Thăm Lào, Campuchia và cho bắt bớ trái luật các Đại biểu Quốc hội; lo trấn yểm long mạch ở quê nhà và đi dâng hương khắp các đền thờ trong Nam ngoài Bắc… Tô Đại tướng đang huy động cả chính quyền lẫn thần quyển nhằm phô trương ‘chân mệnh đế vương’ của bản thân.
________________________
Sau hàng loạt vụ cưỡng ép các thành viên ‘Bộ tứ’, ‘Bộ ngũ’ của ĐCSVN phải từ chức bằng ‘phê và tự phê’, con người vốn bị coi chỉ là phương tiện trong tay ‘ông chủ lò’, nghiễm nhiên trở thành ‘Nguyên thủ quốc gia’ của ‘xứ Chiều nay’. Từ ngày ‘lên ngôi’ (22/5), Tô Lâm chưa có cơ hội ‘ra mắt thiên hạ’ tận Phòng Bầu dục hay Quảng trường Thiên An Môn, tân Chủ tịch nước (TCTN) đành sang ‘chiêm bái’ Lào và Campuchia. Với chuyến công du nước ngoài đầu tiên từ 11 đến 13/7, TCTN Tô Lâm không nhằm khẳng định ưu tiên của Việt Nam đối với hai nước láng giềng vốn được coi là ‘keo sơn’ từ xưa. Điều này thì ai cũng đã biết. Thậm chí, Hà Nội giờ đây đang ngậm ngùi cay đắng nhận ra rằng, do đâu mà hai nước láng giềng vốn từng thân thiết bao đời, giờ đây lại đang đòi phải tái định vị ngôi thứ ‘ai là anh, ai là em?’ trong mối quan hệ mà Tuyên giáo Việt Nam giờ này vẫn tự hào, ba đảng cầm quyền xứ Đông Dương này vốn được sinh ra từ một gốc (1).
Với ‘lý lịch trích ngang’ từ ngành An ninh gia truyền, Tô Đại tướng chẳng cần phải PR bản thân bằng cách bắt chước Tổng thống Putin, khi ông này đã thân chinh lái xe đưa Kim Joung-un đi dạo một đoạn trên đường phố Bình Nhưỡng. Lần này, Tô Đại tướng cũng đích thân lái xe đưa Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith dạo một vòng trên Quảng trường Nhà Quốc hội tại Vientiane (2). Điều đáng lưu tâm ở đây là chẳng có báo chí quốc tế nào màng đến chuyện Tô Lâm ‘ăn chơi biết lái xe hơi’, cũng như chuyến thăm ‘trình làng’ của TCTN. Chỉ có lời tụng ca ‘nhạt như nước ốc’ của Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Campuchia, rằng chuyến công du của Tô Lâm là minh chứng cho mối quan hệ mật thiết ở cấp cao nhất giữa hai nước (3). Truyền thông Lào trước đó cũng rập khuôn theo Hà Nội, rầm rộ đưa tin nổi bật về chuyến thăm của Tô Đại tướng trên ‘đất nước triệu voi’ (4).
Tờ ‘Le Monde’ của Pháp trước đó đã khui lại câu chuyện ông Tô Lâm đang muốn quên. Sự nghiệp Tô Đại tướng suýt bị lung lay hồi tháng 11/2021, vì vụ ông đã ăn món bít-tết dát vàng của đầu bếp nổi tiếng người Thổ Nhĩ Kỳ Nusret Gokce tại một nhà hàng sang trọng ở Luân Đôn, với cái giá trên trời. Khi về nước, bị Tổng Trọng chì chiết công khai trong cuộc họp, Tô Lâm đã cay cú, nổi giận lôi đình… Một mặt, khui ra vụ ‘chuyến bay giải cứu’, mặt khác ông ra tay trấn áp xã hội dân sự. Bùi Tuấn Lâm, một chủ quán bún bò đã diễu nhại cách rắc muối của đầu bếp Thổ, lãnh án năm năm rưỡi tù giam vì ‘chống Nhà nước’. Ông Tréglodé từ Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Quân sự Pháp cho rằng, với Tô Lâm, chính quyền Việt Nam sẽ bảo thủ hơn và kiểm soát xã hội chặt chẽ hơn, đồng thời sẽ xích lại gần Trung Quốc. Ngược lại, phe quân đội xưa nay vốn cảnh giác trước người láng giềng phương bắc, nay thấy họ im hơi lặng tiếng (5).
Hơn ba tuần nay, ông Nguyễn Phú Trọng vắng mặt tại nhiều sự kiện quan trọng ngay giữa thủ đô Hà Nội và chỉ có thể gửi phát biểu chỉ đạo đến các hội nghị nổi bật. Điều này cho thấy sức khỏe của TBT ngày càng nguy kịch. Trong khi đó, TCTN Tô Lâm bắt chước lối chơi ngông của Putin, đã đưa ra được hình ảnh tương phản với tình trạng sức khỏe bết bát của Tổng Trọng. Trước khi ‘xuất ngoại’, ông Tô Lâm đã đi thắp hương và vái lạy tại nhiều chùa chiền nổi tiếng, bao gồm Chùa Ba Vàng và Chùa Yên Tử (Quảng Ninh), Đền thờ Triệu Việt Vương (Hưng Yên) và Chùa Hương (Hà Nội)... (6) Theo tin nội bộ, Tô Đại tướng đã mật lệnh cho ’trùng tu’ lại công trình Bắc Hưng Hải trên quê nhà nhằm phá việc địa danh này từng bị yểm. Để ‘tỏ tình đoàn kết’ với Tô Lâm, chiều 7/7 mới đây, cũng tại Hưng Yên, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị công bố ‘Quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư tại Hưng Yên năm 2024’. Về phần mình, Tô Đại tướng cũng đi thăm, úy lạo, động viên, tặng quà cán bộ, chiến sỹ trên các đồn biên phòng cửa khẩu ở Cao Bằng (7), dâng hương đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Trà Vinh (8) và cả Đền thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp (9).
Trong khi Tô Đại tướng đi ‘kinh lý’ ở ngoại quốc thì tại thủ đô Hà Nội, Đại biểu Quốc hội nổi tiếng ‘trực ngôn’ thứ hai của Việt Nam, Tiến sỹ Luật Lê Thanh Vân vừa mới bị bắt, với cáo buộc ‘Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi theo Điều 358 Bộ luật hình sự’. Từ đầu nhiệm kỳ bắt đầu năm 2021 đến nay, Quốc hội Việt Nam đã bãi nhiệm ba đại biểu, cho thôi nhiệm vụ 10 đại biểu, khiến tổng số đại biểu Quốc hội khóa 15 hiện tại chỉ còn 486 người (10). Đây là thực tế đau lòng trong xã hội công an trị ở Việt Nam hiện nay, khi mà những tiếng nói được cho là ‘trung ngôn’ đang bị đàn áp khốc liệt và xã hội dân sự thì coi như ‘đã bị chết lâm sàng’. Đài RFA mới đây vừa có buổi hội luận rất hữu ích khi đặt vấn đề, liệu đây có phải là dấu hiệu cho thấy chủ trương mới của ĐCSVN nhắm đến việc triệt hạ những tiếng nói độc lập trong và ngoài Quốc hội dám thách thức các nhóm lợi ích trong ĐCS? (11). Điều đáng báo động là, tiến trình khủng bố các tiếng nói ‘trung ngôn nghịch nhĩ’ này ngày càng diễn ra công khai, với sự toa rập của chính các cơ quan tư pháp, trong đó có cả Quốc hội.
Tô Đại tướng hiện đang huy động cả chính quyền lẫn thần quyển nhằm phô trương ‘chân mệnh đế vương’ của mình. Trong chuyến thăm Trường Song ngữ Lào – Việt tại thủ đô Vientiane, được biết Tô Đại tướng đã lẩy Kiều: ‘Thiện căn ở tại lòng ta/ Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài’. Thưa TCTN, nếu ông có tấm lòng muốn các thầy cô tiếp tục khơi gợi hun đúc đạo đức cho học sinh, thì thực sự không thể ‘miệng Nam Mô bụng một bồ dao găm’. Theo nhận xét của Đại sứ Mỹ tại Hà Nội, khi mới là Phó Cục trưởng Bộ Công an, Tô Lâm được đánh giá là thông minh và mưu mẹo hơn quan thầy của mình là Nguyễn Văn Hưởng (12). Số phận thay đổi, thời cơ đến, ngay cả người bình thường cũng có thể thành công, nhưng để vận may qua đi, ngay cả anh hùng cũng phải chịu nhiều hối tiếc (Thời lai đồ điếu thành công dị/ Vận khứ anh hùng ẩm hận đa). Cho nên ‘chủ lò’ Nguyễn Phú Trọng của Tô Lâm, tại một hội nghị toàn quốc ngày 30/6/2022 cũng từng lẩy Kiều: ‘Có tài mà cậy chi tài/ Chữ tài liền với chữ tai một vần’. Rồi ông Trọng liền cảnh báo: ‘Cấp trên ở chẳng chính ngôi, cho nên ở dưới chúng tôi hỗn hào’ (13). Mong TCTN giữ được chính ngôi, lời nói phải đi đôi với hành động!