Sau khi Nguyễn Phú Trọng qua đời, truyền thông nhà nước Việt Nam được huy động, để tuyên truyền công lao và đức độ của vị Tổng Bí thư này.
Ông Trọng được nhiều người, trong đó có Chủ tịch Tô Lâm, ca ngợi là “nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân”, trong bài viết “chạy tang”, được truyền thông nhà nước quảng bá rộng rãi.
Công luận nhận xét, việc nhà nước Việt Nam tổ chức Lễ Quốc tang cho Tổng Trọng quá linh đình, là điều không cần thiết. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, đây là chủ trương của Tô Lâm, nhằm xóa bỏ cáo buộc cho rằng, cựu Bộ trưởng Công an đã “giành ngôi đoạt vị” của Tổng Bí thư, hay nói cách khác là việc “giết vua để chiếm ngôi”.
Quốc tang Tổng Trọng diễn ra trong 2 ngày 25 và 26/7. Tuy nhiên, giới lãnh đạo Đảng và nhà nước, khi tham dự tang lễ, tại lễ truy điệu và lễ viếng, đã có không ít “hạt sạn” bị mạng xã hội “soi” và mổ xẻ.
Qua chương trình phát sóng trực tiếp của Đài Truyền hình Việt Nam VTV, trong ngày đầu Quốc tang, người dân chứng kiến thái độ của nhiều lãnh đạo, cựu lãnh đạo, được cho là “không đúng chuẩn mực”, trong khi đa số đang “diễn” vẻ mặt u sầu, bày tỏ sự thương tiếc.
Thái độ “khó hiểu” nhất là của ông Nguyễn Tấn Dũng – cựu Thủ tướng Việt Nam 2 nhiệm kỳ. Cũng như cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, hình như đã “quên” rằng, ông đang tham dự Lễ viếng Tổng Bí thư. Người ta thấy, ông Hùng liên tục quay qua, quay lại, để nói chuyện riêng với các cựu lãnh đạo đứng bên cạnh, với cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và ông Ba Dũng, như thể ở chốn không người.
Có ý kiến nhận xét, nếu là người bình thường mà “cười đểu” với Tổng Trọng, như kiểu ông Ba Dũng, thì chắc chắn sẽ bị công an mời lên phường làm việc và nộp phạt. Đồng thời, cũng có những ý kiến ngờ vực, “Liệu ông Nguyễn Tấn Dũng có trở lại chính trường hay không?”
Thái độ “khó hiểu” của ông Ba Dũng, cũng như ông Nguyễn Sinh Hùng, đã khiến người ta nghĩ đến phát biểu cửa miệng của Tổng Trọng lúc sinh thời, “mình phải như thế nào thì người ta mới như thế chứ!”.
Có nghĩa là, việc gây thù, chuốc oán của ông Trọng trước đây, với ông Ba Dũng và ông Nguyễn Sinh Hùng nói riêng, và với các đồng chí trong Đảng nói chung, nay đã bắt đầu phải trả giá?
Trong lễ tang của Tổng Trọng, lần đầu tiên, công chúng chứng kiến sự xuất hiện trở lại của ông Võ Văn Thưởng – cựu Chủ tịch nước, người bị ông Tô Lâm “truất quyền” từ tháng 3/2024. Không hiểu vô tình hay hữu ý, ông Thưởng đứng sát với ông Dũng.
Cũng tại tang lễ này, sự vắng mặt “bất thường” của cựu Chủ tịch nước Trần Đức Lương, hay cựu Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh, cũng như cựu Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh, cũng được công luận quan tâm.
Có những đồn đoán cho rằng, Bộ Công an đang khởi động lại kế hoạch “tảo thanh” đối với phe Nghệ Tĩnh, cụ thể, sẽ loại bỏ thêm 2 nhân vật cầm đầu là Trưởng ban Nội chính Phan Đình Trạc và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú.
Tuy nhiên, hình ảnh tại lễ tang của ông Trọng cho thấy, túc trực bên quan tài của Tổng Bí thư là 4 uỷ viên Bộ Chính trị thuộc Ban Bí thư, trong đó có 3 nhân vật thuộc phe Nghệ Tĩnh, đó là Lê Minh Hưng, Phan Đình Trạc, Trần Cẩm Tú, và Đỗ Văn Chiến.
Người ta còn thấy ông Phan Đình Trạc đại diện cho lãnh đạo Việt Nam, hướng dẫn đoàn lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, do ông Vương Hỗ Ninh dẫn đầu, vào viếng và chia buồn với phu nhân của Tổng Bí thư. Có thể thấy, Ban lãnh đạo Nghệ Tĩnh vẫn còn một chỗ dựa vững chắc, là Ban lãnh đạo Trung Nam Hải.
Ngoài ra, đáng chú ý, ông Lê Thanh Hải – một nhân vật mới bị kỷ luật, cách hết mọi chức vụ trong Đảng, và chính quyền. Vậy mà, ông Hải vẫn xuất hiện trong đoàn của Thành ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, do Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên làm Trưởng đoàn.
Hơn thế nữa, ông Lê Thanh Hải còn được bố trí đứng ở vị trí trung tâm của hàng đầu tiên, hơn hẳn nhiều lãnh đạo khác. Điều đó cho thấy, cái gọi là “đốt lò” của Tổng Trọng chỉ mang tính hình thức, các đồng chí tham nhũng đã lộ và chưa lộ có giá trị như nhau.
Trà My