Janessa graphic

Hannah Ajala và nhóm Love Janessa

Hơn 10 năm qua, nhiều hình ảnh của một cựu ngôi sao khiêu dâm đã bị lấy cắp để lừa hàng chục ngàn đô la từ các nạn nhân. Chủ nhân của các bức ảnh bị dùng trong các vụ lừa tình này cảm thấy thế nào?

Gần như hàng ngày, Vanessa nhận được tin nhắn từ những người đàn ông tin là họ đang có mối quan hệ tình cảm với cô – có người còn tưởng cô là vợ họ. Họ tức giận, không hiểu chuyện gì xảy ra và nhiều người muốn đòi lại tiền – những khoản mà họ nói họ gửi cho cô để trả chi phí sinh hoạt hàng ngày, tiền chi trong bệnh viện hay giúp đỡ gia đình.

Nhưng tất cả đều là dối trá. Vanessa không quen biết những người đàn ông này. Thực tế là ảnh và video của cô – được lấy từ quá khứ khi cô còn làm trong ngành công nghiệp giải trí người lớn – đã được lấy trộm để làm bẫy trong các vụ lừa tình online từ giữa những năm 2000 tới nay. Các nạn nhân bị lừa gửi tiền vào các tài khoản giả mạo mang tên Vanessa hay tương tự như vậy.

Hàng loạt tin nhắn cô nhận được kể nhiều câu chuyện nạn nhân mất tiền và cuộc sống của họ bị hủy hoại, và chúng làm cô đau đớn.

"Tôi bắt đầu bị trầm cảm, và đổ lỗi cho bản thân – nếu như ảnh của tôi không có trên mạng, những người đàn ông này đã không bị lừa,” Vanessa kể.

Trong khoảng tám năm, Vanessa làm “camgirl” – phát trực tuyến những nội dung người lớn qua webcam. Vì lúc mới bắt đầu cô còn hơi ngại, cô quyết định dùng nick ảo là Janessa Brazil. “Đó không phải là tôi, mà là Janessa, nên tôi không phải xấu hổ,” cô nghĩ.

Cô chọn họ là Brazil không chỉ vì đó là nơi cô sinh, mà còn vì nó là một trong những từ được tìm kiếm nhiều nhất trên internet. Đó là một quyết định khôn ngoan. “Tôi ghét tên đó lắm,” cô nói. “Nhưng nó khiến tôi trở nên nổi tiếng rất nhanh.”

Trong một giai đoạn, mọi chuyện rất suôn sẻ. Vanessa yêu thích mối quan hệ của cô với các fan. Có người trả tời 20$ một phút để xem và tương tác với cô. “Tôi muốn làm vừa lòng họ. Tôi muốn vui vẻ với họ. Và họ say mê,” cô kể.

Vào thời điểm đỉnh cao của nghề, cô nói cô kiếm được một triệu USD một năm. Janessa có trang web riêng, có một thương hiệu thành công và sự hiện diện nổi bật trên mạng. Nhưng năm 2016, profile của cô đã tắt.

Phải mất chín tháng chúng tôi mới tìm được cô qua podcast Love, Janessa. Khi chúng tôi cuối cùng nói chuyện với cô trong một căn hộ khiêm tốn ở bờ đông nước Mỹ, cô kể với chúng tôi là một trong những lý do cô không còn phát hành nội dung trên mạng nữa là để ngăn những kẻ lừa đảo. “Tôi không muốn cho họ có sức mạnh để dùng bất kỳ thứ gì của tôi nữa,” cô nói.

Vanessa lần đầu tiên biết đến chuyện bọn lừa đảo giả vờ là cô khi một người đàn ông viết trong chat trên một live show rằng ông chính là chồng của cô và cô đã hứa với ông ta rằng cô sẽ thôi không xuất hiện trên cam nữa. Cô tưởng đó là trò đùa, nhưng yêu cầu ông ta email cô.

Rồi có thêm nhiều nạn nhân nữa kể những câu chuyện tương tự, yêu cầu cô chứng minh danh tính của mình trong liveshow. Có cả những kẻ lừa đảo xuất hiện trong chat với những yêu cầu kỳ quặc – như bảo cô đội một mũ đỏ - rồi chúng dùng những hình ảnh đó để lừa các nạn nhân. Những lời bình luận, email và không khí căng thẳng bắt đầu làm ảnh hưởng đến chuyện làm ăn của cô.

“Thật là một cơn ác mộng,” Vanessa nói. “Nhưng tôi thấy rất thương cho những người này. Tôi phải làm gì cơ chứ?”

Lúc đầu cô cố không trả lời tất cả email. Cô nói chồng cô lúc đó, người cũng là quản lý của cô, bắt đầu theo dõi các tin nhắn và email. Ông ta nói với các nạn nhân là hai vợ chồng cô không chịu trách nhiệm về các khoản tiền mà họ mất.

Vanessa cho rằng nhiều người đàn ông có bản chất muốn chăm sóc phụ nữ, vì thế họ gửi tiền cho người mà họ chưa bao giờ gặp.

“Ngay cả nếu họ không có tiền, họ vẫn sẵn sàng cho đi, chỉ để cảm thấy được yêu thương,” cô nói.

Roberto Marini, một người Ý ngoài 30 tuổi, bị lôi cuốn bởi một Janessa giả mạo. Mọi chuyện bắt đầu với một tin nhắn trên Facebook từ một phụ nữ rất đẹp mang tên Hannah, người khen ngợi dự án start-up của ông – trang trại bền vững trên hòn đảo Sardinia.

Sau ba tháng trao đổi hình ảnh và tin nhắn tình cảm, cô ta bắt đầu xin tiền. Lúc đầu chỉ là xin những thứ nhỏ, như thay chiếc điện thoại bị hỏng, nhưng rồi cô ta cần nhiều tiền hơn. Cô ta nói cô có cuộc sống khó khăn – khi thì phải chăm sóc người nhà ốm, khi thì phải làm trong ngành giải trí người lớn.

Roberto muốn cứu cô ta, cảm thấy “có tình cảm như của một người cha” đối với cô. Nhưng ông thấy nản là họ không nói chuyện với nhau trực tiếp được – mỗi lần họ thu xếp một cuộc gọi, điện thoại của cô lại bị hỏng hay có chuyện gì đó xảy ra.

Sau đó ông phát hiện ra hàng ngàn ảnh và video của Hannah trên mạng – nhưng lại là ảnh của ngôi sao giải trí người lớn Janessa Brazil – và nhiều ảnh còn táo bạo hơn những ảnh mà Hannah từng gửi cho ông.

Thấy khó hiểu, Roberto tham gia một trong những live show của Janessa Brazil. “Có phải em đấy không?”, ông gõ vào chat. Ông không có câu trả lời mong muốn, và vì phải trả tiền theo phút, ông không ở trong chat lâu.

Để tìm ra sự thực, Roberto gửi email cho cô, cùng với nhiều người khác mà ông nghĩ có thể là Janessa thật. Trong cuộc chuyện trò với chúng tôi, cô tìm thấy email của Roberto trong số hàng ngàn email.

“Xin chào, tôi có nhu cầu nói chuyện với cô Janessa Brazil thật,” ông viết hồi 2016. Một tiếng sau cô trả lời “Tôi là Janessa Brazil thật đây.”

Ông hỏi cô một số câu để xem họ đã từng nói chuyện trước đó chưa. Đây là lần đầu tiên và duy nhất họ trao đổi với nhau.

Nhưng câu chuyện không dừng ở đó. Roberto vẫn tiếp tục bị bọn lừa đảo dắt mũi. Ông kể ông đã mất tổng số gần 250.000 USD trong vòng bốn năm, dùng hết tiền tiết kiệm và vay mượn từ gia đình và bạn bè, thậm chí còn đi vay ngân hàng.

Chúng tôi tìm được Roberto qua những bài viết cảnh báo người khác về các tài khoản giả mạo sử dụng hình ảnh lấy trộm của Janessa. Nhưng, ngay cả sau những gì đã xảy ra với ông, một phần của Roberto vẫn tin rằng ông có mối liên hệ sâu sắc với cô Janessa thật.

Đó là dấu hiệu của một vụ lừa đảo thành công, TS Aunshul Rege, một chuyên gia tư pháp hình sự từ Philadelphia, người nghiên cứu về các vụ lừa tình online, cho biết.

Bà nói các tin nhắn thường do mạng lưới tội phạm làm theo nhóm để lừa nạn nhân, chia sẻ hình ảnh và thông tin. Bà còn tìm được cả một bản hướng dẫn mà chúng dùng – hướng dẫn chi tiết cách lừa như thế nào trong liệt kê các lý do để tránh nói chuyện trực tiếp.

Các vụ lừa đảo thường theo một quy trình – thả bom tình yêu, dọa chia tay rồi sau đó yêu cầu giúp đỡ tài chính, được cho là để giúp hai người có thể đến với nhau một ngày. Các thủ đoạn luôn tuân theo công thức này, rất giống nhau và thật ớn lạnh với những ai từng là nạn nhân, nhưng chúng rất thành công.

"Là con người, chúng ta luôn muốn giúp đỡ người khác. Đó là bản chất của chúng ta, “ TS Rege nói.

Vanessa kể cô rất ghét các thủ đoạn độc ác này. “Bọn chúng cho nạn nhân tình cảm, rồi lại tước đi. Các nạn nhân đau khổ và họ sẵn sàng làm bất cứ điều gì để có lại tình cảm,” cô nói.

TS Rege tin rằng vụ lừa đảo Rorberto là do một nhóm có tổ chức thực hiện. Bà nói có các mạng lưới khổng lồ hoạt động trên khắp thế giới, với nhiều nhóm hoạt động từ Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Anh, Nigeria và Ghana.

Vanessa cho rằng ảnh của cô bị dùng nhiều một phần do cô đã chia sẻ nhiều khoảnh khắc riêng tư trong cuộc sống hàng ngày.

Nhưng cô có ranh giới rõ ràng giữa bản ngã nghề nghiệp và con người thật của cô.

“Vanessa bị hoảng hốt tinh thần, còn Janessa thì không,” cô nói.

Cuối cùng làn sóng các nạn nhân bị lừa tình trở thành một “con quái vật” làm chấn thương tinh thần Vanessa.

Phải trình diễn hàng ngày trên camera bắt đầu ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần và hôn nhân của cô.

Kiệt sức, Vanessa kể với chúng tôi cô bắt đầu uống rượu trước mỗi show. Cô nói cô ghét xem lại các video từ thời gian đó vì cô thấy sự bất hạnh của chính mình.

Tới 2016, cô không chịu nổi nữa và quyết định bỏ nghề. Cô kể cô xếp hành lý lên xe hơi, bỏ nhà và bỏ chồng, và đi tới một cuộc đời mới. Giờ đây cô đang học làm tư vấn tâm lý, và viết một cuốn hồi ký – lấy lại kiểm soát cuộc đời của chính cô.

Kể từ đó, cô trở nên dễ thích nghi hơn. Cô biết bọn lừa đảo có thể sẽ không bao giờ thôi giả vờ là cô, nhưng cô hiểu vì sao một số nạn nhân bị rơi vào bẫy.

“Khi là tình yêu, chúng ta có thể trở nên thật ngờ nghệch,” cô nói. “Tôi hiểu, tôi đã từng như thế. Nó có thể xảy ra với tất cả chúng ta.”

Tìm hiểu thông tin: Hannah Ajala, Laura Regehr, Katrina Onstad và Simona Rata

Đồ họa: Jenny Law