Đỗ Anh Tuấn, tức Tuấn 67, là người bắt tôi ở Biên Hoà

Thứ Hai, 12 Tháng Mười Một 20185:23 SA(Xem: 7056)
Đỗ Anh Tuấn, tức Tuấn 67, là người bắt tôi ở Biên Hoà

Đây là lần đầu tiên tôi công khai nó, cũng bởi chỉ vì bị Tuấn 67 làm cho “nổi tiếng”.

Tôi làm ở tờ báo này 8 năm, phải mất cả chừng 1 năm suy nghĩ với nhiều giằng co tôi mới quyết định nộp đơn xin nghỉ việc. Trước khi nộp đơn thì trong tôi có nhiều cảm xúc, suy nghĩ mâu thuẫn đan xen nhau, giằng co nhau. Nhưng khi ra bưu điện gửi đơn xong thì tự dưng thấy lòng nhẹ nhõm, cứ như vừa bỏ được tảng đá nặng đang đè trên người mình.

Tôi làm vậy, không phải có ý nói mọi người hãy nghỉ việc như tôi. Tôi biết, đặc thù công việc của mỗi ngành nghề khác nhau. Ai cũng cần công việc bởi “có thực mới vực được đạo”. Tôi nghỉ việc, nhưng tôi vẫn làm báo và thu nhập bằng nghề này được. Đó là điều rất may mắn ở tôi.

Tôi vốn xuất thân từ gia đình “bần cố nông”. Hồi đi học, cũng như nhiều học sinh khác tôi cũng “kính yêu bác Hồ”, “khâm phục bác Giáp”, cũng không biết ghét đảng cộng sản… Nhưng có một điều lạ là trong tôi, từ bé xíu đã thấy thích các nước tư bản giãy mãi chưa chết vì lẽ: tại sao dân có thể vô tư chỉ trích tổng thống…

Sau khi ra trường, tôi chỉ thích cống hiến cho công việc, tôi chỉ quan tâm đến những người dân nơi tôi đang sống (không tính đến gia đình ở đây) ngoài ra chẳng quan tâm đến bất cứ thứ gì, từ chính trị đến người bất đồng chính kiến.

Nhiều khi thấy những người dân oan mất đất, những giáo viên đấu tranh với cấp trên bị xa lánh… Nó đã thúc giục tôi phải làm điều gì đó. Nhưng ngoài viết báo ra, nhiều lúc không được đăng vì “nhạy cảm” hoặc… thì tôi chẳng biết làm gì cả. Bất lực!

Rồi có những lần đi làm từ thiện, trao quà Nhân ái của bạn đọc đến với các hoàn cảnh, tôi bị phía quan chức xã gây khó khăn… Tôi cảm thấy bất lực, vừa chạy xe vừa gào khóc như 1 con điên. Tôi thấy căm thù “ông trời”, vì tại sao tôi đi giúp người, mang tiền đến giúp người nghèo, người bệnh mà lại “làm khổ” tôi như thế?

Và rất nhiều điều khác, nó buộc tôi phải “tự chuyển hóa”, “tự diễn biến”. Tôi muốn đi tìm giá trị đích thực của một xã hội con người.

Và rồi, đến ngày 9/11/2018, tôi bị Tuấn 67 bắt ở Biên Hoà. Thật ra đây không phải là lần đầu tiên tôi bị bắt, nó là lần thứ 3. Nhưng duy chỉ lần này là bị “nổi tiếng”.

Nguồn: FB Nguyễn Trung

Khi được thả ra, vừa về đến SG, dừng chân chỗ cô hiệu trưởng trường con tôi, chị liền ôm chặt tôi và nói: “Chị thương em nhiều lắm, chị thương cả bé TM nữa. Chị thương cả hai mẹ con, con em còn nhỏ quá. Em hãy chờ cho nó lớn thêm chút nữa rồi hãy làm gì thì làm”.

Chị cứ ôm chặt tôi như vậy, tự dưng đang căm hận tụi bắt và đánh mình thì nước mắt tôi bỗng chảy.

Tôi nói rằng, cái xã hội này quá nhiều người khổ, tôi không cầm lòng được. Nếu tôi không làm gì cả, thì cuộc sống của tôi cũng chỉ là chờ cho tới ngày chết. Cả xã hội, nếu ai cũng nghĩ chờ cho tới ngày con mình lớn rồi mới làm gì đó thì xã hội sẽ ra sao? Trong khi nhiều người lớn lại nói họ đã già chẳng làm được gì nữa, chỉ trông mong thế hệ trẻ sẽ làm được gì đó? Tất cả đều có lý do “chính đáng” để chờ… và không làm gì.

Còn việc em bị an ninh đánh đập, đó là chuyện bình thường, một điều tất yếu khi chống lại cái ác. Chúa Jesu đi truyền đạo còn bị đóng đinh, giết chết treo lên thập tự giá. Thánh Gandhi đấu tranh chống lại áp bức bất công cũng bị đánh cho sứt đầu, chảy máu. Mandela còn bị nhốt tù 26 năm… Thế thì em có là gì. Cái mạng em nó chỉ là bọt bèo thôi.

Và rồi chị Hiệu trưởng đồng ý, chị nói sẽ cầu nguyện cho tôi…

Một số phụ huynh có con bị bắt, xét xử ở Đồng Nai khóc và gọi cho tôi rằng: Chị đã đọc kinh cầu nguyện cho em, chị phải ra nghĩa trang đọc kinh nhờ các linh hồn người chết giúp em…

Và rồi bạn bè thân thiết, cũng như cộng đồng mạng đã rất quan tâm đến tôi. Đó là điều mà tôi thấy mình may mắn nhất, cần nhất khi đã được sống trên đời này.

Một số người ngỏ ý giúp tôi tiền xăng xe, mua lại điện thoại. Tôi rất cảm ơn mọi người, tôi xin ghi lòng tạc dạ, và trân trọng tấm lòng của tất cả mọi người. Nhưng cho phép tôi được từ chối món quà đó, bởi tôi vẫn đang lo được cho mình, và rất nhiều người cần sự giúp đỡ đó hơn tôi.

Tôi mong mọi người hướng về những người tù yêu nước “vô danh”, họ là những người đấu tranh thầm lặng, hy sinh thầm lặng, và khó khăn thầm lặng mà chưa được ai giúp đỡ.

Trân Trọng!

H4-49

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn