Diễn Văn Tưởng Niệm Tướng Nguyễn Khoa Nam

Chủ Nhật, 31 Tháng Mười Hai 20234:37 CH(Xem: 1771)
Diễn Văn Tưởng Niệm Tướng Nguyễn Khoa Nam

24x
Diễn Văn Tưởng Niệm Tướng Nguyễn Khoa Nam

 Diễn văn của Bác sĩ Hoàng Như Tùng (QYHD-6), Cựu Chỉ Huy Trưởng Quân Y Viện Phan Thanh Giản Cần Thơ, đọc trong lễ tưởng niệm tướng Nguyễn Khoa Nam tại Houston, Texas nhân ngày tang thương của đất nước.

*****

LỜI GIỚI THIỆU: Tôi, cựu Thiếu Tá Trần Văn Ngà, nguyên Trưởng Ban Thông Tin Báo Chí Quân Đoàn IV và Trưởng Ban Phát Thanh Tiếng Nói Vùng IV Chiến Thuật, trên làn sóng đài Phát Thanh Ba Xuyên và Cần Thơ (1964 - 1970). Tôi nhận được bài Diễn văn của cựu Y Sĩ Trung Tá Hoàng Như Tùng Chỉ Huy Trưởng Quân Y Viện Cần Thơ từ một người bạn rất thân - cựu Trung tá Vương Văn Trổ, nguyên tỉnh Tỉnh Trưởng & Tiểu Khu Trưởng Kiên Giang. Bài diễn văn này đọc trong một buổi Lễ Tưởng Niệm vị Tướng anh hùng Nguyễn Khoa Nam tuẫn tiết ngày 1.5.1975 tại văn phòng Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn IV & Quân Khu IV ở Tây Đô Cần Thơ. Nội dung bài diễn văn tưởng niệm Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam là một áng văn, tài liệu lịch sử được cô động lại qua mấy trang giấy ngắn ngủi mà diễn tả lại một cách chân thành sống động đầy đủ sự kiện một khúc quanh lịch sử của dân tộc đối với một vị Tướng Quân anh hùng vĩ nhân của đất nước và dân tộc Việt Nam, Nguyễn Khoa Nam.

Bài diễn văn tưởng niệm Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam của Y Sĩ Trung Tá Hoàng Như Tùng còn có thể nói là một tài liệu lịch sử hào hùng nhân bản của vị tướng quân kiệt hiệt anh dũng của dân tộc Việt Nam. Trước khi chọn cái chết liệt oanh, anh hùng tử khí hùng bất tử, Tướng Tư Lệnh Quân Khu IV còn đi thăm viếng lần cuối các thương bịnh binh còn nằm điều trị tại bệnh viện và Tướng quân còn có lòng nhân ái thăm cả kẻ thù VC bị thương đang điều trị như các chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà.

 Bác sĩ Hoàng Như Tùng còn có viết vài nét chấm phá độc đáo so sánh giữa sự tuẫn tiết của hai vị anh hùng dân tộc: Kinh Lược Sứ Phan Thanh Giản không thể chận ngăn được quân xâm lược thực dân Pháp tại Miền Tây nên cụ Phan chọn cái chết anh hùng bất tử và Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam cũng vậy, Tướng quân tuẫn tiết vì Tướng quân cũng không giữ được Miền Tây để cho quân cộng sản Bắc Việt xâm lược đô hộ Miền Tây và cả đất nước tự do dân chủ Việt Nam Cộng Hoà từ 30.4.1975. Dưới đây, nguyên bài diễn văn Tưởng Niệm Tướng Nguyễn Khoa Nam do Y Sĩ Trung Tá Hoàng Như Tùng đọc.

Kính thưa quý vị:

Tướng Nam bên nội thuộc gia tộc Nguyễn Khoa là một họ lớn từ đời Chúa Nguyễn Hoàng, thời nào cũng có người tài ba giúp nước. Bên ngoại là họ Nguyễn Phước, hệ vua Minh Mạng nhà Nguyễn.

Từ khi ra trường võ bị ông là sĩ quan tài ba trong chiến tranh, chức vụ cuối cùng là Tư lệnh Quân Khu IV kiêm Quân Đoàn IV quân lực VNCH.

Ông là quân nhân gương mẫu tài đức song toàn hiếm thấy của quân đội. Ông cũng là người có khiếu về hội họa, âm nhạc và là một Phật tử thuần thành, hiểu sâu về triết lý của thiền. Ông đã thừa hưởng những di truyền tốt đẹp cả bên nội lẫn bên ngoại. Một người bạn thân của ông đã mô tả ông là “con giòng cháu giống” như người Pháp nói “Bon sang ne sait pas mentir.” Khách quan hơn, xin mượn lời một phóng viên kiêm sử gia Pháp là Pierre Darcourt: “Điều đầu tiên làm cho ta chú ý đến ông là ông có vẻ mặt của một chiến sĩ cao quí.”

Còn riêng tôi, duyên nào lại gặp tướng Nam vào những giờ bi đát của lịch sử tại Quân Khu IV / Quân Đoàn IV?

Tôi vốn là người ở cùng làng với ông, làng Vỹ Dạ, nơi mà tộc Nguyễn Khoa nhiều người cư ngụ. Thuở nhỏ tôi học cùng trường với ông, trường Trung học Khải định Huế, sau ông 4 lớp. Bẵng đi thật lâu tôi mới gặp lại vào tháng 11-1974 khi ông được bổ nhiệm làm Tư lệnh QK4/QĐ4 còn tôi thì đang phục vụ tại Quân y viện Phan Thanh Giản Cần Thơ. Tôi cảm thấy vui vì được làm việc với người đàn anh đồng hương. Tôi định đến dinh để kính chào thăm viếng nhưng chưa kịp thực hành ý định thì Ban Mê Thuột mất, Quân Đoàn II rút lui hỗn lọan, Quân Đoàn I vào tay quân cộng sản, chiến tranh lan đến Quân Đoàn III.

Tướng Nam rất phẫn uất. Ông đã trả lời nhà báo Pierre Darcourt: “Mọi người đang nổi giận, quân đội đang bị hạ nhục.”

Ngày 28-4-75, gặp tướng Pazzi trong đoàn ngọai giao Pháp tại Cần Thơ, tướng Nam nói “Ông làm chứng giùm tôi, Quân Đoàn IV chúng tôi không thua, chính trị Saigon đã trói tay chúng tôi, bắt buộc chúng tôi phải thua.”

Tình hình quân sự biến đổi quá nhanh, tôi hoang mang nên tìm đến gặp vị tư lệnh để xin ý kiến.

Câu đầu tiên ông hỏi tôi:

“ Quân Y có việc gì đó?”

Tôi đáp:

“Thưa thiếu tướng tình hình đất nước quá xấu. Lãnh thổ Quân Khu IV có kế hoạch gì không?”

Ông bình tĩnh trả lời:

“Đừng lo, mình vừa đi họp với phái bộ tòa đại sứ Pháp. Sẽ có giải pháp ngoại giao, miền Tây không mất đâu, còn đầy đủ quân số tác chiến.”

Tôi toan xin phép ra về, không hiểu sao ông lại hỏi:

“Nếu phải đánh nhau, Quân Y tính sao?”

Tôi đáp:

“Xin tuân lệnh.”

Ông nói tiếp:

“Quân Y cần gì?”

Tôi thưa:

“Nếu phải chiến đấu thì Quân Y Viện không có phương tiện phòng vệ để chống lại pháo 122 ly của địch. Xin thiếu tướng cho công binh xây gấp hầm nổi kiên cố để làm phòng mổ và một máy phát điện dự phòng.
Ông đáp:

“Tôi sẽ ra lệnh thi hành gấp. Có thể Bộ (Tổng - tôi thêm) Tham Mưu sẽ chuyển về Cần Thơ.
Hầm giải phẫu nổi xây gần xong thì mất nước.

Sáng ngày 30-4-75 trong lúc các đơn vị trưởng đang họp tại phòng hội Quân Đoàn IV để nghe Tư lệnh và Tư lệnh phó chỉ thị, thì tiếng loa phóng thanh loan tin tướng Dương Văn Minh ra lệnh buông súng chờ bàn giao. Là một quân nhân, tướng Nam buồn bã thi hành lệnh thượng cấp. Đại tá Nguyễn Đình Vinh, tham mưu trưởng quân đoàn, nghiêm trang nói to:

“Binh nghiệp chúng ta chấm dứt từ giờ phút này, xin quí vị dành cho thiếu tướng tư lệnh và tư lệnh phó lời chào kính cuối cùng.”

“ Nghiêm!”

Rồi tan hàng, rã ngũ.

Phần tôi nhiệm vụ chưa hết, tôi trở về đơn vị tiếp tục phần hành chuyên môn vì thương binh vẫn còn nhập viện, lòng buồn vô hạn, ngày mai không còn tự do, cộng sản sẽ dành cho người thua trận những gì? Riêng với các tướng Hưng, tướng Nam và các tướng lãnh khác không di tản, họ sẽ ra sao? Suy nghĩ mông lung mà lệ chảy lúc nào không hay.

Suốt ngày 30-4 vẫn chưa thấy bóng dáng Việt cộng. Cần Thơ yên tĩnh một cách khác thường. 5 giờ 30 chiều quân y viện được tin tướng Nam sắp đến thăm thương bệnh binh. Ông vẫn mặc quân phục tác chiến, áo mũ vẫn còn thêu hai sao đen. Ông hỏi tôi:

“Anh còn ở lại?”
Tôi thưa:
“Dạ, giống như thiếu tướng vậy”.
Ông bảo:
“Anh đưa tôi đi thăm anh em thương binh”.
Hai chúng tôi lặng lẽ đi bên nhau, lòng trĩu nặng. Nhà thương vắng hoe, bệnh nhân còn lại khoảng 200 người nằm rải rác khắp các trại, những người khác đã tự động về nhà. Ông thăm không sót một ai. Ngay cả trại dành cho thương binh cộng sản ông cũng vào đứng trầm ngâm, không nói một lời. Ôi nhân hậu làm sao!

Tiễn ông ra xe, tôi cầu mong chuyến về dinh bình an. Nếu gặp Việt cộng sự thể sẽ ra thế nào?

Đêm 30-4 không yên tĩnh như suốt ngày vừa qua. Quân nhân chưa rã ngũ mang súng bắn chỉ thiên loạn xạ, như để trút hết uất ức, căm thù. Người ta tưởng tướng Nam và tướng Hưng đánh úp VC.

Về khuya tiếng súng im. Đêm rơi vào im lặng, đêm dài tưởng chừng như bất tận. 11 giờ đêm tướng Hưng bắn vào tim quyên sinh tại nhà, vợ con có mặt. Phu nhân tướng Hưng báo tin ngay cho tướng Nam.

Vào khoảng 6 giờ sáng quân y viện Phan Thanh Giản được điện thoại từ dinh tư lệnh cho biết tướng Nam đã tuẫn tiết bằng súng lục Browning.

Tôi tuy đã dự đoán trước việc này nhưng vẫn bàng hoàng, đau thương trước cái chết của người anh hùng. Bằng xe hồng thập tự, chúng tôi rước xác thiếu tướng về để làm thủ tục khai tử, khâm liệm và an táng. Lần này đón thi thể của vị tướng tư lệnh là đủ mặt nhân viên quân y viện còn ở lại đơn vị. Ai nấy đều xúc động, rưng rưng nước mắt.

Bác sĩ trực Trần Quốc Đông (hiện ở Úc) làm tờ y chứng. Thủ tục khám nghiệm đã xong, quân y viện xúc tiến tang lễ. Kiểm điểm tư trang của người quá cố chỉ thấy:

-Một cuốn kinh Phật nhỏ đựng trong một túi nylon.

-Một khẩu súng lục hiệu Browning 7.2 mm

-Một thẻ bài kim khí cá nhân.

Ba món này đã được bỏ vào quan tài để làm vật lưu dấu phòng thất lạc thi hài người chết.

Toàn thành phố Cần Thơ xúc động vì hai tướng Hưng, Nam tuẫn tiết. Hội Hồng thập tự, do Bác sĩ Lê Văn Thuấn làm chủ tịch, biếu hai quan tài loại tốt nhất, dành cho tướng Nam và Bác sĩ Nguyễn Văn Tựu, y sĩ đại úy thuộc Quân Đoàn IV, bị VC sát hại đêm 30-4-75.

Thi thể tướng Nam được trang trọng đặt nằm trên một brancard có trải drap trắng. Ông nằm như ngủ, mặt hiền từ trắng xanh, tay chân còn mềm. Bên cạnh là thi hài của bác sĩ Tựu.

Bàn thờ hai vị được thiết lập đơn sơ nhưng trang nghiêm, có nhang thơm nến cháy. Toàn thể nhân viên quân y viện buồn bã nghiêng mình tiễn đưa vị anh hùng và người thầy thuốc chết vào giờ thứ 25 của cuộc chiến.

Nắp áo quan đóng lại. Anh em sĩ quan, trong đó có tôi, khiêng quan tài tướng Nam và Bác sĩ Tựu ra xe dân sự tiến về phía nghĩa trang quân đội Cần thơ. Hướng dẫn xe tang và chỉ huy lễ hạ huyệt do thiếu tá dược sĩ Mai Bá Vỵ sĩ quan CTCT thi hành. Một bán tiểu đội cơ hữu của quân y viện phụ trách việc đào huyệt. Rất may tang lễ được hoàn tất trước khi người của chế độ mới vào tiếp thu Bệnh viện.

Trước khi bước vào phần kết thúc tôi xin phép được sơ lược nêu lên vài điều đặc biệt trong cái chết của tướng Nam.

1) Thứ nhất, có một sự trùng hợp giữa tướng Nam và cụ Phan Thanh Giản, kinh lược sứ miền Tây nam phần năm 1867, cách đây 141 năm: hai vị cùng trấn nhậm miền Tây, hai vị cùng tuẫn tiết khi không bảo toàn được lãnh thổ, và lễ an táng tướng Nam được cử hành tại quân y viện mang tên Phan Thanh Giản.

Tuy nhiên cũng có một điểm khác biệt. Vì không giữ được 3 tỉnh miền tây, mặc dầu đã tự sát, cụ Phan đã bị vua Tự Đức và triều đình giận dữ và cho đục tên cụ trên bia tiến sĩ. Còn tướng Nam thì muốn đánh trả quân thù nhưng bị thượng cấp trói tay.

2) Tướng Nam tuy đã chết nhưng hùng khí vẫn còn làm quân địch lo sợ. Họ nghĩ là ông chưa chết, tử thi an táng không phải thật. Họ định quật mồ nhưng đã không làm được. Dân chúng Cần thơ tin là ông vào lập chiến khu ở trong bưng để chờ ngày phục quốc. Những ai có mặt ở Quân Khu 4 vào những ngày đó đều biết.

3) Chiều 30-4 ông đi thăm các chiến sĩ đang bị thương tật ở Bệnh viện Phan Thanh Giản, sáng hôm sau, 1 tháng 5, ông là một tử sĩ được chính Bệnh viện này rước về làm tang lễ. Chiều hôm trước ông đi thăm thương bệnh binh, sáng hôm sau anh linh ông đi thăm các tử sĩ tại nghĩa trang quân đội Cần Thơ, và ông an nghỉ nơi đây cùng với họ gần 10 năm, cho đến ngày cải táng.

4) Các tướng lãnh tuẫn tiết như tướng Phú, tướng Hai, tướng Vỹ, tướng Hưng có thân nhân lo về chung sự, trong niềm thương đau và không khí gia đình ấm cúng. Riêng tướng Nam, suốt đời binh nghiệp ông sống độc thân, lấy quân đội làm đại gia đình, lấy đơn vị làm tiểu gia đình. Và cuối cùng ông được quân đội và chiến hữu lo tròn tang lễ với lễ nghi quân cách, ấm cúng tình huynh đệ chi binh.

5) Việc cải táng phục tang cho ông mang nhiều chi tiết ý nghĩa. Tháng hai năm 1984 người em dâu tướng Nam, vợ của cựu thượng nghị sĩ Nguyễn Khoa Phước, bào đệ của ông, là giáo sư Kim Đính về Cần thơ bốc mộ và hỏa táng. Những gì quân y viện Phan Thanh Giản bỏ vào quan tài khi khâm liệm vẫn còn đủ: thẻ bài căn cước cá nhân, cuốn kinh Phật, khẩu súng Browning đã rỉ sét. Khi qua phà Cần thơ bà lặng lẽ khấn vái rồi thả xuống sông Hậu nửa số tro như là thủy táng cho ông để kỷ niệm vùng đất ngày trước ông trấn nhậm, nửa kia đem về thờ ở chùa Quảng Hương Già Lam, Saigon. Mỗi lần có dịp về Saigon tôi thường đến thắp nhang tưởng niệm.

Tướng Nam đã đi vào lịch sử bằng nhiều bút tích ghi lại biến cố 30-4-75, và không ít thi sĩ đã viết về Người, mà thơ là tiếng nói trung thực nhất của tâm hồn. Để kết thúc tôi xin mượn bài thơ sau đây của một quân y sĩ quân lực VNCH là Bác sĩ Hà Thúc Như Hỷ viết truy điệu người anh hùng:

Một mai sau
Và mãi mãi muôn đời
Nguyễn Khoa Nam
Tên Người còn nhắc nhở
Người anh hùng vị quốc vong thân
Sinh vi tướng, tử vi thần
Một cái chết muôn ngàn lần sống
Một cái chết không đầu hàng giặc cộng
Để miền Nam kiêu hãnh ngẩng mặt lên
Cho Hương giang rửa sạch ưu phiền
Và Tiền giang triền miên thương tiếc
.


Kính thưa liệt quí vị,

Đến đây là thật sự kết thúc. Trước khi dứt lời tôi thành thật xin lỗi là đã lạm dụng thì giờ quí báu của quí vị quá nhiều, vì những biến cố lịch sử chỉ xảy ra có một lần và nhân chứng cũng chỉ sống có một đời, chắc quí vị niệm tình tha thứ. Nay người thuyết trình là một quân nhân xấp xỉ 80 tuổi, trước khi đi xa có đôi lời tâm huyết bộc bạch sự thật được chứng kiến để tỏ lòng tôn kính, tri ân quý vị anh hùng liệt sĩ.
Và một lần nữa kính cám ơn ban tổ chức đã bỏ bao công sức và tâm huyết để thực hiện buổi lễ ý nghĩa hôm nay.

Hoàng Như Tùng, Khóa 6 Quân Y Hiện Dịch (QYHD-6)

Nguyên Chỉ Huy Trưởng Quân Y Viện Phan Thanh Giản, Cần Thơ.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn