Ảnh cưới tự chụp
Đến Ba Vì hỏi thăm nhà ông Nguyễn Hữu Trọng ai cũng nhiệt tình chỉ đường. Bởi ông không chỉ nổi tiếng vì bốc thuốc chữa bệnh mát tay mà còn vang danh khắp nơi khi ở tuổi 80 mà vẫn lấy được cô vợ trẻ.
Trò chuyện với PV, ông Trọng không ngại khi kể về mối tình “có một không hai” của mình. “Tôi lấy vợ năm 80 tuổi, khi ấy vợ tôi mới 28 mà lại là gái tân”, ông Trọng, nay đã 91 tuổi, chia sẻ. Chuyện tình đũa lệch của ông Trọng đã vấp phải không ít lời bàn ra tán vào, thậm chí mỉa mai chế giễu của thiên hạ. Tuy nhiên, ông vẫn quyết lấy cô gái xứ Mường về làm vợ.
Ông Trọng nhớ lại: “Vợ tôi quê tại Yên Lập, Phú Thọ, khi học xong sư phạm cô ấy không theo nghề mà lại xin vào trang trại trồng cây thuốc của tôi để làm. Có lẽ đây là mối duyên trời định. Tôi đã từng 3 lần đổ vỡ hôn nhân và nghĩ không thể đi thêm bước nữa. Nhưng khi gặp Thoan (vợ ông Trọng – PV) trái tim cằn cỗi của tôi dần dần bị cô gái trẻ chiếm giữ. Tôi thường hay làm thơ vui, tếu táo để “tỏ tình” và cô ấy lại say đắm những vần thơ ấy.
Ngày đó tôi cũng không tìm hiểu gì nhiều, khi quyết định cưới cô ấy mới đưa tôi và họ hàng về nhà. Trên đường đi cô ấy nói nhỏ vào tai tôi mà thú nhận: “Bố em ít tuổi hơn anh”. Tôi cũng bối rối và khi đến nơi tôi xưng với bố vợ là “anh – tôi””, ông Trọng cười.
Những tưởng gia đình Loan sẽ phản đối, nhưng khi bố vợ tương lai gieo quẻ xong, rồi vỗ vai con rể tương lai nói: “Được rồi anh Trọng ơi”, khi đó, ông Trọng vui mừng cười lớn: “Từ nay tôi phải gọi ông là bố vợ rồi”. Và rồi, nhà gái tổ chức đám cưới nhanh chóng, khi đó, cả hai chưa kịp chụp ảnh cưới.
“Khá bất ngờ với quyết định của nhà gái, vì thế tôi đồng ý làm đám cưới luôn. Cưới xong hai vợ chồng vội vàng quay lại Hà Nội để chụp ảnh cưới và tổ chức hôn lễ ở nhà trai. Nói thật, nghĩ việc đi chụp ảnh cưới tôi cũng ái ngại vì ai nhìn thấy chúng tôi cũng gọi là ông – cháu. Cũng may, tôi có chiếc máy ảnh nên quyết định tự chụp hình.
Chúng tôi chỉ chụp vài bức ảnh làm kỷ niệm và đặt tại bàn tiệc cưới. Cô ấy không mặc váy cô dâu, cũng chẳng trang điểm cầu kỳ. Tôi cũng phân vân vì điều này nhưng cô ấy nói không cần, cô ấy muốn “hóa trang” làm sao cho ngang tầm với tôi. Khi chúng tôi mặc xong trang phục, tôi để chế độ chụp ảnh, rồi chúng tôi ôm nhau và cười thật tươi để có bức hình cưới này”, ông Trọng nhớ lại.
Đám cưới của ông Trọng với người vợ thứ 4 cũng đầy đủ nhưng ảnh cưới của họ lại vô cùng đơn giản. Tuy nhiên, nhìn vào ai cũng thấy sự hạnh phúc rạng ngời trên khuôn mặt người vợ trẻ. Nhìn vào tấm ảnh cưới, ông Trọng cười: “Hai vợ chồng tôi đến với nhau được đã là một điều kỳ diệu rồi nên chỉ biết ôm nhau hạnh phúc mà chụp thôi. Nói là ảnh cưới nhưng đó là tấm ảnh để chúng tôi lưu giữ lại những giây phút hạnh phúc nhất bên nhau mặc cho mọi người nhòm ngó. Chúng tôi cũng chẳng “diễn” nhiều như những bạn trẻ bây giờ vì tôi đã 80 tuổi rồi”.
Dù đã hơn chục năm nhưng bức ảnh cưới của ông Trọng và vợ vẫn được treo ngay ngắn ở phòng khách. Ông bảo, treo ở phòng khách để “khoe” với mọi người dù già nhưng vẫn lấy được vợ trẻ và sống hạnh phúc viên mãn. Với ông, tuổi tác không quan trọng gì, chỉ cần vợ chồng ông hạnh phúc là được.
Giữ lửa hạnh phúc bằng thơ
Năm nay ông Trọng đã ngoài 90 tuổi nhưng giọng nói vẫn sang sảng, khỏe mạnh, bước đi nhanh nhẹn và thường dí dỏm đọc thơ tình cho vợ nghe. Ông Trọng nói, đó cũng là bí quyết giữ lửa gia đình của ông.
Khi cưới, nhiều người cũng e ngại vì chênh lệch tuổi tác quá nhiều nên rất khó chung sống với nhau. Thế nhưng, ông Trọng cùng người vợ kém 52 tuổi đã vượt qua được những điều đó.
Gia đình ông Trọng hạnh phúc bên nhau. |
Ông Trọng chia sẻ: “Vợ chồng tôi cưới nhau đến nay đã được hơn 10 năm, có với nhau 2 mặt con. Ngày vợ tôi có bầu, ai cũng đoán già đoán non có phải con tôi không. Tôi nghĩ, bản thân mình mới biết được chứ người ngoài châm lửa thì mặc kệ họ.
Đến khi 2 đứa con lần lượt ra đời và lớn lên giống bố như đúc thì không còn ai bóng gió được nữa. Vợ chồng tôi rất hiểu nhau, từ chuyện ăn uống, công việc cũng như dạy dỗ con cái. Vợ tôi đều tôn trọng ý kiến của tôi và chúng tôi dùng sự chân thật, thấu hiểu lẫn nhau mà sống thôi”.
Nói rồi, ông đọc cho chúng tôi nghe bài thơ đã từng dành tặng vợ mình: “Em ngồi nhổ cỏ nhưng vẫn đợi/ Chẳng hiểu cỏ kia có rễ không/ Chỉ chờ ai gọi thôi em nhé/ Đứng dậy đi em chim xổ lồng”. Không chỉ làm thơ tặng vợ, ông Trọng còn rất tâm lý khi thường xuyên đưa vợ con đi chơi, ngắm cảnh.
“Mọi người cứ nói “cha già con cọc” nhưng con tôi không hề “cọc”. Không những thế, tôi sinh con “đủ nếp, đủ tẻ”. Hai đứa rất quý tôi, chúng đi học về là không rời tôi nửa bước. Con gái tôi rất giỏi đàn, mỗi khi rảnh tôi lại dạy con gái mình chơi những bản tình ca lãng mạn. Năm nay con gái tôi đã học lớp 4, con trai vào lớp 1. Nhìn chúng khỏe mạnh, khôn lớn, ngoan ngoãn với bố mẹ tôi thấy vô cùng tự hào. Tôi nghĩ, vợ chồng tôi như vậy là hạnh phúc lắm rồi”, ông Trọng cười.
Ông Trọng dạy con gái chơi đàn. |
Vợ ông nghe thấy vậy cười bẽn lẽn. Chị Thoan chỉ nhớ rằng, chị bị “say nắng” và phải lòng người đàn ông hơn tuổi bố mình từ lâu lắm rồi. Chính bản thân chị cũng không thể lý giải được điều này. Khi về làm vợ ông Trọng và đến nay đã hơn chục năm, chị chưa một giây phút ân hận về quyết định của mình năm xưa.
“Lúc tôi nói: “Bố em hơn tuổi anh” anh ấy có ngạc nhiên, nhưng chỉ cười. Có lẽ tình yêu không tuổi của chúng tôi là câu chuyện có thật. Tôi hiểu từng sở thích của anh, biết anh cần gì và muốn gì.
Trong cuộc sống chúng tôi chưa bao giờ to tiếng với nhau, anh Trọng chăm con còn khéo hơn cả tôi nữa đấy. Năm nay anh Trọng đã 90 tuổi nhưng tính tình vẫn còn như 40 tuổi thôi. Anh ấy thường chia sẻ với tôi hãy coi chồng như một người bạn, người tình, người cha thì mới có thể sống với nhau lâu dài được”, chị Thoan chia sẻ.
Chia tay gia đình ông Trọng khi đã xế chiều, trong tâm trí chúng tôi vẫn vương vấn hình ảnh đẹp về một tấm ảnh cưới có một không hai.
Theo ĐS & PL