Các anh chị viết báo thì làm ơn trung thực hộ cái! Chứ “nửa cái bánh mì vẫn là bánh mì, nhưng nửa sự thật thì không còn là sự thật” đâu ạ!
Thấy báo đưa tin em Thò Ý Cu, người Mông ở bản Na Niếng, Tri Lễ, Quế Phong, Nghệ An, đỗ Trường Đại học Y Hà Nội nhưng nhà quá nghèo, nên có khi không theo học được. “Vì học ngành Y, riêng tiền học phí một năm học đã 27 triệu đồng. Không biết lấy đâu để có tiền cho em theo đuổi ước mơ”.
Lập tức có ý kiến đề nghị Đại học Y Hà Nội cho tiền học phí em Cu.
Nhưng trong một group Nghệ An, một bạn cũng ở Nghệ An, nick là Oanhcuongnguyen, cho biết: “Nhà em ấy có bốn chị em. Chị đầu lấy chồng ở Kỳ Sơn, anh trai thứ hai trong lực lượng vũ trang làm việc ở Nghĩa Đàn, chị thứ ba đi du học ở Đài Loan. Gia cảnh như thế này thì không phải là khó khăn quá. Và thấy bệnh viện Thái Thượng Hoàng đã có nhã ý giúp em, hỗ trợ tiền học phí hết đại học, sau đó em về làm tại bệnh viện. Xã hội còn nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn hơn mà vẫn vượt qua.”
Mình hoàn toàn đồng ý với ý kiến này. (À, có gần 2.000 người like cái còm của bạn này nữa). Một cô bé người Mông, đỗ Đại học Y Hà Nội là đáng quý rồi, nhưng không cần bốc phét là cô ấy quá nghèo để làm tăng phần hấp dẫn. Một gia cảnh như thế mà còn cho là quá nghèo thì đầu óc đứa viết có vấn đề cmnr.
Còn nhớ mấy năm trước, báo chí và mạng xã hội cũng ồn ào về một cậu học sinh ở Thanh Hóa “Mười năm cõng bạn đến trường” thi vào Đại học Y Hà Nội nhưng thiếu điểm, chỉ đủ điểm vào Đại học Y Thái Bình và đề nghị trường Y Hà Nội đặc cách.
Ơ hay, cõng bạn với đặc cách vào Trường Đại học Y Hà Nội thì liên quan gì nhau kia chứ? Nhưng còn “chuối cả nải” khi cuối cùng sự thật là cậu ý đèo bạn đến trường bằng xe đạp Giàng ạ. Cõng méo đâu mà cõng!
Khi đã viết bài, chụp ảnh đôi bạn đến trường, người viết phải gặp nhân vật, phải biết rõ là hai đứa chở nhau đi bằng xe đạp chứ. Nhất là thời buổi này, méo nhà ai nghèo đến mức phải đi bộ đi học, lại còn cõng người khác trên lưng được. Nhẽ chính quyền và bà con lối xóm không có mắt để hỗ trợ à! Thế mà đứa viết báo lại bịa trắng trợn thế thì vô liêm sỉ gọi bằng cụ!
Giờ, công nghệ bò đến tận chân giường, bạn đọc chỉ cần lên mạng sợt một phát là ra số máy của chính quyền xã nơi nhân vật được viết bài để kiểm chứng, không hề khó. Thế mà cả đứa viết lẫn tòa soạn đăng bài đều rất coi thường bạn đọc khi đưa thông tin không đúng sự thật. Chắc nghĩ dân trí ở đâu cũng ngu như nó.
Nói thật là báo chí cần chấm dứt kiểu “gương người tốt việc tốt” bịa đặt này đi. Trò lừa gạt bạn đọc chứ gương giếc mẹ gì.
(À, chả biết có liên quan không nhưng giá một bộ váy áo dân tộc Mông như cô Thò Y Cu mặc trong ảnh là không hề rẻ).
THANH HẰNG 02.09.2024