Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất 15 -3-2023 ( Cập nhật nhiều lần )

Thứ Tư, 15 Tháng Ba 20235:36 SA(Xem: 1723)
Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất 15 -3-2023 ( Cập nhật nhiều lần )
Hoaluc 4
*************
voatiengviet.com

Điện Kremlin: Quan hệ với Mỹ xấu đi vì sự cố máy bay không người lái

Reuters

Hôm 15/3, Điện Kremlin nói rằng mối quan hệ với Hoa Kỳ đang ở trong “tình trạng thảm hại” và rơi xuống mức thấp nhất, sau khi Washington cáo buộc Nga làm cho một máy bay do thám không người lái của Mỹ bị rơi trên Biển Đen, theo Reuters.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên rằng không có liên lạc cấp cao nào với Washington về vụ việc này và ông không có gì để bổ sung cho tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga.

Ông cho biết quan hệ song phương đang “ở mức thấp nhất, trong tình trạng thạm hại” nhưng “đồng thời, Nga chưa bao giờ từ chối đối thoại mang tính xây dựng và hiện cũng không từ chối đối thoại”.

Quân đội Hoa Kỳ hôm 14/3 cho biết rằng một máy bay chiến đấu của Nga đã va vào cánh quạt của một trong những máy bay do thám không người lái của họ khi chiếc máy bay này bay qua Biển Đen trong không phận quốc tế, khiến nó lao xuống biển. Tướng Không quân Hoa Kỳ James Hecker gọi đó là “hành động không an toàn và không chuyên nghiệp của người Nga”.

Nga phủ nhận việc đâm vào máy bay không người lái này, cho rằng nó đã bị rơi do “thay đổi đường bay đột ngột”.

Ông Anatoly Antonov, Đại sứ Nga tại Hoa Kỳ, nói rằng máy bay không người lái này “có chủ ý và khiêu khích đang di chuyển về phía lãnh thổ Nga”.

“Hoạt động không thể chấp nhận được này của quân đội Hoa Kỳ gần biên giới của chúng tôi là một nguyên nhân gây lo ngại”, ông Antonov nói. “Họ thu thập thông tin tình báo, sau đó được chế độ Kyiv sử dụng để tấn công lực lượng vũ trang và lãnh thổ của chúng tôi”.

Chiếc máy bay không người lái của quân đội Hoa Kỳ rơi xuống Biển Đen sau khi bị Nga nghênh chặn.


*********
bbc.com

Chiến đấu cơ của Anh và Đức chặn máy bay Nga ở gần không phận Estonia


MINISTRY OF DEFENCE

Nguồn hình ảnh, MINISTRY OF DEFENCE

Chụp lại hình ảnh,

Hai chiếc chiến đấu cơ Typhoon của Anh tham gia chặn máy bay Nga (hình lưu trữ)

  • Tác giả, Christy Cooney
  • Vai trò, BBC News

Các chiến đấu cơ của Anh và Đức đã chặn một máy bay Nga ở khu vực gần không phận Estonia trong hoạt động chung đầu tiên của không lực hai nước.

Hai chiếc Typhoon hôm thứ Ba đã chặn một chiếc máy bay tiếp liệu Il-78 Midas đang bay giữa St Petersburg và Kaliningrad.

Chiếc máy bay đã không liên lạc với bộ phận kiểm soát không lưu ở Estonia.

Các lực lượng không quân của Anh và Đức hiện đang tiến hành kế hoạch giám sát chung của NATO đối với không gian trong khu vực.

Bản thân việc ngăn chặn đã diễn ra thường xuyên, nhưng đây là lần đầu tiên một hoạt động như vậy được hai nước cùng thực hiện.

Vụ việc xảy ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa NATO và Moscow về việc Nga xâm lược Ukraine, mặc dù không có bằng chứng nào có thấy có bất kỳ mối liên hệ nào giữa vụ này với vụ va chạm được báo cáo hôm thứ Ba giữa một chiến đấu cơ của Nga và một máy bay không người lái của Hoa Kỳ trên Biển Đen.

Sau khi kèm chiếc Midas, hai phi cơ phản lực được chuyển hướng để chặn đường một chiếc máy bay An-148 cũng đang bay gần không phận Estonia.

Các phi cơ phản lực này thuộc Lực lượng Không quân Viễn chinh 140 của Không lực Hoàng gia Anh (RAF) và Lực lượng Không quân Chiến thuật 71 Richthofen của Đức.

RAF từ tháng Tư sẽ đảm nhiệm sứ mệnh dẫn dắt hoạt động tuần tra trên không vùng Baltic vốn đã được Nato thực hiện từ lâu, là vai trò hiện do lực lượng không quân Đức gánh vác.

RAF sẽ dẫn đầu nhiệm vụ trong bốn tháng, và các hoạt động chung của Anh và Đức sẽ tiếp tục cho đến cuối tháng Tư.

Bốn phi cơ phản lực Typhoon của RAF hiện đang được triển khai như một phần của nhiệm vụ và đóng tại căn cứ không quân Ämari ở Estonia.


***********
rfi.fr

Mỹ đối đầu với Nga và Trung Quốc ở hai chiến tuyến cùng một lúc

Phan Minh

Hoa Kỳ đã khẳng định với Trung Quốc rằng việc giao vũ khí cho Nga sẽ gây ra “hậu quả nghiêm trọng”. Điều này không chỉ làm thay đổi sâu sắc bản đồ địa chiến lược ở châu Âu và Đông Á, mà còn là nhân tố bổ sung vào một cuộc leo thang quân sự nguy hiểm. Đó là nội dung bài phân tích được đăng hôm 04/03/2023 trên trang mạng Asialyst. RFI xin trích dịch.

“Trung Quốc sẽ phải có quyết định về cách thức mà họ sẽ tiến hành nếu Bắc Kinh hỗ trợ Matxcơva về mặt quân sự, nhưng nếu họ làm thế, họ sẽ phải trả một cái giá nhất định cho hành động của mình”, cố vấn an ninh Nhà Trắng Jake Sullivan cho biết như vậy trên kênh truyền hình Mỹ CNN hôm 26/02. Ông cũng nói thêm trên kênh ABC rằng Trung Quốc tuy chưa giao vũ khí cho Nga, nhưng cũng không loại trừ khả năng sẽ làm như vậy. 

Cả Hoa Kỳ và các đồng minh trong khối Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong những ngày gần đây đã bày tỏ lo ngại về khả năng Trung Quốc chuyển giao vũ khí cho Nga và đã nỗ lực ngăn cản chính quyền Bắc Kinh thực hiện hành động này. Hôm 24/02, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken công khai tuyên bố rằng Bắc Kinh đã viện trợ “vũ khí không sát thương cho Matxcơva và hiện họ đang “thực sự cân nhắc” cung cấp cho Nga cả vũ khí sát thương, sau hơn một năm nổ ra cuộc chiến tranh Ukraina. Sau những tuyên bố này của lãnh đạo ngoại giao Hoa Kỳ, giám đốc CIA, William Burns cũng phát biểu trên kênh CBS : “Chúng tôi chắc chắn rằng giới lãnh đạo Trung Quốc đang xem xét việc chuyển giao vũ khí sát thương. Tuy nhiên, chúng tôi chưa thấy Bắc Kinh đưa ra quyết định cuối cùng vào thời điểm này và chúng tôi không có bằng chứng về việc gửi các vũ khí sát thương cho Nga.” 

Trong khi đó, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Michael McCaul thuộc đảng Cộng Hòa nói đến những thông tin về việc Bắc Kinh có kế hoạch chuyển giao drone cho Nga. Theo ông McCaul, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang chuẩn bị chuyến công du Matxcơva để gặp tổng thống Nga Vladimir Putin… 

Hồi tháng 02/2022, chỉ vài ngày trước khi chiến tranh ở Ukraina nổ ra, Nga và Trung Quốc đã công bố một mối quan hệ đối tác “không giới hạn”, nhưng hai bên không cho biết thêm chi tiết cụ thể. Chính thuật ngữ “không giới hạn” được sử dụng trong chuyến thăm Bắc Kinh của tổng thống Putin đã gợi ý rằng sự hợp tác này có thể mở rộng sang lĩnh vực quân sự. 

Luc de Barochez, biên tập viên của tuần báo Le Point hôm 28/02 cho biết rằng nếu Trung Quốc đưa ra quyết định cung cấp vũ khí cho Nga, chẳng hạn như đạn pháo hoặc drone chiến đấu, thì “tác động địa chính trị sẽ rất lớn”“Khi trở thành, cho dù qua ủy quyền, một tác nhân tham chiến trên lãnh thổ châu Âu, Trung Quốc sẽ đẩy nhanh quá trình xa cách với phương Tây. Bắc Kinh sẽ tự khẳng định mình là một siêu cường không chỉ về kinh tế và chính trị mà còn về quân sự.” 

Tính trung lập hình thức (bề ngoài)

Nhưng thực tế là Tập Cận Bình không thể để Vladimir Putin thua cuộc chiến này. Giả thuyết về một sự thay đổi chế độ ở Matxcơva rất có thể mở ra khả năng Nga xích lại gần phương Tây và đó là một cơn ác mộng về mặt chiến lược đối với đảng Cộng Sản Trung Quốc, bởi khi đó, Bắc Kinh sẽ bị cô lập hơn bao giờ hết trên trường quốc tế. Vì vậy, mối quan tâm thực sự của Bắc Kinh là kéo dài cuộc chiến ở Ukraina. 

Một mặt, cuộc xung đột ở Ukraina khiến Hoa Kỳ không tập trung vào sự cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc và do đó, tạo điều kiện cho Bắc Kinh tiếp tục âm thầm chuẩn bị cho một cuộc can thiệp quân sự vào Đài Loan. Mặt khác, cuộc chiến này duy trì Nga trong tình thế thấp kém, nếu không muốn nói là chư hầu so với Bắc Kinh, và điều đó chỉ có lợi cho Trung Quốc. 

Một nước Nga độc tài, thù địch với phương Tây, và đồng thời phụ thuộc vào viện trợ của Trung Quốc, là một kịch bản lý tưởng cho giới lãnh đạo Trung Quốc, bởi điều đó tạo điều kiện thuận lợi cho Bắc Kinh có thể tiếp cận các nguồn tài nguyên khổng lồ dưới lòng đất của Nga, tiếp cận với công nghệ quân sự tiên tiến nhất của Nga và tiếp cận với tuyến đường biển phía bắc, dọc theo bờ biển Siberia ở Bắc Băng Dương, con đường ngắn nhất nối Trung Quốc với châu Âu. 

Hơn nữa, điều này cũng buộc Matxcơva phải im lặng trước sự bành trướng của Trung Quốc ở Trung Á. Cái gọi là “kế hoạch hòa bình” 12 điểm mà Trung Quốc đề xuất vào ngày 24/02, nhân một năm Nga xâm lược Ukraina, minh họa một cách rõ rệt về ý đồ của Bắc Kinh. Với việc thể hiện bản thân là một cường quốc có trách nhiệm, Trung Quốc tìm cách đánh bóng hình ảnh quốc tế của mình, phần lớn đã bị hoen ố trong những năm gần đây bởi sự hiếu chiến đối với các nước láng giềng ở châu Á : cuộc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ, không ngừng đàn áp phong trào dân chủ ở Hồng Kông và áp dụng chính sách tồi tệ với đại dịch Covid-19. 

Nhưng với việc không lên án trực tiếp quốc gia xâm chiếm Ukraina, khi từ chối kêu gọi quân đội Nga rút khỏi các vùng lãnh thổ Ukraina bị chiếm đóng và đề cập đến “tâm lý chiến tranh lạnh” của phương Tây cùng với việc đổ trách nhiệm về cuộc chiến cho phương Tây cho thấy tính trung lập của Trung Quốc chỉ là vẻ bề ngoài. Những tuần tới sẽ cho thấy Bắc Kinh có thực sự từ bỏ mọi giới hạn để hỗ trợ Matxcơva hay không. 

Ngăn chặn vòng xoáy

Washington không ngây thơ về ý nghĩa của sự hợp tác Nga-Trung. Theo Wall Street Journal và kênh NBC trích dẫn các quan chức giấu tên, Trung Quốc sẽ cung cấp drone và đạn dược cho Nga. Tuần báo Der Spiegel của Đức đưa tin hôm 24/02 rằng một công ty Trung Quốc có kế hoạch sản xuất drone “trinh sát” cho quân đội Nga với mục đích tấn công các mục tiêu ở Ukraina. Bắc Kinh cật lực phủ nhận những cáo buộc này. 

Theo Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia của Joe Biden, cuộc chiến ở Ukraina gây ra “những vấn đề nghiêm trọng” với Trung Quốc. Nếu Bắc Kinh quyết định cung cấp vũ khí cho Matxcơva, đất nước của Tập Cận Bình sẽ phải “trả một cái giá đáng kể”. Washington từ chối nêu chi tiết “cái giá” này, nhưng Hoa Kỳ có hàng loạt các biện pháp trừng phạt có thể gây thêm thiệt hại cho nền kinh tế Trung Quốc. Đích thân tổng thống Biden đã nói hôm 24/02 trong một cuộc phỏng vấn trên kênh ABC rằng ông đã trao đổi về chủ đề này với ông Tập, và tổng thống Mỹ nhắc lại rằng cuộc chiến ở Ukraina đã dẫn đến việc nhiều tập đoàn nước ngoài phải rời khỏi Nga. Trong hội nghị thượng đỉnh trực tuyến hôm 03/03, nhà lãnh đạo các nước khối G7 cũng đe dọa các quốc gia hỗ trợ Nga lách lệnh trừng phạt của phương Tây sẽ phải trả một cái giá lớn. 

Cuộc chiến ở Ukraina là một hồ sơ nhạy cảm đối với Bắc Kinh vì mối quan hệ kinh tế và ngoại giao khăng khít với Matxcơva, được thúc đẩy bởi lợi ích chung là sự đối trọng với Washington. Cho đến nay, Trung Quốc đã không thể hiện lập trường về cuộc xâm lược của Nga. Nhìn từ Washington, Bắc Kinh đang tìm cách “làm vừa lòng cả hai bên”, một hành động “đi dây ngày càng khó thực hiện. 

Trong một bài phân tích do CNN đăng, Stephen Collinson, nhà báo chuyên trách Nhà Trắng, gần đây đã nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ hiện đang phải đối mặt với hai mặt trận cùng lúc : Nga và Trung Quốc, một tình huống chưa từng có kể từ năm 1945. Có lẽ vẫn chưa muộn để Washington ngăn chặn cuộc cạnh tranh với Bắc Kinh trở thành một cuộc chiến tranh lạnh thực sự, khiến mọi thứ vượt khỏi tầm kiểm soát và đẩy thế giới vào tình trạng chiến tranh. Ông Collinson nhận định rằng cả Mỹ lẫn Trung Quốc cùng duy trì lợi ích chung trong việc ngăn chặn một vòng xoáy có thể gây ra tổn thất kinh tế khổng lồ. 

« Đảm trách vai trò đi đầu (hoặc đầu tầu) »

Hôm 01/03, bên lề hội nghị G20 ở New Delhi, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã có cuộc gặp “chớp nhoáng” với đồng nhiệm Nga Sergei Lavrov. Đó là lần đầu tiên hai ngoại trưởng gặp nhau kể từ khi Nga xâm lược Ukraina. Ông Blinken đã nói rõ với người đồng nhiệm rằng Washington sẽ sát cánh cùng Kiev cho đến khi quân đội Nga bị đánh bại. 

Về phần mình, tổng thống Mỹ Joe Biden đã tiếp thủ tướng Đức Olaf Scholz vào ngày hôm sau tại Nhà Trắng. Theo phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby, “những thách thức do Trung Quốc đặt ra” là trọng tâm của cuộc thảo luận giữa hai nhà lãnh đạo. Nhà Trắng công khai bày tỏ sự hài lòng về lập trường của thủ tướng Olaf Scholz, người đã công khai cảnh báo Bắc Kinh về việc cung cấp vũ khí sát thương cho Nga. 

Các chiến lược gia Mỹ tin rằng cuộc đối đầu Mỹ-Trung vốn đã căng thẳng trong những tháng gần đây sẽ còn tiếp tục gia tăng ở những khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Theo một tài liệu sắp được công bố, chính quyền Biden trình bày chi tiết chiến lược của Mỹ trong khu vực và giới chiến lước gia đánh giá rằng Trung Quốc sẽ “đẩy nhanh tham vọng soán ngôi Hoa Kỳ”.


********
rfi.fr

Theo giới chuyên gia, Tập Cận Bình là nhà độc tài đầy mưu mô chiến thuật

Thụy My

Trên báo Le Croix, chuyên gia François Godement nhận xét Tập Cận Bình là nhà độc tài mưu mô. Ông ta nhiều lần dối trá, như khẳng định sẽ không quân sự hóa Biển Đông. Tập cũng rất cơ hội, có thể quay ngoắt 180 độ. Cứng rắn về chiến lược và khôn khéo về chiến thuật, Tập Cận Bình khó thể bị sập bẫy. Nhà phân tích Nicolas Baverez cảnh báo, tham vọng của chủ tịch Trung Quốc không dừng lại ở Đài Loan.

Thách thức lớn cho Lý Cường, tay chân trung thành của ông Tập

Le Figaro cho rằng tân thủ tướng Trung Quốc phải đối mặt với tình trạng tăng trưởng giảm sút, trong bối cảnh đang căng thẳng với Washington. Xuất thân từ Chiết Giang, Lý Cường (Li Qiang) vốn là chánh văn phòng của Tập Cận Bình khi ông Tập là bí thư của tỉnh duyên hải giàu có vào đầu những năm 2000. Sự gần gũi này giúp ông bước lên ngôi cao hai mươi năm sau.

Lý Cường đã chứng tỏ lòng trung thành khi ông ta cho phong tỏa ngặt nghèo Thượng Hải theo lệnh Tập Cận Bình, bất chấp sự phản đối của dân chúng. Nhà chính trị học Trần Đạo Ngân (Chen Daoyin) nhận xét, với tư cách bí thư thành ủy một đại đô thị lớn nhất nước, Lý Cường có đôi chút độc lập nhưng ông ta đã tuân phục. « Đó là đặc trưng của tân chính phủ ». Ông Trần lo lắng : « Ê-kíp mới lệ thuộc hoàn toàn vào ý muốn của ông Tập, chính quyền trở thành cơ quan thi hành mệnh lệnh ». 

John Delury, nhà Trung Quốc học của đại học Yonsei ở Séoul nhận xét : « Chế độ cố gắng giới thiệu Lý Cường như một nhà cải cách, để đối phó với những lo ngại trong những tháng vừa qua. Nhiệm kỳ thứ ba của Tập Cận Bình bắt đầu một cách khó khăn ». Thời gian không còn nhiều đối với Lý Cường, bản thân ông nhìn nhận khó thể đạt được mục tiêu tăng trưởng 5 % trong năm 2023. Ông Delury cho rằng ông Tập có thể giao nhiệm vụ cải cách kinh tế cho tân thủ tướng. Nếu thành công, cả hai đều có lợi, nhưng nếu thất bại, Lý Cường sẽ lãnh đủ.

Tập Cận Bình nham hiểm hơn Vladimir Putin

Về việc Tập Cận Bình thâu tóm quyền lực chưa từng thấy kể từ thời Mao, chuyên gia François Godement trên La Croix lưu ý quyền hành của ông Tập là từ đảng chứ không phải chức chủ tịch nước, dù vừa được ngồi tiếp nhiệm kỳ thứ ba. Tập Cận Bình là nhà độc tài cực kỳ quỷ quyệt. Ông ta nhiều lần dối trá với các đối tác nước ngoài nhất là Mỹ, như việc khẳng định sẽ không quân sự hóa Biển Đông. Tập cũng rất cơ hội, có thể quay ngoắt 180 độ như vụ xử lý Covid. Cứng rắn về chiến lược và khôn khéo về chiến thuật, Tập Cận Bình khó thể sập bẫy, khác với Saddam Hussein hay Vladimir Putin. Theo giáo sư Godement, cần phải cảnh giác với Bắc Kinh vì Tập vô cùng thâm hiểm, ông ta biết cách hoãn lại hoặc tránh một cuộc xung đột nếu tự thấy không thể thắng được đối thủ.

Nhìn rộng ra thế giới trên bình diện địa chính trị, « Các nền dân chủ liệu có trang bị để đối phó với các đế chế độc tài ? ». Le Figaro lược trích một số đoạn trong tác phẩm mới nhất của tác giả Nicolas Baverez để đi tìm câu trả lời. Theo ông, tham vọng của Tập Cận Bình không dừng lại ở Đài Loan, cũng như nước Nga của Vladimir Putin ở Ukraina. Các quốc gia dân chủ phải biết bảo vệ lợi ích của mình, không thể ngây thơ như khi giúp Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Châu Âu cần rút ra bài học từ những sai lầm quá khứ : thương mại không mua được hòa bình, mà còn có thể trở thành vũ khí chiến tranh, như khí đốt trong cuộc xâm lăng Ukraina.

Bắc Kinh luôn lăm le soán ngôi Mỹ

Trên lãnh vực kinh tế, Le Figaro đặt vấn đề « Nếu rốt cuộc Trung Quốc không vượt qua được Hoa Kỳ ? ». Nhiều nhà kinh tế cho tới gần đây vẫn cho rằng đến cuối thập niên này, Bắc Kinh sẽ qua mặt Washington về tổng sản phẩm nội địa (GDP). Tuy nhiên khủng hoảng Covid đã làm thay đổi đồ thị tăng trưởng, thời điểm Hoa Kỳ bị rơi khỏi chiếc bệ đã ngự trị từ hơn một thế kỷ qua, đã lùi xa.

Trong thập niên 70, giải Nobel kinh tế Mỹ Paul Samuelson dự báo Liên Xô sẽ bắt kịp Hoa Kỳ vào cuối thế kỷ. Nhưng rốt cuộc Liên Xô sụp đổ, và nước Nga ngày nay có GDP chỉ bằng 1/10 Mỹ. Sau đó đến « hiểm họa da vàng », người ta nói rằng Nhật Bản sẽ vượt Mỹ vào cuối thập niên 90. Tuy nhiên bong bóng tài chính bị vỡ, khiến xứ sở mặt trời mọc bị suy trầm kéo dài. Những thập niên gần đây, Trung Quốc trỗi dậy. Chưa đầy hai thế hệ, một quốc gia nông nghiệp nghèo biến thành công xưởng thế giới. Tập Cận Bình khẳng định đến 2035, GDP của Trung Quốc sẽ lên đến 29.000 tỉ đô la, cao hơn Hoa Kỳ.

Ở đất nước Chú Sam, chặn bước Trung Quốc là chủ đề được cả Dân Chủ và Cộng Hòa nhất trí. Từ Barack Obama với TPP, đến Donald Trump áp đặt thuế nhập khẩu rồi Joe Biden tiếp tục một loạt biện pháp như Chips Act. Nhưng chính Tập Cận Bình đã tự hại mình bằng « zero Covid ». Một phần năm thanh niên thành thị thất nghiệp, địa ốc khủng hoảng, nợ công và tư lên đến 275 % GDP, dân số sút giảm … chưa kể nguy cơ gây chiến với Đài Loan. Thị trường Hoa lục khổng lồ vẫn thu hút, nhưng nếu một ngày nào đó Trung Quốc soán được ngôi vị của Hoa Kỳ cũng sẽ không ngồi được lâu : Ấn Độ đến 2075 có thể đạt GDP cao nhất thế giới.

Đối lập Nga chiến đấu bên cạnh Kiev

Liên quan đến cuộc chiến tranh ở Ukraina, Le Monde cho biết những người đối lập với Vladimir Putin thuộc cánh tả hay cực hữu đã đứng về phía Kiev, và bắt đầu tập hợp xung quanh Ilia Ponomarev, một cựu dân biểu Nga. Năm nay 47 tuổi, Ponomarev, là dân biểu duy nhất bỏ phiếu chống việc sáp nhập Crimée hồi năm 2014. Không chịu nổi những sách nhiễu của Matxcơva, ông sống lưu vong tại Hoa Kỳ và nay tại Ukraina, cho biết muốn « tiêu diệt đế chế Nga và trừ khử Putin ». Alexei Baranovski, nhà báo kiêm luật sư cùng làm việc với ông thì nói về giấc mơ một « Kremlin bốc cháy ». Họ muốn xây dựng một quân đội lưu vong và một phong trào du kích trên đất Nga.

Phong trào nổi dậy Nga chính thức khai sinh ngày 31/08/2022, vào dịp ký kết « Tuyên bố Irpine », tập hợp binh đoàn « Nước Nga Tự Do » gồm các tình nguyện quân tham gia lực lượng vũ trang Ukraina, và « Quân đội Cộng hòa Quốc gia » (NRA), một mạng lưới bí mật ở Nga. Hai nhóm vũ trang này chấp nhận Ilia Ponomarev làm điều phối viên chính trị cho họ. Nhóm thứ ba, « Quân đoàn tình nguyện Nga » (RDK) hôm đó cũng hiện diện nhưng rốt cuộc muốn độc lập.

Sau khi Putin xâm lăng Ukraina, Ponomarev đóng vai phát ngôn viên của « Quân đội Cộng hòa Quốc gia » đầy bí ẩn, đưa ra những thông cáo khó thể kiểm chứng về những vụ tấn công vào các trung tâm tuyển mộ, đường sắt, cả vụ ám sát nhân vật cực hữu Daria Douguina ở khu vực Matxcơva. Có quan điểm trung tả, Ilia Ponomarev không lập đảng chính trị nhưng có tham vọng tập hợp rộng rãi những người đối lập với Vladimir Putin, kết hợp lại bằng đấu tranh vũ trang.

Sát cánh với Ukraina « cho đến ngày chiến thắng »

Tuy giữ khoảng cách với nhà đối lập đang bị cầm tù Alexei Navalny - chủ trương biểu tình ôn hòa - Ponomarev khẳng định có đối thoại với các khuôn mặt chống Putin khác như Mikhail Khodorkovski hay Gary Kasparov. Dù đều đồng ý là nước Nga phải dân chủ hóa, nhưng Khodorkovski không muốn tỏ ra quá gần gũi với Ukraina, còn Kasparov chống lại vũ lực ; cả hai không ký vào Tuyên bố trên.

Tính chính danh của Ponomarev có được là nhờ được chọn là thủ lãnh chính trị của « Nước Nga Tự Do ». Thành lập vào tháng 3/2022 sau khi Nga xâm lăng Ukraina, được lãnh đạo bởi « Legat », một nhân vật chưa bao giờ xuất hiện trước công chúng, binh đoàn này có bốn tiểu đoàn quân tình nguyện với khoảng 1.000 chiến binh - theo Ponomarev, chiến đấu trong lực lượng chí nguyện quân quốc tế của Ukraina. Đó là những công dân Nga sống tại Ukraina trước chiến tranh, hoặc lính Nga đào ngũ khỏi chiến trường, hay những người bí mật từ Nga đến cách đây một năm. Trong tháng này, « Nước Nga Tự Do » bị « Quân đội Cộng hòa Quốc gia » qua mặt với một hoạt động gây tiếng vang tại làng biên giới Lioubiétchané thuộc vùng Briansk của Nga.

Alexei Baranovski nói, mục tiêu là gây ra những cuộc nổi dậy vũ trang tại Nga và về lâu về dài, « chúng tôi muốn hỗ trợ các chiến hữu Ukraina cho đến ngày chiến thắng, rồi tiếp tục chiến đấu ở Nga ». Khi đó Ukraina trở thành hậu cứ của họ. Điều chắc chắn nhất theo Baranovski, là nếu Ukraina hoàn toàn được giải phóng, các tình nguyện quân Nga sẽ lập tức rời khỏi lực lượng vũ trang Ukraina. « Chính phủ Kiev sẽ không đi xa hơn biên giới năm 1991. Ngược lại một số chiến hữu Ukraina có thể đi theo chúng tôi với tư cách quân tình nguyện. Bởi vì, sau cuộc chiến tranh này, họ có lý do để nhìn thấy điện Kremlin bốc cháy ».

Thụy Sĩ « trung lập » phá bỏ vũ khí phòng không thay vì giao cho Ukraina

Cũng liên quan đến Ukraina, thông tín viên Le Monde tại Genève cho biết một thông tin gây sốc : chính phủ Thụy Sĩ biến các giàn hỏa tiễn phòng không thành sắt vụn thay vì trao cho Kiev. Tờ báo mỉa mai : Thụy Sĩ còn nhất quyết không giúp đỡ Ukraina về quân sự, ngay cả một cách gián tiếp, cho đến chừng nào ?

Từ đầu cuộc xâm lăng, Berne đã gây phẫn nộ cho các đối tác châu Âu như Đức, Tây Ban Nha, Đan Mạch khi cấm các nước này chuyển giao cho Kiev các loại đạn dược đã bán. Một giai đoạn mới của chủ trương bất hợp tác đã được vượt qua hôm Chủ nhật 12/03. Báo NZZ am Sonntag tiết lộ Berne sắp sửa phế thải 60 giàn hỏa tiễn địa-không Rapier do Anh sản xuất trong thập niên 60. Thụy Sĩ mua 60 giàn năm 1980 và nhiều lần hiện đại hóa, chỉ xếp vào kho từ cuối năm 2022. Một số giàn đã bị tháo dỡ, và sắp tới thêm ba giàn Radier nữa.

Chuyên gia Peter Schneider nhấn mạnh những giàn hỏa tiễn này tuy cũ nhưng vẫn dùng được. Anh quốc đã sử dụng Radier để bảo vệ Thế vận hội Luân Đôn năm 2012. Vũ khí này có thể chống lại các loại drone, trực thăng và cả chiến đấu cơ. Nhưng chúng sẽ không bao giờ được dùng để bảo vệ bầu trời Ukraina ! Nhiều dân biểu Thụy Sĩ choáng váng khi biết tin này. Nhất là Rapier do Anh sản xuất chứ không phải Thụy Sĩ, không lệ thuộc vào luật cấm xuất khẩu thiết bị quân sự sang những nước đang trong chiến tranh. Nhưng tổng thống thuộc đảng xã hội của Thụy Sĩ vẫn khăng khăng bảo vệ chủ trương « trung lập » mà các đối tác chỉ trích là được diễn dịch một cách cứng nhắc.

Bóng ma Lehman lởn vởn quanh SVB

Trên lãnh vực tài chánh, Les Echos nhận thấy sự sụp đổ của Silicon Valley Bank gợi nhớ vụ ngân hàng Lehman Brothers phá sản. Hai câu chuyện rất khác nhau, nhưng những rủi ro vẫn còn đó. Hôm thứ Sáu 10/03/2023, Silicon Valley Bank (SVB) bị chính quyền Mỹ đóng cửa sau vụ « bank run » (hoảng loạn rút tiền) lớn nhất lịch sử. Khách hàng muốn rút lại 42 tỉ đô la ký gởi chỉ trong vòng một ngày.

Chủ nhật 12/03, Quỹ Dự trữ Liên bang (FED) thông báo « bảo vệ toàn bộ những người gởi tiền » - điều cốt yếu cho các khách hàng của SVB trong đó 97 % vượt mức 250.000 đô la tiền gởi được Federal Deposit Insurance Corporation bảo hiểm. Nhưng bóng ma Lehman vẫn ám ảnh thị trường tài chánh, trong khi Silicon Valley Bank hoàn toàn trái ngược với Lehman Brothers.

SVB là ngân hàng thương mại địa phương, còn Lehman là ngân hàng đầu tư quốc tế. Trụ sở SVB ở Santa Clara chỉ là một tòa nhà hai tầng khiêm tốn, còn Lehman chiếm hẳn một tòa nhà chọc trời 38 tầng ở Manhattan. Vấn đề cũng rất khác nhau. Lehman bị phá sản vì đổ tiền cho vay quá nhiều vào tín dụng địa ốc đầy rủi ro, cú sốc là khủng khiếp vì liên hệ đến nhiều ngân hàng lớn khác. Ngược lại SVB thiệt hại không phải vì đầu tư vào những tích sản rủi ro, mà vào trái phiếu nhà nước Mỹ vốn chắc chắn nhất, và vào trái phiếu địa ốc có thể bán lại bất kỳ lúc nào. Nhưng FED bỗng tăng lãi suất khiến SVB khi bán ra trái phiếu đã bị thiệt 1,8 tỉ đô la.

SVB ngưng hoạt động không tạo ra nguy cơ trực tiếp như Lehman Brothers, nhưng có những rủi ro gián tiếp. Chẳng hạn thân chủ của các ngân hàng nhỏ lo sợ, có thể chuyển tài khoản sang những ngân hàng lớn được giám sát và bảo vệ kỹ hơn. Chính để tránh luồng tiền rời đi hàng loạt mà Mỹ quyết định bảo vệ người gởi tiền vào SVB (và cả Signature Bank, một ngân hàng rất tích cực trong lãnh vực tiền kỹ thuật số, đóng cửa ngày 12/03).


************

Chiến tranh Ukraina: Chiến sự dữ dội ở trung tâm Bakhmut

Trọng Thành

Quân đội Ukraina tiếp tục kháng cự tại thành phố Bakhmut, miền đông Ukraina. Trong lúc đó, có một số dấu hiệu rút quân của lực lượng Nga tại tỉnh miền nam Kherson, hữu ngạn sông Diepro, theo quân đội Ukraina.

Thông tín viên Emmanuelle Chaze từ Kiev cho biết chiến sự vẫn diễn ra hết sức dữ dội tại Bakhmut. Hôm qua, 13/03/2023, tư lệnh Lục Quân Ukraina, thượng tướng Oleksandre Syrky cho biết nhiều đơn vị tấn công của công ty lính đánh thuê Wagner của Nga đang tìm cách chọc thủng tuyến phòng thủ của các lực lượng Ukraina để hướng về các khu phố trung tâm thành phố Bakhmut. Về phần mình, thủ lĩnh Wagner, Evgueni Prigojine, nhấn mạnh là ‘‘càng tiến gần đến trung tâm thành phố, chiến sự càng dữ dội hơn, nhiều hỏa lực hơn’’.

Trong phát biểu thường nhật vào tối 13/03, tổng thống Ukraina, Volodymir Zelensky, nói đến ‘‘những ngày rất khó khăn, rất đau đớn với Ukraina’’, và ‘‘tương lai của đất nước đang được quyết định tại miền Đông, đặc biệt ở Bakhmut’’, nơi diễn ra cuộc chiến kéo dài nhất từ khi Nga mở màn cuộc xâm lăng từ tháng 02/2022, với một tổn thất nhân mạng ghê gớm của cả hai bên.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh ISW, có trụ sở tại Washington, trong bản tin thường nhật hôm qua, tổng hợp thông tin từ giới blogger Nga, ghi nhận đa số đều cho rằng quân đội Ukraina có thể sẽ mở cuộc phản công tại miền nam, ở tỉnh Zaporizhia, hoặc ở gần khu vực Mariupol-Volnovakha ở tỉnh miền đông Donetsk. Một blogger có liên hệ với công ty lính đánh thuê Wagner thừa nhận đánh giá trước đó của Viện Nghiên cứu Chiến tranh ISW, theo đó quân đội Ukraina, với chiến thuật phòng thủ đến cùng tại ‘‘pháo đài’’ Bakhmut, đang nghiền nát ‘‘các lực lượng bộ binh tốt nhất’’ của Nga xung quanh thành phố này, nhằm làm giảm khả năng của Nga trong việc ngăn chặn các đợt phản công sắp tới của quân đội Ukraina.


**********

Triều Tiên tiếp tục thử phi đạn để huấn luyện ‘tiêu diệt kẻ thù’ _VOA

Reuters

Các vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên là một cuộc tập trận quân sự được thiết kế để huấn luyện các phi hành đoàn thực hiện nhiệm vụ bất cứ lúc nào và ‘tiêu diệt kẻ thù’ nếu cần, truyền thông nhà nước KCNA loan tin hôm 14/3.

Triều Tiên bắn hai phi đạn đạn đạo tầm ngắn ra ngoài khơi bờ biển phía đông, quân đội Hàn Quốc cho biết vào thời điểm đó. Đây là vụ thử mới nhất trong số các vụ thử vũ khí của Triều Tiên trong lúc Hàn Quốc và Hoa Kỳ tiến hành cuộc tập trận quân sự chung lớn nhất trong nhiều năm.

Vụ phóng này là ‘tập trận trình diễn’ và hai phi đạn đạn đạo chiến thuật đất đối đất được bắn từ gần bờ biển phía tây ở tỉnh Nam Hwanghae, bay khoảng 611 km trước khi đánh trúng mục tiêu trên một hòn đảo nhỏ ngoài khơi bờ biển phía đông, KCNA xác nhận.

Vẫn theo truyền thông Triều Tiên, chỉ huy đơn vị quyết tâm hoàn toàn có khả năng thực hiện đầy đủ nhiệm vụ tấn công hỏa lực bất cứ lúc nào bằng cách tăng cường hơn nữa việc huấn luyện của mọi đại đội tấn công hỏa lực.

Vụ việc diễn ra trong lúc cuộc tập trận chung ‘Lá chắn Tự do 23’ kéo dài 11 ngày của Mỹ-Hàn đang được tiến hành. Đây là cuộc tập trận chung lớn nhất của hai nước sau nhiều năm.

Bình Nhưỡng lên án cuộc tập trận Mỹ-Hàn là diễn tập xâm lược và là bằng chứng cho chính sách thù địch của Seoul và Washington.

Mỹ, Hàn nói rằng các cuộc tập trận chung của họ là cần thiết để ngăn chặn Triều Tiên, quốc gia đã phóng số phi đạn kỷ lục trong năm qua và, theo quan sát, đang sửa chữa tại địa điểm thử vũ khí hạt nhân.

Quân đội Hàn Quốc ‘kịch liệt lên án’ Triều Tiên và gọi các vụ phóng phi đạn lặp đi lặp lại của Bình Nhưỡng là hành động khiêu khích nghiêm trọng, đe dọa hòa bình và an ninh khu vực.

Một phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chỉ trích các vụ phóng của Triều Tiên là vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc.


***********
bbc.com

Quân đội Nga 'tuyển nữ phạm nhân' cho chiến trường Ukraine?


Banner with the letters Z and V, in support of the Russian military, on a building in Moscow - 19 May 2022

Nguồn hình ảnh, EPA

Chụp lại hình ảnh,

Banner với chữ Z và V, dấu hiệu ủng hộ quân đội Nga, trên tường nhà ở Moscow - hình từ năm 2022

Các nguồn tin Ukraine và Nga nói có hiện tượng quân đội Nga tuyển "nữ phạm nhân" từ các trại tù phía Nam nước này để bổ sung cho chiến trường Ukraine.

Theo trang Moscow Times ở Nga hôm 13/03/2023, Bộ Tổng tham mưu quân lực Ukraine công bố tin về một chuyến tàu có "nữ tù nhân" tới vùng Donetsk, vào khu vực Nga chiếm.

Một nhà hoạt động người Nga, Olga Romanova, người sáng lập phong trào vì nữ quyền xác nhận tin này. Theo bà, chuyến tàu tới Donetsk tuần trước chở một số phạm nhân nữ từ trại giam ở Kushchevka, Vùng Krasnodar, phía Nam Liên bang Nga.

Từ tháng 2 đã có tin từ phía Ukraine tin rằng nữ phạm nhân Nga được bổ sung vào quân đội vì thương vong cao ở phía Nga.

Người Ukraine tin rằng có 50 nữ phạm nhân được tuyển từ trại Snizhne, thuộc vùng Donetsk.

Trang Istorie.media bằng tiếng Nga cho hay các nguồn khác gián tiếp xác nhận hiện tượng này nhưng cho hay nữ phạm nhân Nga được điều vào chiến trường để làm hộ lý, y bác sĩ hoặc nhân viên tín hiệu, chứ không tham gia chiến đấu.

Nguồn tin này cho hay từ tháng 12/2022, một quan chức vùng Sverdlovsk là Vyacheslav Wegner đã phát biểu công khai về sáng kiến "tuyển tù nhân ra trận" của chỉ huy đội quân đánh thuê Wagner khét tiếng, Yevgeny Prigozhin.

Ông ta nói một nhóm nữ phạm nhân đang thi hành án ở trại IK-6, thành phố Nizhny Tagil trong địa phương của ông "xung phong ra trận" để tham gia "chiến dịch quân sự đặc biệt" mà Nga tiến hành ở Ukraine. Ông Prigozhin đã cảm ơn đề xuất này và cho hay ông đang "hoạt động theo hướng đó", trang Istorie cho hay.

Tuy thế, gần đây, có vẻ như Bộ Quốc phòng Nga "giành lấy sáng kiến" của ông Prigozhin trong việc tuyển tù nhân.

Hôm 9/02/2023, Yevgeny Prigozhin nói ông ta đã ngừng tuyển tù nhân cho đội quân Wagner.

Cho tới nay chưa có xác nhận về chuyện "tuyển tù nhân nữ" cho nỗ lực chiến tranh ở Ukraine từ giới chức Kremlin.

Tuy thế, không chỉ Nga bây giờ mà Liên Xô trước đây đã tuyển tù hình sự vào quân đội.

Russian servicemen stand guard near the Kakhovka Hydroelectric Power Plant near Kherson, Ukraine - 20 May 2022

Nguồn hình ảnh, EPA

Chụp lại hình ảnh,

Quân nhân Nga

Trang Russia Beyond cho hay trong Thế Chiến II có tới 1 triệu tù hình sự từ mạng lưới trại cải tạo khủng khiếp (Gulag) được cho vào cầm súng trong Hồng quân để đánh phát-xít Đức. Tù chính trị thì không được "ra trận", thậm chí còn bị canh gác nghiêm ngặt hơn.

Có cựu phạm nhân được phong anh hùng, như trường hợp của Alexey Otstavnov. Nhờ chiến đấu dũng cảm trong trận vượt sông Dnieper năm 1943 người này đã được trao huy chương anh hùng Liên Xô.


**********
voatiengviet.com

TT Putin: Nga đang chiến đấu vì chính sự tồn vong của mình

Reuters

Tổng thống Vladimir Putin nói hôm thứ Ba 14/3 rằng chính sự tồn vong của Nga với tư cách là một quốc gia đang bị đem ra định đoạt ở Ukraine.

Phát biểu dài trước các công nhân tại một nhà máy hàng không ở Buryatia, cách Moscow khoảng 4.400 km về phía đông, ông Putin đã nói rộng ra từ lập luận quen thuộc của ông rằng phương Tây đang muốn làm cho nước Nga tan rã.

"Vì vậy, đối với chúng ta, đây không phải là nhiệm vụ địa chính trị, mà là nhiệm vụ vì sự tồn vong của quốc gia Nga, tạo ra điều kiện cho sự phát triển trong tương lai của đất nước và con em chúng ta", ông Putin nói.

Ông Putin lâu nay cáo buộc phương Tây sử dụng Ukraine như một công cụ để tiến hành chiến tranh chống lại Nga và gây ra cho nước này một "thất bại chiến lược". Hoa Kỳ và các đồng minh nói rằng họ đang giúp Ukraine tự vệ trước một cuộc xâm lược kiểu đế quốc đã phá hủy các thành phố của Ukraine, giết chết hàng ngàn thường dân và buộc hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa.

Khi trả lời một câu hỏi, ông Putin nói rằng ông đã lo lắng về nền kinh tế khi phương Tây áp đặt các làn sóng trừng phạt chưa từng có vào năm ngoái nhưng kinh tế Nga đã chứng tỏ rằng nó mạnh hơn dự kiến.

Ông nói: "Chúng ta đã tăng chủ quyền kinh tế của mình lên nhiều lần. Kẻ thù của chúng ta đã tính toán điều gì ư? Chúng cho rằng chúng ta sẽ sụp đổ sau 2-3 tuần hoặc trong một tháng".

Ông nói rằng kẻ thù đã trông đợi là các nhà máy Nga sẽ ngừng hoạt động, hệ thống tài chính sẽ sụp đổ, tỷ lệ thất nghiệp sẽ gia tăng, những người biểu tình sẽ xuống đường và nước Nga sẽ "rung lắc từ bên trong và sụp đổ".

"Điều đó đã không xảy ra", ông Putin nói. "Hóa ra, đối với nhiều người trong chúng ta, và thậm chí càng ngạc nhiên hơn đối với các nước phương Tây, nền móng cơ bản cho sự ổn định của Nga lại vững chắc hơn nhiều so với suy nghĩ của bất kỳ ai".

(Reuters)


**********

Chiến sự ngày 384: Tổng thống Putin nói Nga chiến đấu để tồn tại

Thụy Miên

Chiến sự Ukraine ngày 384: Tổng thống Putin nói Nga chiến đấu để tồn tại - Ảnh 1.

Bộ đôi tiêm kích đa nhiệm MiG-31 mang theo tên lửa bội siêu thanh Kinzhal của Nga

BỘ QUỐC PHÒNG NGA

Cuộc chiến giành từng mét đất

Ông Denis Pushilin, người đứng đầu phe ly khai Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng, cho biết cuộc chiến "giành từng mét đất" Bakhmut ở miền đông Ukraine đang diễn ra.

Còn TASS dẫn lời ông Igor Kimakovsky, cố vấn lãnh đạo DPR, cho biết tổng cộng có 10 đơn vị tác chiến cấp tiểu đoàn của Ukraine đang cố thủ các vị trí ở Bakhmut. Đây là lực lượng được huấn luyện để chuẩn bị cho đợt phản công sắp tới nhưng thay vào đó được tăng viện cho thành phố.

Xem nhanh: Ngày 383 chiến dịch, Ukraine-Nga cận chiến ở Bakhmut; thống đốc Mỹ gây chú ý

Về phần mình, phía Ukraine nói lính Nga liên tục đến tiền tuyến ở miền đông, dấu hiệu cho thấy đợt tấn công được thực hiện từ mùa đông vẫn đang tiếp diễn.

Còn tại khu vực Zaporizhzhia do Nga kiểm soát, ông Yevgeny Balitsky, lãnh đạo do Nga bổ nhiệm, cho biết tiền tuyến ở đây vẫn trong tình trạng ổn định. Tuy nhiên, các đơn vị Nga đang gia cố những vị trí đóng quân, đề phòng khả năng Ukraine phản công.

Bộ Quốc phòng Anh ngày 14.3 đánh giá rằng trong vài tuần gần đây, tình trạng thiếu đạn pháo ngày càng nghiêm trọng trong các lực lượng Nga ở nhiều mặt trận và gần như chắc chắn Nga phải sử dụng đến các vũ khí cũ không đủ tiêu chuẩn. London cho rằng đây có thể là lý do khiến Moscow chưa thể tạo ra cuộc tiến công quy mô lớn nào.

Lãnh đạo Wagner: càng gần trung tâm Bakhmut, xe tăng, pháo Ukraine tấn công càng nhiều

Trong khi đó, tờ The Washington Post cho rằng sau một năm chiến sự, lực lượng Ukraine đã bị suy yếu. Quân đội Ukraine không chỉ mất đi nhiều binh sĩ dày dạn kinh nghiệm mà còn bị thiếu đạn dược, trong khi số xe tăng mà phương Tây cam kết cung cấp khó có thể được giao đến kịp thời.

Chiến sự Ukraine ngày 384: Tổng thống Putin nói Nga chiến đấu để tồn tại - Ảnh 2.

Một tiêm kích MiG-29 của Ba Lan

BỘ QUỐC PHÒNG BA LAN

Khả năng Ba Lan viện trợ tiêm kích, Hà Lan gửi radar cho Ukraine

Trong ngày 14.3, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết, nếu được thông qua, Warsaw có thể chuyển giao tiêm kích MiG-29 cho Ukraine trong vòng 4 đến 6 tuần tới.

Tuy nhiên, trong bối cảnh các đồng minh của Kyiv đang có cách tiếp cận thận trọng liên quan đến tiêm kích, Ba Lan chỉ giao máy bay quân sự cho Ukraine nếu các nước thành viên NATO cũng thực hiện tương tự.

Tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Slovakia Jaroslav Nad nói rằng trong trường hợp Bratislava nhất trí, Warsaw sẽ cùng hợp tác viện trợ tiêm kích MiG-29 từ thời Liên Xô cho Ukraine.

Ukraine sẽ không sớm nhận được máy bay phương Tây, vẫn muốn huấn luyện sẵn phi công

Cho đến thời điểm hiện tại, Ba Lan cũng chuyển giao 14 xe tăng Leopard 2 do Đức sản xuất cho Ukraine.

Về số lượng MiG-29 có thể viện trợ cho Ukraine, Chánh văn phòng Tổng thống Ba Lan Pawel Szrot không đề cập chi tiết, chỉ nói rằng không thể lên đến con số 14 như trong trường hợp xe tăng.

Cũng trong ngày 14.3, Bộ Quốc phòng Hà Lan thông báo viện trợ Ukraine 2 tàu quét mìn, các radar phát hiện thiết bị drone và hệ thống xây cầu đổ bộ M3. Phát biểu tại Odessa, Bộ trưởng Quốc phòng Kajsa Ollongren cho hay số radar và cầu đổ bộ được phía nhà thầu quốc phòng chuyển giao. Còn 2 tàu quét mìn sẽ được gửi đến vào năm 2025.


***********

Tin tức thế giới 15-3: Đạn phốt pho bắn đi ở Ukraine; Ông Biden thăm cộng đồng gốc Á


Đạn phốt pho được sử dụng để tiêu diệt lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Iraq hồi năm 2017 - Ảnh: AFP

Đạn phốt pho được sử dụng để tiêu diệt lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Iraq hồi năm 2017 - Ảnh: AFP

Nghi vấn đạn phốt pho tại Ukraine

Ngày 15-3, theo mô tả của nhân chứng với Hãng tin AFP, hai quả đạn phốt pho trắng đã được bắn ra khu vực không có người ở gần thị trấn Chasiv Yar ở miền đông Ukraine.

Theo đó, hai quả đạn được bắn cách nhau năm phút vào khoảng 16h45 chiều 14-3 theo giờ địa phương, trên một con đường ở rìa phía nam của thị trấn Chasiv Yar gần thành phố Bakhmut. 

Đây là nơi chứng kiến giao tranh ác liệt giữa Nga và Ukraine trong mấy tháng qua nên gây ra sự chú ý cao.

Sau tiếng rít từ đạn là tiếng nổ khi đầu đạn phóng ra những quả bóng phốt pho trắng nhỏ đang cháy và từ từ rơi xuống đất. 

Các bóng phốt pho trắng sau đó đốt cháy thảm thực vật hai bên đường, với diện tích cháy tương đương một sân bóng đá.

Không có thông tin Nga hay Ukraine đã sử dụng loại vũ khí gây ám ảnh này.

Đạn phốt pho là vũ khí gây cháy bị cấm sử dụng chống lại dân thường. 

Tuy nhiên chúng có thể được triển khai chống lại các mục tiêu quân sự theo một công ước năm 1980 được ký kết tại Geneva.

Kiev đã cáo buộc Matxcơva đã sử dụng chúng nhiều lần kể từ khi bắt đầu xung đột, bao gồm cả việc chống lại dân thường, điều mà quân đội Nga đã bác bỏ một cách dứt khoát.

* Tổng thống Biden thăm cộng đồng gốc Á 

Ngày 14-3, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đến thăm những người sống sót sau vụ xả súng hàng loạt ở Monterey Park hồi Tết Nguyên đán vừa qua. 

Ông nhắc lại từng đặc điểm của 11 nạn nhân thiệt mạng và ca ngợi Brandon Tsay, người đã dũng cảm tước súng của nghi phạm để ngăn chặn vụ xả súng thứ hai xảy ra.

Biden sau đó kêu gọi Quốc hội nhận "trách nhiệm" và kiểm soát chặt chẽ các loại súng trường kiểu quân đội, bán tự động ở Mỹ. 

Đây là những loại cực kỳ phổ biến, thường được sử dụng trong các vụ xả súng hàng loạt.

Trong sắc lệnh hành pháp được ban hành cùng ngày, chính quyền Tổng thống Biden đã yêu cầu các cơ quan liên bang kiểm tra lý lịch đại lý bán súng. 

Chính quyền cũng sẽ bêu tên những nhà sản xuất tiếp thị súng cho trẻ vị thành niên hoặc bán súng không theo quy định.

* Tổng thống Syria đến thăm Nga. Theo chính quyền Syria, hôm nay 15-3, Tổng thống Bashar al-Assad sẽ có cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Điện Kremlin.

Nhà lãnh đạo Syria đến Matxcơva từ chiều 14-3 với đoàn bộ trưởng hùng hậu.

Đây là chuyến công du ngoài Trung Đông đầu tiên của ông Bashar al-Assad kể từ khi xảy ra trận động đất kinh hoàng hồi tháng 2.

Một tuyên bố của Điện Kremlin cho biết hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về sự hợp tác trong các lĩnh vực chính trị, thương mại và nhân đạo "cũng như triển vọng giải quyết tổng thể tình hình trong và xung quanh Syria".

Nga đã phát động một chiến dịch quân sự ở Syria vào năm 2015 nhằm giúp lật ngược tình thế trong cuộc nội chiến theo hướng có lợi cho ông Bashar al-Assad.

Máy bay chiến đấu của Nga sau đó đã thực hiện nhiều cuộc không kích quy mô lớn vào các khu vực do phe đối lập nắm giữ.

Nga cho rằng âm mưu nổ đường ống Nord Stream là "cấp nhà nước"

Trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình nhà nước Rossiya-1, Tổng thống Nga Putin đã bác bỏ thuyết âm mưu rằng một nhóm thân Ukraine đã kích nổ đường ống Nord Stream 1 và 2 hồi năm ngoái.

Nhà lãnh đạo Nga cho rằng vụ nổ đã được thực hiện "ở cấp nhà nước" và yêu cầu phương Tây thành lập một nhóm điều tra quốc tế.

"Chúng tôi đã hỏi Đan Mạch và câu trả lời là khá mơ hồ, nếu không muốn nói là không có câu trả lời. Họ bảo chúng ta phải chờ", ông Putin thuật lại.

Trong bài điều tra công bố tháng trước, nhà báo Seymour Hersh cáo buộc Mỹ và Na Uy đã phối hợp cùng cho nổ đường ống Nord Stream 1 và 2. 

Mục đích nhằm làm giảm sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt Nga, giảm nguồn thu ngoại tệ cho Nga.

* Triều Tiên xác nhận thử tên lửa đạn đạo chiến thuật. Ngày 15-3, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) thông báo quân đội nước này vừa bắn hai tên lửa đạn đạo chiến thuật đất - đối - đất một ngày trước đó.

Vụ bắn được thực hiện từ tỉnh Nam Hwanghae. Cả hai tên lửa bay khoảng 611km trước khi đánh trúng mục tiêu. 

Theo KCNA, quân đội Triều Tiên đã cho thấy khả năng sẵn sàng bắn tên lửa bất kỳ lúc nào và sẽ "tiêu diệt kẻ thù" nếu cần thiết.

Động thái của Bình Nhưỡng diễn ra trong bối cảnh Mỹ và Hàn Quốc đang có cuộc tập trận chung dài 11 ngày mang tên "Lá chắn tự do". 

Cuộc tập trận năm nay chứng kiến quy mô lớn nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Núi lửa phun trào

goc-anh-ngay-15-3-1678834640621671642070

Hình ảnh vừa kỳ vĩ, vừa đáng sợ này đã được tay máy Antara Foto ghi lại trong ngày 14-3 sau khi núi lửa Merapi bất ngờ phun trào dung nham và mây tro hôm 11-3 tại vùng Turi, Sleman, Yogyakarta, Indonesia - Ảnh: REUTERS


***********

Đài Loan công bố mẫu UAV 'như lựu đạn biết bay'


Viện Khoa học và Công nghệ Chung-Shan Đài Loan (NCSIST) hôm nay công bố với báo giới một số máy bay không người lái (UAV) tự phát triển, trong đó có mẫu UAV tự sát được mô phỏng theo UAV Switchblade 300 do Mỹ sản xuất.

Mẫu UAV tự sát này có tầm hoạt động 10 km, bay trong 15 phút, nhét vừa balo và chỉ cần một binh sĩ điều khiển. Nó còn được trang bị hệ thống cảm biến quang điện và hồng ngoại hiệu suất cao, phù hợp để tấn công các mục tiêu đơn lẻ có giá trị, tiềm ẩn nguy cơ cao.

"Do có trọng lượng nhẹ và tính linh động, nó giống như một quả lựu đạn lớn biết bay", Chi Li-pin, đứng đầu bộ phận nghiên cứu các hệ thống trên không của NCSIST, nói. "Nó hiệu quả trong việc tấn công các mục tiêu gần bờ biển".

Theo Chi, Đài Loan còn đang phát triển các UAV tự sát thế hệ tiếp theo, với các phiên bản lớn hơn, có tầm hoạt động xa hơn.

Một UAV khác được giới thiệu có tên Cardinal III với khả năng cất cánh và hạ cánh thẳng đứng, phù hợp cho hoạt động giám sát dọc bờ biển, theo NCSIST. Trong khi đó, UAV giám sát Albatross II có khả năng hoạt động liên tục 16 giờ, sử dụng trí tuệ nhân tạo để giám sát và theo dõi các tàu hải quân trên biển, tầm hoạt động tối đa hơn 300 km.

NCSIST không công bố thông số chi tiết của các UAV. Chi cho biết các UAV đang được lực lượng phòng vệ Đài Loan thử nghiệm và có thể sản xuất hàng loạt sớm nhất cuối năm nay.

Mẫu UAV tự sát do Đài Loan tự phát triển được trưng bày tại Viện Khoa học và Công nghệ Chung-Shan Đài Laon ở thành phố Đài Trung ngày 14/3. Ảnh: AFP

Mẫu UAV tự sát do Đài Loan tự phát triển được trưng bày tại Viện Khoa học và Công nghệ Chung-Shan Đài Loan ở thành phố Đài Trung ngày 14/3. Ảnh: AFP

Động thái diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa hai bờ eo biển Đài Loan gần đây gia tăng. Đài Bắc gần đây cáo buộc Bắc Kinh tăng cường hoạt động quân sự gần Đài Loan, điều chiến đấu cơ, UAV, tàu chiến Trung Quốc bay qua đường trung tuyến giữa hai bên.

Lãnh đạo cơ quan phòng vệ Đài Loan Chiu Kuo-cheng hồi đầu tháng cảnh báo quân đội Trung Quốc trong năm nay có thể tìm lý do để bất ngờ áp sát hòn đảo. Theo ông Chiu, do đường trung tuyến trên eo biển gần như đã bị xóa nhòa, Đài Loan đã sẵn sàng "nổ phát súng đầu tiên" nếu các vật thể Trung Quốc, như máy bay không người lái hoặc khí cầu, xâm nhập.

Trung Quốc tuyên bố Đài Loan là một tỉnh chờ thống nhất và không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực. Trong khi đó, Đài Loan tuyên bố chỉ có người dân của họ mới có thể quyết định tương lai của hòn đảo.

Đường trung tuyến ở eo biển Đài Loan. Đồ họa: CSIS.

Đường trung tuyến ở eo biển Đài Loan. Đồ họa: CSIS.

Như Tâm (Theo Focus Taiwan, CNN)


*********

Matxcơva nói MQ-9 của Mỹ tự rơi, Washington triệu tập đại sứ Nga


Nga khẳng định không tác động gì đến chiếc MQ-9 Reaper trong khi Washington cáo buộc hai tiêm kích Nga là nguyên nhân tai nạn và triệu đại sứ đến phản đối.

Matxcơva nói MQ-9 của Mỹ tự rơi, Washington triệu tập đại sứ Nga - Ảnh 1.

Một chiếc MQ-9 Reaper của Mỹ tại căn cứ không quân ở Estonia thuộc châu Âu - Ảnh: REUTERS

Trong thông báo phát rạng sáng 15-3, Bộ Quốc phòng Nga khẳng định việc máy bay không người lái (UAV) MQ-9 Reaper của Mỹ rơi không liên quan hai tiêm kích Su-27 của nước này.

Phía Nga cũng cáo buộc UAV MQ-9 của Mỹ đã xâm phạm ranh giới không phận tạm thời được thiết lập tại bán đảo Crimea cho "chiến dịch quân sự đặc biệt".

Ranh giới không phận tạm thời này "đã được thông báo tới tất cả các bên và tuân theo tiêu chuẩn quốc tế".

Trong tuyên bố trước đó của Mỹ, hai tiêm kích Su-27 của Nga đã nhiều lần xả nhiên liệu lên chiếc MQ-9 và có các động tác bay gần gây nguy hiểm.

Một trong hai tiêm kích sau đó va chạm với động cơ cánh quạt của chiếc UAV khiến nó bị rơi xuống Biển Đen. Lầu Năm Góc khẳng định chiếc MQ-9 đang bay trong không phận quốc tế.

Tuy nhiên, Nga đã bác bỏ điều này trong tuyên bố của Bộ Quốc phòng và nói rằng UAV của Mỹ rơi không điều khiển sau khi "cơ động đột ngột". Chiếc MQ-9 cũng đang bay với bộ phát đáp bị tắt.

"Các máy bay chiến đấu của Nga đã không sử dụng vũ khí trên không, không tiếp xúc với UAV và đã trở về sân bay căn cứ an toàn", Bộ Quốc phòng Nga nhấn mạnh.

Tại Washington, trở về sau khi bị Bộ Ngoại giao Mỹ triệu tập, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov mô tả sự cố tại Biển Đen lần này là một "hành động khiêu khích" của Mỹ.

Đây là vụ va chạm đầu tiên giữa một UAV của Mỹ và chiến đấu cơ của Nga kể từ khi xung đột bùng nổ ở Ukraine. Sự việc xảy ra vào thời điểm nhạy cảm tại một khu vực cũng vô cùng nhạy cảm.

Nga sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine vào năm 2014 sau một cuộc trưng cầu dân ý. Động thái bị Kiev và nhiều nước phản đối đồng thời đáp trả bằng hàng loạt lệnh trừng phạt.

Quay trở lại chiếc MQ-9, hiện Lầu Năm Góc chưa công bố các thông tin như vị trí nó gặp nạn cũng như thời điểm đó có mang theo vũ khí gì hay không.

Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối trả lời và đề nghị hỏi Bộ Quốc phòng về khả năng trục vớt UAV nói trên.

Bộ Quốc phòng Mỹ thì chỉ tiết lộ chiếc MQ-9 bị rơi đang làm nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo. Theo Hãng tin Reuters, khả năng cao chiếc UAV này đang giám sát các hoạt động quân sự của Nga tại Crimea.

MQ-9 Reaper do Tập đoàn General Atomics chế tạo với sải cánh 20m và dài khoảng 11m với bảy điểm gắn vũ khí dưới cánh. UAV này sử dụng động cơ cánh quạt, tầm hoạt động lên tới 1.900km và thời gian hoạt động liên tục 14 tiếng.

Đây là UAV đầu tiên của Mỹ được thiết kế cho mục đích tìm - diệt và trinh sát tầm cao trong thời gian dài.

Chuyến bay đầu tiên của MQ-9 là vào năm 2001. Hiện Mỹ là nước sử dụng nhiều UAV này nhất và đã xuất khẩu sang một số nước như Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Ấn Độ...


*********
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn