Vì sao Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Quốc hội Việt Cộng họp bất thường?

Thứ Sáu, 30 Tháng Mười Hai 20228:00 SA(Xem: 1502)
Vì sao Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Quốc hội Việt Cộng họp bất thường?
rfa.org

Vì sao Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Quốc hội họp bất thường?

RFA

Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường vào ngày 23/12/2022 thông báo Quốc hội khóa XV sẽ tổ chức kỳ họp bất thường lần thứ 2 vào sáng ngày 5/1/2023. Nội dung được cho biết về công tác nhân sự.

Đến ngày 28/12/2022, theo thông tin từ báo chí nhà nước, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam quyết định triệu tập Hội nghị Trung ương bất thường vào ngày 30/12/2022 tới đây.

Nhà Nghiên cứu Đinh Kim Phúc nói với RFA hôm 28/12:

“Sau thông báo của Quốc hội họp bất thường vào ngày 5/1, thì hôm nay báo Pháp Luật TPHCM có đưa tin chiều 30/12 Ban chấp hành Trung ương đảng CSVN sẽ họp bất thường, để giải quyết một số vấn đề về nhân sự. Tin tức cụ thể thì chưa được báo chí Việt Nam đăng tin, nhưng trên mạng xã hội trong và ngoài nước có nhiều tin đồn là sẽ có sự thay thế một số lãnh đạo cấp cao của Việt Nam ở Bộ, ở chức vụ Phó Thủ tướng của ông Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam. Vấn đề này cũng chỉ là tin đồn trên mạng, chưa có một cơ quan chính thức là của Việt Nam xác nhận.”

Theo ông Phúc, đây cũng là cách làm việc lâu nay của Việt Nam, không bao giờ công bố trước về nhân sự, khi có kết quả rồi thì toàn dân mới biết công tác nhân sự của đảng. Ông nói tiếp:

“Tôi thì không có được thông tin nhiều về hai nhân vật này có can dự trực tiếp vào khuyết điểm những vụ án của Việt Á hay là chuyến bay giải cứu hay không? Nhưng tôi nghĩ rằng với trách nhiệm của người đứng đầu, phụ trách ngành ngoại giao và ngành văn hóa, xã hội thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Tôi cũng đang chờ xem cách giải quyết như thế nào?”

Tôi thì không có được thông tin nhiều về hai nhân vật này có can dự trực tiếp vào khuyết điểm những vụ án của Việt Á hay là chuyến bay giải cứu hay không? Nhưng tôi nghĩ rằng với trách nhiệm của người đứng đầu, phụ trách ngành ngoại giao và ngành văn hóa, xã hội thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm.
-Nhà Nghiên cứu Đinh Kim Phúc

Dư luận mạng xã hội nêu rất nhiều câu hỏi, cụ thể nếu trách nhiệm người đứng đầu thì không thể xử lý cho thôi việc được. Vì cho thôi việc Ủy viên Trung ương không phải chuyện dễ, còn nếu có khuyết điểm can dự vào vụ án thì tại sao không truy tố?

Vào ngày 26/12/2022, trên mạng xã hội có bài viết của tác giả Lê Văn Đoành được báo Tiếng Dân đăng tải cho biết, cuộc họp Bộ Chính trị hôm 24/12/2022 đã bỏ phiếu trong Bộ Chính trị với kết quả ‘kết liễu’ số phận chính trị của cả hai Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam.

Cụ thể theo tác giả Lê Văn Đoành, ông Phạm Bình Minh sẽ thôi giữ chức Uỷ viên Trung ương đảng, Ủy viên Bộ Chính trị khoá 13, Phó Bí thư Ban Cán sự đảng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026; thôi Đại biểu Quốc hội khóa XV. Và ông Vũ Đức Đam thôi giữ chức Uỷ viên Trung ương đảng khoá 13, Uỷ viên Ban cán sự đảng Chính phủ, Phó Thủ tướng chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026.

Nhà báo Nguyễn Vũ Bình hôm 28/12, nhận xét:

“Những biến động trong nội bộ của đảng với quan chức cao cấp thì mình cũng không quan tâm lắm… nhưng gần đây mình đọc được văn bản tiết lộ ra về việc ông Phạm Bình Minh và ông Vũ Đức Đam bị sẽ bị cho thôi chức vụ và đến 2024 về hưu. Mình nghĩ những đồn đoán đó là có cơ sở, bởi vì hai ông ấy là phụ trách cao nhất thứ nhất về đại dịch là Vũ Đức Nam, còn Phạm Bình Minh là về chuyến bay giải cứu, cho nên là có liên quan và mình thấy là có cơ sở.”

Theo ông Bình, nếu đã có cơ sở thì việc thay đổi hai vị trí lớn như hai phó thủ tướng là một vấn đề rất lớn trong đảng:

“Cho nên theo mình nghĩ việc họp bất thường của Bộ Chính trị và Quốc hội là hoàn toàn có khả năng rất lớn xảy ra với hai vị trí đó. Còn nếu như vị trí Bộ trưởng bị bắt thì vẫn theo những quy trình về chống tham nhũng và các quyết định trong đảng thôi. Nhưng đây là hai vị trí chủ chốt, một người là bộ chính trị, một người là phó thủ tướng Vũ Đức Đam kỳ cựu lâu năm, nên việc họp bất thường về hai người này cũng đúng.”

83983605-ed9d-417e-bf1f-41a290d6c6ee.jpeg
Một chuyên gia y tế mở bộ xét nghiệm tại trung tâm xét nghiệm nhanh COVID-19 ở ô Hà Nội, ngày 30 tháng 7 năm 2020. REUTERS.

Theo thông tin của Bộ Công an, từ đầu mùa dịch COVID Việt Nam đã tổ chức khoảng 2.000 chuyến bay “giải cứu” với số tiền nghi đưa, nhận hối lộ lên đến hàng chục tỷ đồng và hàng trăm ngàn đô la.

Liên quan vụ án các chuyến bay giải cứu trong mùa dịch COVID-19, tính đến nay đã có 38 người bị khởi tố, bắt tạm giam. Trong số những người bị khởi tố có những quan chức cấp cao của Chính phủ như ông Tô Anh Dũng - Thứ trưởng Bộ ngoại giao và Nguyễn Quang Linh - trợ lý phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh.

Mới nhất là vào ngày 22/12, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng và nguyên Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam cũng đã bị khởi tố, bị bắt tạm giam, bị khám nhà và nơi làm việc do có dính líu đến vụ án các chuyến bay giải cứu trong mùa dịch COVID-19.

Đến ngày 27/12/2022, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn bị Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam ‘phê bình nghiêm khắc’ vì liên quan các chuyến bay giải cứu.

Liên quan vụ án Việt Á, ông Nguyễn Văn Trịnh, trợ lý Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, vào ngày 16/12 cũng bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản Việt Nam. Lý do được nêu ra là ông này suy thoái về tư tưởng, chính trị, nhận hối lộ. Cụ thể biên bản kỷ luật được truyền thông nhà nước đăng tải cho biết, ông Nguyễn Văn Trịnh đã lợi dụng vị trí công tác can thiệp, tác động các đơn vị, cá nhân có trách nhiệm tại Bộ Y tế để Công ty Việt Á được cấp số đăng ký lưu hành Kit xét nghiệm COVID-19 trái quy định pháp luật, giúp Công ty Việt Á tiêu thụ sản phẩm Kit xét nghiệm COVID-19 tại các đơn vị, địa phương, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản Nhà nước.

Công ty Cổ phần Việt Á bị cáo buộc đã thổi giá bộ xét nghiệm lên khoảng 45% và đút lót cho các đối tác khoảng 800 tỷ đồng.

Với hàng chục nhân vật tai to mặt lớn bị bắt, khởi tố vừa rồi thì tôi tin chắc chắn hai ông Đam và Minh cũng phải chịu trách nhiệm, dù chưa biết mức độ như thế nào?
-Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già

Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già, từ Sài Gòn hôm 28/12, nhận định:

“Về việc ông Vũ Đức Đam và ông Phạm Bình Minh thì dư luận ở Việt Nam đồn đãi rất nhiều trong mấy ngày qua, vì việc bê bối này quá lớn, ảnh hưởng đến danh dự của đảng CSVN và ảnh hưởng cả nhà nước VN. Với hàng chục nhân vật tai to mặt lớn bị bắt, khởi tố vừa rồi thì tôi tin chắc chắn hai ông Đam và Minh cũng phải chịu trách nhiệm, dù chưa biết mức độ như thế nào? Do đó đối chiếu với thông báo số 20 ngày 8/9/2022 của Bộ Chính trị khuyến khích tự nguyện từ chức trước khi đưa ra công khai để miễn nhiệm… thì tôi nghĩ rằng việc rời khỏi chức vụ trong êm thắm của ông Vũ Đức Đam và ông Phạm Bình Minh là có căn cứ để tin đó là sự thật.”

Nhà báo Nguyễn Ngọc Già cho biết, theo câu nói của Thủ tướng Phạm Minh Chính: ‘chống dịch như chống giặc’… thì cái cách làm việc đó không có học, đạo đức giả, là cơ hội để cho người CSVN ở cấp cao moi tiền của dân:

“Tôi muốn nhấn mạnh sự moi tiền của người dân trong lúc người dân đang hoảng loạn, hoảng sợ với hàng chục ngàn người chết và triệu người bị bệnh, cùng với tình hình kinh tế xã hội bi đát chưa từng thấy trong một phần tư thế kỷ qua kể từ ngày Hoa Kỳ bãi bỏ cấm vận. Điều đó đã phô bày ra bộ mặt quản trị quốc gia của nhà cầm quyền rất xấu xí, lạc hậu và vong bản đối với người dân chúng tôi… Tôi nghĩ rằng đây là nỗi ô nhục lớn nhất mang tính lịch sử, mà rất khó xóa nhòa được trong tâm tưởng của người dân Việt Nam.”

Do đó ngoài việc kỷ luật, khởi tố, bỏ tù hàng chục nhân vật cao cấp… thì ông Già cho rằng Bộ chính trị cần phải có một cái kế hoạch ăn năn, sám hối và đền bù cho việc ‘chống dịch như chống giặc’ gây ra nỗi thảm thương cho gần 100 triệu người dân Việt Nam.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn