Làm báo trong thời kỳ tin giả lan nhanh hơn tin thật ( Tác giả là cựu phóng viên BBC, hèn gì...)

Thứ Bảy, 14 Tháng Bảy 20187:00 SA(Xem: 6589)
Làm báo trong thời kỳ tin giả lan nhanh hơn tin thật ( Tác giả là cựu phóng viên BBC, hèn gì...)
voatiengviet.com
Nguyễn Hùng

Nguyễn Hùng


Khi đến với blog này trên VOA, tôi đã sống nhờ nghề viết, phát thanh, truyền hình trực tuyến… 20 năm có lẻ. Giữa lúc tin tức thật giả khó lường, xin chia sẻ đôi điều học được sau hơn hai thập niên chuyên sàng lọc và kiểm chứng thông tin.

Điều đầu tiên là “sự thật không bao giờ là thuần khiết và chẳng bao giờ giản đơn”. Quý vị hãy nghĩ về một trận đấu bóng đá chẳng hạn. Vì sao trọng tài ở ngay trên sân mà nhiều khi còn phải xem lại video để đưa ra quyết định hoặc xem quyết định của họ có đúng không? Tùy vào vị trí của trọng tài trên sân mà họ có thể bao quát tốt hay bị hạn chế về tầm nhìn. Và vài cặp mắt vẫn tốt hơn một. Nhà báo cũng vậy. ‘Tầm nhìn’ của họ đôi khi còn phụ thuộc vào người khác. Nếu họ nói chuyện với đúng người và người đó có tầm nhìn bao quát về một sự việc cụ thể, họ sẽ có bài tốt. Nếu họ nói chuyện với những người “nghe hơi nồi chõ,” độ khả tín của tin họ đưa là không đáng kể.

Các hãng tin nước ngoài đa số đều có nguyên tắc cần phải có hai nguồn độc lập xác nhận một tin nào đó trước khi đăng tải. Nhưng mới đây hầu hết các hãng tin đều bị hố khi cảnh sát Ukraine dựng lên vụ một nhà hoạt động Nga bị ám sát ở Kiev. Họ yêu cầu nhà hoạt động hợp tác và vờ chết để họ bẫy những kẻ thực sự đang muốn ám sát ông này. Nhà báo nào chẳng tin khi cảnh sát và vợ của nhà hoạt động xác nhận ông đã chết. Hai nguồn độc lập đôi khi cũng không đủ. Bởi vậy càng kiểm tra chéo với nhiều nguồn càng tốt. Trong trường hợp cụ thể này cần có giấy chứng tử của bệnh viện để kiểm chứng thêm chẳng hạn.

Theo dõi truyền thông xã hội, tôi chứng kiến nhiều tin thất thiệt được chia sẻ tràn lan trước khi người ta phát hiện ra rằng đó là tin rởm. Thời mạng xã hội lên ngôi cũng là lúc người dùng mạng cần đa nghi như Tào Tháo. Chúng ta cần luôn tự hỏi “ai là người đang chia sẻ thông tin này?”, “người này có đáng tin không?”, “liệu họ đã đọc trước khi chia sẻ chưa?”… Xin hãy suy nghĩ kỹ trước khi khi chia sẻ bất kỳ thông tin gì trên mạng vì khả năng tin giả lan nhanh hơn tin thật là có thật.

Điều thứ hai là nên đa dạng nguồn tin. Mỗi cơ quan truyền thông có tôn chỉ và chủ trương riêng. Các nhà báo của họ có thể có mức độ độc lập và xông xáo khác nhau. Đó là lý do cùng một tin mà có báo đưa, có báo không và cách đưa tin cũng khác nhau nếu họ cùng quan tâm tới tin đó. Chỉ đọc một, hai tờ báo sẽ khó có thể có cái nhìn thấu đáo về một vấn đề gai góc.

Điều thứ ba là quá trình quyết định đưa tin gì hay không đưa tin gì của các nhà báo không có một cơ sở khoa học nào cả. Nó tùy thuộc vào kinh nghiệm, năng lực và việc có hay không sự tự kiểm duyệt của các nhà báo. Nhiều quyết định về tin bài được đưa ra sau hàng loạt các cuộc họp của những người có nguồn tin riêng và sau khi họ đã đọc tin tức của các hãng thông tấn hay báo chí nói chung. Nhiều khi quyết định tới từ một biên tập viên cụ thể. Đôi khi các cộng tác viên hay ngay cả độc giả hoặc khán, thính giả cũng có thể gợi ý tòa soạn đưa một tin nhất định.

Điều thứ tư là người tiêu thụ các sản phẩm truyền thông không còn bị động như trước nữa. Với các mạng xã hội hiện đang có hàng tỷ người dùng, khán giả, thính giả và độc giả có kênh để phản hồi nếu truyền thông đưa tin không chuẩn. Trên mạng xã hội cũng xuất hiện những cây viết với những sản phẩm truyền thông có độ tương tác không kém gì các cơ quan truyền thông chính thống.

Điều thứ năm là nhiều lỗi của báo chí không phải là cố ý. Các nhà báo thường có sức ép về thời gian, họ phải lên sóng hay nộp bài vào giờ nhất định để tin tức còn nóng hổi. Chính sức ép này khiến họ có thể đưa tin hoặc nhận định không chuẩn xác. Đôi khi họ cũng có thể gặp phải một nguồn tin không đáng tin cậy và do vậy tin họ đưa không đúng. Đương nhiên họ cần công khai nhận sai và xin lỗi đúng cách mỗi khi mắc sai lầm.

Điều thứ sáu là hãy nói không với tình trạng đánh cắp tác quyền tràn lan trên mạng xã hội nói riêng và mạng internet nói chung. Thông thường người ta có thể trích dẫn một bài viết nhưng cũng không thể trích quá 30%. Về ảnh minh họa, người ta chỉ có thể dùng khi đã được sự đồng ý của tác giả. Video cũng vậy. Không có lý do gì có thể biện minh cho việc đánh cắp ảnh hay video của người khác vì bất kỳ lý do gì.

Đó là sáu điều chia sẻ với mục đích giúp quý vị có cách tiếp cận các sản phẩm truyền thông thực tế và an toàn hơn.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn