Cần gì đi show chùa đông nghẹt đầu năm

Thứ Sáu, 03 Tháng Hai 202311:58 SA(Xem: 1245)
Cần gì đi show chùa đông nghẹt đầu năm

chua_07 

Đầu năm chùa làm show lớn đề bảng thiệt lớn: "Đại lễ Dược Sư cầu tiêu tai diên thọ, quốc thái dân an".

Thấy có gì đó lấn cấn, không thực và không thể. Là vì có những vấn đề tôn giáo không thể làm thay chánh trị và thay "tâm" chúng sanh.

1.Bên Phật giáo Bắc Tông có khái niệm Phật Dược Sư được truyền có khả năng chữa bách bịnh, giúp cứu độ chúng sanh thoát được khỏi đau khổ, mang tới cuộc sống an lành và hạnh phúc .

Phật giáo Bắc Tông nói Phật Dược Sư là Bhaisajyaguru (Medicine Buddha). Ngài còn có các danh hiệu khác như Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật, Phật Đại Y Vương, Dược Sư Như Lai, Vương Thiện Đạo.

Hình ảnh của Phật Dược Sư được tả giống với Phật Thích Ca Mâu Ni. Vị Phật này thường được thờ cùng với Phật Thích Ca Mâu Ni và Phật A Di Đà. Vị trí đứng của Phật Dược Sư là ở bên trái, Phật A Di Đà đứng bên phải của Phật Thích Ca Mâu Ni.

Phật Dược Sư làn da có màu xanh và thường xuất hiện với tư thế ngồi, mặc chiếc áo choàng hở ngực và ở phía trước của ngực có chữ Vạn. Tay của Ngài cầm thêm một chiếc bình mật hoa có màu lưu ly, tay phải đặt ở phía trên đầu gối và cầm thêm Myrobalan hoặc thân cây Aruna. Ở một hình tả xung quanh Ngài còn có một vòng hào quang sáng rực của ánh sáng lưu ly. Bổn nguyện của vị Phật này là cứu độ cho tất cả chúng sanh thoát khỏi được mọi bịnh tật. Chính vì vậy Ngài còn được gọi với tên gọi khác là Tiêu Tai Diên Thọ Dược Sư Phật.

Có một bài chú Dược Sư như sau:

Tê Da Tha:Ôm

Bê Can Chê, Bê Can Chê

Ma Ha, Bê Can Chê

Ran Da, Sa Miur, Gat Tê

Sô Hả

Nam Mô Tiêu Tai Diên Thọ!

Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật!

Các chùa Bắc Tông hay lập Trai đàn Dược Sư.

- Ý kiến:

Tuy nhiên trong nguyên bổn lịch sử của Phật Thích Ca thì không có Phật Dược Sư cùng Phật A Di Đà. Tức là Đức Phật Dược Sư cùng Đức Phật A Di Đà là hai vị Phật hoàn toàn không có thực trên đời.

Phật giáo Nam Tông bảo vệ sự tuân thủ nghiêm ngặt của giáo quy, bám sát các giáo điều của đạo Phật nguyên thủy nên chỉ thờ Phật Thích Ca Mâu Ni, không có một vị Phật nào khác.

Dưới quan niệm Phật giáo chúng sanh an hòa phải từ "trong tâm", từ trong "cuộc sống" của chính cá nhân mình. Cái vòng "sanh, già, bịnh, chết" là cái vòng đương nhiên ai cũng bước qua mà kể cả Đức Phật Thích Ca cũng phải đi qua thì đọc chú Dược Sư, lập đàn Dược Sư cầu "tiêu tai" là điều không tưởng.

Đức Phật dạy người được khỏe mạnh sống thọ là hoàn toàn nhờ ăn uống điều độ, tập hít thở dưỡng sinh, tập yoga, tập thiền tịnh, sống tinh thần an lành, cuộc đời ơn đức, gieo nhân bố thí cho xã hội an ổn.

2. Chữ "Quốc thái dân an" là gì? Chùa chiền làm gì có khả năng tụng kinh "cầu quốc thái dân an".

Chữ  “quốc thái dân an” 國泰民安 có nghĩa là nước hòa bình, dân an ổn. "Quốc thái dân an" là một thuật ngữ chánh trị thì Phật giáo không thể tác động đặng.

- Dân an khi dân no bụng. Kinh tế phát triển, thuế má không nhiều. Người dân được học hành và trị bịnh dễ dàng thì xã hội an ổn.

An Dân trong Tiếng Việt là gì?

An dân là đời sống nhân dân an ổn, ổn định. Chữ dân là một chữ tượng hình, phần trên là hình một con mắt, phần dưới là hình cái dùi đục chọc thẳng vào. Ngày xưa nô lệ đều bị chủ nô dùng dùi đục khoét mù một mắt để đánh dấu. Dần dà dân được biết tới là một thành phần của quốc gia, một nước. Người xưa có nói: "Dân là gốc của nước". Dân vẫn là đại biểu cho trời mà quyền dân vẫn thay được quyền trời,  dân tức là trời, đời xưa vẫn đã có như vậy.

Ý dân là ý Trời.

Là người cầm quyền hãy nhớ câu:

"Quốc dĩ dân vi bản

Dân dĩ thực vi thiên"

(Nước lấy dân làm gốc

Dân coi ăn như trời)

民以食为天 - Dân dĩ thực vi thiên.

Dân không có cuộc sống vững, dân không an thì xã hội xáo trộn là điều dễ hiểu. Chánh quyền có khả năng làm kinh tế và chăm lo xã hội ổn giúp dân không đói,"an dân" thì dân không xáo động,xã hội tức khắc thanh bình

- Chánh quyền phải tôn trọng ý kiến của dân. Biết nghe góp ý của dân. Ngày xưa Vua ví như thuyền; dân ví như nước. Đọc báo thấy nhiều người khi nói về sự bất mãn trong chánh trị thì hay ví von câu “Đẩy thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân” và cho câu này là của Nguyễn Trãi nói ra. Thực ra Nguyễn Trãi không phải là người đầu tiên viết, không phải là người phát minh ra ẩn ý dân là nước, nước lật thuyền, ông chỉ nói lại từ ý của người khác.

Trong bài thơ”Quan hải”viết khi Nguyễn Trãi còn là nho sinh chưa tham dự chánh trị có câu sau:

"Phước châu thủy tín dân do thủy

Thị hiểm nan bằng mệnh tại thiên"

(Thuyền có bị lật mới biết rằng dân chẳng khác gì nước

Cậy vào địa thế hiểm trở cũng khó bằng mệnh trời)

“Phước chu thủy tín dân do thủy” chính xác là “lật thuyền mới biết sức dân như nước“, còn dịch “đẩy thuyền đi là dân mà lật thuyền cũng là dân” là dịch thoát, dịch rộng ra mà thôi. Người giữ bản quyền “nước, thuyền” là Tuân Tử. Ông nói rằng:

"Dân do thủy dã, thủy năng tải châu, nhi năng phúc châu" (Dân cũng như nước, nước chở thuyền được mà cũng làm đắm thuyền được).

"Quân giả châu giã; thứ nhân giả, thủy giã; thủy tắc tải châu, thủy lắc phúc châu, thử chi vị giã. Cố quân nhân giả, dục an, tắc mạc nhược bình chính ái dân dĩ" (Vua ví như thuyền; dân ví như nước; nước chở được thuyền thì cũng lật được thuyền. Cho nên kẻ nắm quyền cai trị nếu muốn được an vị, thì chẳng còn cách nào hay bằng, thực hiện chính trị hòa bình và biết thương dân).

Trong chánh trị niềm tin của dân là sự an ổn. Nếu dân càng ngày càng khinh nhà cầm quyền vì họ trí trá, gian xảo, bòn rút, lập lờ, giăng bẫy dân thì xã hội sẽ bất ổn. Cầm quyền cũng phải có tư cách, làm cái gì để dân nể, dân tin thì dân mới tự giác, có ý thức. Luật là chết, người đẻ ra luật chứ luật không đẻ ra người. Nếu nhà cầm quyền cứ đánh đố, gian xảo với dân thì dân sẽ ngày càng lờn, gian manh, cơ trí đối phó lại. Như vậy là chánh quyền dạy dân trí trá rồi. Cai trị dân thuần hậu vẫn dễ hơn dân trí trá.

- Không cai trị bằng tạo sợ hãi trong dân chúng

Trong chánh trị, một trong những cách cai trị là tạo ra sự sợ hãi cho dân chúng. Hễ một chánh sách nào đó tung ra mà dân sợ là nhà cầm quyền thành công. Lịch sử ghi nhận có những lúc dân không dám ra đường, có ra thì trùm kín cúi mặt đi lầm lũi. Không dám nói chuyện với nhau vì nghĩ có người theo dõi. Một chánh sách đôi lúc như “lấy lông gà làm lịnh tiễn”, xử Trời, chém gió ...nhưng chứa đựng những điều trừng phạt kinh khủng bằng câu chữ, cộng với cái loa tuyên truyền của nhiều phe, mặc dầu thực tế có khi không thể làm trơn tru nhưng cũng làm dân xón nước đái trong quần.

Niccolo Machiavelli (1469 – 1527) và tác phẩm Quân Vương viết những câu hỏi như: ”Một quân vương nên để cho người dân yêu mến hay sợ hãi?”. Trong chương thứ 8 “Những kẻ nhờ hành vi hèn ác làm được Chúa công” chép như sau: “Một là người ta sử dụng những phương tiện hiểm ác và tội lỗi để chiếm ngôi chúa tể. Hai là kẻ thường dân trở thành Chúa tể, nhờ ở lòng ái mộ của các công dân khác”.

Machiavelli giải thích ác là thế nào? Đó là thú tánh tàn ác, vô nhân đạo và tội lỗi đầy dẫy. Chương XVII còn chỉ rõ: “Người cai trị sẽ an toàn khi thần dân sợ ông ta, hơn là khi thần dân yêu mến ông ta”. Đọc xong ta hiểu, cầm quyền là phải ác, nhưng Machiavelli dạy rằng: ”...nếu cần làm điều ác, thì làm ngay cả một đợt, vì thời gian càng ngắn bao nhiêu thì nhân dân sẽ nếm mùi cay đắng ít đi bấy nhiêu. Nếu là những điều thiện thì ta cứ từ từ mà ban bố để cho nhân dân thưởng thức lai rai, thấm thía kỹ càng hơn”. Machiavelli kết luận rằng “ác là giải pháp tình thế !”, và ác chỉ một đợt ngắn gọn, còn thiện thì mới dài dòng, lai rai.

Kết luận:

Phật Dược Sư không có thực. Còn "quốc thái dân an" thì của chánh trị, các thầy chùa không thể tác động. Cầu "Quốc thái dân an" là của các đình vì các vị "Thần" mới có nhiệm vụ này.

Phật dạy “Ta không ban phước, không giáng họa cho ai…”. Phật quan niệm bình đẳng chúng sanh và chúng sanh đều phải tự ý thức bản thân của mình mà sống tốt.  Tất cả chúng ta, tự tâm mình, tự ý thức mình, xấu tốt, phước họa do mình,t ự đốt đuốc mà đi, chẳng đi đốt đuốc giùm ta được đâu.

Phật ở đâu xa,Phật tự lòng ta,Phật là sự an tâm và tỉnh trí trong lòng ta. Đức Phật dạy: "Như vậy này Ananda, tỳ kheo tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình y tựa chính mình, không y tựa một cái gì khác, dùng chánh pháp làm ngọn đèn, dùng chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một cái gì khác. Này Ananda, những ai, hiện nay hay sau khi Ta diệt độ, tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình y tựa chính mình, không y tựa một cái gì khác, dùng chánh pháp làm ngọn đèn, dùng chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một pháp gì khác...".

Có câu (Duy tuệ thị nghiệp) nghĩa là Lấy trí tuệ làm sự nghiệp".

Lục Tổ Huệ Năng dạy:

"Nầy Thiện tri thức! Trí tuệ quán chiếu trong ngoài sáng suốt, biết bổn tâm mình, nếu biết bổn tâm tức là gốc của sự giải thoát. Nếu được giải thoát tức là Bát Nhã tam muội, tức là vô niệm. Sao gọi là vô niệm? Nếu thấy tất cả pháp mà tâm không nhiễm trước, ấy là vô niệm"

Đầu năm thấy nhiều người khoe đi hàng chục cái chùa, đi 12 kiểng chùa, tham gia hội chùa này chùa kia. Có cần thiết đầu năm phải đi tới 12 kiểng chùa? Nhiều người nghèo sặc máu, tuổi già sức yếu nhưng cũng ráng mướn xe đi đúng 12 cái chùa trong Tết tới rằm Tháng Giêng đặng “cầu”. Chẳng biết họ xin Phật cái gì?

Thiệt ra bạn chỉ cần viếng một chùa là đủ vì Phật chỉ có một, đâu cứ đi nhiều là phước, lộc sẽ nhiều? Phật trong tâm chúng sanh nên chùa lớn chùa nhỏ, chùa cao chùa thấp cũng là hình thức mà thôi. Đức Phật dạy về chữ tâm: “Nếu thường xuyên giữ được chánh niệm, tâm không loạn động, dứt trừ được phiền não thì chẳng bao lâu đắc thành quả vô thượng bồ đề.”

Người ta bày ra 12 kiểng là cách để cho các chùa kiếm tiền, kiếm thâu nhập cho các sư sống mà thôi.Đi chùa cũng nhẹ nhàng, cách thức lễ lạy không quan trọng lắm. Quan trọng là tâm lễ, chứ không phải là thân lễ. Lễ Phật là kính lễ cái đức của đức Phật. Bạn cúi nhẹ đầu chấp ta xá cũng là đúng lễ Phật rồi. Bạn không cần phải lạy sư, không cần chấp tay xá sư, cũng không cần quỳ mọp xuống sát đất tế sống sư, chỉ cần gật đầu chào là đặng rồi.

Đi chùa cầu cho tâm mình an, cho lòng mình nhẹ đặng mà tự mình bước qua những thứ vui buồn trong năm mới. Nhiều đám đông ăn chay, tụng kinh, lạy Phật ngày nay làm quá. Đức Phật chỉ là người dẫn đường cho chúng sanh, chúng ta phải tự mình tìm ra cách đi, tìm ra sự duy ngẫm. Họa phúc của một người còn phải xem người đó khiêm tốn hay kiêu ngạo. Tánh khí ngông cuồng, coi thiên hạ không ra gì, sống không giới hạn. Khoe siêng đi chùa, chay trường, tụ tập tụng kinh đông nghẹt mà đốp chát ào ào, cách sống lưu manh từ tâm tưởng thì cũng như không.

Trong kinh Lăng nghiêm có viết: “Tánh cuồng dừng lại thì chính là dừng ở cõi Phật”. Tánh cuồng ở đây là nói tánh ngông cuồng tự đại, cả mơ ước viển vông và thái độ coi thường người khác. Kiểu người luôn vỗ ngực cho mình là thông minh nhứt, chỉ biết mình cái gì cũng hơn người thì khó "giác ngộ".

Vậy cõi Phật là gì? Đó chính là giác ngộ, đó chính là khai ngộ. Đức Phật Thích Ca không ban phước, không trừng phạt ai thì cầu "tiêu tai diên thọ" để làm gì?

NGUYỄN GIA VIỆT 01.02.2023

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn