Messi và tham vọng trở thành cường quốc bóng đá của Saudi Arabia

Chủ Nhật, 21 Tháng Năm 20235:00 SA(Xem: 1143)
Messi và tham vọng trở thành cường quốc bóng đá của Saudi Arabia

Saudi Arabia đã và sẽ tiếp tục chiêu mộ những cầu thủ hàng đầu. Chiến lược "nhập khẩu" cho thấy tham vọng nhưng cũng làm nảy sinh một số vấn đề với nền bóng đá của nước này.

Ở châu Âu, Champions League là giải đấu bóng đá đỉnh cao của cấp câu lạc bộ. Danh tiếng của giải đấu lớn đến mức các liên đoàn khu vực khác đều gắn "Champions League" vào các sân chơi tương đương của mình như một cách lôi kéo người hâm mộ, theo The Economist.

Nhưng ở châu Âu, Champions League không hấp dẫn chỉ vì mỗi danh xưng. Khi Manchester City gặp Real Madrid ở một trong các trận bán kết vào ngày 10/5, khán giả sẽ chứng kiến ​​cuộc so tài giữa những gã khổng lồ, câu lạc bộ xuất sắc nhất và đứng thứ tư thế giới, theo bảng xếp hạng của Opta.

Ngược lại, trận lượt đi của chung kết Champions League châu Á hôm 29/4 là cuộc đối đầu giữa Al-Hilal của Saudi Arabia và Urawa Red Diamonds của Nhật Bản, những đội bóng nằm ở vị trí thứ 101 và 249.

Khoảng cách giữa bóng đá châu Âu và châu Á ngày càng rộng, nhưng Nhật Bản và Saudi Arabia đang quyết tâm thu hẹp nó.

Cả hai quốc gia đều đã đứng trên đỉnh của bóng đá châu Á với những câu lạc bộ thuộc hàng tốt nhất trong khu vực. Al-Hilal là đội thành công nhất tại Giải vô địch châu Á và đã 4 lần vô địch giải đấu, bao gồm cả năm ngoái. Urawa Red Diamonds đã hai lần lên ngôi vô địch.

Ở cấp độ tuyển quốc gia, cả hai nước thường xuyên đủ điều kiện tham dự vòng chung kết World Cup và tại giải đấu gần đây nhất ở Qatar, họ đều có những chiến thắng gây chấn động.

Saudi Arabia thắng đương kim vô địch Argentina. Còn Nhật Bản đã đánh bại Tây Ban Nha, "tiễn" Đức từ ngay vòng bảng.

Tuy nhiên, để trở nên thành công hơn, Saudi Arabia và Nhật Bản đang đi theo hai con đường hoàn toàn khác biệt.

Cách tiếp cận của Saudi Arabia

"Con đường của Nhật Bản", như cách gọi của liên đoàn bóng đá nước này, là chiến lược phát triển đa hướng và tỉ mỉ.

Dựa trên các mô hình ở châu Âu, Nhật Bản tập trung vào việc củng cố 4 trụ cột: đội tuyển quốc gia, bóng đá trẻ, chất lượng huấn luyện viên và các trận đấu cấp cơ sở.

Các câu lạc bộ được yêu cầu điều hành những học viện thanh thiếu niên; thậm chí có cả quy định cụ thể cho dạng cầu thủ mà họ cần đào tạo.

Từng được biết đến chủ yếu là nhờ sự cần mẫn, các cầu thủ xứ Phù Tang giờ đây còn phải sở hữu "kỹ thuật đỉnh cao", "kỹ ​​năng chuyền một chạm" và khả năng tấn công quyết liệt. Nhờ sự đổi mới này, Samurai xanh, biệt danh của đội tuyển quốc gia Nhật Bản, đã 4 lần lọt vào vòng 16 đội của World Cup.

Mục tiêu của Liên đoàn bóng đá Nhật Bản là giành chức vô địch thế giới vào năm 2050.

Cách tiếp cận của Saudi Arabia lại trực diện hơn. Đất nước này cũng tuyên bố sẽ đầu tư vào bóng đá trẻ khi tìm cách lọt top 20 thế giới vào năm 2034 (hiện tại xếp thứ 54).

Al-Nassr được cho là đang trả cho Cristiano Ronaldo khoảng 200 triệu USD/năm.

Tuy nhiên, quốc gia vùng Vịnh cũng coi bóng đá là công cụ để gia tăng ảnh hưởng của mình trong khu vực và trên thế giới. Những người hoài nghi gọi sáng kiến này là "sportswashing", thuật ngữ dùng để mô tả hoạt động của các cá nhân, nhóm sử dụng thể thao để cải thiện danh tiếng bị hoen ố do hành vi sai trái.

Bất kể động cơ là gì, hàng tỷ USD đang được đổ vào bóng đá. Năm 2021, quỹ đầu tư của một tỷ phú Saudi Arabia đã mua Newcastle United.

Câu lạc bộ của Anh phát triển mạnh mẽ dưới thời chủ sở hữu mới. Và bóng đá Saudi Arabia cũng có thể được hưởng lợi. Năm ngoái, Newcastle United đã tới đất nước Trung Đông trong kỳ nghỉ giữa mùa để thi đấu với Al Hilal.

Saudi Arabia còn đang chi tiền để mang bóng đá châu Âu đến gần hơn theo những cách khác.

Ngày 16/1, Barcelona đánh bại kình địch Real Madrid tại chung kết Siêu cúp Tây Ban Nha và trận đấu này diễn ra tại Sân vận động Quốc tế King Fahd ở Riyadh, thành phố lớn nhất Saudi Arabia. Siêu cúp Italy diễn ra tại cùng địa điểm hai ngày sau đó.

Al-Nassr, đội bóng của Saudi Arabia, được cho là đang trả cho Cristiano Ronaldo, siêu sao người Bồ Đào Nha, khoảng 200 triệu USD/năm - mức lương cao nhất làng túc cầu.

Không dừng lại ở đó, theo Telegraph, Chính phủ Saudi Arabia cho biết họ sẵn sàng trả cho Lionel Messi mức lương gần 450 triệu USD/năm, nếu siêu sao người Argentina đến thi đấu tại Saudi Pro League.

Sự phô trương không giới hạn đối với người chơi. Hôm 18/4, Michael Oliver, trọng tài người Anh, đã bay đến Riyadh để điều hành một trận đấu ở Saudi Pro League.

Hệ quả

Cách tiếp cận khác biệt của các quốc gia có thể nhìn thấy trên sân cỏ.

Giải đấu của Saudi Arabia phong phú hơn, có những tên tuổi lớn hơn và khoảng 25% cầu thủ là người nước ngoài. Còn ở J1 League của Nhật Bản, chỉ 15% là cầu thủ ngoại quốc.

Theo transfermarkt.com, trang web ước tính giá thị trường của các cầu thủ, một cầu thủ trung bình ở giải VĐQG Saudi Arabia trị giá khoảng 700.000 USD. Còn người chơi ở giải Nhật Bản trị giá trung bình khoảng 500.000 USD.

Các đội chi tiền nhiều hơn đang thi đấu tốt hơn. Dữ liệu của Opta cho thấy 4 đội mạnh nhất châu Á đều đến từ Saudi Arabia.

Tuy nhiên, cách tiêu tiền hào phóng như vậy có thể cản trở sự phát triển lâu dài. Các cầu thủ nước ngoài ở Saudi Arabia có xu hướng trở thành những ngôi sao mờ nhạt. Ronaldo đã 38 tuổi và phong độ của anh tại Saudi Pro League đang khiến nhiều người nghi ngại.

Ngoài ra, mức lương khủng ở các câu lạc bộ trong nước sẽ đồng nghĩa với việc rất ít cầu thủ Saudi Arabia muốn mạo hiểm ra nước ngoài để thi đấu ở các giải đấu châu Âu khắc nghiệt hơn.

messi anh 2

Saudi Arabia giành chiến thắng bất ngờ trước Argentina tại vòng bảng World Cup 2022.

World Cup 2022 cho thấy rõ điều đó. Tất cả cầu thủ trong đội hình đánh bại tuyển Argentina của Saudi Arabia đều chơi ở giải trong nước. Ngược lại, đội hình 26 người của Nhật Bản tham dự World Cup chỉ có 4 cầu thủ đang đá cho giải quốc nội.

Bóng đá Nhật Bản hướng đến "xuất khẩu" nhiều hơn và châu Âu là thị trường mục tiêu. Ở Anh, tiền vệ Kaoru Mitoma của Brighton & Hove Albion đang tỏa sáng tại Premier League. Takefusa Kubo và Daichi Kamada, của Real Sociedad và Eintracht Frankfurt, cũng có tác động tương tự ở giải đấu của Tây Ban Nha, Đức.

Những cầu thủ kể trên đều được đào tạo theo mục tiêu mà Liên đoàn bóng đá Nhật Bản đề ra. Tất cả góp phần đưa Nhật Bản lên vị trí thứ 20 trong bảng xếp hạng thế giới.

Bằng cách tham gia vào chuỗi cung ứng của bóng đá châu Âu, Nhật Bản đang hy vọng tạo ra một chu kỳ phát triển mới. Khi nhiều cầu thủ xứ hoa anh đào thành công ở nước ngoài, giải đấu trong nước sẽ thu hút nhiều sự quan tâm hơn. Điều đó sẽ mang lại nguồn lực lớn cho sân chơi trong nước, thu hút các huấn luyện viên giỏi và cầu thủ chất lượng hơn.

Đó là cách chắc chắn nhất để cải thiện chất lượng, nhưng đòi hỏi nỗ lực và thời gian. Không chọn con đường này, Saudi Arabia mong muốn về đích sớm hơn, như cách họ kỳ vọng Al-Hilal, với một đội hình nhiều ngoại binh, sẽ đánh bại Urawa Red Diamonds trong trận chung kết lượt về AFC Champions League 2023 (hôm 6/5).

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn