Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhát 20 -4 -2024: Zelenskyy cảm ơn Hạ viện Mỹ thông qua viện trợ dành cho Ukraine

Thứ Bảy, 20 Tháng Tư 20242:39 CH(Xem: 589)
Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhát 20 -4 -2024: Zelenskyy cảm ơn Hạ viện Mỹ thông qua viện trợ dành cho Ukraine
HoaLuc 7************
voatiengviet.com

Tổng thống Zelenskyy cảm ơn Hạ viện Mỹ thông qua viện trợ dành cho Ukraine

Reuters

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy ngày thứ Bảy tỏ lòng biết ơn việc Hạ viện Hoa Kỳ thông qua dự luật cấp viện trợ quân sự cho nước ông và nói rằng sự hỗ trợ này sẽ cứu được nhiều sinh mạng và “đặt dấu chấm hết” cho cuộc chiến với Nga.

“Tôi biết ơn Hạ viện Hoa Kỳ, cả hai đảng, và cá nhân Chủ tịch Mike Johnson vì quyết định giúp lịch sử đi đúng hướng,” ông Zelenskyy viết trên mạng xã hội X.

Tổng thống nói dự luật "sẽ giữ cho chiến tranh không lan rộng, cứu sống hàng ngàn và hàng ngàn sinh mạng, và giúp cả hai nước chúng ta trở nên mạnh hơn."

Vài phút sau, trong phát biểu qua video hàng đêm, tổng thống nói sự hỗ trợ “sẽ tới tay các binh sĩ của chúng ta ở tiền tuyến” và ca ngợi vai trò của “sự lãnh đạo của Mỹ” trong việc duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.

"Chúng tôi chắc chắn sẽ sử dụng hỗ trợ của Mỹ để củng cố sức mạnh của cả hai quốc gia và đặt dấu chấm hết cho cuộc chiến này. Một cuộc chiến mà Putin phải thua."

Các dự luật trong gói hành động lập pháp sẽ cung cấp 60,84 tỉ đôla cho Ukraine, bao gồm 23 tỉ đôla để bổ sung vũ khí, kho dự trữ và cơ sở vật chất của Mỹ.

Thượng viện Mỹ, vốn đã thông qua dự luật tương tự hai tháng trước, dự kiến sẽ phê chuẩn các dự luật hiện tại vào tuần sau và chuyển qua cho Tổng thống Joe Biden kí ban hành.

Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal viết trên Telegram rằng việc thông qua dự luật này là bằng chứng cho thấy Mỹ thể hiện “sự lãnh đạo và quyết tâm” trong cuộc đấu tranh vì hòa bình và an ninh.

Ông Shmyhal ngỏ lời cảm ơn việc phê chuẩn các điều khoản giúp tạo cơ sở cho Mỹ tịch thu tài sản của Nga và giao chúng cho Ukraine để tái thiết sau khi bị chiến tranh tàn phá.

“Chúng ta sẽ nhận được một nguồn lực quan trọng để giành chiến thắng và tái thiết,” ông viết trên Telegram. “Tôi kêu gọi các quốc gia khác có tài sản của Nga hãy noi theo.”


***********

Slovakia : Chính phủ không giúp Ukraina, người dân quyên góp tiền để viện trợ Kiev

Thùy Dương

Trong bối cảnh nội các thân Nga từ chối đóng góp cho chương trình gây quỹ « Đạn dược cho Ukraina » do CH Séc đề xướng, hàng chục ngàn công dân Slovakia đã quyết định đóng góp vào một chiến dịch mới để gây quỹ cộng đồng nhằm viện trợ quân sự cho nước láng giềng chống quân Nga xâm lược. 

Đăng ngày:

1 phút

Người dân cầm cờ Slovakia và Ukraina trong cuộc biểu tình ủng hộ Ukraina, sau cuộc gặp của ngoại trưởng Slovakia và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov, tại Bratislava, Slovakia, ngày 12/03/2024.
Người dân cầm cờ Slovakia và Ukraina trong cuộc biểu tình ủng hộ Ukraina, sau cuộc gặp của ngoại trưởng Slovakia và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov, tại Bratislava, Slovakia, ngày 12/03/2024. REUTERS - Radovan Stoklasa

Từ Praha, thông tín viên trong khu vực, Alexis Rosenzweig, hôm nay 20/03/2024 gửi về bài trình :

« Hơn hai triệu euro từ hơn 30.000 người quyên góp : sáng kiến ​​được đưa ra chỉ cách nay 4 ngày ở Slovakia đã thành công rực rỡ và vượt xa chỉ tiêu đề ra ban đầu.

« Đạn dược cho Ukraina. Chúng tôi gửi cho họ mà không cần đến chính phủ ». Đây là biểu ngữ của cuộc gây quỹ do tổ chức Hòa Bình Cho Ukraina phát động. Số tiền thu được sẽ dành để đóng góp vào dự án của chính quyền CH Séc nhằm hỗ trợ việc mua hàng trăm ngàn đạn pháo từ các nước thứ ba để cung cấp cho quân đội Ukraina hiện đang gặp khó khăn lớn trước quân xâm lược Nga.

Chính phủ của khoảng 20 nước đã chính thức thông báo khoản đóng góp vào kế hoạch của CH Séc, nhưng trong số đó lại không có chính phủ Slovakia, vốn là chính phủ liên minh có khuynh hướng thân Nga do Robert Fico lãnh đạo.

Chiến dịch quyên góp này, với sự ủng hộ của tổng thống mãn nhiệm, đã thu được số tiền nhiều hơn cả khoản đóng góp mà chính phủ Iceland đã loan báo. Chiến dịch này được tổ chức phối hợp với sáng kiến của CH Séc mang tên gọi « Quà tặng cho Putin ». Một trong số các đợt quyên góp trước đây từng thu về vài trăm ngàn euro để mua xe rà phá bom mìn cho Ukraina ».


************

Hơn chục máy bay B-2 của Mỹ rầm rộ tập trận, như lời nhắn nhủ cho Iran

Hơn một nửa phi đội máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit của Mỹ phô diễn sức mạnh trong cuộc diễn tập trong tuần này, giữa lúc tình hình Trung Đông đang nóng.

Các máy bay B-2 cất cánh tại căn cứ không quân Whiteman ở Missouri, Mỹ - Ảnh: BUSINESS INSIDER

Các máy bay B-2 cất cánh tại căn cứ không quân Whiteman ở Missouri, Mỹ - Ảnh: BUSINESS INSIDER

Theo trang Business Insider ngày 20-4, các máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit của Mỹ đã cất cánh từ căn cứ không quân Whiteman ở bang Missouri, trong phần cuối của một cuộc diễn tập thường niên.

Xem dàn máy bay tàng hình có giá 2 tỉ USD/chiếc của Mỹ phô diễn sức mạnh - Nguồn: THE SUN

Cuộc tập trận năm nay có sự tham gia của máy bay B-2 với số lượng lớn nhất từ trước đến nay, với 12 trong số 20 máy bay đang hoạt động tham gia, nhằm đánh giá sự sẵn sàng của phi đội.

Trong khi đó, tờ The Sun cho biết các máy bay đã thực hiện màn trình diễn "Voi đi bộ" đáng sợ và các hành trình bay khác.

Màn phô diễn máy bay ném bom của Mỹ diễn ra trong lúc tình hình Trung Đông đang nóng với các cuộc tấn công, trả đũa qua lại giữa Israel và Iran.

Máy bay ném bom B-2 của Mỹ được đánh giá là những con quái vật tàng hình có khả năng tấn công khủng khiếp - Ảnh: U.S. Air Force

Máy bay ném bom B-2 của Mỹ được đánh giá là những con quái vật tàng hình có khả năng tấn công khủng khiếp - Ảnh: U.S. Air Force

Theo không quân Mỹ, máy bay ném bom chiến lược B-2 có thể tấn công với "hỏa lực khổng lồ, trong một thời gian ngắn, ở bất cứ đâu trên toàn cầu xuyên qua những hệ thống phòng thủ trước đó là bất khả xâm phạm".

Khả năng tàng hình giúp nó thực hiện những điều mà các máy bay khác, như máy bay ném bom B-52 và B-1, không thể làm được.

Lực lượng Mỹ cho biết các máy bay B-2, chỉ được dành cho "các nhiệm vụ quan trọng nhất", "sẵn sàng thực hiện tấn công trên toàn cầu mọi lúc, mọi nơi".

Một chiếc B-2 chuẩn bị cất cánh trên đường băng ở căn cứ Whiteman- Ảnh: U.S. Air Force

Một chiếc B-2 chuẩn bị cất cánh trên đường băng ở căn cứ Whiteman- Ảnh: U.S. Air Force

B-2 Spirit là máy bay ném bom hạng nặng đa năng, có khả năng mang cả đầu đạn thông thường và đầu đạn hạt nhân.

Những cỗ máy có tốc độ lên đến 1.000km/h, được thiết kế để hầu như vô hình trước radar. Nó cũng là máy bay đắt nhất thế giới, ước tính trị giá gần 2 tỉ USD mỗi chiếc.

Chiếc máy bay phản lực 2 phi công này có tầm hoạt động không cần tiếp nhiên liệu là 9.600km và được sản xuất đặc biệt cho các sứ mệnh xuyên lục địa.

Quái vật ẩn mình

Sau nhiều thập kỷ kể từ khi được đưa vào sử dụng lần đầu tiên vào đầu những năm 1990, B-2 vẫn còn là những con quái vật cho đến ngày nay dù hiếm khi xuất hiện

Loại máy bay này ném bom lần đầu tiên khi tham chiến trong chiến tranh Kosovo năm 1999, tấn công các mục tiêu của Serbia và đã thực hiện các phi vụ ở Iraq, Afghanistan cũng các khu vực xung đột khác.

Khả năng tàng hình, mang đầu đạn và thực hiện các nhiệm vụ tấn công tầm xa khiến nó trở thành một máy bay đáng gờm và có khả năng răn đe đối với các đối thủ của Mỹ.

Trong một thời gian dài, B-2 là máy bay ném bom tàng hình duy nhất trên thế giới trước khi Mỹ có máy bay ném bom tàng hình mới, B-21 Raider, đã thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 11-2023.

Quân đội Mỹ cho biết B-21 dự kiến sẽ là "xương sống" cho lực lượng máy bay ném bom của nước này trong tương lai. Tuy nhiên, hiện tại, B-2 vẫn là sức mạnh chính của không quân Mỹ.


***************

Trung Quốc thành lập lực lượng thông tin mạng để « thắng » chiến tranh hiện đại

Anh Vũ

Hôm 19/04/2024, tại Bắc Kinh, quân đội Trung Quốc tổ chức lễ thành lập binh chủ mới « Lực lượng hỗ trợ thông tin », được giới thiệu như là công cụ có thể hỗ trợ quân đội giành chiến thắng trong chiến tranh hiện đại.

Đăng ngày:

2 phút

Binh chủng mới có tên tiếng Anh chính thức là « Information Support Force » – Lực lượng hỗ trợ thông tin. Phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Trung Quốc Ngô Khiêm cho biết lực lượng hỗ trợ thông tin là một « bộ phận chiến lược » của quân đội và là kết quả của quá trình cơ cấu lại các lực lượng phòng thủ mạng và việc thành lập binh chủng mới là « quyết định lớn » nhằm đẩy mạnh sự nghiệp « xây dựng một quân đội vững mạnh ». 

Theo Truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV, phát biểu trong buổi lễ ra mắt lực lượng mới, chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình đánh giá binh chủng chiến lược mới sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hiện đại hóa và giành chiến thắng trong chiến tranh hiện đại của quân đội Trung Quốc.

Theo Tân Hoa Xã, lực lượng hỗ trợ thông tin mới thành lập sẽ do Quân ủy Trung Ương mà ông Tập là chủ tịch, trực tiếp lãnh đạo chỉ huy. Chủ tịch Trung Quốc « đã ra lệnh cho lực lượng nhất quyết tuân theo mệnh lệnh của đảng, bảo đảm trung thành tuyệt đối trong sạch và đáng tin cậy ».

Những thập kỷ gần đây, Bắc Kinh đã nỗ lực đuổi kịp dần quân đội Phương Tây với việc tăng đều đặn ngân sách quốc phòng. Hiện tại chi tiêu quân sự của Trung Quốc lớn thứ 2 thế giới nhưng vẫn thấp hơn ba lần so với Hoa Kỳ.

Việc Bắc Kinh xây dựng một lực lượng quân đội lớn nhất châu Á đã khiến Hoa Kỳ cũng như nhiều nước láng giềng đang có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc lo ngại, trong đó phải kể tới Philippines, Nhật Bản, Ấn Độ và đặc biệt là đảo Đài Loan luôn trong mối đe dọa bị Bắc Kinh thôn tính bằng vũ lực. 


*************

Nguồn tin Reuters: Mỹ sẽ rút quân nhân khỏi Niger

Reuters

Hoa Kỳ sẽ rút quân khỏi Niger, một nguồn tin nắm vấn đề này nói với Reuters vào tối thứ Sáu 19/4, đồng thời cho biết thêm rằng đã có thỏa thuận giữa Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Kurt Campbell và lãnh đạo Niger.

Tính đến năm ngoái, có hơn 1.000 binh sĩ Mỹ ở Niger, tại đó, quân đội Mỹ hoạt động với 2 căn cứ, bao gồm một căn cứ dành cho máy bay không người lái có tên là Căn cứ Không quân 201 được xây dựng gần Agadez ở miền trung Niger với chi phí hơn 100 triệu USD.

Kể từ năm 2018, căn cứ này đã được sử dụng để đánh phiến quân Nhà nước Hồi giáo và Jama'at Nusrat al-Islam wal Muslimeen, một chi nhánh của al Qaeda, ở vùng Sahel.

Năm ngoái, quân đội Niger đã đảo chính giành chính quyền. Cho đến khi xảy ra cuộc đảo chính, Niger vẫn là đối tác an ninh quan trọng của Hoa Kỳ và Pháp.

Nhưng chính quyền mới ở Niger đã cùng với chính quyền ở 2 nước láng giềng là Mali và Burkina Faso chấm dứt các thỏa thuận quân sự với các đồng minh phương Tây một thời như Washington và Paris, họ cũng rời khỏi khối kinh tế và chính trị của khu vực là ECOWAS và thúc đẩy quan hệ chặt chẽ hơn với Nga.

Nguồn tin đề nghị không nêu tên nói với Reuters rằng trong những ngày tới, sẽ có các cuộc thảo luận về việc rút quân như thế nào.

Nguồn tin cho hay quan hệ ngoại giao và kinh tế giữa Mỹ và Niger vẫn được duy trì bất chấp diễn biến kể trên.

Tháng trước, tập đoàn cầm quyền ở Niger nói họ đã rút lại ngay lập tức một hiệp định quân sự cho phép quân nhân và nhân viên dân sự của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ hiện diện ở Niger.

Lầu Năm Góc sau đó nói rằng họ đang tìm hiểu, xác định rõ tình hình. Họ nói thêm rằng chính phủ Hoa Kỳ đã có các cuộc đối thoại "trực tiếp và thẳng thắn" ở Niger trước khi có thông báo của chính quyền và đang tiếp tục liên lạc với hội đồng quân sự cầm quyền của Niger.

Hàng trăm người đã xuống đường ở thủ đô Niger vào tuần trước để đòi quân đội Mỹ rút quân, sau khi tập đoàn cầm quyền tiếp tục thay đổi chiến lược của họ thông qua việc chấm dứt hiệp định quân sự với Mỹ và chào đón các chuyên gia huấn luyện quân sự của Nga.

8 cuộc đảo chính ở Tây và Trung Phi trong vòng 4 năm, bao gồm cả ở Burkina Faso, Mali và Niger, đã làm dấy lên mối lo ngại ngày càng tăng về tình trạng dân chủ bị thụt lùi trong khu vực.


************

Mỹ trừng phạt đồng minh của bộ trưởng Israel, 2 nhóm ủng hộ người định cư 'cực đoan'

Reuters

Hôm thứ Sáu 19/4, Hoa Kỳ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một đồng minh của vị bộ trưởng an ninh quốc gia cực hữu của Israel và hai tổ chức quyên tiền cho những người định cư Israel bị cáo buộc có các hoạt động bạo lực. Đây là động thái mới nhất của Washington nhằm vào những người bị coi là làm leo thang bạo lực ở khu Bờ Tây bị Israel chiếm đóng.

Các lệnh trừng phạt, bên cạnh những lệnh đã được áp dụng đối với 5 người định cư và 2 tiền đồn trái phép trong năm nay, là dấu hiệu mới nhất cho thấy Mỹ ngày càng thất vọng về các chính sách của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.

Bộ Tài chính Mỹ ra tuyên bố nói rằng các động thái hôm 19/4 - nhằm phong tỏa mọi tài sản ở Hoa Kỳ của những đối tượng bị nhắm mục tiêu và về tổng thể là cấm người Mỹ giao dịch với những đối tượng đó - được áp dụng đối với hai tổ chức đang phát động các chiến dịch gây quỹ để hỗ trợ những người định cư bị cáo buộc có các hành vi bạo lực và là mục tiêu của các lệnh trừng phạt trước đó.

Cá nhân bị Washington trừng phạt lần này là Ben-Zion Gopstein, người sáng lập và lãnh đạo nhóm cánh hữu Lehava, nhóm phản đối việc đồng hóa người Do Thái với những người không phải là Do Thái và kích động chống lại người Ả rập nhân danh tôn giáo và an ninh quốc gia. Gopstein từng nói rằng Lehava có 5.000 thành viên.

Liên hiệp châu Âu cũng cho biết hôm 19/4 rằng họ đã đồng ý áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Lehava và các nhóm khác có liên quan đến những người định cư bạo lực.

Gopstein, nhân vật nổi bật nhất của Israel bị Mỹ trừng phạt, là cộng sự thân cận và có quan hệ gia đình với Bộ trưởng An ninh Quốc gia Itamar Ben-Gvir, người sống trong một khu định cư ở Bờ Tây.

Bộ Tài chính Mỹ nói rằng một trong hai tổ chức bị nhắm mục tiêu trong lệnh trừng phạt hôm 19/4 là Quỹ Mount Hebron, vốn đã phát động một chiến dịch gây quỹ trực tuyến quyên góp được 140.000 USD cho người định cư tên là Yinon Levi, sau khi ông này bị trừng phạt vào ngày 1/2 vì lãnh đạo một nhóm người định cư tấn công thường dân Palestine và Bedouin, đốt cháy ruộng đồng và phá hủy tài sản của họ.

Tổ chức thứ hai bị trừng phạt là Shlom Asiraich, họ đã huy động được 31.000 USD trên một trang web gây quỹ cộng đồng cho David Chai Chasdai, người bị Hoa Kỳ trừng phạt vì đã khởi xướng và lãnh đạo một cuộc bạo loạn bao gồm đốt xe cộ và các tòa nhà cũng như gây thiệt hại tài sản ở thị trấn Huwara của Palestine, dẫn đến cái chết của một thường dân Palestine.


*****************

Tin tức thế giới 20-4: Iran nói Israel không gây thiệt hại nên chưa đáp trả ngay

NGUYÊN HẠNH

Người Iran đi bộ dọc sông Zayandeh Rud ở tỉnh Isfahan, Iran ngày 19-4 - Ảnh: REUTER

Người Iran đi bộ dọc sông Zayandeh Rud ở tỉnh Isfahan, Iran ngày 19-4 - Ảnh: REUTER

Israel không gây thiệt hại hay thương vong ở Isfahan

Ngoại truởng Iran Hossein Amirabdollahian cho biết máy bay không người lái (drone) mà các nguồn tin cho biết Israel phóng vào thành phố Isfahan hôm 19-4 không gây ra thiệt hại hay thương vong.

Theo Reuters, Tehran cho biết họ hiện không có kế hoạch trả đũa Israel. Israel cũng chưa đưa ra bình luận công khai nào về vụ việc.

Ngày 19-4, Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian cho biết Iran sẽ lập tức đáp trả ở "mức tối đa" nếu Israel hành động đi ngược lại lợi ích của mình.

Ông Amirabdollahian trả lời Đài NBC News: "Nếu Israel muốn thực hiện một cuộc phiêu lưu khác và hành động chống lại lợi ích của Iran, phản ứng tiếp theo của chúng tôi sẽ là tức thời và ở mức tối đa".

Mỹ trừng phạt cá nhân, tổ chức ủng hộ người định cư "cực đoan" ở Israel

Ngày 19-4, Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với một đồng minh của bộ trưởng An ninh quốc gia của Israel và hai tổ chức quyên tiền cho những người đàn ông Israel bị cáo buộc bạo lực định cư.

Đây là động thái mới nhất của Mỹ nhằm chống lại những người mà Washington đổ lỗi cho sự leo thang bạo lực ở Bờ Tây do Israel chiếm đóng.

Giới quan sát nhận định các lệnh trừng phạt là dấu hiệu cho thấy sự thất vọng ngày càng tăng của Mỹ đối với các chính sách của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.

Triều Tiên thử đầu đạn tên lửa hành trình

Theo Hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA, Bình Nhưỡng đã tiến hành thử đầu đạn tên lửa hành trình và phóng thử tên lửa phòng không mới ở Biển Tây vào ngày 19-4.

Cụ thể, KCNA trích dẫn Cục Quản lý tên lửa Triều Tiên, cho hay nước này đã tiến hành vụ thử sức mạnh đầu đạn siêu lớn được thiết kế cho tên lửa hành trình chiến lược "Hwasal-1 Ra-3" và phóng thử tên lửa phòng không loại mới "Pyoljji-1-2" vào chiều 19-4.

Một tên lửa hành trình chiến lược của Triều Tiên được phóng tại tỉnh Nam Hamgyong vào ngày 22-3-2023 - Ảnh: KCNA

Một tên lửa hành trình chiến lược của Triều Tiên được phóng tại tỉnh Nam Hamgyong vào ngày 22-3-2023 - Ảnh: KCNA

Nổ lớn tại căn cứ quân sự do Iraq sử dụng

Một vụ nổ lớn đã làm rung chuyển một căn cứ quân sự do Lực lượng Huy động nhân dân Iraq (PMF) sử dụng ở phía nam Baghdad vào cuối ngày 19-4.

Hai nguồn tin an ninh nói với Reuters rằng vụ nổ là kết quả của một cuộc không kích xảy ra vào khoảng nửa đêm 19-4.

Hai nguồn tin khác của PMF cho hay cuộc tấn công không gây thương vong nhưng gây thiệt hại về vật chất.

Các nguồn tin của PMF cũng tiết lộ các cuộc tấn công nhằm vào trụ sở của PMF tại căn cứ quân sự Kalso gần thị trấn Iskandariya, cách Baghdad khoảng 50km về phía nam.

Armenia đồng ý trao trả bốn ngôi làng cho Azerbaijan

Ngày 19-4, Armenia đã đồng ý trả lại một số ngôi làng cho Azerbaijan. Cả hai cho biết đây là một cột mốc quan trọng khi họ cùng hướng tới thỏa thuận hòa bình.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Azerbaijan Aykhan Hajizada thông báo trên mạng xã hội X rằng Armenia sẽ trả lại 4 ngôi làng gần biên giới chung giữa hai nước.

Phía Azerbaijan nói những ngôi làng nêu trên đã "bị chiếm đóng" kể từ đầu những năm 1990, đồng thời gọi đây là một "sự kiện lịch sử được chờ đợi từ lâu".

Tại Armenia, hãng thông tấn nhà nước dẫn lời Văn phòng thủ tướng cho biết việc bàn giao trên thực tế chỉ liên quan đến "hai ngôi làng rưỡi", vì Azerbaijan đã kiểm soát một phần các ngôi làng liên quan, nhưng nhấn mạnh việc phân định biên giới là một "sự kiện quan trọng".

Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh: REUTERS

Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh: REUTERS

Chiến dịch tranh cử của ông Trump phát động nỗ lực chống gian lận bầu cử

Ngày 19-4, chiến dịch tranh cử của cựu tổng thống Mỹ Donald Trump và Ủy ban Quốc gia Đảng Cộng hòa (RNC) đã phát động một chương trình nhằm chống gian lận cử tri trước cuộc bầu cử vào tháng 11-2024.

RNC và chiến dịch tranh cử của ông Trump cho biết họ đang chuẩn bị triển khai hơn 100.000 luật sư và tình nguyện viên trên khắp các bang dự kiến sẽ cạnh tranh trong cuộc đua tổng thống.

Đảng Cộng hòa và chiến dịch tranh cử của ông Trump thông báo họ có kế hoạch tuyển dụng một lực lượng giám sát cuộc thăm dò, những người sẽ giám sát các địa điểm bỏ phiếu riêng lẻ để phát hiện bất thường.

Tư lệnh không quân Chad yêu cầu Mỹ dừng hoạt động tại căn cứ quân sự

Theo một lá thư mà Hãng tin Reuters tiếp cận được, người đứng đầu lực lượng không quân của Chad đã yêu cầu Mỹ tạm dừng các hoạt động tại một căn cứ không quân gần thủ đô N'Djamena.

Trong bức thư đề ngày 4-4 gửi Bộ trưởng lực lượng vũ trang Chad, Tham mưu trưởng Lực lượng Không quân Idriss Amine Ahmed cho biết ông đã yêu cầu tùy viên quốc phòng Mỹ tạm dừng các hoạt động của Mỹ tại căn cứ không quân Adji Kossei.

Yêu cầu trên được đưa ra sau khi "người Mỹ" không cung cấp tài liệu giải thích cho sự hiện diện ở đó của họ.

Niềm vui giữa chiến tranh

Những đứa trẻ Palestine chơi trò Trampoline (bạt nhún lò xo) trên bãi biển ở thành phố Deir el-Balah, miền trung Dải Gaza ngày 17-4, giữa lúc chiến sự Israel - Hamas diễn ra khốc liệt - Ảnh: AFP

Những đứa trẻ Palestine chơi trò trampoline (bạt nhún lò xo) trên bãi biển ở thành phố Deir el-Balah, miền trung Dải Gaza ngày 17-4, giữa lúc chiến sự Israel - Hamas diễn ra khốc liệt - Ảnh: AFP


**************
rfi.fr

Xung đột với Israel : Iran chọn thời điểm để « giương nanh vuốt »

Thanh Hà

Giờ đã điểm. Dường như Israel đã bắt đầu « phản công », « trả đũa » Iran. Trang chủ tất cả các báo Paris liên tục cập nhật tình hình theo thời sự thì trên các tờ báo giấy ngày 19/04/2024 Iran và Israel làm lu mờ bầu cử Quốc Hội Ấn Độ, báo động của CIA về khả năng « Ukraina bị thua ngay trong năm 2024 »,  lại càng hiếm hơn nữa những bài viết về chiến lược mới của Liên Âu thúc đẩy công nghiệp tránh để bị thua Mỹ và Trung Quốc.

Chỉ riêng nhật báo Le Monde đến tay độc giả từ chiều qua đã có gần một chục bài về Trung Cận Đông qua các tựa đề : « Israel bị cuốn vào mặt trận ở phương bắc » với Syria và Liban, « Thế đi dây của các nước vùng Vịnh giữa Israel và Iran », « Hạt nhân Iran, phông nền của cuộc đối đầu với Israel ». Sau biến cố 13 tháng Tư khi mà hàng trăm drone và tên lửa Iran nhắm về Israel, « Một liên minh quân sự chống Iran có thể được hình thành ? » 

Trực tiếp « Tấn công Israel hôm 13/04/2024 là dấu hiệu chính quyền Teheran đang muốn tỏ ra cứng rắn », tựa lớn của tờ báo mở đầu phần trang quốc tế.

Từ hơn 10 năm nay Israel nhắm vào các cơ sở của Iran tại Syria vậy tại sao sau lần này, sau vụ một tòa nhà thuộc sứ quán Iran ở Syria bị oanh tạc hôm 01/04/2024, Teheran lại trực tiếp thách thức cỗ máy quân sự đồ sộ của Israel ?  Le Monde đưa ra 3 yếu tố trả lời cho câu hỏi này.

Xung đột Iran-Israel : Hệ quả từ việc Mỹ xé bỏ hiệp ước hạt nhân

Thứ nhất, phe chủ trương « cứng rắn » giờ đây cho rằng sự « kiên nhẫn » của Iran là dấu hiệu « mềm yếu ». Chiến thuật trang bị cho những cánh tay nối dài như các phong trào Hamas của Palestine, Hezbollah ở Liban hay Houthi của Yemen để khuynh đảo Nhà nước Do Thái không còn cho phép thu về những « hiệu quả mà Teheran mong muốn ».

Nhưng vụ oanh kích hôm 01/04 chỉ là cái cớ để phe bảo thủ ở Iran « giương nanh vuốt ». Cựu ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif, người từng dẫn đầu phái đoàn Iran đàm phán về thỏa thuận hạt nhân với nhóm Lục Cường (5 thành viên Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc và Đức), từ 2021 đã nhìn nhận « Tất cả những hồ sơ về quân sự, an ninh, về chiến lược trong khu vực » đều trong tay Vệ Binh Cách Mạng Hồi Giáo. Bộ Ngoại Giao không có thực quyền.

Thỏa thuận hạt nhân đạt được tại Vienne năm 2015 vốn đã không mấy được cánh bảo thủ Iran đánh giá cao vì cho rằng thỏa thuận đó trái ngược với lợi ích quốc gia. Cánh diều hâu Iran lại càng « lên ngôi » khi cựu tổng thống Donald Trump, năm 2018 đơn phương rút Hoa Kỳ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, sự bội ước đó châm thêm củi lửa cho thành phần chủ trương một nước Iran khép kín. « Đa số các nhà lãnh đạo Iran hiện nay không muốn lập lại sai lầm » của thời kỳ hòa hoãn với phương Tây như một chuyên gia về Trung Cận Đông đã ghi nhận.

Cái cớ để thúc đẩy chương trình hạt nhân

Lý do thứ hai là xung đột lần này với Israel có thể là cái cớ cho phép Teheran tiến gần hơn nữa đến giải pháp « hạt nhân ».  

Le Monde trích lời Mohammad Ali Shabani tổng biên tập trang thông tin Amwaj, trụ sở đặt tại Luân Đôn. Trang mạng này chuyên theo dõi tình hình tại Iran, Irak và các nước trong vùng Vịnh Ba Tư. Ông Shabani cho rằng đương nhiên là Iran đã cân nhắc kỹ trước khi trực diện khiêu khích Israel, bởi biết rằng Tel Aviv sẽ trả đũa và sẽ nhắm vào lãnh thổ Iran. Nhưng « im lặng » sau vụ tòa đại sứ ở Syria bị tấn công sẽ tạo đà cho Israel thừa thắng xông lên và « điều đó sẽ mở đường cho một cuộc chiến » sau này. Và trong giả thuyết chiến tranh, liệu rằng Iran có đủ sức đối phó với vũ khí của Israel hay không ? Là một quốc gia rộng lớn, hệ thống phòng không của Iran quá hạn chế để bảo vệ bầu trời, như ghi nhận của một chuyên gia thuộc viện nghiên cứu quan hệ quốc tế và an ninh SWP của Đức. Vậy thì, « giải pháp còn lại là chương trình hạt nhân ». Khả năng răn đe của Iran qua đó lại càng có trọng lượng hơn.

Lý do thứ ba khiến Iran chọn giải pháp đáp trả mạnh mẽ Israel lần này là bởi « Những mối căng thẳng luôn nuôi dưỡng phe diều hâu », qua đó cho phép chặn đứng mọi ý đồ manh nha muốn cởi trói cho xã hội Iran. Một doanh nhân Iran được Le Monde trích dẫn ghi nhận thay đổi đầu tiên từ khi xung đột với Israel khai mào là sự hiện diện dày đặc hơn của lực lượng cảnh sát đạo đức trên đường phố truy lùng những phụ nữ không đeo khăn choàng đầu « đúng theo cung cách ».

Ukraina kêu cứu

Về chiến tranh Ukraina, Libération dành trọn trang bìa với hình ảnh một người lính mệt mỏi, đôi mắt nhắm nghiền, tay cầm súng. Ở phía dưới là hàng tựa nổi bật « Ukraina, lời kêu cứu » : những người lính trên chiến trường « kiệt sức, thiếu đạn dược và tuyệt vọng đợi chờ phương Tây tăng viện ».

Xã luận của tờ báo đặt câu hỏi « Phương Tây còn đợi gì nữa ? ». Báo kinh tế Les Echos trích lời giám đốc tình báo Mỹ CIA ông William Burns : « Không có 61 tỷ đô la viện trợ của Hoa Kỳ, Ukraina có thể thua Nga từ nay đến cuối năm ». Tờ Le Figaro gắn liền phát biểu hôm 18/04/2024 của giám đốc CIA với sự kiện trong hai ngày nữa Hạ Viện Mỹ biểu quyết về gói viện trợ quân sự cho Ukraina.

Libération cay đắng hộ cho Kiev với nhận định : phải đợi đến lúc tình hình trở nên nguy kịch ở nhiều nơi trên mặt trận miền Đông, Hạ Viện Mỹ mới bắt đầu « nhúc nhích » và hiện tại tất cả mới chỉ là hy vọng vì phải đợi đến ngày 20/04/2024 Hạ Viện Hoa Kỳ với đa số thuộc về bên đảng Cộng Hòa mới biểu quyết về gói viện trợ 61 tỷ đô la cho Ukraina cho cả năm.

Điểm sáng duy nhất là tới nay « khúc mắc nằm ở chỗ cái bóng của Donald Trump quá lớn » ở Hạ Viện, nhưng dường như ứng viên tổng thống của đảng Cộng Hòa bắt đầu đổi ý.

Liên Âu đi tìm lực đẩy mới cho kinh tế

Kết thúc hai ngày họp thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu, lãnh đạo 27 thành viên « tiếp tục đi tìm những nguồn đầu tư để khởi động lại cỗ máy kinh tế ».

Libération dành một bài báo dài ghi nhận Liên Âu đang bị kẹt giữa hai ông khổng lồ là Mỹ và Trung Quốc. « Mỗi năm 300 tỷ tiền tiết kiệm của châu Âu chạy sang Hoa Kỳ, đó là chưa kể 67 % các khoản chi tiêu quân sự của khối này đều ưu tiên dành để làm giàu cho các nhà máy sản xuất vũ khí của Uncle Sam. Lại cũng châu Âu ồ ạt mua vào khí hóa lỏng của Mỹ để thay thế cho khí đốt của Nga. »

Như vậy có nghĩa là « Liên Âu đang tài trợ cho cỗ máy kinh tế của Hoa Kỳ, đang nuôi dưỡng tăng trưởng của nước Mỹ và qua đó đào sâu thêm khoảng cách » giữa mình với đồng minh thân thiết ở bên kia bờ Đại Tây Dương.

Thế còn với Trung Quốc, như chính chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel đã phải thốt lên rằng « những doanh nghiệp nhiều hứa hẹn nhất của châu Âu không thể phát triển đúng mức do bị các đối thủ Mỹ hay Trung Quốc thâu tóm ». Trả lời báo Libération kinh tế trưởng hãng bảo hiểm Allianz, Ludovic Subran phân tích vì saoTrung Quốc thành công trong tiến trình chuyển đổi năng lượng, Mỹ thành công trong việc làm sống lại cỗ máy công nghiệp, nhưng Liên Âu thì không. Theo chuyên gia này, câu trả lời khá đơn giản cả Washington lẫn Bắc Kinh cùng không cứng nhắc trong việc hạn chế chi tiêu. Chỉ có Liên Âu đau đáu với mục tiêu giữ thâm hụt ngân sách nhà nước dưới ngưỡng 3 % GDP.

Chính những sai lầm này dẫn tới hậu quả là Liên Hiệp Châu Âu mất khả năng cạnh tranh, để rồi không chỉ có hàng rẻ của Trung Quốc tràn vào châu Âu, mà cả pin mặt trời và ô tô điện made in China đang giết chết các ngành công nghiệp đầy hứa hẹn của Liên Âu

Thế Vận Hội Paris 2024 tủ kính của Nike và Puma

Ngót trăm ngày trước Olympic Paris, trả lời báo kinh tế Les Echos chủ tịch tổng giám đốc Nike giải thích vì sao Thế Vận Hội lần này là một « khúc quanh, một thời khắc mang tính quyết định » đối với tập đoàn trang thiết bị thể thao hàng đầu thế giới này. Vào lúc doanh thu có phần đi xuống, Nike thông báo kế hoạch cắt giảm chi tiêu đến 2 tỷ đô la trong thời gian sắp tới, thế Nike kỳ vọng Paris 2024 sẽ là tủ kính để trình làng những « phát minh mới », bởi theo ông John Donahoe, « nước Pháp và nhất là Paris là biểu tượng của một phong cách sống trẻ trung và tình yêu thể thao ».

Nike luôn gắn bó với kinh đô ánh sáng : năm 1987 nhà tạo mẫu Tinker Hatfield đã lấy nguồn cảm hứng từ Trung Tâm Văn hóa Pompidou quận 1 Paris để thiết kế gam dầy thể thao Air Max1. Thành thử giờ đây trở lại Paris để giới thiệu gam dầy mới Air Max Dn với những sáng tạo mới, đây cũng là cơ hội để Nike trở lại với mối tình đầu.

Lãnh đạo tập đoàn Nike còn cho biết thêm đã triển hạn hợp đồng với đội tuyển bóng đá quốc gia Pháp cho giai đoạn hậu 2026.

Cũng trên nhật báo kinh tế les Echos, tập đoàn Puma, đứng hạng ba trên thế giới trong cùng lĩnh vực với Nike đã chọn Paris là nơi ra mắt một chiến dịch quảng cáo mới rất hoành tráng. Nhãn hiệu con báo đen hôm 10/04/2024 đã quy tụ một dàn sao sáng chói trong giới điền kinh như nữ vận động viên bóng rổ Breanna Stewart, ông vua nhảy xa Jonathan Edwards, hay nhà vô địch ở môn nhảy rào 110 mét Colin Jackson …. với khẩu hiệu « Forever. Faster. See the game like we do » như để hưởng ứng khẩu hiệu của Olympic : Nhanh Hơn, Cao Hơn và Xa Hơn !

Trong mùa Thế Vận Hội lần này, Puma độc quyền cung cấp trang thiết bị cho các vận động viên của 17 quốc gia và hàng trăm vận động viên tranh tài. Chắc chắn là Paris2024 cũng là một tủ kính của nhãn hiệu Đức con báo đen Puma. 


************

Israel trả đũa Iran, liệu chiến tranh có bùng nổ?

VOA Tiếng Việt

Israel dường như đã đáp trả Israel vào hôm 19/4 – gần một tuần sau khi Iran bắn hơn 300 tên lửa và máy bay không người lái vào lãnh thổ Israel vào tối ngày 13/4 trong một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp đầu tiên giữa Cộng hòa Hồi giáo Iran và Nhà nước Do Thái, theo Reuters.

Hãng tin này cho biết các vụ nổ đã vang lên ở thành phố Isfahan của Iran mà các nguồn của họ cho là ‘hành động tấn công của Israel’. Truyền thông và các quan chức Iran cũng cho biết có một vài vụ nổ, mà họ nói đó là do hệ thống phòng không của họ đã bắn trúng ba máy bay không người lái trên thành phố Isfahan.

Dư luận khắp nơi tin rằng đây là hành động Israel đáp trả cuộc tấn công của Iran nhưng sự đáp trả này chỉ ‘ở mức giới hạn’ để không leo thang xung đột trong khu vực trong bối cảnh Israel đang chịu sức ép của Mỹ và các nước phương Tây trong khi Iran cũng không muốn chiến tranh lan rộng, một nhà nghiên cứu nói với VOA.

Quy mô hạn chế của cuộc tấn công và phản ứng lặng lẽ của Iran dường như cho thấy nỗ lực các nhà ngoại giao vốn đã làm việc suốt ngày đêm để ngăn chặn chiến tranh bùng phát toàn diện, đã ‘thành công’, Reuters nhận định.

Đáng chú ý, chính quyền Iran đã gọi vụ việc này là cuộc tấn công của ‘những kẻ xâm nhập’ chứ không nêu đích danh Israel. Do đó, Iran đã loại bỏ sự cần thiết phải trả đũa.

Cuộc tấn công của Iran hôm 13/4 đã đặt chính quyền Israel vào tình thế tiến thoái lưỡng nan là phải cân bằng giữa áp lực quốc tế kêu gọi kiềm chế và áp lực từ trong nước đòi phải có phản ứng thích hợp.

Nội các chiến tranh của Israel đã họp liên tục kể từ đó đến nay. Ngay sau cuộc họp kéo dài gần ba giờ đồng hồ hôm 15/4, nội các chiến tranh của Israel quyết tâm sẽ đáp trả Iran nhưng không cho biết thời gian và quy mô đáp trả, theo CNN.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phải cân nhắc lời kêu gọi của liên minh cánh hữu cầm quyền là cần phản ứng mạnh mẽ với Iran bất chấp nguy cơ bị quốc tế cô lập khi mở rộng cuộc chiến mà không có sự ủng hộ quốc tế.

Áp lực từ đồng minh

Tuy nhiên, phản ứng của Israel bị giới hạn bởi vì họ đang hành động trong một liên minh không chính thức, ông Tamir Hayman, cựu giám đốc tình báo quân sự của Israel, viết trên X. Không chỉ mình Israel đánh chặn các tên lửa Iran mà họ còn có sự giúp đỡ của Mỹ, Anh, Pháp và cả Jordan.

“Đồng minh hỗ trợ là hiệu quả và quan trọng, nhưng nó sẽ hạn chế tự do đáp trả,” ông Hayman, lãnh đạo Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia (INSS) ở Tel Aviv, nói với CNN.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden và đội ngũ an ninh quốc gia của ông đã nói với những người đồng cấp Israel rằng Mỹ sẽ không tham gia vào bất kỳ hành động tấn công nào chống Iran, các quan chức Mỹ nắm rõ vấn đề nói với CNN. Ông Biden đã tìm cách thuyết phục Israel rằng thành tích đánh chặn là chiến thắng lớn cho nên không cần phải phản ứng nữa. Thay vào đó, ông Biden muốn Tel Aviv dùng giải pháp ngoại giao.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi Israel nhắm vào cô lập Iran thay vì leo thang tình hình, còn Thủ tướng Đức Olaf Scholz cảnh báo Iran không nên tiến hành thêm các cuộc tấn công và cho biết Israel cũng phải góp phần làm giảm leo thang.

Trong cuộc gặp với ông Netanyahu ở Tel Aviv hôm 17/4, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock và người đồng cấp Anh David Cameron đã kêu gọi Israel kiềm chế.

Tuyên bố chung của nhóm G7 do Ý, nước chủ tịch luân phiên của khối, đưa ra hôm 14/4 cũng cảnh báo là ‘cần phải tránh gây ra leo thang không thể kiểm soát ở khu vực’.

Chính trị trong nước

Thủ tướng Benjamin Netanyahu lãnh đạo liên minh cầm quyền cánh hữu nhất trong lịch sử Israel, và giữ cho chính phủ không sụp đổ đòi hỏi ông phải xoa dịu những người theo đường lối cứng rắn.

Alon Pinkas, một nhà ngoại giao Israel kỳ cựu, được CNN dẫn lời nói rằng quyết định trả đũa nào của Israel cũng bị chi phối mạnh mẽ bởi chính phủ cực hữu của Thủ tướng Netanyahu và nhu cầu giữ vững ghế của chính ông Netanyahu.

Tuy nhiên, ông Pinkas cũng nói thêm rằng công chúng Israel không muốn mở thêm một mặt trận nữa khi mà quân đội Israel vẫn đang chiến đấu với Hamas ở Gaza.

“Mọi người vẫn còn tan nát và sốc về những gì đã xảy ra vào hôm 7/10 (ngày mà Hamas tấn công), do đó tôi không nghĩ công chúng mong muốn leo thang và mở ra một cuộc xung đột hoàn toàn trực tiếp với Iran,” nhà ngoại giao Israel nói.

Trả đũa giới hạn

Do đó, các nhà phân tích cho rằng Israel có rất ít lựa chọn, và mỗi lựa chọn đều đi kèm với một cái giá, nhất là khi họ đang dính vào một cuộc chiến tàn khốc kéo dài đã sáu tháng với Hamas ở Dải Gaza và đang đối đầu với các nhóm phiến quân được Iran hậu thuẫn trong khu vực

Israel chưa bao giờ tiến hành tấn công quân sự trực tiếp vào lãnh thổ Iran. Tổng thống Iran Ebrahim Raisi hôm 15/4 đã cảnh báo rằng ‘những hành động làm tổn hại lợi ích của Iran dù là nhỏ nhất cũng sẽ hứng chịu phản ứng ‘nghiêm trọng, bao quát và đau đớn’.

“Ưu tiên của Israel là tiếp tục và tập trung đạt được các mục tiêu chính ở Gaza, chứ không phải mở một mặt trận mới,” ông Raz Zimmt, chuyên gia về Iran tại Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia (INSS) ở Tel Aviv, nói với CNN.

Tiến sỹ Nguyễn Hồng Hải, chuyên giảng dạy ngành Quan hệ Quốc tế tại Đại học VinUni ở Hà Nội, nhận định với VOA rằng nội các chiến tranh Israel đã đạt được đồng thuận cao về việc phải có hành động trả đũa của Iran.

“Tôi nghĩ rằng họ (Israel) không dễ dàng chấp nhận bỏ qua cuộc tấn công vừa rồi của Iran bởi vì mối quan hệ xung khắc giữa Iran và Israel nó đã âm ỉ từ lâu rồi. Trước đây Iran thậm chí còn tuyên bố sẽ xóa sổ Israel ra khỏi bản đồ thế giới. Ngược lại Israel luôn coi sự phát triển hạt nhân của Iran là mối đe dọa đối với Nhà nước Do Thái,” Tiến sỹ Hải phân tích.

Tuy nhiên, nếu việc đáp trả của Israel diễn ra ở quy mô lớn và gây ra thiệt hại hại nặng nề cho Iran thì Iran ‘chắc chắn sẽ đáp trả mạnh mẽ trở lại. “Lúc đó cuộc chiến sẽ có nguy cơ lan rộng ra toàn khu vực và thu hút sự can dự của các nước bên ngoài,” ông cảnh báo.

“Nếu như họ (Tel Aviv) thật sự phớt lờ tất cả các lời cảnh báo mà tấn công Iran thì đó sẽ là điều tồi tệ đối với cả khu vực và thế giới.”

Ông cho rằng Israel chỉ tấn công Iran ‘ở mức độ chấp nhận được’ đối với Mỹ ngay cả khi Washington không đồng tình về bất kỳ hành động trả đũa nào.

Mỹ không muốn leo thang

Tiến sỹ Hải giải thích Mỹ và các nước phương Tây không muốn xung đột Iran-Israel leo thang vì cuộc chiến Nga-Ukraine đang diễn ra và Mỹ cũng đang bận tâm về tình hình khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

“Tôi nghĩ Mỹ đã làm hết khả năng để ngăn cản Israel leo thang hơn nữa hoặc là tấn công Iran ở quy mô lớn,” ông nói.

“Phương Tây muốn dồn lực để hỗ trợ Ukraine giành chiến thắng trước Nga và để duy trì vị thế trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương,” ông nói thêm.

Ngoài ra, nếu căng thẳng Iran-Israel lan rộng thành khủng hoảng lớn thì ‘sẽ có tác động tiêu cực đến chiến dịch tái tranh cử của ông Biden’, Tiến sỹ Hải nhận định và cho rằng nếu ông Biden thành công trong việc giữ cho lò lửa chiến tranh Trung Đông không lan rộng thì ông sẽ ghi điểm về đối ngoại.

‘Như vậy là đã đủ’

Về phần Tehran, Tiến sỹ Hải cho rằng họ ở trong thế bắt buộc phải hành động sau khi sứ quán của họ ở Syria bị tấn công mà họ buộc tội Israel đứng đằng sau. Cuộc tấn công này làm 7 thành viên Vệ binh Cộng hòa, trong đó có các tướng lĩnh cấp cao của Iran, thiệt mạng. “Họ phải hành động để giữ được sự ủng hộ của người dân và duy trì chủ nghĩa dân tộc,” ông giải thích.

“Vừa rồi họ cũng gửi một thông điệp rõ ràng đến Israel là đã tấn công có giới hạn như vậy thôi bởi vì họ phải giữ thể diện cả ở trong nước lẫn đối ngoại.”

Theo lời ông thì Tehran biết rõ khả năng phòng thủ tên lửa của Israel được sự hỗ trợ của Mỹ và các đồng minh nên hành động tấn công của họ ‘là có tính toán kỹ’, ‘tấn công có giới hạn’ và ‘rõ ràng là không muốn leo thang’.

“Họ cũng thừa hiểu rằng nếu họ đi quá xa, gây thiệt hại lớn cho Israel thì khả năng can dự của Mỹ là rất lớn. Cho nên họ có tính toán và tấn công có giới hạn là vì vậy,” ông nói thêm.

Sau vụ phóng tên lửa và drone vào Israel, Tehran đã nói rằng họ không muốn leo thang xung đột và ‘như vậy là đã đủ’. Họ cũng đã báo trước cho chính quyền các nước trong khu vực, kể cả Mỹ, 72 giờ trước khi tấn công xảy ra, mặc dù điều này đã bị Mỹ bác bỏ, trong một động thái được các nhà phân tích cho là nhằm giảm thiểu tác động của cuộc tấn công.


************

Ngoại trưởng Blinken: Trung Quốc là nhà cung cấp chính vật liệu công nghiệp vũ khí cho Nga

Reuters

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken hôm 19/4 lên án Trung Quốc hỗ trợ cho ngành công nghiệp quốc phòng của Nga, nói rằng Bắc Kinh hiện là nhà cung cấp chính cho Moscow trong cuộc chiến xâm lược Ukraine, bằng việc cung cấp những bộ phận vũ khí quan trọng cho Nga.

Ông cho biết hành động này đang gây ra "mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh châu Âu kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc".

Phát biểu tại cuộc họp báo kết thúc hội nghị của các ngoại trưởng G7 trên đảo Capri của Ý, ông Blinken cho biết Washington đã nói rất rõ ràng với Bắc Kinh và các nước khác rằng họ không nên hỗ trợ nỗ lực chiến tranh của Nga ở Ukraine.

“Khi nói đến cơ sở công nghiệp quốc phòng của Nga, nước cung cấp chính vào thời điểm này là Trung Quốc. Chúng tôi thấy Trung Quốc cung cấp máy công cụ, chất bán dẫn và các mặt hàng có công dụng kép khác đã giúp Nga củng cố công nghiệp quốc phòng”.

"Trung Quốc không thể có cả hai. Họ không thể có được điều đó. Bạn muốn có mối quan hệ tích cực, thân thiện với các nước ở châu Âu, đồng thời, bạn đang tạo ra mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh châu Âu kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc," ông Blinken nói.

Hoa Kỳ đã cảnh báo Trung Quốc không nên hỗ trợ nỗ lực chiến tranh của Moscow kể từ khi Nga xâm lược toàn diện Ukraine vào tháng 2 năm 2022 -- chỉ vài tuần sau khi Nga và Trung Quốc tuyên bố “quan hệ đối tác không giới hạn”.

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock lặp lại những lo ngại của ông Blinken.

“Nếu Trung Quốc công khai theo đuổi mối quan hệ đối tác chặt chẽ hơn bao giờ hết với Nga, quốc gia đang tiến hành cuộc chiến bất hợp pháp chống lại Ukraine,... thì chúng tôi không thể chấp nhận điều này,” bà Baerbock nói sau cuộc gặp với những người đồng cấp G7 ở Capri.

Các quan chức Mỹ hồi đầu tháng này đã cho các phóng viên biết về những vật liệu mà Trung Quốc đang cung cấp cho Nga, bao gồm công nghệ máy bay không người lái và tên lửa, hình ảnh vệ tinh và máy công cụ, dù các mặt hàng này không trực tiếp tạo thành viện trợ sát thương nhưng đang giúp Nga củng cố quân đội để duy trì cuộc xâm lược Ukraine đã kéo dài hai năm qua của họ.

Một người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc nói với Reuters vào thời điểm đó rằng Trung Quốc không phải là một bên trong cuộc khủng hoảng Ukraine và rằng thương mại bình thường giữa Trung Quốc và Nga không nên bị can thiệp hoặc bị hạn chế.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nêu vấn đề này với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một cuộc điện đàm hồi đầu tháng, và sau đó các quan chức Mỹ cho biết ông Blinken sẽ đi thăm Trung Quốc trong mấy ngày tới. Thông tin chi tiết về chuyến đi của ông Blinken vẫn chưa được công bố.


************

WHO ra thông báo về ca nhiễm cúm gia cầm trên người đầu tiên ở Việt Nam

VOA Tiếng Việt

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 19/4 thông báo rằng họ đã được báo cáo về một trường hợp nhiễm virus cúm A (H9N2) trên người tại Việt Nam vào đầu tháng này, nhưng đánh giá rằng nguy cơ lây nhiễm thấp trong cộng đồng.

Bệnh nhân có bệnh lý nền và trong tình trạng nghiêm trọng được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt vào ngày 21/3/2024. Người ta lấy mẫu hô hấp trong cùng ngày và xét nghiệm bằng phản ứng chuỗi polymerase thời gian thực (PCR) đưa ra kết quả dương tính với cúm. Đến ngày 8/4, bệnh nhân được xác định đã nhiễm cúm gia cầm A (H9N2).

Còn theo thông tin của Sở Y tế Tp. Hồ Chí Minh, bệnh nhân là nam, 37 tuổi, làm thợ hồ ở tỉnh Tiền Giang, được chuyển lên TP.HCM điều trị với chẩn đoán theo dõi xuất huyết tiêu hóa trên nền loét dạ dày, kèm xơ gan, theo dõi nhiễm trùng huyết.

Trong quá trình điều trị, bệnh nhân này có tình trạng viêm phổi nên được chỉ định lấy mẫu làm xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm lần 1 cho kết quả dương tính cúm A. Ngày 1/4, xét nghiệm lần 2 bằng phương pháp giải mã trình tự gen do Bệnh viện Bệnh nhiệt đới phối hợp với Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) thực hiện có kết quả là bộ gene của virus cúm A (H9N2).

WHO nói trong thông báo của họ rằng “Qua xác minh, bệnh nhân này sống gần chợ gia cầm, nơi việc buôn bán gia cầm diễn ra hàng ngày trước cửa nhà ông”. Tính đến ngày 15/4, vẫn chưa có báo cáo về trường hợp nhiễm mới trong số những người tiếp xúc với ca bệnh này hoặc bùng phát dịch trong cộng đồng nơi ca bệnh cư trú.

Đây là ca nhiễm virus cúm gia cầm A (H9N2) đầu tiên ở người được báo cáo tại Việt Nam. Tuy nhiên, dựa trên thông tin có sẵn, WHO đánh giá nguy cơ đối với cộng đồng nói chung do loại virus này gây ra là thấp.

Cúm A (H9N2) là virus độc lực thấp, lưu hành trong đàn gia cầm ở châu Phi, châu Á, Trung Đông và châu Âu. Hầu hết các trường hợp nhiễm cúm gia cầm A (H9N2) trên người thông qua tiếp xúc với gia cầm bị nhiễm bệnh hoặc môi trường bị ô nhiễm, theo WHO.

Trường hợp một người Việt bị nhiễm kể trên không làm thay đổi các khuyến nghị hiện tại của WHO về các biện pháp y tế công đồng và giám sát bệnh cúm. Tuy vậy, một cuộc điều tra kỹ lưỡng về mọi ca nhiễm trên người là điều cần thiết, WHO đưa ra lời khuyên.

Ngoài ra, WHO cảnh báo rằng công chúng nên tránh tiếp xúc với môi trường có nguy cơ cao như chợ/trang trại động vật sống và gia cầm sống hoặc các bề mặt có thể bị ô nhiễm bởi phân gia cầm.

Trường hợp người đầu tiên nhiễm virus cúm gia cầm A (H9N2) chủng độc lực thấp mà Việt Nam ghi nhận đã được Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát Bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) nói đến trước cả WHO trong một thông cáo của cơ quan này hôm 12/4.

“Đây là một loại cúm gia cầm khác với loại virus cúm gia cầm độc lực cao A (H5N1) được báo cáo phổ biến nhất trên toàn cầu và hiện đang gây ra dịch bệnh ở gia cầm và gia súc ở Hoa Kỳ”, CDC cho biết.

Tại thời điểm này, chưa có dấu hiệu nào cho thấy việc nhiễm virus A (H9N2) trên người ở Việt Nam đang gây lây lan từ người sang người hoặc gây ra mối đe dọa cho công chúng Hoa Kỳ, CDC nói thêm.

Theo CDC, cúm A (H5N1) ở chim hoang dã đã dẫn đến bùng phát dịch ở gia cầm thương phẩm, đàn gia cầm thả vườn và lây lan sang các loài động vật có vú hoang dã, với một số trường hợp trên người đã được báo cáo ở 23 quốc gia kể từ năm 1997 với tỷ lệ tử vong trên 50%, nhưng chỉ một số ít trường hợp H5N1 trên người được báo cáo kể từ năm 2022.


************
voatiengviet.com

Cảnh báo thuế quan của TT Biden báo hiệu cuộc chiến chống Trung Quốc gay gắt trong bầu cử Mỹ

Reuters

Việc chính quyền Biden đe dọa áp thêm thuế quan đối với Trung Quốc là tín hiệu mới nhất trong năm bầu cử cho thấy mối quan hệ băng giá hơn với Trung Quốc có thể sẽ tiếp diễn bất kể ai thắng cử tổng thống Mỹ.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tới bang chiến trường Pennsylvania hôm 17/4 để kêu gọi tăng thuế đối với các sản phẩm thép và nhôm của Trung Quốc, và các quan chức chính quyền hàng đầu đã báo hiệu rằng đây có thể không phải là loạt đạn cuối cùng của ông nhắm vào Trung Quốc trong mùa bầu cử này.

Cùng ngày 17/4, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen ra tín hiệu rằng thuế quan đối với xe điện của Trung Quốc có thể là cần thiết để bảo vệ người lao động Mỹ khỏi tình trạng sản xuất dư thừa của Bắc Kinh.

Tuần này, chính quyền Biden cũng mở một cuộc điều tra về những gì họ cho là nỗ lực của Trung Quốc nhằm thống trị các ngành hàng hải, hậu cần và đóng tàu. Nhiều chuyên gia hiện cho rằng kết quả của cuộc điều tra đó và quá trình xem xét kéo dài nhiều năm liên tục về các chính sách thương mại thời Trump sẽ dẫn đến việc có thêm nhiều mức thuế mới đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington, Lưu Bằng Vũ, cho biết thuế quan của Mỹ thể hiện chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ.

“Nhiều đối tác thương mại của Mỹ, bao gồm cả Trung Quốc, rất không hài lòng với việc Mỹ thường xuyên sử dụng an ninh quốc gia, hành vi phi thị trường, sản xuất dư thừa và các lý do khác để áp đặt các hạn chế và chính trị hóa các vấn đề thương mại”, ông Lưu nói trong một tuyên bố đưa ra hôm 17/4 để đáp trả đề xuất về mức thuế thép.

Quyết định tăng thuế trong tuần này của chính quyền Biden cho thấy môi trường thương mại diều hâu đang hướng tới cuộc bầu cử Mỹ năm 2024 khi ông Biden và đối thủ Đảng Cộng hòa của ông, Donald Trump, coi lập trường cứng rắn với Trung Quốc là một phần trên con đường dẫn đến chiến thắng, đặc biệt là các bang chiến trường thuộc vành đai ‘rỉ sắt’ của vùng công nghiệp ‘hết thời’ như Michigan và Pennsylvania.

Ông Trump đã đề xuất mức thuế nhập khẩu tổng thể 10% nếu ông trở lại Nhà Trắng.

Ông cũng đề xuất loại bỏ dần việc nhập khẩu hàng hóa như điện tử, thép và dược phẩm của Trung Quốc trong 4 năm và muốn cấm các công ty Trung Quốc sở hữu cơ sở hạ tầng của Hoa Kỳ trong lĩnh vực năng lượng và công nghệ.

Nhóm thăm dò của Gullup cho biết cuộc thăm dò của họ, được công bố vào tháng 3, cho thấy 41% người Mỹ coi Trung Quốc là kẻ thù lớn nhất của Hoa Kỳ, khiến nước này trở thành đối thủ được coi là hàng đầu của Mỹ trong năm thứ tư liên tiếp.

“Trung Quốc chắc chắn sẽ bị cuốn vào một chu kỳ hỗn loạn. Và tôi thực sự nghĩ rằng, ngay bây giờ, chúng ta mới chỉ nhìn thấy sự khởi đầu của điều đó,” Allen Carlson, giáo sư Đại học Cornell và là một chuyên gia về quan hệ Mỹ-Trung, nói

Các quan chức Nhà Trắng bác bỏ ý kiến cho rằng điều này mang tính chính trị, dù rằng ông Biden đưa ra đề xuất về thuế thép trong một bài phát biểu chống Trump đầy cảm xúc tại trụ sở nghiệp đoàn công nhân ngành thép Hoa Kỳ United Steelworkers ở Pennsylvania.

Thay vào đó, các quan chức chính quyền cho biết họ lo ngại làn sóng xuất khẩu giá rẻ từ Trung Quốc đang gây nguy hiểm cho hàng tỷ đô la ưu đãi thuế do ông Biden đảm bảo để neo giữ các ngành công nghiệp như năng lượng mặt trời, gió và xe điện ở Hoa Kỳ.

Các quan chức chính quyền Mỹ nói rằng nền kinh tế tăng trưởng chậm của Trung Quốc đang buộc các nhà sản xuất phải tăng cường xuất khẩu để bù đắp cho sự tăng trưởng yếu kém về nhu cầu nội địa, khiến thặng dư thương mại sản xuất của Trung Quốc tăng lên mức kỷ lục.

Các tấm pin mặt trời hai mặt, có thể hấp thụ ánh sáng cả hai mặt, là một ví dụ về mối quan tâm của chính quyền Biden. Reuters đưa tin hôm 17/4 rằng chính quyền đã miễn thuế cho Trung Quốc cho đến năm 2026 để giúp thúc đẩy năng lượng mặt trời ở Mỹ, nhưng giờ đây các quan chức dự kiến sẽ dỡ bỏ lệnh cấm và áp đặt thuế sau khi các tấm pin giá rẻ tràn ngập thị trường Mỹ.

Nhà sản xuất tế bào quang điện Hanwha Qcells của Hàn Quốc đã yêu cầu chính quyền Biden dỡ bỏ lệnh cấm để bảo vệ kế hoach mở rộng 2,5 tỷ USD đã cam kết nhằm tăng cường việc sản xuất năng lượng mặt trời tại Hoa Kỳ trước sự cạnh tranh từ các sản phẩm rẻ hơn do châu Á sản xuất.

Các trợ lý của ông Biden cho biết các chính sách của chính quyền họ khác với chính sách của chính quyền Trump ở các khía cạnh chính, bao gồm cả việc nhắm mục tiêu hẹp vào các ngành và sản phẩm cụ thể – điều này có thể làm giảm khả năng bị Trung Quốc và các chính phủ nước ngoài khác trả đũa mạnh mẽ.

Một quan chức chính quyền cấp cao cho biết, đề xuất về thép và nhôm sẽ chỉ nhắm mục tiêu 1 tỷ USD hàng hóa so với hàng trăm tỷ USD liên quan đến mức thuế rộng hơn của ông Trump.

Chính sách mạnh mẽ của Mỹ đối với Trung Quốc là một trong những vấn đề hiếm hoi nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của lưỡng đảng trên cả nước.

“Mọi người ngày nay đều chống Trung Quốc và điều đó được phản ánh trong dư luận,” Bill Reinsch, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nói.

Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Washington về thương mại song phương, Trung Quốc vào này 19/4 đã áp thuế nhập khẩu lên một loại axit từ Mỹ được sử dụng rộng rãi trong thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, thuốc trừ sâu và lĩnh vực y tế.

Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố rằng từ ngày 20/4, nhập khẩu axit propionic từ Mỹ sẽ phải chịu mức thuế 43,5%, sau khi cuộc điều tra vào tháng 7 cho thấy ngành công nghiệp axit propionic nội địa của Trung Quốc “bị thiệt hại nghiêm trọng”.

Tranh chấp thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới ngày càng gia tăng bất chấp các chuyến thăm ngoại giao gần đây.

Ngoài việc đe dọa sẽ tăng thuế đối với thép nhập khẩu của Trung Quốc, Mỹ còn đang gây áp lực buộc Mexico cấm Trung Quốc bán sản phẩm kim loại của mình cho Mỹ một cách gián tiếp từ quốc gia Mỹ Latin.

Bộ thương mại Trung Quốc hôm 18/4 cho biết họ kiên quyết phản đối việc Mỹ tăng thuế và sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích của mình.


**********

TTK Stoltenberg: NATO cam kết bổ sung hệ thống phòng không cho Kyiv

Reuters

Các đồng minh NATO hôm 19/4 đồng ý cung cấp cho Kyiv các hệ thống phòng không bổ sung, người đứng đầu NATO Jens Stoltenberg cho biết sau cuộc họp đặc biệt của các bộ trưởng quốc phòng đồng minh với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy.

"Ngoài Patriot, còn có những loại vũ khí khác mà các đồng minh có thể cung cấp, bao gồm SAMP/T (hệ thống của Pháp) và những nước khác, chưa có sẵn hệ thống, đã cam kết hỗ trợ tài chính để mua chúng cho Ukraine", ông Stoltenberg nói với các phóng viên ở Brussels.

Ông Zelenskiy đã yêu cầu tổ chức cuộc họp trực tuyến để nói về đất nước của ông đang phải đối mặt với tình trạng thiếu đạn dược, với nguồn tài trợ quan trọng từ Hoa Kỳ bị đảng Cộng hòa tại Quốc hội chặn trong nhiều tháng và EU không cung cấp đạn dược đúng hạn.

Ông Stoltenberg không nêu chi tiết số lượng hệ thống phòng không mới mà Ukraine sẽ nhận được nhưng cho biết ông dự kiến sẽ có những thông báo mới trong những ngày tới.

“Sự trợ giúp đang được tiến hành. Và tôi mong đợi nhiều trợ giúp và hỗ trợ hơn sẽ được công bố trong tương lai rất gần,” ông Stoltenberg nói với các phóng viên.

Tuần trước, Đức cam kết cung cấp cho Kyiv khẩu đội Patriot thứ ba từ kho vũ khí của nước này.

Hoa Kỳ có số lượng hệ thống Patriot hiện sẵn có trong kho nhiều nhất. Ở châu Âu, các quốc gia như Tây Ban Nha và Hy Lạp cũng sở hữu các khẩu đội Patriot.

Cũng tại cuộc họp hôm 19/4, Tổng thống Zelenskyy nói với các thành viên NATO rằng Ukraine cần tối thiểu 7 hệ thống phòng không Patriot hoặc các hệ thống phòng không cao cấp khác để chống lại các cuộc không kích của Nga. Ông Zelenskyy khuyến khích họ tăng cường hỗ trợ quân sự cho Kyiv.

Trong bài phát biểu đầy cảm xúc trực tuyến với Hội đồng NATO-Ukraine, ông Zelenskyy mô tả mức viện trợ nước ngoài hiện tại là "rất hạn chế" và nói rằng Israel đã không bị bỏ mặc để tự bảo vệ mình trong cuộc không kích lớn của Iran hôm 13/4.

“(Tổng thống Nga Vladimir) Putin phải bị hạ xuống đất và bầu trời của chúng tôi phải trở nên an toàn trở lại… Và điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào sự lựa chọn của các bạn… sự lựa chọn rằng liệu chúng ta có thực sự là đồng minh hay không”, ông Zelenskyy nói trong bài phát biểu của mình.

Nga đã tăng cường ném bom tầm xa vào cơ sở hạ tầng năng lượng và các thành phố của Ukraine trong những tuần gần đây, gia tăng áp lực lên Kyiv khi lực lượng đông đảo hơn và được trang bị tốt hơn của Moscow đang dần tiến quân trên chiến trường ở phía đông.

Ông Zelenskyy cho biết chỉ trong năm nay Ukraine đã bị Nga tấn công bằng gần 1.200 tên lửa, hơn 1.500 máy bay không người lái và 8.500 quả bom dẫn đường trong bối cảnh hỗ trợ quân sự của phương Tây chậm lại.

Viện trợ quân sự của Hoa Kỳ đã bị trì hoãn trong nhiều tháng tại Quốc hội, nhưng Hạ viện Mỹ dự kiến sẽ bỏ phiếu vào ngày 20/4 về dự luật vốn sẽ giải phóng hàng chục tỷ đô la viện trợ quân sự.

“Chúng tôi vẫn đang chờ đợi các gói hỗ trợ mới từ Hoa Kỳ – Sự hỗ trợ của Mỹ đã bị đặt dấu hỏi quá lâu”, ông Zelenskyy nói.


***********
**************

Tin tức thế giới 20-4: Iran nói Israel không gây thiệt hại nên chưa đáp trả ngay

NGUYÊN HẠNH

Người Iran đi bộ dọc sông Zayandeh Rud ở tỉnh Isfahan, Iran ngày 19-4 - Ảnh: REUTER

Người Iran đi bộ dọc sông Zayandeh Rud ở tỉnh Isfahan, Iran ngày 19-4 - Ảnh: REUTER

Israel không gây thiệt hại hay thương vong ở Isfahan

Ngoại truởng Iran Hossein Amirabdollahian cho biết máy bay không người lái (drone) mà các nguồn tin cho biết Israel phóng vào thành phố Isfahan hôm 19-4 không gây ra thiệt hại hay thương vong.

Theo Reuters, Tehran cho biết họ hiện không có kế hoạch trả đũa Israel. Israel cũng chưa đưa ra bình luận công khai nào về vụ việc.

Ngày 19-4, Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian cho biết Iran sẽ lập tức đáp trả ở "mức tối đa" nếu Israel hành động đi ngược lại lợi ích của mình.

Ông Amirabdollahian trả lời Đài NBC News: "Nếu Israel muốn thực hiện một cuộc phiêu lưu khác và hành động chống lại lợi ích của Iran, phản ứng tiếp theo của chúng tôi sẽ là tức thời và ở mức tối đa".

Mỹ trừng phạt cá nhân, tổ chức ủng hộ người định cư "cực đoan" ở Israel

Ngày 19-4, Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với một đồng minh của bộ trưởng An ninh quốc gia của Israel và hai tổ chức quyên tiền cho những người đàn ông Israel bị cáo buộc bạo lực định cư.

Đây là động thái mới nhất của Mỹ nhằm chống lại những người mà Washington đổ lỗi cho sự leo thang bạo lực ở Bờ Tây do Israel chiếm đóng.

Giới quan sát nhận định các lệnh trừng phạt là dấu hiệu cho thấy sự thất vọng ngày càng tăng của Mỹ đối với các chính sách của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.

Triều Tiên thử đầu đạn tên lửa hành trình

Theo Hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA, Bình Nhưỡng đã tiến hành thử đầu đạn tên lửa hành trình và phóng thử tên lửa phòng không mới ở Biển Tây vào ngày 19-4.

Cụ thể, KCNA trích dẫn Cục Quản lý tên lửa Triều Tiên, cho hay nước này đã tiến hành vụ thử sức mạnh đầu đạn siêu lớn được thiết kế cho tên lửa hành trình chiến lược "Hwasal-1 Ra-3" và phóng thử tên lửa phòng không loại mới "Pyoljji-1-2" vào chiều 19-4.

Một tên lửa hành trình chiến lược của Triều Tiên được phóng tại tỉnh Nam Hamgyong vào ngày 22-3-2023 - Ảnh: KCNA

Một tên lửa hành trình chiến lược của Triều Tiên được phóng tại tỉnh Nam Hamgyong vào ngày 22-3-2023 - Ảnh: KCNA

Nổ lớn tại căn cứ quân sự do Iraq sử dụng

Một vụ nổ lớn đã làm rung chuyển một căn cứ quân sự do Lực lượng Huy động nhân dân Iraq (PMF) sử dụng ở phía nam Baghdad vào cuối ngày 19-4.

Hai nguồn tin an ninh nói với Reuters rằng vụ nổ là kết quả của một cuộc không kích xảy ra vào khoảng nửa đêm 19-4.

Hai nguồn tin khác của PMF cho hay cuộc tấn công không gây thương vong nhưng gây thiệt hại về vật chất.

Các nguồn tin của PMF cũng tiết lộ các cuộc tấn công nhằm vào trụ sở của PMF tại căn cứ quân sự Kalso gần thị trấn Iskandariya, cách Baghdad khoảng 50km về phía nam.

Armenia đồng ý trao trả bốn ngôi làng cho Azerbaijan

Ngày 19-4, Armenia đã đồng ý trả lại một số ngôi làng cho Azerbaijan. Cả hai cho biết đây là một cột mốc quan trọng khi họ cùng hướng tới thỏa thuận hòa bình.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Azerbaijan Aykhan Hajizada thông báo trên mạng xã hội X rằng Armenia sẽ trả lại 4 ngôi làng gần biên giới chung giữa hai nước.

Phía Azerbaijan nói những ngôi làng nêu trên đã "bị chiếm đóng" kể từ đầu những năm 1990, đồng thời gọi đây là một "sự kiện lịch sử được chờ đợi từ lâu".

Tại Armenia, hãng thông tấn nhà nước dẫn lời Văn phòng thủ tướng cho biết việc bàn giao trên thực tế chỉ liên quan đến "hai ngôi làng rưỡi", vì Azerbaijan đã kiểm soát một phần các ngôi làng liên quan, nhưng nhấn mạnh việc phân định biên giới là một "sự kiện quan trọng".

Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh: REUTERS

Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh: REUTERS

Chiến dịch tranh cử của ông Trump phát động nỗ lực chống gian lận bầu cử

Ngày 19-4, chiến dịch tranh cử của cựu tổng thống Mỹ Donald Trump và Ủy ban Quốc gia Đảng Cộng hòa (RNC) đã phát động một chương trình nhằm chống gian lận cử tri trước cuộc bầu cử vào tháng 11-2024.

RNC và chiến dịch tranh cử của ông Trump cho biết họ đang chuẩn bị triển khai hơn 100.000 luật sư và tình nguyện viên trên khắp các bang dự kiến sẽ cạnh tranh trong cuộc đua tổng thống.

Đảng Cộng hòa và chiến dịch tranh cử của ông Trump thông báo họ có kế hoạch tuyển dụng một lực lượng giám sát cuộc thăm dò, những người sẽ giám sát các địa điểm bỏ phiếu riêng lẻ để phát hiện bất thường.

Tư lệnh không quân Chad yêu cầu Mỹ dừng hoạt động tại căn cứ quân sự

Theo một lá thư mà Hãng tin Reuters tiếp cận được, người đứng đầu lực lượng không quân của Chad đã yêu cầu Mỹ tạm dừng các hoạt động tại một căn cứ không quân gần thủ đô N'Djamena.

Trong bức thư đề ngày 4-4 gửi Bộ trưởng lực lượng vũ trang Chad, Tham mưu trưởng Lực lượng Không quân Idriss Amine Ahmed cho biết ông đã yêu cầu tùy viên quốc phòng Mỹ tạm dừng các hoạt động của Mỹ tại căn cứ không quân Adji Kossei.

Yêu cầu trên được đưa ra sau khi "người Mỹ" không cung cấp tài liệu giải thích cho sự hiện diện ở đó của họ.

Niềm vui giữa chiến tranh

Những đứa trẻ Palestine chơi trò Trampoline (bạt nhún lò xo) trên bãi biển ở thành phố Deir el-Balah, miền trung Dải Gaza ngày 17-4, giữa lúc chiến sự Israel - Hamas diễn ra khốc liệt - Ảnh: AFP

Những đứa trẻ Palestine chơi trò trampoline (bạt nhún lò xo) trên bãi biển ở thành phố Deir el-Balah, miền trung Dải Gaza ngày 17-4, giữa lúc chiến sự Israel - Hamas diễn ra khốc liệt - Ảnh: AFP


**************
rfi.fr

Xung đột với Israel : Iran chọn thời điểm để « giương nanh vuốt »

Thanh Hà

Giờ đã điểm. Dường như Israel đã bắt đầu « phản công », « trả đũa » Iran. Trang chủ tất cả các báo Paris liên tục cập nhật tình hình theo thời sự thì trên các tờ báo giấy ngày 19/04/2024 Iran và Israel làm lu mờ bầu cử Quốc Hội Ấn Độ, báo động của CIA về khả năng « Ukraina bị thua ngay trong năm 2024 »,  lại càng hiếm hơn nữa những bài viết về chiến lược mới của Liên Âu thúc đẩy công nghiệp tránh để bị thua Mỹ và Trung Quốc.

Chỉ riêng nhật báo Le Monde đến tay độc giả từ chiều qua đã có gần một chục bài về Trung Cận Đông qua các tựa đề : « Israel bị cuốn vào mặt trận ở phương bắc » với Syria và Liban, « Thế đi dây của các nước vùng Vịnh giữa Israel và Iran », « Hạt nhân Iran, phông nền của cuộc đối đầu với Israel ». Sau biến cố 13 tháng Tư khi mà hàng trăm drone và tên lửa Iran nhắm về Israel, « Một liên minh quân sự chống Iran có thể được hình thành ? » 

Trực tiếp « Tấn công Israel hôm 13/04/2024 là dấu hiệu chính quyền Teheran đang muốn tỏ ra cứng rắn », tựa lớn của tờ báo mở đầu phần trang quốc tế.

Từ hơn 10 năm nay Israel nhắm vào các cơ sở của Iran tại Syria vậy tại sao sau lần này, sau vụ một tòa nhà thuộc sứ quán Iran ở Syria bị oanh tạc hôm 01/04/2024, Teheran lại trực tiếp thách thức cỗ máy quân sự đồ sộ của Israel ?  Le Monde đưa ra 3 yếu tố trả lời cho câu hỏi này.

Xung đột Iran-Israel : Hệ quả từ việc Mỹ xé bỏ hiệp ước hạt nhân

Thứ nhất, phe chủ trương « cứng rắn » giờ đây cho rằng sự « kiên nhẫn » của Iran là dấu hiệu « mềm yếu ». Chiến thuật trang bị cho những cánh tay nối dài như các phong trào Hamas của Palestine, Hezbollah ở Liban hay Houthi của Yemen để khuynh đảo Nhà nước Do Thái không còn cho phép thu về những « hiệu quả mà Teheran mong muốn ».

Nhưng vụ oanh kích hôm 01/04 chỉ là cái cớ để phe bảo thủ ở Iran « giương nanh vuốt ». Cựu ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif, người từng dẫn đầu phái đoàn Iran đàm phán về thỏa thuận hạt nhân với nhóm Lục Cường (5 thành viên Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc và Đức), từ 2021 đã nhìn nhận « Tất cả những hồ sơ về quân sự, an ninh, về chiến lược trong khu vực » đều trong tay Vệ Binh Cách Mạng Hồi Giáo. Bộ Ngoại Giao không có thực quyền.

Thỏa thuận hạt nhân đạt được tại Vienne năm 2015 vốn đã không mấy được cánh bảo thủ Iran đánh giá cao vì cho rằng thỏa thuận đó trái ngược với lợi ích quốc gia. Cánh diều hâu Iran lại càng « lên ngôi » khi cựu tổng thống Donald Trump, năm 2018 đơn phương rút Hoa Kỳ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, sự bội ước đó châm thêm củi lửa cho thành phần chủ trương một nước Iran khép kín. « Đa số các nhà lãnh đạo Iran hiện nay không muốn lập lại sai lầm » của thời kỳ hòa hoãn với phương Tây như một chuyên gia về Trung Cận Đông đã ghi nhận.

Cái cớ để thúc đẩy chương trình hạt nhân

Lý do thứ hai là xung đột lần này với Israel có thể là cái cớ cho phép Teheran tiến gần hơn nữa đến giải pháp « hạt nhân ».  

Le Monde trích lời Mohammad Ali Shabani tổng biên tập trang thông tin Amwaj, trụ sở đặt tại Luân Đôn. Trang mạng này chuyên theo dõi tình hình tại Iran, Irak và các nước trong vùng Vịnh Ba Tư. Ông Shabani cho rằng đương nhiên là Iran đã cân nhắc kỹ trước khi trực diện khiêu khích Israel, bởi biết rằng Tel Aviv sẽ trả đũa và sẽ nhắm vào lãnh thổ Iran. Nhưng « im lặng » sau vụ tòa đại sứ ở Syria bị tấn công sẽ tạo đà cho Israel thừa thắng xông lên và « điều đó sẽ mở đường cho một cuộc chiến » sau này. Và trong giả thuyết chiến tranh, liệu rằng Iran có đủ sức đối phó với vũ khí của Israel hay không ? Là một quốc gia rộng lớn, hệ thống phòng không của Iran quá hạn chế để bảo vệ bầu trời, như ghi nhận của một chuyên gia thuộc viện nghiên cứu quan hệ quốc tế và an ninh SWP của Đức. Vậy thì, « giải pháp còn lại là chương trình hạt nhân ». Khả năng răn đe của Iran qua đó lại càng có trọng lượng hơn.

Lý do thứ ba khiến Iran chọn giải pháp đáp trả mạnh mẽ Israel lần này là bởi « Những mối căng thẳng luôn nuôi dưỡng phe diều hâu », qua đó cho phép chặn đứng mọi ý đồ manh nha muốn cởi trói cho xã hội Iran. Một doanh nhân Iran được Le Monde trích dẫn ghi nhận thay đổi đầu tiên từ khi xung đột với Israel khai mào là sự hiện diện dày đặc hơn của lực lượng cảnh sát đạo đức trên đường phố truy lùng những phụ nữ không đeo khăn choàng đầu « đúng theo cung cách ».

Ukraina kêu cứu

Về chiến tranh Ukraina, Libération dành trọn trang bìa với hình ảnh một người lính mệt mỏi, đôi mắt nhắm nghiền, tay cầm súng. Ở phía dưới là hàng tựa nổi bật « Ukraina, lời kêu cứu » : những người lính trên chiến trường « kiệt sức, thiếu đạn dược và tuyệt vọng đợi chờ phương Tây tăng viện ».

Xã luận của tờ báo đặt câu hỏi « Phương Tây còn đợi gì nữa ? ». Báo kinh tế Les Echos trích lời giám đốc tình báo Mỹ CIA ông William Burns : « Không có 61 tỷ đô la viện trợ của Hoa Kỳ, Ukraina có thể thua Nga từ nay đến cuối năm ». Tờ Le Figaro gắn liền phát biểu hôm 18/04/2024 của giám đốc CIA với sự kiện trong hai ngày nữa Hạ Viện Mỹ biểu quyết về gói viện trợ quân sự cho Ukraina.

Libération cay đắng hộ cho Kiev với nhận định : phải đợi đến lúc tình hình trở nên nguy kịch ở nhiều nơi trên mặt trận miền Đông, Hạ Viện Mỹ mới bắt đầu « nhúc nhích » và hiện tại tất cả mới chỉ là hy vọng vì phải đợi đến ngày 20/04/2024 Hạ Viện Hoa Kỳ với đa số thuộc về bên đảng Cộng Hòa mới biểu quyết về gói viện trợ 61 tỷ đô la cho Ukraina cho cả năm.

Điểm sáng duy nhất là tới nay « khúc mắc nằm ở chỗ cái bóng của Donald Trump quá lớn » ở Hạ Viện, nhưng dường như ứng viên tổng thống của đảng Cộng Hòa bắt đầu đổi ý.

Liên Âu đi tìm lực đẩy mới cho kinh tế

Kết thúc hai ngày họp thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu, lãnh đạo 27 thành viên « tiếp tục đi tìm những nguồn đầu tư để khởi động lại cỗ máy kinh tế ».

Libération dành một bài báo dài ghi nhận Liên Âu đang bị kẹt giữa hai ông khổng lồ là Mỹ và Trung Quốc. « Mỗi năm 300 tỷ tiền tiết kiệm của châu Âu chạy sang Hoa Kỳ, đó là chưa kể 67 % các khoản chi tiêu quân sự của khối này đều ưu tiên dành để làm giàu cho các nhà máy sản xuất vũ khí của Uncle Sam. Lại cũng châu Âu ồ ạt mua vào khí hóa lỏng của Mỹ để thay thế cho khí đốt của Nga. »

Như vậy có nghĩa là « Liên Âu đang tài trợ cho cỗ máy kinh tế của Hoa Kỳ, đang nuôi dưỡng tăng trưởng của nước Mỹ và qua đó đào sâu thêm khoảng cách » giữa mình với đồng minh thân thiết ở bên kia bờ Đại Tây Dương.

Thế còn với Trung Quốc, như chính chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel đã phải thốt lên rằng « những doanh nghiệp nhiều hứa hẹn nhất của châu Âu không thể phát triển đúng mức do bị các đối thủ Mỹ hay Trung Quốc thâu tóm ». Trả lời báo Libération kinh tế trưởng hãng bảo hiểm Allianz, Ludovic Subran phân tích vì saoTrung Quốc thành công trong tiến trình chuyển đổi năng lượng, Mỹ thành công trong việc làm sống lại cỗ máy công nghiệp, nhưng Liên Âu thì không. Theo chuyên gia này, câu trả lời khá đơn giản cả Washington lẫn Bắc Kinh cùng không cứng nhắc trong việc hạn chế chi tiêu. Chỉ có Liên Âu đau đáu với mục tiêu giữ thâm hụt ngân sách nhà nước dưới ngưỡng 3 % GDP.

Chính những sai lầm này dẫn tới hậu quả là Liên Hiệp Châu Âu mất khả năng cạnh tranh, để rồi không chỉ có hàng rẻ của Trung Quốc tràn vào châu Âu, mà cả pin mặt trời và ô tô điện made in China đang giết chết các ngành công nghiệp đầy hứa hẹn của Liên Âu

Thế Vận Hội Paris 2024 tủ kính của Nike và Puma

Ngót trăm ngày trước Olympic Paris, trả lời báo kinh tế Les Echos chủ tịch tổng giám đốc Nike giải thích vì sao Thế Vận Hội lần này là một « khúc quanh, một thời khắc mang tính quyết định » đối với tập đoàn trang thiết bị thể thao hàng đầu thế giới này. Vào lúc doanh thu có phần đi xuống, Nike thông báo kế hoạch cắt giảm chi tiêu đến 2 tỷ đô la trong thời gian sắp tới, thế Nike kỳ vọng Paris 2024 sẽ là tủ kính để trình làng những « phát minh mới », bởi theo ông John Donahoe, « nước Pháp và nhất là Paris là biểu tượng của một phong cách sống trẻ trung và tình yêu thể thao ».

Nike luôn gắn bó với kinh đô ánh sáng : năm 1987 nhà tạo mẫu Tinker Hatfield đã lấy nguồn cảm hứng từ Trung Tâm Văn hóa Pompidou quận 1 Paris để thiết kế gam dầy thể thao Air Max1. Thành thử giờ đây trở lại Paris để giới thiệu gam dầy mới Air Max Dn với những sáng tạo mới, đây cũng là cơ hội để Nike trở lại với mối tình đầu.

Lãnh đạo tập đoàn Nike còn cho biết thêm đã triển hạn hợp đồng với đội tuyển bóng đá quốc gia Pháp cho giai đoạn hậu 2026.

Cũng trên nhật báo kinh tế les Echos, tập đoàn Puma, đứng hạng ba trên thế giới trong cùng lĩnh vực với Nike đã chọn Paris là nơi ra mắt một chiến dịch quảng cáo mới rất hoành tráng. Nhãn hiệu con báo đen hôm 10/04/2024 đã quy tụ một dàn sao sáng chói trong giới điền kinh như nữ vận động viên bóng rổ Breanna Stewart, ông vua nhảy xa Jonathan Edwards, hay nhà vô địch ở môn nhảy rào 110 mét Colin Jackson …. với khẩu hiệu « Forever. Faster. See the game like we do » như để hưởng ứng khẩu hiệu của Olympic : Nhanh Hơn, Cao Hơn và Xa Hơn !

Trong mùa Thế Vận Hội lần này, Puma độc quyền cung cấp trang thiết bị cho các vận động viên của 17 quốc gia và hàng trăm vận động viên tranh tài. Chắc chắn là Paris2024 cũng là một tủ kính của nhãn hiệu Đức con báo đen Puma. 


************

Israel trả đũa Iran, liệu chiến tranh có bùng nổ?

VOA Tiếng Việt

Israel dường như đã đáp trả Israel vào hôm 19/4 – gần một tuần sau khi Iran bắn hơn 300 tên lửa và máy bay không người lái vào lãnh thổ Israel vào tối ngày 13/4 trong một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp đầu tiên giữa Cộng hòa Hồi giáo Iran và Nhà nước Do Thái, theo Reuters.

Hãng tin này cho biết các vụ nổ đã vang lên ở thành phố Isfahan của Iran mà các nguồn của họ cho là ‘hành động tấn công của Israel’. Truyền thông và các quan chức Iran cũng cho biết có một vài vụ nổ, mà họ nói đó là do hệ thống phòng không của họ đã bắn trúng ba máy bay không người lái trên thành phố Isfahan.

Dư luận khắp nơi tin rằng đây là hành động Israel đáp trả cuộc tấn công của Iran nhưng sự đáp trả này chỉ ‘ở mức giới hạn’ để không leo thang xung đột trong khu vực trong bối cảnh Israel đang chịu sức ép của Mỹ và các nước phương Tây trong khi Iran cũng không muốn chiến tranh lan rộng, một nhà nghiên cứu nói với VOA.

Quy mô hạn chế của cuộc tấn công và phản ứng lặng lẽ của Iran dường như cho thấy nỗ lực các nhà ngoại giao vốn đã làm việc suốt ngày đêm để ngăn chặn chiến tranh bùng phát toàn diện, đã ‘thành công’, Reuters nhận định.

Đáng chú ý, chính quyền Iran đã gọi vụ việc này là cuộc tấn công của ‘những kẻ xâm nhập’ chứ không nêu đích danh Israel. Do đó, Iran đã loại bỏ sự cần thiết phải trả đũa.

Cuộc tấn công của Iran hôm 13/4 đã đặt chính quyền Israel vào tình thế tiến thoái lưỡng nan là phải cân bằng giữa áp lực quốc tế kêu gọi kiềm chế và áp lực từ trong nước đòi phải có phản ứng thích hợp.

Nội các chiến tranh của Israel đã họp liên tục kể từ đó đến nay. Ngay sau cuộc họp kéo dài gần ba giờ đồng hồ hôm 15/4, nội các chiến tranh của Israel quyết tâm sẽ đáp trả Iran nhưng không cho biết thời gian và quy mô đáp trả, theo CNN.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phải cân nhắc lời kêu gọi của liên minh cánh hữu cầm quyền là cần phản ứng mạnh mẽ với Iran bất chấp nguy cơ bị quốc tế cô lập khi mở rộng cuộc chiến mà không có sự ủng hộ quốc tế.

Áp lực từ đồng minh

Tuy nhiên, phản ứng của Israel bị giới hạn bởi vì họ đang hành động trong một liên minh không chính thức, ông Tamir Hayman, cựu giám đốc tình báo quân sự của Israel, viết trên X. Không chỉ mình Israel đánh chặn các tên lửa Iran mà họ còn có sự giúp đỡ của Mỹ, Anh, Pháp và cả Jordan.

“Đồng minh hỗ trợ là hiệu quả và quan trọng, nhưng nó sẽ hạn chế tự do đáp trả,” ông Hayman, lãnh đạo Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia (INSS) ở Tel Aviv, nói với CNN.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden và đội ngũ an ninh quốc gia của ông đã nói với những người đồng cấp Israel rằng Mỹ sẽ không tham gia vào bất kỳ hành động tấn công nào chống Iran, các quan chức Mỹ nắm rõ vấn đề nói với CNN. Ông Biden đã tìm cách thuyết phục Israel rằng thành tích đánh chặn là chiến thắng lớn cho nên không cần phải phản ứng nữa. Thay vào đó, ông Biden muốn Tel Aviv dùng giải pháp ngoại giao.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi Israel nhắm vào cô lập Iran thay vì leo thang tình hình, còn Thủ tướng Đức Olaf Scholz cảnh báo Iran không nên tiến hành thêm các cuộc tấn công và cho biết Israel cũng phải góp phần làm giảm leo thang.

Trong cuộc gặp với ông Netanyahu ở Tel Aviv hôm 17/4, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock và người đồng cấp Anh David Cameron đã kêu gọi Israel kiềm chế.

Tuyên bố chung của nhóm G7 do Ý, nước chủ tịch luân phiên của khối, đưa ra hôm 14/4 cũng cảnh báo là ‘cần phải tránh gây ra leo thang không thể kiểm soát ở khu vực’.

Chính trị trong nước

Thủ tướng Benjamin Netanyahu lãnh đạo liên minh cầm quyền cánh hữu nhất trong lịch sử Israel, và giữ cho chính phủ không sụp đổ đòi hỏi ông phải xoa dịu những người theo đường lối cứng rắn.

Alon Pinkas, một nhà ngoại giao Israel kỳ cựu, được CNN dẫn lời nói rằng quyết định trả đũa nào của Israel cũng bị chi phối mạnh mẽ bởi chính phủ cực hữu của Thủ tướng Netanyahu và nhu cầu giữ vững ghế của chính ông Netanyahu.

Tuy nhiên, ông Pinkas cũng nói thêm rằng công chúng Israel không muốn mở thêm một mặt trận nữa khi mà quân đội Israel vẫn đang chiến đấu với Hamas ở Gaza.

“Mọi người vẫn còn tan nát và sốc về những gì đã xảy ra vào hôm 7/10 (ngày mà Hamas tấn công), do đó tôi không nghĩ công chúng mong muốn leo thang và mở ra một cuộc xung đột hoàn toàn trực tiếp với Iran,” nhà ngoại giao Israel nói.

Trả đũa giới hạn

Do đó, các nhà phân tích cho rằng Israel có rất ít lựa chọn, và mỗi lựa chọn đều đi kèm với một cái giá, nhất là khi họ đang dính vào một cuộc chiến tàn khốc kéo dài đã sáu tháng với Hamas ở Dải Gaza và đang đối đầu với các nhóm phiến quân được Iran hậu thuẫn trong khu vực

Israel chưa bao giờ tiến hành tấn công quân sự trực tiếp vào lãnh thổ Iran. Tổng thống Iran Ebrahim Raisi hôm 15/4 đã cảnh báo rằng ‘những hành động làm tổn hại lợi ích của Iran dù là nhỏ nhất cũng sẽ hứng chịu phản ứng ‘nghiêm trọng, bao quát và đau đớn’.

“Ưu tiên của Israel là tiếp tục và tập trung đạt được các mục tiêu chính ở Gaza, chứ không phải mở một mặt trận mới,” ông Raz Zimmt, chuyên gia về Iran tại Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia (INSS) ở Tel Aviv, nói với CNN.

Tiến sỹ Nguyễn Hồng Hải, chuyên giảng dạy ngành Quan hệ Quốc tế tại Đại học VinUni ở Hà Nội, nhận định với VOA rằng nội các chiến tranh Israel đã đạt được đồng thuận cao về việc phải có hành động trả đũa của Iran.

“Tôi nghĩ rằng họ (Israel) không dễ dàng chấp nhận bỏ qua cuộc tấn công vừa rồi của Iran bởi vì mối quan hệ xung khắc giữa Iran và Israel nó đã âm ỉ từ lâu rồi. Trước đây Iran thậm chí còn tuyên bố sẽ xóa sổ Israel ra khỏi bản đồ thế giới. Ngược lại Israel luôn coi sự phát triển hạt nhân của Iran là mối đe dọa đối với Nhà nước Do Thái,” Tiến sỹ Hải phân tích.

Tuy nhiên, nếu việc đáp trả của Israel diễn ra ở quy mô lớn và gây ra thiệt hại hại nặng nề cho Iran thì Iran ‘chắc chắn sẽ đáp trả mạnh mẽ trở lại. “Lúc đó cuộc chiến sẽ có nguy cơ lan rộng ra toàn khu vực và thu hút sự can dự của các nước bên ngoài,” ông cảnh báo.

“Nếu như họ (Tel Aviv) thật sự phớt lờ tất cả các lời cảnh báo mà tấn công Iran thì đó sẽ là điều tồi tệ đối với cả khu vực và thế giới.”

Ông cho rằng Israel chỉ tấn công Iran ‘ở mức độ chấp nhận được’ đối với Mỹ ngay cả khi Washington không đồng tình về bất kỳ hành động trả đũa nào.

Mỹ không muốn leo thang

Tiến sỹ Hải giải thích Mỹ và các nước phương Tây không muốn xung đột Iran-Israel leo thang vì cuộc chiến Nga-Ukraine đang diễn ra và Mỹ cũng đang bận tâm về tình hình khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

“Tôi nghĩ Mỹ đã làm hết khả năng để ngăn cản Israel leo thang hơn nữa hoặc là tấn công Iran ở quy mô lớn,” ông nói.

“Phương Tây muốn dồn lực để hỗ trợ Ukraine giành chiến thắng trước Nga và để duy trì vị thế trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương,” ông nói thêm.

Ngoài ra, nếu căng thẳng Iran-Israel lan rộng thành khủng hoảng lớn thì ‘sẽ có tác động tiêu cực đến chiến dịch tái tranh cử của ông Biden’, Tiến sỹ Hải nhận định và cho rằng nếu ông Biden thành công trong việc giữ cho lò lửa chiến tranh Trung Đông không lan rộng thì ông sẽ ghi điểm về đối ngoại.

‘Như vậy là đã đủ’

Về phần Tehran, Tiến sỹ Hải cho rằng họ ở trong thế bắt buộc phải hành động sau khi sứ quán của họ ở Syria bị tấn công mà họ buộc tội Israel đứng đằng sau. Cuộc tấn công này làm 7 thành viên Vệ binh Cộng hòa, trong đó có các tướng lĩnh cấp cao của Iran, thiệt mạng. “Họ phải hành động để giữ được sự ủng hộ của người dân và duy trì chủ nghĩa dân tộc,” ông giải thích.

“Vừa rồi họ cũng gửi một thông điệp rõ ràng đến Israel là đã tấn công có giới hạn như vậy thôi bởi vì họ phải giữ thể diện cả ở trong nước lẫn đối ngoại.”

Theo lời ông thì Tehran biết rõ khả năng phòng thủ tên lửa của Israel được sự hỗ trợ của Mỹ và các đồng minh nên hành động tấn công của họ ‘là có tính toán kỹ’, ‘tấn công có giới hạn’ và ‘rõ ràng là không muốn leo thang’.

“Họ cũng thừa hiểu rằng nếu họ đi quá xa, gây thiệt hại lớn cho Israel thì khả năng can dự của Mỹ là rất lớn. Cho nên họ có tính toán và tấn công có giới hạn là vì vậy,” ông nói thêm.

Sau vụ phóng tên lửa và drone vào Israel, Tehran đã nói rằng họ không muốn leo thang xung đột và ‘như vậy là đã đủ’. Họ cũng đã báo trước cho chính quyền các nước trong khu vực, kể cả Mỹ, 72 giờ trước khi tấn công xảy ra, mặc dù điều này đã bị Mỹ bác bỏ, trong một động thái được các nhà phân tích cho là nhằm giảm thiểu tác động của cuộc tấn công.


************

Ngoại trưởng Blinken: Trung Quốc là nhà cung cấp chính vật liệu công nghiệp vũ khí cho Nga

Reuters

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken hôm 19/4 lên án Trung Quốc hỗ trợ cho ngành công nghiệp quốc phòng của Nga, nói rằng Bắc Kinh hiện là nhà cung cấp chính cho Moscow trong cuộc chiến xâm lược Ukraine, bằng việc cung cấp những bộ phận vũ khí quan trọng cho Nga.

Ông cho biết hành động này đang gây ra "mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh châu Âu kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc".

Phát biểu tại cuộc họp báo kết thúc hội nghị của các ngoại trưởng G7 trên đảo Capri của Ý, ông Blinken cho biết Washington đã nói rất rõ ràng với Bắc Kinh và các nước khác rằng họ không nên hỗ trợ nỗ lực chiến tranh của Nga ở Ukraine.

“Khi nói đến cơ sở công nghiệp quốc phòng của Nga, nước cung cấp chính vào thời điểm này là Trung Quốc. Chúng tôi thấy Trung Quốc cung cấp máy công cụ, chất bán dẫn và các mặt hàng có công dụng kép khác đã giúp Nga củng cố công nghiệp quốc phòng”.

"Trung Quốc không thể có cả hai. Họ không thể có được điều đó. Bạn muốn có mối quan hệ tích cực, thân thiện với các nước ở châu Âu, đồng thời, bạn đang tạo ra mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh châu Âu kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc," ông Blinken nói.

Hoa Kỳ đã cảnh báo Trung Quốc không nên hỗ trợ nỗ lực chiến tranh của Moscow kể từ khi Nga xâm lược toàn diện Ukraine vào tháng 2 năm 2022 -- chỉ vài tuần sau khi Nga và Trung Quốc tuyên bố “quan hệ đối tác không giới hạn”.

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock lặp lại những lo ngại của ông Blinken.

“Nếu Trung Quốc công khai theo đuổi mối quan hệ đối tác chặt chẽ hơn bao giờ hết với Nga, quốc gia đang tiến hành cuộc chiến bất hợp pháp chống lại Ukraine,... thì chúng tôi không thể chấp nhận điều này,” bà Baerbock nói sau cuộc gặp với những người đồng cấp G7 ở Capri.

Các quan chức Mỹ hồi đầu tháng này đã cho các phóng viên biết về những vật liệu mà Trung Quốc đang cung cấp cho Nga, bao gồm công nghệ máy bay không người lái và tên lửa, hình ảnh vệ tinh và máy công cụ, dù các mặt hàng này không trực tiếp tạo thành viện trợ sát thương nhưng đang giúp Nga củng cố quân đội để duy trì cuộc xâm lược Ukraine đã kéo dài hai năm qua của họ.

Một người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc nói với Reuters vào thời điểm đó rằng Trung Quốc không phải là một bên trong cuộc khủng hoảng Ukraine và rằng thương mại bình thường giữa Trung Quốc và Nga không nên bị can thiệp hoặc bị hạn chế.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nêu vấn đề này với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một cuộc điện đàm hồi đầu tháng, và sau đó các quan chức Mỹ cho biết ông Blinken sẽ đi thăm Trung Quốc trong mấy ngày tới. Thông tin chi tiết về chuyến đi của ông Blinken vẫn chưa được công bố.


************

WHO ra thông báo về ca nhiễm cúm gia cầm trên người đầu tiên ở Việt Nam

VOA Tiếng Việt

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 19/4 thông báo rằng họ đã được báo cáo về một trường hợp nhiễm virus cúm A (H9N2) trên người tại Việt Nam vào đầu tháng này, nhưng đánh giá rằng nguy cơ lây nhiễm thấp trong cộng đồng.

Bệnh nhân có bệnh lý nền và trong tình trạng nghiêm trọng được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt vào ngày 21/3/2024. Người ta lấy mẫu hô hấp trong cùng ngày và xét nghiệm bằng phản ứng chuỗi polymerase thời gian thực (PCR) đưa ra kết quả dương tính với cúm. Đến ngày 8/4, bệnh nhân được xác định đã nhiễm cúm gia cầm A (H9N2).

Còn theo thông tin của Sở Y tế Tp. Hồ Chí Minh, bệnh nhân là nam, 37 tuổi, làm thợ hồ ở tỉnh Tiền Giang, được chuyển lên TP.HCM điều trị với chẩn đoán theo dõi xuất huyết tiêu hóa trên nền loét dạ dày, kèm xơ gan, theo dõi nhiễm trùng huyết.

Trong quá trình điều trị, bệnh nhân này có tình trạng viêm phổi nên được chỉ định lấy mẫu làm xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm lần 1 cho kết quả dương tính cúm A. Ngày 1/4, xét nghiệm lần 2 bằng phương pháp giải mã trình tự gen do Bệnh viện Bệnh nhiệt đới phối hợp với Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) thực hiện có kết quả là bộ gene của virus cúm A (H9N2).

WHO nói trong thông báo của họ rằng “Qua xác minh, bệnh nhân này sống gần chợ gia cầm, nơi việc buôn bán gia cầm diễn ra hàng ngày trước cửa nhà ông”. Tính đến ngày 15/4, vẫn chưa có báo cáo về trường hợp nhiễm mới trong số những người tiếp xúc với ca bệnh này hoặc bùng phát dịch trong cộng đồng nơi ca bệnh cư trú.

Đây là ca nhiễm virus cúm gia cầm A (H9N2) đầu tiên ở người được báo cáo tại Việt Nam. Tuy nhiên, dựa trên thông tin có sẵn, WHO đánh giá nguy cơ đối với cộng đồng nói chung do loại virus này gây ra là thấp.

Cúm A (H9N2) là virus độc lực thấp, lưu hành trong đàn gia cầm ở châu Phi, châu Á, Trung Đông và châu Âu. Hầu hết các trường hợp nhiễm cúm gia cầm A (H9N2) trên người thông qua tiếp xúc với gia cầm bị nhiễm bệnh hoặc môi trường bị ô nhiễm, theo WHO.

Trường hợp một người Việt bị nhiễm kể trên không làm thay đổi các khuyến nghị hiện tại của WHO về các biện pháp y tế công đồng và giám sát bệnh cúm. Tuy vậy, một cuộc điều tra kỹ lưỡng về mọi ca nhiễm trên người là điều cần thiết, WHO đưa ra lời khuyên.

Ngoài ra, WHO cảnh báo rằng công chúng nên tránh tiếp xúc với môi trường có nguy cơ cao như chợ/trang trại động vật sống và gia cầm sống hoặc các bề mặt có thể bị ô nhiễm bởi phân gia cầm.

Trường hợp người đầu tiên nhiễm virus cúm gia cầm A (H9N2) chủng độc lực thấp mà Việt Nam ghi nhận đã được Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát Bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) nói đến trước cả WHO trong một thông cáo của cơ quan này hôm 12/4.

“Đây là một loại cúm gia cầm khác với loại virus cúm gia cầm độc lực cao A (H5N1) được báo cáo phổ biến nhất trên toàn cầu và hiện đang gây ra dịch bệnh ở gia cầm và gia súc ở Hoa Kỳ”, CDC cho biết.

Tại thời điểm này, chưa có dấu hiệu nào cho thấy việc nhiễm virus A (H9N2) trên người ở Việt Nam đang gây lây lan từ người sang người hoặc gây ra mối đe dọa cho công chúng Hoa Kỳ, CDC nói thêm.

Theo CDC, cúm A (H5N1) ở chim hoang dã đã dẫn đến bùng phát dịch ở gia cầm thương phẩm, đàn gia cầm thả vườn và lây lan sang các loài động vật có vú hoang dã, với một số trường hợp trên người đã được báo cáo ở 23 quốc gia kể từ năm 1997 với tỷ lệ tử vong trên 50%, nhưng chỉ một số ít trường hợp H5N1 trên người được báo cáo kể từ năm 2022.


************
voatiengviet.com

Cảnh báo thuế quan của TT Biden báo hiệu cuộc chiến chống Trung Quốc gay gắt trong bầu cử Mỹ

Reuters

Việc chính quyền Biden đe dọa áp thêm thuế quan đối với Trung Quốc là tín hiệu mới nhất trong năm bầu cử cho thấy mối quan hệ băng giá hơn với Trung Quốc có thể sẽ tiếp diễn bất kể ai thắng cử tổng thống Mỹ.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tới bang chiến trường Pennsylvania hôm 17/4 để kêu gọi tăng thuế đối với các sản phẩm thép và nhôm của Trung Quốc, và các quan chức chính quyền hàng đầu đã báo hiệu rằng đây có thể không phải là loạt đạn cuối cùng của ông nhắm vào Trung Quốc trong mùa bầu cử này.

Cùng ngày 17/4, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen ra tín hiệu rằng thuế quan đối với xe điện của Trung Quốc có thể là cần thiết để bảo vệ người lao động Mỹ khỏi tình trạng sản xuất dư thừa của Bắc Kinh.

Tuần này, chính quyền Biden cũng mở một cuộc điều tra về những gì họ cho là nỗ lực của Trung Quốc nhằm thống trị các ngành hàng hải, hậu cần và đóng tàu. Nhiều chuyên gia hiện cho rằng kết quả của cuộc điều tra đó và quá trình xem xét kéo dài nhiều năm liên tục về các chính sách thương mại thời Trump sẽ dẫn đến việc có thêm nhiều mức thuế mới đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington, Lưu Bằng Vũ, cho biết thuế quan của Mỹ thể hiện chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ.

“Nhiều đối tác thương mại của Mỹ, bao gồm cả Trung Quốc, rất không hài lòng với việc Mỹ thường xuyên sử dụng an ninh quốc gia, hành vi phi thị trường, sản xuất dư thừa và các lý do khác để áp đặt các hạn chế và chính trị hóa các vấn đề thương mại”, ông Lưu nói trong một tuyên bố đưa ra hôm 17/4 để đáp trả đề xuất về mức thuế thép.

Quyết định tăng thuế trong tuần này của chính quyền Biden cho thấy môi trường thương mại diều hâu đang hướng tới cuộc bầu cử Mỹ năm 2024 khi ông Biden và đối thủ Đảng Cộng hòa của ông, Donald Trump, coi lập trường cứng rắn với Trung Quốc là một phần trên con đường dẫn đến chiến thắng, đặc biệt là các bang chiến trường thuộc vành đai ‘rỉ sắt’ của vùng công nghiệp ‘hết thời’ như Michigan và Pennsylvania.

Ông Trump đã đề xuất mức thuế nhập khẩu tổng thể 10% nếu ông trở lại Nhà Trắng.

Ông cũng đề xuất loại bỏ dần việc nhập khẩu hàng hóa như điện tử, thép và dược phẩm của Trung Quốc trong 4 năm và muốn cấm các công ty Trung Quốc sở hữu cơ sở hạ tầng của Hoa Kỳ trong lĩnh vực năng lượng và công nghệ.

Nhóm thăm dò của Gullup cho biết cuộc thăm dò của họ, được công bố vào tháng 3, cho thấy 41% người Mỹ coi Trung Quốc là kẻ thù lớn nhất của Hoa Kỳ, khiến nước này trở thành đối thủ được coi là hàng đầu của Mỹ trong năm thứ tư liên tiếp.

“Trung Quốc chắc chắn sẽ bị cuốn vào một chu kỳ hỗn loạn. Và tôi thực sự nghĩ rằng, ngay bây giờ, chúng ta mới chỉ nhìn thấy sự khởi đầu của điều đó,” Allen Carlson, giáo sư Đại học Cornell và là một chuyên gia về quan hệ Mỹ-Trung, nói

Các quan chức Nhà Trắng bác bỏ ý kiến cho rằng điều này mang tính chính trị, dù rằng ông Biden đưa ra đề xuất về thuế thép trong một bài phát biểu chống Trump đầy cảm xúc tại trụ sở nghiệp đoàn công nhân ngành thép Hoa Kỳ United Steelworkers ở Pennsylvania.

Thay vào đó, các quan chức chính quyền cho biết họ lo ngại làn sóng xuất khẩu giá rẻ từ Trung Quốc đang gây nguy hiểm cho hàng tỷ đô la ưu đãi thuế do ông Biden đảm bảo để neo giữ các ngành công nghiệp như năng lượng mặt trời, gió và xe điện ở Hoa Kỳ.

Các quan chức chính quyền Mỹ nói rằng nền kinh tế tăng trưởng chậm của Trung Quốc đang buộc các nhà sản xuất phải tăng cường xuất khẩu để bù đắp cho sự tăng trưởng yếu kém về nhu cầu nội địa, khiến thặng dư thương mại sản xuất của Trung Quốc tăng lên mức kỷ lục.

Các tấm pin mặt trời hai mặt, có thể hấp thụ ánh sáng cả hai mặt, là một ví dụ về mối quan tâm của chính quyền Biden. Reuters đưa tin hôm 17/4 rằng chính quyền đã miễn thuế cho Trung Quốc cho đến năm 2026 để giúp thúc đẩy năng lượng mặt trời ở Mỹ, nhưng giờ đây các quan chức dự kiến sẽ dỡ bỏ lệnh cấm và áp đặt thuế sau khi các tấm pin giá rẻ tràn ngập thị trường Mỹ.

Nhà sản xuất tế bào quang điện Hanwha Qcells của Hàn Quốc đã yêu cầu chính quyền Biden dỡ bỏ lệnh cấm để bảo vệ kế hoach mở rộng 2,5 tỷ USD đã cam kết nhằm tăng cường việc sản xuất năng lượng mặt trời tại Hoa Kỳ trước sự cạnh tranh từ các sản phẩm rẻ hơn do châu Á sản xuất.

Các trợ lý của ông Biden cho biết các chính sách của chính quyền họ khác với chính sách của chính quyền Trump ở các khía cạnh chính, bao gồm cả việc nhắm mục tiêu hẹp vào các ngành và sản phẩm cụ thể – điều này có thể làm giảm khả năng bị Trung Quốc và các chính phủ nước ngoài khác trả đũa mạnh mẽ.

Một quan chức chính quyền cấp cao cho biết, đề xuất về thép và nhôm sẽ chỉ nhắm mục tiêu 1 tỷ USD hàng hóa so với hàng trăm tỷ USD liên quan đến mức thuế rộng hơn của ông Trump.

Chính sách mạnh mẽ của Mỹ đối với Trung Quốc là một trong những vấn đề hiếm hoi nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của lưỡng đảng trên cả nước.

“Mọi người ngày nay đều chống Trung Quốc và điều đó được phản ánh trong dư luận,” Bill Reinsch, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nói.

Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Washington về thương mại song phương, Trung Quốc vào này 19/4 đã áp thuế nhập khẩu lên một loại axit từ Mỹ được sử dụng rộng rãi trong thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, thuốc trừ sâu và lĩnh vực y tế.

Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố rằng từ ngày 20/4, nhập khẩu axit propionic từ Mỹ sẽ phải chịu mức thuế 43,5%, sau khi cuộc điều tra vào tháng 7 cho thấy ngành công nghiệp axit propionic nội địa của Trung Quốc “bị thiệt hại nghiêm trọng”.

Tranh chấp thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới ngày càng gia tăng bất chấp các chuyến thăm ngoại giao gần đây.

Ngoài việc đe dọa sẽ tăng thuế đối với thép nhập khẩu của Trung Quốc, Mỹ còn đang gây áp lực buộc Mexico cấm Trung Quốc bán sản phẩm kim loại của mình cho Mỹ một cách gián tiếp từ quốc gia Mỹ Latin.

Bộ thương mại Trung Quốc hôm 18/4 cho biết họ kiên quyết phản đối việc Mỹ tăng thuế và sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích của mình.


**********

TTK Stoltenberg: NATO cam kết bổ sung hệ thống phòng không cho Kyiv

Reuters

Các đồng minh NATO hôm 19/4 đồng ý cung cấp cho Kyiv các hệ thống phòng không bổ sung, người đứng đầu NATO Jens Stoltenberg cho biết sau cuộc họp đặc biệt của các bộ trưởng quốc phòng đồng minh với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy.

"Ngoài Patriot, còn có những loại vũ khí khác mà các đồng minh có thể cung cấp, bao gồm SAMP/T (hệ thống của Pháp) và những nước khác, chưa có sẵn hệ thống, đã cam kết hỗ trợ tài chính để mua chúng cho Ukraine", ông Stoltenberg nói với các phóng viên ở Brussels.

Ông Zelenskiy đã yêu cầu tổ chức cuộc họp trực tuyến để nói về đất nước của ông đang phải đối mặt với tình trạng thiếu đạn dược, với nguồn tài trợ quan trọng từ Hoa Kỳ bị đảng Cộng hòa tại Quốc hội chặn trong nhiều tháng và EU không cung cấp đạn dược đúng hạn.

Ông Stoltenberg không nêu chi tiết số lượng hệ thống phòng không mới mà Ukraine sẽ nhận được nhưng cho biết ông dự kiến sẽ có những thông báo mới trong những ngày tới.

“Sự trợ giúp đang được tiến hành. Và tôi mong đợi nhiều trợ giúp và hỗ trợ hơn sẽ được công bố trong tương lai rất gần,” ông Stoltenberg nói với các phóng viên.

Tuần trước, Đức cam kết cung cấp cho Kyiv khẩu đội Patriot thứ ba từ kho vũ khí của nước này.

Hoa Kỳ có số lượng hệ thống Patriot hiện sẵn có trong kho nhiều nhất. Ở châu Âu, các quốc gia như Tây Ban Nha và Hy Lạp cũng sở hữu các khẩu đội Patriot.

Cũng tại cuộc họp hôm 19/4, Tổng thống Zelenskyy nói với các thành viên NATO rằng Ukraine cần tối thiểu 7 hệ thống phòng không Patriot hoặc các hệ thống phòng không cao cấp khác để chống lại các cuộc không kích của Nga. Ông Zelenskyy khuyến khích họ tăng cường hỗ trợ quân sự cho Kyiv.

Trong bài phát biểu đầy cảm xúc trực tuyến với Hội đồng NATO-Ukraine, ông Zelenskyy mô tả mức viện trợ nước ngoài hiện tại là "rất hạn chế" và nói rằng Israel đã không bị bỏ mặc để tự bảo vệ mình trong cuộc không kích lớn của Iran hôm 13/4.

“(Tổng thống Nga Vladimir) Putin phải bị hạ xuống đất và bầu trời của chúng tôi phải trở nên an toàn trở lại… Và điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào sự lựa chọn của các bạn… sự lựa chọn rằng liệu chúng ta có thực sự là đồng minh hay không”, ông Zelenskyy nói trong bài phát biểu của mình.

Nga đã tăng cường ném bom tầm xa vào cơ sở hạ tầng năng lượng và các thành phố của Ukraine trong những tuần gần đây, gia tăng áp lực lên Kyiv khi lực lượng đông đảo hơn và được trang bị tốt hơn của Moscow đang dần tiến quân trên chiến trường ở phía đông.

Ông Zelenskyy cho biết chỉ trong năm nay Ukraine đã bị Nga tấn công bằng gần 1.200 tên lửa, hơn 1.500 máy bay không người lái và 8.500 quả bom dẫn đường trong bối cảnh hỗ trợ quân sự của phương Tây chậm lại.

Viện trợ quân sự của Hoa Kỳ đã bị trì hoãn trong nhiều tháng tại Quốc hội, nhưng Hạ viện Mỹ dự kiến sẽ bỏ phiếu vào ngày 20/4 về dự luật vốn sẽ giải phóng hàng chục tỷ đô la viện trợ quân sự.

“Chúng tôi vẫn đang chờ đợi các gói hỗ trợ mới từ Hoa Kỳ – Sự hỗ trợ của Mỹ đã bị đặt dấu hỏi quá lâu”, ông Zelenskyy nói.


***********
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn