Từ trái qua: Ông Lê Duy Thành, bà Hoàng Thị Thúy Lan, ông Nguyễn Văn Hậu (Hậu Pháo)

Nguồn hình ảnh, Bộ Công an

Chụp lại hình ảnh,

Từ trái qua: ông Lê Duy Thành, bà Hoàng Thị Thúy Lan, ông Nguyễn Văn Hậu (Hậu Pháo)

Tập đoàn Phúc Sơn có dự án trên nhiều tỉnh thành khắp Việt Nam và cáo buộc sai phạm tại tập đoàn này đã kéo nhiều quan chức cấp tỉnh, từ Vĩnh Phúc đến Quảng Ngãi, vào vòng lao lý.

Hôm 20/3, trang Xây dựng chính sách, pháp luật của Chính phủ Việt Nam đã có bài viết thông báo việc UBND tỉnh Khánh Hòa có công văn yêu cầu khẩn trương làm việc với Tập đoàn Phúc Sơn để kiểm tra, rà soát các dự án.

Theo đó, hiện tỉnh Khánh Hòa có hai dự án của tập đoàn được phê duyệt từ năm 2014, tới nay đã "treo" trong 10 năm, và ba dự án "chưa hoàn thành đúng cam kết". Bên cạnh đó, Tập đoàn Phúc Sơn vẫn chưa nộp số tiền gần 12.000 tỉ đồng mà tỉnh Khánh Hòa truy thu khi doanh nghiệp này thực hiện nghĩa vụ tài chính tại dự án Khu trung tâm đô thị, thương mại, dịch vụ, tài chính, du lịch Nha Trang.

Dự án này từng được Thanh tra Chính phủ kết luận có nhiều vi phạm.

Đáng chú ý, trang này còn liệt kê 15 bị can bị khởi tố, bắt tạm giam trong vụ án Tập đoàn Phúc tính đến thời điểm hiện tại.

Trong số này có một bí thư tỉnh ủy, chủ tịch HĐND tỉnh; hai chủ tịch UBND tỉnh; một nguyên chủ tịch UBND tỉnh; cùng một loạt lãnh đạo Tập đoàn Phúc Sơn và các cá nhân liên quan,...

Những thông tin này trên trang của chính phủ cho thấy đây sẽ là một trong những “đại án”.

Trong cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 2/2024, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an, cho biết chỉ riêng hai dự án của tập đoàn này tại tỉnh Vĩnh Phúc “đã gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước trên 640 tỷ đồng”.

Danh sách 9 bị can liên quan đến vụ án xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn
Chụp lại hình ảnh,

Danh sách 9 bị can liên quan đến vụ án xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn

Nhiều quan chức bị bắt

Trang Xây dựng chính sách, pháp luật của Chính phủ Việt Nam cho biết, khi mở rộng điều tra vụ án Tập đoàn Phúc Sơn, có ba tỉnh là Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi và Vĩnh Long được xác định là có liên quan.

Từ đó, các tội “Nhận hối lộ”, “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi” được khởi tố bổ sung.

Một số quan chức của ba tỉnh nói trên đã bị khởi tố, bắt tạm giam và khám xét.

Mới đây nhất, vào đầu tháng 3/2024, hai quan chức ở Vĩnh Phúc là bà Hoàng Thị Thúy Lan và ông Lê Duy Thành đều bị khởi tố, tạm giam về tội “Nhận hối lộ”.

Bà Thúy Lan là Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, Ủy viên Trung ương Đảng, Đại biểu Quốc hội Khóa XV. Bà vốn là một giáo viên trung học cơ sở (cấp 2), sau đó thăng tiến qua công tác đoàn hội. Trong khoảng thời gian từ năm 1997 đến 2006, bà làm công tác đoàn thanh niên, là ủy viên Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và ủy viên Trung ương Đoàn trong khoảng thời gian từ năm 1997 đến 2006.

Sau đó, bà trở thành Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc.

Ông Lê Duy Thành là Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc. Ông Thành từng giữ các chức vụ như: Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vĩnh Phúc.

Với trường hợp bà Lan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nghị quyết về việc tạm đình chỉ nhiệm vụ đại biểu của bà và cho phép các cơ quan chức năng thực hiện việc khởi tố, bắt tạm giam và khám xét.

Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an, cung cấp thông tin về vụ án tại Tập đoàn Phúc Sơn tại họp báo Chính phủ tháng 2/2024

Nguồn hình ảnh, VGP

Chụp lại hình ảnh,

Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an, cung cấp thông tin về vụ án Tập đoàn Phúc Sơn tại họp báo Chính phủ tháng 2/2024

Còn ở Quảng Ngãi, Chủ tịch UBND tỉnh, nguyên Giám đốc Sở Giao thông vận tải là ông Đặng Văn Minh và cựu Chủ tịch UBND tỉnh là Cao Khoa đều đã bị khởi tố về tội "Nhận hối lộ" và bị tạm giam.

Hàng loạt quan chức thuộc Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Ngãi cũng nằm trong danh sách bị can: ông Hà Hoàng Việt Phương, Trưởng Ban quản lý khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp, nguyên Phó Giám đốc sở; ông Phạm Ngọc Thủy, Phó Giám đốc sở, nguyên Trưởng phòng Kỹ thuật & Chất lượng thuộc sở này; ông Lê Quốc Đạt, Giám đốc Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nguyên Trưởng phòng Quản lý Đầu tư thuộc sở này.

Vĩnh Long, ông Đặng Trung Hoành, Chánh Văn phòng Huyện ủy huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long đã bị khởi tố, bắt tạm giam về tội “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”.

Tuyến đường bờ nam sông Trà Khúc (Quảng Ngãi), dự án được cấp phép từ năm 2012 với tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng vào thời điểm đó
Chụp lại hình ảnh,

Tuyến đường bờ nam sông Trà Khúc (Quảng Ngãi), dự án được cấp phép từ năm 2012 với tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng vào thời điểm đó

Trước đó, ngày 26/2, ông Nguyễn Văn Hậu tức Hậu Pháo, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn, đã bị bắt với cáo buộc để ngoài sổ sách kế toán doanh thu, gây thiệt hại cho tài sản nhà nước.

Cùng bị bắt với ông Hậu là bà Nguyễn Thị Hằng, Phó Tổng Giám đốc; bà Đỗ Thị Mai, Kế toán trưởng; bà Hoàng Thị Tuyết Hạnh, Kế toán viên; ông Trần Hữu Định, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Nam Á Group và Nguyễn Hồng Sơn, lao động tự do. Những người này bị điều tra về tội "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng".

Có thể thấy, trong danh sách bị khởi tố đến nay, Quảng Ngãi là tỉnh có nhiều cán bộ lãnh đạo bị liên lụy nhất, không tính "tỉnh nhà" Vĩnh Phúc, nơi Tập đoàn Phúc Sơn đóng trụ sở. Việc lật lại các dự án đã triển khai từ lâu (có công trình từ năm 2012) tại Quảng Ngãi có thể có những ngụ ý sâu xa hơn, theo một nhà quan sát am tường tình hình chính trị-xã hội của Việt Nam chia sẻ với BBC News Tiếng Việt.

Một góc dự án khu đô thị Bàu Giang của Tập đoàn Phúc Sơn tại Quảng Ngãi
Chụp lại hình ảnh,

Trâu bò nhởn nhơ gặm cỏ trên vùng đất thuộc Dự án khu đô thị Hoàng Thịnh Đạt ở Bình Sơn Tập đoàn Phúc Sơn tại Quảng Ngãi

Tập đoàn Phúc Sơn

Phúc Sơn có xuất phát điểm là một công ty xây dựng nhỏ được thành lập vào năm 2004 tại Vĩnh Phúc.

Đến năm 2009, Tập đoàn Phúc Sơn ra đời, có trụ sở chính ở huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc, hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, xây dựng.

Ông Nguyễn Văn Hậu sinh năm 1981 sinh sống tại Hà Nội nhưng quê ông là ở tỉnh Vĩnh Phúc. Ông là người đại diện pháp luật của Tập đoàn Phúc Sơn. Ngoài vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị, ông còn là Tổng Giám đốc.

Ông Hậu còn là đại diện pháp luật của một số doanh nghiệp khác như Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Phúc Khánh, Công ty cổ phần Đầu tư thương mại và bất động sản Thăng Long, Công ty TNHH Một thành viên khu đô thị Bàu Giang, Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng công nghiệp Phúc Sơn.

Tập đoàn Phúc Sơn gây chú ý với hàng loạt dự án lớn và quỹ đất lên đến hàng trăm héc ta nhưng chậm tiến độ, "đắp chiếu" tại Vĩnh Phúc:

  • Khu Trung tâm thương mại và Nhà ở Phúc Sơn (huyện Vĩnh Tường) với quy mô 127 ha;
  • Khu chợ đầu mối nông sản (huyện Vĩnh Tường) với quy mô 186 ha;
  • Dự án đầu tư và nâng cấp đê tả sông Hồng tổng mức đầu tư là hơn 1.500 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương là 70%, còn lại 30% là ngân sách tỉnh;

Còn ở Quảng Ngãi, tập đoàn này có một số dự án vẫn chưa hoàn thành như: đường bờ Nam sông Trà Khúc (tổng vốn đầu tư gần 1.000 tỉ đồng, thời điểm năm 2012); Khu đô thị công nghiệp Dung Quất (2.000 tỉ đồng); khu đô thị Bàu Giang (3.318 tỉ đồng) và dự án nhà máy nước Quảng Ngãi (540 tỉ đồng)...

Tập đoàn này còn vướng vào rắc rối với những dự án chậm tiến độ tại tỉnh Khánh Hòa. Hiện tỉnh này có hai dự án của tập đoàn được phê duyệt từ năm 2014 tới nay đã "treo" trong 10 năm, khiến "dư luận địa phương bức xúc", còn các thủ tục pháp lý về bồi thường, giải phóng mặt bằng tại hai dự án đều chưa hoàn thành, theo trang Xây dựng chính sách, pháp luật.