Nguồn hình ảnh, Reuters
- Tác giả, Kelly Ng
- Vai trò, BBC News
- Singapore
Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã hoan nghênh việc Tổng thống Donald Trump cắt giảm tài trợ công cho Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) và Đài Á châu Tự do (RFA), các cơ quan báo chí từ lâu đã đưa tin về các chế độ độc tài.
Quyết định này ảnh hưởng đến hàng ngàn nhân viên – chỉ riêng tại VOA đã có khoảng 1.300 nhân viên phải nghỉ phép có lương kể từ lệnh hành pháp hôm thứ Sáu 14/3.
Những người chỉ trích gọi đây là một bước lùi đối với nền dân chủ, nhưng Thời báo Hoàn Cầu, một tờ báo do nhà nước Trung Quốc kiểm soát, đã lên án VOA vì "hồ sơ tồi tệ khủng khiếp" trong việc đưa tin về Trung Quốc và nói rằng tổ chức này đã "bị chính chính phủ của mình vứt bỏ như một miếng giẻ rách dơ bẩn."
Nhà Trắng bảo vệ quyết định của họ, nói rằng họ sẽ "đảm bảo người nộp thuế không còn phải chi trả cho tuyên truyền cực đoan".
Những khoản cắt giảm của ông Trump nhắm vào Cơ quan Truyền thông Toàn cầu Hoa Kỳ (USAGM), cơ quan được Quốc hội ủng hộ và tài trợ cho các cơ quan báo chí bị ảnh hưởng, như VOA, RFA và Đài Âu châu Tự do (Radio Free Europe).
Các cơ quan này đã nhận được sự ca ngợi và công nhận từ cộng đồng quốc tế nhờ việc đưa tin ở những nơi mà tự do báo chí bị hạn chế nghiêm trọng hoặc không tồn tại, từ Việt Nam, Trung Quốc và Campuchia đến Nga và Triều Tiên.
Mặc dù nhà chức trách ở một số quốc gia này chặn các chương trình phát sóng – chẳng hạn như VOA bị cấm ở Trung Quốc và Việt Nam – người dân có thể nghe qua sóng ngắn hoặc vượt tường lửa bằng VPN, một mạng riêng ảo giúp người dùng truy cập mạng một cách bảo mật.
RFA thường đưa tin về đàn áp nhân quyền ở Campuchia, nơi cựu lãnh đạo độc tài Hun Sen đã ca ngợi các khoản cắt giảm này là "một đóng góp lớn trong việc loại bỏ tin giả".
Tính đến ngày 18/3, truyền thông Việt Nam đã dẫn lại các trang tin quốc tế về việc cắt giảm VOA và RFA nhưng chưa đưa ra bình luận cụ thể.
Trước đó, truyền thông trong nước đã nhiều lần chỉ trích VOA và RFA, cáo buộc các tổ chức này ''xuyên tạc'' và ''bịa đặt'' về tình hình Việt Nam và ''chống phá Việt Nam".
RFA cũng là một trong những cơ quan báo chí đầu tiên đưa tin về mạng lưới các trung tâm giam giữ của Trung Quốc ở Tân Cương, nơi chính quyền bị cáo buộc giam giữ hàng trăm ngàn người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ mà không qua xét xử.
Bắc Kinh phủ nhận cáo buộc, nói rằng người dân tự nguyện tham gia "các trại cải tạo" để chống khủng bố và chủ nghĩa cực đoan tôn giáo.
Các bài viết của VOA về những người đào thoát từ Triều Tiên và cáo buộc che giấu số lượng người tử vong do đại dịch Covid-19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã giành được nhiều giải thưởng.
Nguồn hình ảnh, Getty Images
VOA, chủ yếu là một đài phát thanh, cũng phát sóng bằng tiếng Quan Thoại, đã được công nhận vào năm ngoái nhờ chương trình báo nói podcast về các cuộc biểu tình hiếm hoi vào năm 2022 ở Trung Quốc chống lại các lệnh phong tỏa Covid-19.
Nhưng Thời báo Hoàn Cầu đã hoan nghênh các khoản cắt giảm, gọi VOA là một "xưởng sản xuất những lời nói dối".
"Khi ngày càng nhiều người Mỹ bắt đầu phá vỡ những cái kén thông tin của họ và nhìn thấy một thế giới thực và một Trung Quốc đa chiều, những câu chuyện bôi nhọ được VOA tuyên truyền cuối cùng sẽ trở thành trò cười," tờ báo viết trong một bài xã luận được đăng vào thứ Hai 17/3.
Hồ Tích Tiến, cựu tổng biên tập của Thời báo Hoàn Cầu, viết: "Voice of America đã bị tê liệt! Và Radio Free Asia cũng vậy, cơ quan đã từng ác ý với Trung Quốc. Đây là một tin tuyệt vời."
Những phản ứng như vậy "có thể dễ dàng dự đoán," theo Valdya Baraputri, một nhà báo của VOA, người đã mất việc vào cuối tuần qua. Trước đây bà từng làm việc tại BBC World Service.
"Việc loại bỏ VOA hẳn sẽ cho phép các kênh ở phía đối lập với hoạt động tường thuật chính xác và cân bằng phát triển mạnh," bà nói với BBC.
Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia, một nhóm đại diện hàng đầu cho các nhà báo Mỹ, cho biết lệnh này "làm suy yếu cam kết lâu dài của Mỹ đối với một nền báo chí tự do và độc lập."
Được thành lập trong Thế chiến II một phần để chống lại tuyên truyền của Đức Quốc xã, VOA tiếp cận khoảng 360 triệu người mỗi tuần qua gần 50 ngôn ngữ.
Qua nhiều năm, đài đã từng phát sóng ở Việt Nam, Trung Quốc, Triều Tiên, Cuba cộng sản và Liên Xô cũ.
VOA cũng là một công cụ hữu ích cho nhiều người Trung Quốc học tiếng Anh.
Giám đốc VOA Michael Abramowitz cho biết lệnh của Trump đã làm suy yếu VOA trong khi "các đối thủ của Mỹ, như Iran, Trung Quốc và Nga, đang đầu tư hàng tỷ đô la vào việc viết nên các câu chuyện sai lệch để làm mất uy tín của Mỹ".
Cô Baraputri, một công dân Indonesia nhưng sống tại Washington DC, lần đầu tiên gia nhập VOA vào năm 2018, nhưng thị thực của cô đã bị chấm dứt vào cuối nhiệm kỳ đầu tiên của Trump.
Cô đã quay trở lại vào năm 2023 vì cô muốn trở thành một phần của một tổ chức "duy trì việc đưa tin không thiên vị, dựa trên sự thật và không bị ảnh hưởng bởi chính phủ".
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Những khoản cắt giảm gần đây đã khiến "tôi cảm thấy bị phản bội bởi suy nghĩ mà tôi từng có về tự do báo chí [ở Mỹ]".
Cô cũng lo lắng cho các đồng nghiệp, những người có thể giờ đây buộc phải trở về quê hương, nơi họ có thể bị đàn áp vì công việc báo chí của mình.
Trong khi đó, Cộng hòa Séc đã kêu gọi Liên minh châu Âu can thiệp để có thể duy trì hoạt động của Đài Âu châu tự do. Đài này phát sóng bằng 27 ngôn ngữ từ 23 quốc gia, tiếp cận hơn 47 triệu người mỗi tuần.
Giám đốc điều hành RFA Bay Fang cho biết trong một tuyên bố rằng tổ chức này dự định thách thức lệnh nói trên.
Việc cắt giảm tài trợ cho các cơ quan báo chí này là một "phần thưởng cho các nhà độc tài và bạo chúa, bao gồm Đảng Cộng sản Trung Quốc, những người không mong muốn gì hơn là ảnh hưởng của họ không bị soi xét trong không gian thông tin," ông nói.
RFA được thành lập vào năm 1996 và tiếp cận gần 60 triệu người mỗi tuần tại Trung Quốc, Myanmar, Triều Tiên, Campuchia, Việt Nam và Lào.
Tại Trung Quốc, đài này cũng phát sóng bằng các ngôn ngữ thiểu số như tiếng Tây Tạng và tiếng Duy Ngô Nhĩ, ngoài tiếng Anh và tiếng Quan Thoại.
"[Lệnh của Trump] không chỉ tước quyền của gần 60 triệu người dựa vào các bài báo của RFA hằng tuần để biết sự thật, mà còn mang lại lợi ích cho các đối thủ của Mỹ với chi phí của chính chúng ta," ông Fang nói.
Trong khi truyền thông nhà nước Trung Quốc đã ăn mừng các khoản cắt giảm, rất khó để biết người dân Trung Quốc cảm thấy thế nào về điều này vì không gian mạng của họ bị kiểm duyệt chặt chẽ.
Ngoài Trung Quốc, những người đã nghe VOA và RFA trong nhiều năm qua dường như đang thất vọng và lo lắng.
"Nhìn lại lịch sử, vô số người lưu vong, quân nổi dậy, trí thức và người dân thường đã kiên trì trong bóng tối nhờ vào tiếng nói của VOA và RFA, và đã nhìn thấy hy vọng trong nỗi sợ hãi nhờ vào việc đưa tin của các cơ quan báo chí này," Du Wen, một nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc sống tại Bỉ, viết trên X.
"Nếu thế giới tự do chọn cách im lặng, thì tiếng nói của nhà độc tài sẽ trở thành tiếng vọng duy nhất trên thế giới."