là một trong những ưu tiên hàng đầu đối với chi tiêu cho quốc phòng, và mặc dù số lượng hệ thống được “hiện đại hóa” đang tăng đều trong những năm gần đây.

“Chương trình vũ trang quốc gia 2011 – 2020” đã dành 2,6 nghìn tỉ rúp cho Lực lượng Mặt đất bao gồm cả Đổ bộ đường không VDV trong tổng số 19 nghìn tỉ được duyệt chi để hiện đại hóa toàn bộ quân đội. Một số nhà quan sát, bao gồm cả CAST có trụ sở tại Mátxcơva, đã khẳng định mức độ ưu tiên khá thấp này không có ý nghĩa gì so với tầm quan trọng của phần đất liền đối với vị trí địa chính trị của Nga. Theo quan điểm này, Chính phủ Nga nên phá vỡ xu hướng kìm hãm phát triển (và đôi khi bị dừng hẳn) đối với lĩnh vực xe tăng loại mới và các phương tiện chiến đấu mặt đất khác.

Công bằng mà nói, “Chương trình vũ trang quốc gia 2020” cũng đã kêu gọi cung cấp 2.300 xe tăng mới cho quân đội (một con số đã được Tổng thống Putin đề cập) sẽ được cung cấp cho quân đội vào năm 2020. Các cuộc thảo luận về “Chương trình vũ trang quốc gia 2020” và các mục tiêu mua sắm “xe tăng thường” cho rằng 2.300 xe tăng mới đó sẽ là T-14 “Armata”, nhưng điều này chưa được xác nhận (và sẽ hoàn toàn phi thực tế ngay cả trước khi kinh tế Nga đi vào suy thoái do cấm vận và trừng phạt).

Vậy đó, việc mua xe bọc thép đã được đưa ra, nhưng được lên kế hoạch muộn hơn. Vào thời điểm đó, áp lực ngân sách quốc phòng đang tăng lên nhiều hơn so với dự đoán trước năm 2014.

pl_210


Point 2
. Học thuyết và các khái niệm vận hành lực lượng lục quân nói riêng và quân đội nói chung của Liên bang Nga.

Các lực lượng vũ trang Nga có bốn loại đội hình tác chiến mặt đất thông thường cơ bản:

• Các lữ đoàn bộ binh cơ giới và các sư đoàn của Lực lượng Mặt đất;

• Các lữ đoàn xe tăng và các sư đoàn của Lực lượng Mặt đất;

• Các lữ đoàn và sư đoàn đổ bộ đường không của Binh chủng Nhảy dù;

• Các lữ đoàn bộ binh của Hải quân Nga.

Thứ tự sắp xếp đơn vị chiến đấu hiện tại của Nga đang chuyển đổi từ tập trung vào lữ đoàn trước đây sang cơ cấu bao gồm lực lượng hỗn hợp hơn với sự kết hợp của các sư đoàn và lữ đoàn trong hầu hết các Quân khu.

Có sự trùng lặp đáng kể trong trang bị của các đội hình này, ví dụ xe tăng chiến đấu chủ lực hiện được gắn vào hoặc một phần của gần như tất cả các đội hình mặt đất, ngay cả trong Binh chủng Nhảy dù. Cả hai mô hình lữ đoàn và sư đoàn đều được coi là có khả năng hoạt động độc lập; sự khác biệt chủ yếu là các lữ đoàn có phần nhanh nhẹn hơn và có thể di chuyển nhanh chóng trên khắp nước Nga, trong khi các sư đoàn lớn hơn và có sức chiến đấu cao hơn nhưng lại tốn nhiều thời gian và nguồn lực hơn để di chuyển.

Một số lý do đã được đưa ra để giải thích sự tái khởi động mô hình sư đoàn trong lực lượng mặt đất. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2016, chỉ huy lực lượng mặt đất Nga, Thượng tướng Oleg Salyukov cho rằng quy mô quân đội của Nga cần thích ứng với nhiều kịch bản tiềm năng khác nhau, do vậy một tổ chức hỗn hợp gồm các sư đoàn và lữ đoàn là phù hợp. Ông nói thêm rằng cấp chỉ huy sư đoàn được coi là cơ hội để nâng cao chuyên môn cho các chỉ huy như một bước tạm thời trước khi đảm nhận quyền chỉ huy các Tập đoàn quân đội vũ trang hợp thành.

Cũng có thể các sư đoàn mới có thể phục vụ hiệu quả hơn trong việc được tích hợp các Cụm tác chiến cấp tiểu đoàn độc lập (BTG) vào các hoạt động khi họ được triển khai đến khu vực xung đột từ nơi khác trên lãnh thổ Nga. Ba trong số các sư đoàn mới đang trong quá trình hình thành: sư đoàn bộ binh cơ giới số 3 và 144 ở Quân khu miền Tây, và sư đoàn 150 ở Quân khu miền Nam đều có vẻ được bố trí để tăng cường sức mạnh chiến đấu trên bộ tập trung vào biên giới Nga – Ukraine.

Các đơn vị bộ binh cơ giới của lực lượng mặt đất Nga chiếm tỉ trọng lớn nhất trong lực lượng tác chiến mặt đất của Nga. Chúng được tổ chức như những đội hình bộ binh hạng nặng với vũ khí hỗ trợ, thường là ba tiểu đoàn bộ binh cơ giới được trang bị xe chiến đấu bộ binh (IFV) hoặc xe bọc thép chở quân (APC). Hầu hết đều có tiểu đoàn xe tăng, mặc dù một số ít được mô tả là lữ đoàn “sơn cước” thì không có. Đây là các lực lượng tác chiến tổng hợp của lực lượng mặt đất.

Đội hình xe tăng của Nga bao gồm một số lữ đoàn xe tăng và trung đoàn xe tăng (có mặt trong cả sư đoàn bộ binh và xe tăng, mặc dù với số lượng khác nhau); trước năm 2013, chỉ có bốn lữ đoàn xe tăng đang hoạt động (khoảng một phần mười số lượng Lữ đoàn vũ trang hợp thành trong Lực lượng Mặt đất vào thời điểm đó), nhưng số lượng đã không ngừng tăng lên kể từ đó. Lực lượng xe tăng theo truyền thống được sử dụng cho các hoạt động cơ động cao, như một lực lượng phản công dự bị trong khi vẫn có khả năng phòng thủ hoặc như một đơn vị tiền phương hoặc lực lượng chủ lực trong cuộc tấn công.

Các lữ đoàn bộ binh hải quân của Nga được trang bị các loại xe bọc thép giống như lực lượng mặt đất, là sự kết hợp của APC và IFV, với một số xe tăng hỗ trợ. Vì sự tương đồng của chúng với lực lượng mặt đất về mặt này, chúng ta có thể quay lại Tại sao Nga đã thua và chắc chắn là sẽ thua phần 5: “Về lính dù Nga VDV ở Ukraine” tại đây.

Sự hình thành của Tập đoàn quân xe tăng cận vệ số 1 tại Quân khu miền Tây vào năm 2015 đã nhận được sự quan tâm khá lớn. Đây là Tập đoàn quân xe tăng duy nhất trong đội hình chiến đấu của Nga, và nó bao gồm một số đơn vị thiện chiến trong Lực lượng Mặt đất. Trong lịch sử, Tập đoàn quân xe tăng có tỉ lệ đơn vị xe tăng cao hơn Tập đoàn quân vũ trang hợp thành; điều này đúng trong trường hợp này, ít nhất là theo nghĩa tương đối.

Trong khi hầu hết các Tập đoàn quân vũ trang hợp thành hiện nay chủ yếu có đội hình bộ binh cơ giới, thì Tập đoàn quân xe tăng mới này có sự kết hợp đồng đều giữa lực lượng xe tăng và bộ binh cơ giới (mỗi sư đoàn kèm một lữ đoàn, mặc dù điều này có thay đổi đôi chút). Vị trí đóng quân chính của nó ở khu vực Mátxcơva có nghĩa là nó có thể hoạt động như một lực lượng phản công hạng nặng. Ở gần Mátxcơva, nó cung cấp một sự đảm bảo an ninh cho chế độ. Đóng quân ở vị trí trung tâm trên mạng lưới đường sắt và an toàn hợp lý trước các cuộc tấn công trên không vì nó nằm sâu trong mạng lưới phòng không tích hợp của Nga.

Đáng chú ý là Tập đoàn quân xe tăng Cận vệ số 1 được bố trí ở vị trí của Tập đoàn quân mà nó thay thế đã được chuyển đến Voronezh, gần biên giới Ukraine: Tập đoàn quân Cận vệ số 20. Thời điểm đó, Tập đoàn quân cận vệ 20 tái bố trí đến Voronezh với một lữ đoàn bộ binh cơ giới duy nhất, nhưng sau đó Nga đã tái tổ chức một Lữ đoàn xe tăng và chuyển hai Lữ đoàn bộ binh cơ giới – số 23 và số 28 từ Quân khu Trung tâm để củng cố cho Tập đoàn quân này.

Dựa trên sự di chuyển và kích hoạt các đơn vị mới ở Quân khu miền Tây, vào năm 2016, Nga đã công bố sự thành lập của 5 (năm) Sư đoàn mới. Chúng bao gồm ba Sư đoàn bộ binh cơ giới ở biên giới Ukraine: một Sư đoàn thành lập kết hợp với việc thành lập Tập đoàn quân mới ở Quân khu phía Nam, một Sư đoàn bộ binh cơ giới ở Kavkaz và một Sư đoàn xe tăng ở Quân khu Trung tâm, một Sư đoàn bộ binh cơ giới hoàn toàn mới số 150, được coi là có tổ chức “truyền thống” với hai Trung đoàn bộ binh cơ giới và hai trung đoàn xe tăng.

Ngoài ra, hai Sư đoàn đã có từ trước ở Quân khu miền Tây, cũng như ba Sư đoàn ở biên giới Ukraine, được cho là đang trong quá trình mở rộng thành các “Sư đoàn sáu Trung đoàn “kiểu Liên Xô”,” với bốn Trung đoàn cơ động trong biên chế (thường bao gồm ba Trung đoàn bộ binh cơ giới và một trung đoàn xe tăng), được hỗ trợ bởi các trung đoàn pháo binh và phòng không cấp sư đoàn.

Một cách phát triển nữa của quân đội Nga là mở rộng quy mô đơn vị. Hai Sư đoàn ở khu vực Mátxcơva mỗi Sư đoàn được bổ sung thêm hai Trung đoàn cơ động; tùy thuộc vào việc các Trung đoàn pháo binh và phòng không được tăng lên một cách tương xứng, điều này khiến quy mô của chúng có thể tăng gần gấp đôi. Ba Sư đoàn được thành lập ở biên giới Nga – Ukraine bắt đầu từ bốn Lữ đoàn bộ binh cơ giới; khi hoàn tất quá trình sức mạnh sẽ tăng gần gấp ba lần “thể lực” ban đầu của chúng.

Mỗi Trung đoàn bộ binh cơ giới mới có khoảng 120 xe bọc thép chở quân và 40 xe tăng; mỗi Trung đoàn xe tăng mới có số lượng tăng thêm đến 90 xe tăng chiến đấu chủ lực và 40 xe chiến đấu bộ binh.

Cần phải nói rõ rằng việc mở rộng này đã diễn ra vào mùa hè năm 2017 và liên quan đến một lượng lớn hoạt động xây dựng quân đội cũng như tạo ra các đơn vị mới từ các đơn vị còn tồn tại và các bộ thiết bị khí tài mới, là một nhiệm vụ lớn và khi hoàn chỉnh, sẽ hình thành nên một lực lượng lớn bố trí gần biên giới Ukraine và Belarus (dù chủ yếu là đã có sự hiện diện này từ trước đây). Tổng cộng, kế hoạch mở rộng này yêu cầu tăng thêm bảy Sư đoàn bộ binh cơ giới và năm Trung đoàn xe tăng; cùng khoảng 1.000 xe chiến đấu bộ binh và hơn 750 xe tăng chiến đấu chủ lực.

tank_114


Point 3
. Dự báo về vai trò của xe tăng Nga trong chiến tranh tiềm tàng quy mô lớn với Ukraine:

• Kinh nghiệm chiến đấu ở Ukraine từ 2014 cho thấy đặc điểm là các phương tiện chiến đấu do Liên Xô phát triển được sử dụng rộng rãi bởi cả hai bên. Kết luận khá rõ ràng: chiến trường ở Ukraine cực kỳ nguy hiểm đối với tất cả các loại xe bọc thép, đặc biệt là đối với các IFV và APC bọc thép nhẹ. Trang web thông tin về các phương tiện thiết giáp đã thu thập được bằng chứng nguồn mở về hơn 1.000 phương tiện chiến đấu bị phá hủy. Phần lớn trong số này rõ ràng là các phương tiện của Ukraine, nhưng hoàn cảnh chiến trường có thể ảnh hưởng đến khả năng cung cấp các bức ảnh về phương tiện của mỗi bên khác nhau, vì vậy rất khó để đưa ra kết luận chung, ngoài việc rất nhiều phương tiện đã bị phá hủy.

• Viết trên tạp chí Moscow Defense Brief, nhà phân tích Anton Lavrov của Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ (CAST) (là một “Think-tank” độc lập có lợi nhuận của Nga nằm ở trung tâm Mátxcơva, CAST tiến hành nghiên cứu và phân tích về buôn bán vũ khí quy ước của Nga, ngành công nghiệp quốc phòng của Nga, xung đột quân sự, cải cách quân sự Nga và xu hướng quốc phòng) coi cuộc chiến ở miền đông Ukraine là một ví dụ rõ ràng về thực tế chiến đấu của các phương tiện bọc thép trong chiến tranh hiện đại và nhu cầu bảo vệ tốt hơn cho chúng.

Sự phổ biến của các loại vũ khí chống tăng của bộ binh, trong khi quân đội Nga không có cách nào giảm hoặc chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng xe tăng, đã làm cho vai trò của chúng kém hiệu quả hơn. Trong một cuộc xung đột với những đối thủ có năng lực và vũ trang tốt hơn Quân đội Ukraine hoặc quân ly khai, xe tăng chắc chắn có thể dễ bị tổn thương hơn, đặc biệt là các thiết kế xe tăng hiện tại của Nga, bao gồm các biến thể T-72 và T-90 mới nhất, mà ông Lavrov cho là không được bảo vệ đầy đủ.

Point 4. Thông tin cụ thể hơn về lực lượng của quân đội Nga trên khu vực Ukraine:

Mặc dù tổng số lính hợp đồng tăng đều kể từ năm 2011 và đã vượt quá số lính nghĩa vụ kể từ năm 2015, nhưng lực lượng mặt đất dường như có số lượng lính hợp đồng ít hơn một cách tương xứng so với các quân chủng khác. Điều đó nói lên rằng, những người lính hợp đồng sẵn có chỉ được sử dụng để đảm nhận nhiệm vụ có tính sẵn sàng chiến đấu cao của Lực lượng mặt đất.

• Các Lữ đoàn bộ binh có xu hướng tối đa là 3.000 đến 4.500 người, tùy thuộc vào biến thể.

• Sư đoàn bộ binh cơ giới, chẳng hạn như Sư đoàn bộ binh cơ giới số 2 ở Quân khu miền Tây có khoảng 8.500 người (sau này sẽ bổ sung thêm).

• Các Lữ đoàn xe tăng có khoảng 3.000 người, với một Sư đoàn xe tăng gồm hai Trung đoàn (chẳng hạn như Sư đoàn xe tăng cận vệ số 4 Kantemirovskaya cũng ở Quân khu miền Tây) có khoảng 6.500 người.

Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga Valery Gerasimov đã nhận xét vào tháng 9 năm 2016 về số lượng các nhóm tác chiến cấp tiểu đoàn sẵn sàng chiến đấu (BTG): “Tại các Quân khu của chúng tôi, bao gồm cả Quân khu miền Nam, các Cụm tác chiến cấp tiểu đoàn được hoàn toàn biên chế bởi các binh sĩ hợp đồng đã được thành lập. Hiện có 66 BTG như vậy; vào cuối năm 2016 sẽ có 96, năm sau là 115 và năm sau là 125.”

pl_211

3. Bình loạn:

Trong khoảng 10 ngày qua, quân đội Ukraine đã tăng cường hoạt động trên mặt trận phía Nam, đặc biệt đã áp sát thành phố Kherson (xem bản đồ kèm theo). Cũng trên hướng này khoảng 5 ngày trở lại đây, quân Ukraine đã tăng cường sử dụng pháo binh mới, bắn chính xác vào các kho đạn của Nga ở trong khu vực. Điều này đã làm cho quân Nga trên mặt trận phía Nam giảm hẳn khả năng dùng pháo binh.

Song song với việc quân Nga chiếm được Serevodonetsk và muốn phát triển chiến quả: tấn công Lysychansk từ phía nam và Slovyansk từ hướng Izyum, quân đội Ukraine cũng bắt đầu đưa MLRS mới nhận được vào chiến đấu. Đúng như hôm trước chúng ta bàn với nhau, dù ai có đưa ý kiến là “thế lực nào đó muốn kéo dài chiến tranh” thì cái gì đến, cũng sẽ phải đến.

Chúng ta cần nhìn lại là cho đến tháng vừa qua (tính từ 28/05 đến nay) Nga đã phải điều chỉnh quy mô chiến dịch Donbas xuống một chính diện mặt trận ước chừng 30 km từ Serevodonetsk đến Bakhmut, trong đó tập trung vào thành phố Serevodonetsk chỉ dưới 10 km chiều dài và từ 4 đến 5 km chiều sâu. Điều này giúp họ tăng được mật độ hỏa lực, như thế mới đảm bảo cho binh lính của họ dám tấn công sau mỗi lần bắn chuẩn bị. Trong thời gian đó, chẳng hạn trên hướng Lyman đã chiếm được từ trước đó, hầu như họ không có hoạt động đáng kể thậm chí sử dụng hỏa lực gián tiếp cũng rất hạn chế.

Điều tương tự cũng xảy ra trên hướng Izyum, vì không đủ khả năng hỏa lực gián tiếp nên lực lượng Nga ở đây tấn công không có kết quả và có thể họ phải tiết kiệm giành cho đợt này tấn công phối hợp với hướng Serevodonetsk.

Ngoài thông tin nắm được là nếu tiếp tục duy trì tốc độ như hiện nay, việc Nga cạn kiệt dự trữ đạn dược và vũ khí là có thật, nhưng còn khía cạnh nữa: hiện nay họ đang sử dụng lính trên 40 tuổi và học sinh vừa mới ra trường, tất cả đều không có kinh nghiệm chiến đấu. Ngày hôm nay cũng là ngày có thông tin Bộ trưởng quốc phòng của họ, S. Shoigu đến chiến trường Ukraine.

Mọi con đường đều đã dẫn đến Roma, mọi diễn biến đều chứng minh Nga đang leo lên đến đỉnh. Nhiệm vụ của quân đội Ukraine bây giờ không còn là cầm cự theo kiểu lai nhai nữa, mà buộc phải duy trì xung đột ở cường độ cao để duy trì tốc độ tiêu hao của Nga. Có thể đó là lý do chúng ta thấy họ tăng cường sử dụng các vũ khí thời Liên Xô còn lại để phản pháo liên tục, sau đó là quá trình dùng xen với các vũ khí mới. Mức độ tổn thất của hai bên sẽ duy trì ở mức cao cho đến khi một trong hai bên dứt điểm được.

Tui cũng không nghi ngờ rằng ở thời điểm “lên đỉnh” này, Nga cũng không dại gì mà giảm cường độ, và đó cũng chính là căn cứ cho những dự đoán cho rằng, với tốc độ đó chỉ khoảng hết tháng Bảy mọi việc sẽ rất rõ ràng.

Hiện nay, quân Ukraine đã lui về tuyến phòng thủ mới Bakhmut – Soledar – Seversk, nhưng trước mắt họ vẫn còn phải “giải quyết” thành phố Lysychansk nữa. Câu chuyện vẫn còn tiếp diễn dài dài.

Kết cục sẽ được quyết định nghiêng về phía bên nào đến thời điểm này giữ được lực lượng dự trữ và tiếp tục được tăng cường. Vậy ai sẽ thắng, ai sẽ thua, với chú cháu Lee Shimuo và dư luận viên còn lo cào cấu mấy hy vọng, còn với chúng ta thì đã quá rõ rồi còn gì.

Thắng lợi sẽ thuộc về nhân dân và đất nước Ukraine, nay đã bước một chân vào ngôi nhà châu Âu. Còn Nga, nếu không được dỡ bỏ lệnh trừng phạt về một số lĩnh vực, sẽ mất ngôi buôn bán vũ khí vào tay Trung Quốc và còn lâu mới lấy lại được sức mạnh quốc phòng của mình.

PHÚC LAI 26.06.2022

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn