Bắc Triều Tiên vừa ra lệnh cho tất cả sinh viên của mình ở nước ngoài trở về nhà để đào tạo lại tư tưởng, chấn chỉnh về sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong suy nghĩ. Mệnh lệnh này được coi như là một chương trình đặc biệt khẩn cấp nhằm gột sạch các ảnh hưởng bên ngoài, mà sinh viên Bắc Hàn đã tiếp xúc khi ở nước ngoài có thể đã nhận ra chủ nghĩa cộng sản hoàn toàn không phải như những gì họ đã bị tuyên truyền.
Một người đào tỵ khỏi Bắc Hàn, yêu cầu chỉ nêu danh tính là Kim để bảo đảm an toàn cá nhân, và có thể là gia đình còn kẹt ở trong nước, nói rằng anh ta biết được mệnh lệnh này mới vừa được ban hành, do một người tỵ nạn mới chạy khỏi Bắc Hàn gần đây, cho biết.
“Người này kể rằng ông ta đang đi du học ở Nga. Sau đó nhân viên của Sứ quán đi tìm gặp và ra lệnh cho anh ta quay trở lại”, Kim nói, “lệnh này được ban hành rộng rãi từ nhà lãnh đạo tối cao Kim Jong Un vào tháng 7”.
Điều này như dập tắt mọi hy vọng của những người đang du học ở Nga hay Trung Quốc về một cuộc sống bình yên tạm bợ, lập tức thúc đẩy những người như bạn của ông Kim tìm cách chạy trốn khỏi Nga, đến Hàn Quốc.
Theo hãng truyền thông Hàn Quốc KBS, không biết chính xác có bao nhiêu sinh viên Triều Tiên đang học tập tại Trung Quốc và Nga, nhưng có lẽ là hàng trăm người. Nhiều người đã ở đó từ trước khi đại dịch xảy ra vào năm 2020.
Các bình luận nói rằng hệ thống cầm quyền độc tài ở Bình Nhưỡng bắt đầu cảm thấy lo sợ, vì đã ở nước ngoài quá lâu nên những “công dân Bắc Hàn ưu tú” này có thể bị thế giới bên ngoài tác động tư tưởng – bắt đầu nhận ra sự thật trong guồng máy áp đặt tư duy lâu nay ở trong nước. Bắc Hàn lo sợ là không thể kiểm soát được cuộc sống của những người này, và họ có thể mơ ước về một quốc gia khác tự do hơn.
Theo RFA Korea cho biết, thông lệ phổ biến là sinh viên khi xin đi du học ở nước ngoài, luôn nhận được lệnh phải quay về định kỳ với số lượng nhỏ, để tham gia các lớp học nâng cao về lòng trung thành, cải tạo những nhận định về sự khác biệt của thế giới bên ngoài với đời sống xã hội chủ nghĩa. Nhưng những lớp học này đã không diễn ra được trong thời gian đại dịch, vì vậy Bình Nhưỡng muốn triệu hồi và gửi tất cả những sinh viên này đi các trại kiểm tra tư tưởng chuyên sâu.
Cho Han-Bum, một nhà nghiên cứu tại Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc có trụ sở tại Seoul, cho biết, sinh viên Bắc Hàn ở Trung Quốc và Nga được hưởng một chút tự do hơn so với trong nước, mặc dù luôn bị theo dõi chặt chẽ bởi các mật vụ của sứ quán và các chính trị viên cài trong các nhóm sinh viên, nhưng chỉ cần một chút ánh sáng của tự do và sự thật, đã khiến nhiều người muốn rời bỏ môi trường thiên đường cộng sản ở trong nước, không quay trở về nữa.
“Những người này được một chút tự do ở nước ngoài trong thời gian dài hơn, và vì họ ở nước ngoài trong thời gian dài nên có nhiều trường hợp họ bị coi vi phạm các quy định của chính quyền Bắc Hàn về giao tiếp hay sinh hoạt thường ngày”, ông nói. “Vì vậy, nếu họ trở về nhà, khả năng bị trừng phạt sẽ cao hơn”.
Các điều tra cho biết, rằng những người bị gọi là “nhiễm độc tư tưởng” như vậy sẽ bị công an triệu tập thẩm vấn, nêu tên trên các hệ thống truyền thông để làm nhục, thậm chí gia đình cũng sẽ bị chính quyền đến hạch sách và ép buộc cải tạo tư tưởng con cái mình.
Chính quyền cộng sản Bắc Hàn rất lo lắng về việc mất quyền kiểm soát đối với những sinh viên đã ở nước ngoài, đã thu thập được những kiến thức tự do khác với những điều bị nhồi sọ trong nhiều năm, Kim Geumhyuk, một cựu sinh viên Bắc Hàn tại Trung Quốc đã trốn sang Hàn Quốc vào năm 2012, nói với RFA Korea.
Kim Geumhyuk nói: “Năm năm là một khoảng thời gian rất dài. Tôi tin rằng chính quyền Bắc Hàn bắt đầu sợ (sinh viên) nhiều hơn so với sinh viên (sợ họ), vì những sinh viên này đã nằm ngoài phạm vi kiểm soát của Bình Nhưỡng trong năm năm. Vì vậy, hầu hết trong số họ điều ngấm ngầm ác cảm với chế độ cộng sản Bắc Hàn”.
Ông cho biết, chính quyền lo ngại rằng những sinh viên này có thể ảnh hưởng đến xã hội theo cách gây bất lợi cho cơ cấu cầm quyền hiện tại hoặc có thể chia sẻ thông tin và sự thật mà chính phủ đã cố gắng che giấu. Hầu hết tất cả những người trở về đôi khi nói một lời, hay có suy nghĩ nào tiết lộ cho thấy là họ không tin tưởng nơi các hệ thống tuyên truyền của nhà nước nữa, lập tức sẽ bị công an triệu tập, và thậm chí có thể bị đưa đi cải tạo.
Nhà nghiên cứu Cho Han-Bum dự đoán rằng, lệnh triệu hồi sinh viên hiện nay có thể dẫn đến một loạt các cuộc đào tỵ mới. Điều đơn giản là, càng có tri thức người ta càng nhận ra việc phải thoát khỏi hệ thống kềm kẹp tư tưởng của chế độ độc tài.
“Những người ở Trung Quốc và Nga, chẳng hạn như các nhà ngoại giao, sinh viên ưu tú và công nhân có nhiều khả năng trốn thoát khỏi Bắc Hàn hơn. Nếu những sinh viên đang trốn ở Nga nhận được sự giúp đỡ, rất có thể họ cũng sẽ tìm đến Hàn Quốc“, ông Kim nói.