10 vụ lừa đảo khoa học hàng đầu

Chủ Nhật, 04 Tháng Mười Hai 20223:00 SA(Xem: 2254)
10 vụ lừa đảo khoa học hàng đầu

Khi tìm ra những khám phá gây sửng sốt và độc nhất vô nhị, trước nay chưa từng có, các nhà khoa học có thể đạt được danh vọng và vô khối tiền bạc. Trong phần lớn thời gian, điều này là động lực thúc đẩy những nghiên cứu khoa học tích cực, nhưng cũng không ít lần nó bị đem ra lạm dụng.

Những cú lừa chấn động giới khoa học

Danh sách này bao gồm 10 vụ lừa đảo khoa học đã đánh lừa ko bíết bao nhiêu người cả tin và là một lời nhắc nhở con người cảnh giác trước một số “phát minh” khoa học.

10 . Jan Hendrik Schön

Jan Henrik Schön (bên trái ảnh), một nhà nghiên cứu ở phòng thí nghiệm Bell tại New Jersey, có 5 bài thuyết trình được xuất bản trên tờ Nature và 7 bài trên tạp chí Science, giữa các năm từ 1998 đến 2001. Các bài báo này đều tập trung giải quyết những khía cạnh điện tử cao cấp. Những phát minh này phần lớn đều khó hiểu, thâm thúy và Schön được nhiều người đánh giá là một ngôi sao đang lên trong giới khoa học.

Năm 2002, một ủy ban khoa học đã phát hiện ra rằng, hắn đã tạo nên kết quả giả ít nhất trong 16 trường hợp và phát hiện đó khiến toàn bộ đồng nghiệp, giám đốc phòng thí nghiệm Bell, và đội ngũ phụ trách xuất bản của cả 2 tờ tạp chí, những người chấp nhận kết quả của Schön phải chịu một phen xấu hổ trước dư luận. Schön, lúc đó mới 32 tuổi, nói: “Tôi phải thừa nhận rằng tôi đã gây ra một số sai lầm trong các nghiên cứu khoa học của mình và tôi rất hối hận về điều đó. Tôi thực sự tin rằng những hiệu quả khoa học đó đều có thật, thú vị và rất đáng để bỏ công sức.”. Những lời này là tất cả sự biện hộ của Schön được đăng trên tờ Nature. 

9. Người khổng lồ Cardiff

Người khổng lồ Cardiff là một trong những trò chơi khăm nổi tiếng nhất trong lịch sử nước Mỹ. Đó là hình một người đàn ông hóa đá dài 3 mét, được phát hiện năm 1869 bởi một nhóm công nhân khi đào giếng phía sau ngôi nhà của William Newell ở Cardiff, New York. Hóa ra là, người khổng lồ này là sản phẩm của George Hull, một người vô thần sinh sống tại New York. Ông này quyết định tạo ra bức tượng để trêu chọc Turk, một mục sư dòng chính thống, người tin rằng trong kinh thánh có đoạn nói những người khổng lồ đã từng cai trị trái đất.

Người khổng lồ này trở nên vô cùng phổ biến đến nỗi P T Barnum đã đề nghị mượn bức tượng trong vòng 3 tháng với giá 60.000 đô la. Sau khi bị từ chối, ông ta liền thuê người làm một bản sao y hệt và cho trưng bày. Khi bản sao này trở nên nổi tiếng hơn bản gốc, người chủ của bức tượng “thật” đâm đơn kiện Barnum. Tuy nhiên, quan tòa đã dẹp bỏ vụ kiện này với tuyên bố, trừ phi bức tượng gốc được chứng minh tính xác thực của nó, không có gì sai khi Barnum làm ra bản sao cho riêng mình.

8. Máy chuyển động vĩnh cửu

Xe hơi chạy bằng nước và các cỗ máy nhiệt hạch tạo ra nhiều năng lượng hơn chúng sử dụng luôn nằm trong trí tưởng tượng của các nhà sáng chế. Charles Redheffer, sau khi kiếm được bộn tiền ở Philadelphia khi cho trưng bày một chiếc máy chuyển động vĩnh cửu đã mang nó đến New York năm 1813, nơi mà hàng trăm người đã trả 1 đô la để được chiêm ngưỡng cỗ máy này.

Chiếc máy dường như có thể tự vận hành mà không cần sự trợ giúp nào cả. Cuối cùng, những người hoài nghi đã đưa cho Redheffer một số tiền lớn để họ có thể chứng minh chiếc máy này là lừa đảo. Với sự đồng ý của Redheffer, họ tiến hành gỡ bỏ một vài tấm ván dọc trên tường cạnh chiếc máy, và phát hiện ra một bộ truyền động hình ruột mèo. Bộ truyền động này đi xuyên qua tường đến tầng áp mái, nơi một người đàn ông già vừa ăn bánh mỳ vừa quay chiếc tay quay. 

7. Những hòn đá nói dối

Năm 1726, Johann Beringer, người thành phố Würzburg cho xuất bản những chi tiết của những hóa thạch được tìm thấy phía ngoài thành phố nhỏ thuộc xứ Bavaria này. Số hóa thạch bao gồm thằn lằn đang lột xác, chim có đầy mỏ và mắt, nhện đang nằm trên mạng, và cóc đang giao hợp. Các mảnh đá khác mà ông tìm thấy mang các ký tự YHVH, có nghĩa là Jehovah, hay là Chúa trời. Ông tin rằng đây là các sản phẩm do “quyền lực dẻo” của thế giới vô cơ tạo ra và đã nhận xét như vậy trong một quyển sách.

Trên thực tế, đây là một trò đùa của các đồng nghiệp đầy ác ý. Truyền thuyết kể rằng, Beringer đã phá sản khi nỗ lực mua lại toàn bộ số sách đã được xuất bản và những hòn đá này được gọi là “những hòn đá nói dối”. Các đồng nghiệp gây ra vụ việc trên đều bị mất việc và uy tín của mình. 

6. Bộ lạc Tasaday

Năm 1971, một bộ trưởng của chính phủ Philippine (Manuel Elizalde) phát hiện bộ lạc thời kỳ đồ đá sống cách ly trên đảo Mindanao. Bộ lạc có tên gọi là Tasaday này có một ngôn ngữ mạnh, sử dụng công cụ bằng đá và mang những đặc tính của thời kỳ đồ đá khác. Khám phá này tiêu tốn không ít thời gian của truyền hình, lên trang bìa của tạp chí National Geographic và là chủ đề của một quyển sách bán rất chạy. Khi các nhà nhân chủng học tìm cách tiếp cận bộ lạc này, Tổng thống Marcos tuyên bố hòn đảo trở thành khu bảo tồn và cấm toàn bộ khách viếng thăm.

Khi Marcos bị lật đổ năm 1986, 2 nhà báo đến thăm hòn đảo này và phát hiện ra rằng người Tasaday trên thực tế sống trong nhà, buôn bán với nông dân địa phương, mặc quần bò, áo phông và nói tiếng địa phương. Người Tasaday giải thích rằng họ chuyển vào sống trong hang và hành động như những người thuộc thời kỳ đồ đá dưới áp lực của Elizalde. Elizalde chạy trốn khỏi Philippine năm 1983, mang theo hàng triệu đô la lấy cắp được từ một quỹ được gây dựng để bảo vệ người Tasaday!

5. Những khám phá của Shinichi Fujimura

Shinichi Fujimura là một trong những nhà khảo cổ học hàng đầu của Nhật Bản, cho dù tất cả các kiến thức của ông đều là tự học. Năm 1981, ông này phát hiện ra đồ đá có tuổi 40 nghìn năm. Đó chính là mẫu đồ đá lâu đời nhất được tìm thấy ở Nhật Bản và phát hiện này là bàn đạp cho sự nghiệp của Fujimura. Trong những năm tiếp theo, ông ta tiếp tục tìm thấy những mẫu vật lâu đời hơn nữa, thách thức các ranh giới đã được biết đến về thời tiền sử của Nhật Bản.

Tháng 10, năm 2000, Fujimura cùng các cộng sự tìm thấy một chuỗi đá mà họ tin rằng được làm ra bởi người nguyên thủy. Họ cũng tìm thấy một số hố, theo lời họ, để cắm cột trụ cho nơi ở của người nguyên thủy. Phát hiện này có tuổi 600 nghìn năm và là những bằng chứng lâu đời nhất về sự cư trú của loài người. Sự việc này ngay lập tức trở thành tin tức quốc tế.

Sau đó, ngày 5 tháng 11, tờ Mainichi Shimbun cho xuất bản ba bức ảnh trên trang nhất, ghi lại hình Fujimura đào hố ở hiện trường và chôn những “cổ vật” mà sau đó ông ta “tìm thấy” được (xem hình). Trong buổi họp báo cùng ngay, ông ta thú nhận đã cố tình chôn những hòn đá này và phần lớn các phát hiện của ông ta đều là giả mạo. Cúi đầu trong hổ thẹn, ông ta nói: “Tôi đã bị quỷ dữ cám dỗ.”

4. Trò chơi khăm về mặt trăng

Tháng 8, năm 1835, một loạt bài xuất hiện trên trang nhất của tờ New York Sun. Loạt bài này liệt kê một chuỗi các khám phá thiên văn học không thể tin nổi, với sự trợ giúp của kính thiên văn cực lớn và những phương pháp đặc biệt, của nhà thiên văn học người Anh, Hiệp sĩ John Herschel. Bài báo cho biết Herschel đã phát triển “một học thuyết mới về hiện tượng sao chổi”, đã tìm ra các hành tinh trong những chòm sao khác và đã “giải và sửa chữa gần như mọi vấn đề toán học nghiêm trọng nhất trong ngành thiên văn học”. Và sau đó, bài xã luận đề cập đến thành quả tuyệt vời nhất của Herschel: ông đã tìm thấy sự sống trí tuệ trên mặt trăng.

Ông đã mô tả nào rừng, nào biển, và cả các kim tự tháp màu hoa cà trên bề mặt của mặt trăng. Ông cũng không bỏ qua những đàn bò rừng bi-dông lang thang trên các bình nguyên và các con ngựa một sừng màu xanh sống trên những ngọn đồi.

Bài báo này đương nhiên là một trò chơi khăm công phu. Herschel chưa bao giờ quan sát thấy cuộc sống trên mặt trăng cũng như đạt được bất cứ một thành quả thiên văn nào được nhắc đến trong bài viết. Thậm chí, ông còn không hề được biết đến rất nhiều phát mình gắn liền với tên tuổi của ông. Cho dù vậy, tờ New York Sun vẫn tiếp tục đăng bài cho tới khi công chúng phát hiện ra đó là một trò chơi khăm.

3. Di truyền học thuyết Lamac

Vào thập kỷ 20, một nhà khoa học người Áo có tên là Paul Kammerer, đã thiết kế một thí nghiệm nhằm chứng tỏ di truyền Lamac (ý niệm cho rằng một sinh vật có thể đạt được các đặc tính và truyền cho đời sau của nó) là hoàn toàn thực hiện được. Vật thí nghiệm của ông này là một giống cóc có tên gọi cóc bà đỡ. Phần lớn cóc giao phối dưới nước, vì thế trên chi sau của chúng có những bướu có vảy màu đen giúp chúng có thể giữ lấy nhau khi giao phối. Tuy nhiên, cóc bà đỡ lại giao phối trên cạn và vì thế chúng không hề có những chiếc bướu này. Kammerer cho rằng, bằng cách ép cóc bà đỡ giao phối dưới nước, ông ta có thể chứng minh chúng sẽ phát triển những chiếc bướu như vậy.

Kammerer cho một số các thế hệ cóc giao phối trong một bể cá đầy nước và cuối cùng công bố đã thành công trong việc tạo ra một nhóm cóc bà đỡ với những bướu đen trên chi sau.

Tuy nhiên, vào năm 1926, tiến sĩ G.K. Noble đã tiến hành xem xét những con cóc nổi tiếng này và phát hiện ra những bướu đen kia chỉ là mực được bơm vào chi sau của chúng. Khi trò lừa đảo bị vạch trần năm 1926, Kammerer đã bị làm cho bẽ mặt. Ông ta quả quyết đã không bơm mực vào những con cóc và cho rằng một trợ lý thí nghiệm của ông ta đã làm điều đó. Một vài ngày sau, Kammerer tự tử.

2. Phi vụ Sokal

“Phi vụ Sokal” là một trò chơi khăm của Alan Sokal (một nhà vật lý học) nhằm vào bài viết về nghiên cứu văn hóa hậu hiện đại có tên Social Text, do Đại học Duke xuất bản. Năm 1996, ông đệ trình một bài viết vô nghĩa được ngụy trang bởi các từ ngữ khó hiểu, nhằm xem liệu thế giới báo chí có “xuất bản một bài viết vô nghĩa được thêm mắm thêm muối nếu như (a) nghe nó có vẻ mùi mẫn, thú vị và (b) nếu nó làm thỏa mãn những định kiến về hệ tư tưởng của chủ bút.”

Bài viết “Vượt qua các ranh giới: Tiến tới khoa học chú giải dạng biến đổi của sức hấp dẫn lượng tử”, đã được in trên tờ Science Wars năm đó. Ngay ngày xuất bản, Sokal thông báo trong một bài viết khác, bài luận trên chỉ là một trò chơi khăm. Ông nói Social Text là "sự cóp nhặt những lời giả dối cánh tả, những bài viết tham khảo xu nịnh, những câu trích dẫn phô trương và những điều vô lý rõ ràng”. Những cuộc tranh luận, đặc biệt về vấn đề đạo đức hàn lâm, nóng bỏng đã nổ ra ngay sau đó.

Một ví dụ tương tự gần đây là bài viết về mạch khai căn (Rooter Paper) năm 2005. Đây là một bài viết được tạo ra một cách ngẫu nhiên trên một chương trình máy tính, sau đó được đệ trình và chấp nhận là có lý ở một hội thảo khoa học.

1. Người đàn ông Piltdown

Người đàn ông Piltdown là một trò lừa nổi tiếng trong đó những mảnh vụn xương sọxương hàm được tìm thấy năm 1912 đã được cho là hóa thạch của một dạng người từ rất xa. Mẫu vật này được chính thức đặt tên Latin Eonthropus Dawsoni, theo tên người đã tìm ra nó là Charles Dawson. Phải đến năm 1953, người ta mới phát hiện nó là giả mạo. Mẫu vật này được tạo nên bởi xương hàm của một con đười ươi và phần xương sọ của một người đàn ông trưởng thành.

Người đàn ông Piltdown có lẽ là trò lừa nổi tiếng nhất trong lịch sử. Nổi tiếng ở hai lẽ: sự chú ý tới vấn đề tiến hóa mà nó đem lại, và phải mất 40 năm người ta mới phát hiện ra nó chỉ là một vụ lừa đảo.

Nguồn: Lê Khắc Tùng Sơn (Theo ListVerse)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn