Tranh cãi chuyện công bố danh tính khi trúng độc đắc ở Mỹ

Thứ Ba, 22 Tháng Mười Một 20229:00 SA(Xem: 1153)
Tranh cãi chuyện công bố danh tính khi trúng độc đắc ở Mỹ

Tranh cãi chuyện công bố danh tính khi trúng độc đắc ở Mỹ


Tranh cãi chuyện công bố danh tính khi trúng độc đắc ở Mỹ - Ảnh 1.

Một người dân ở California khoe tờ vé số Mega Millions mua trước giờ xổ ngày 23-10 - Ảnh: AFP

Hãng tin Reuters ngày 24-10 dẫn lời một quan chức xổ số bang South Carolina xác nhận đã có một người trúng độc đắc xổ số Mega Millions trị giá 1,6 tỉ USD tại bang này. Đây được xem là giải độc đắc khủng nhất trong lịch sử xổ số Mỹ.

Theo quy định tại phần lớn các bang của Mỹ, chủ nhân của các giải xổ số sẽ phải công khai danh tính bởi họ phải ký vào mặt sau của tờ vé số trúng và trình báo tới ủy ban xổ số tiểu bang. Điều may mắn là người trúng độc đắc Mega Millions lần này ở South Carolina, một trong tám bang cho phép người trúng xổ số được giữ bí mật danh tính.

Lời nguyền trúng số độc đắc?

Trong vài tuần qua, khi giá trị giải thưởng cứ tăng dần lên còn người chiến thắng thì chưa xuất hiện, bàn cách sử dụng hàng trăm triệu USD như thế nào từ chuyện phiếm đã trở thành chuyện nghiêm túc ở Mỹ.

Cũng trong bối cảnh đó, những tiếng nói yêu cầu thay đổi quy định khai báo danh tính, quyền giữ bí mật nhân thân cho người trúng số ngày càng tăng.

Những người chỉ trích cho rằng trong thời đại internet như hiện nay, những quy định cũ đã lỗi thời. Năm 1934, khi xổ số chính thức xuất hiện ở Mỹ, không có công nghệ nào cho phép người ta có thể ăn cắp tiền từ tài khoản của một người khác mà không cần ký giấy.

Bây giờ, tin tặc ngồi ở nhà cũng có thể đánh cắp tiền từ tài khoản ngân hàng của người trúng xổ số và bất kỳ người nào cũng có thể biết địa chỉ người trúng số, giá trị của giải thưởng nếu họ thực sự quan tâm.

Tranh cãi chuyện công bố danh tính khi trúng độc đắc ở Mỹ - Ảnh 2.

Kỹ sư cơ khí 58 tuổi Wayne Harris phải công khai danh tính khi trúng 105 triệu USD xổ số Mega Millions hồi năm 2017 vì quy định công khai danh tính của bang New York - Ảnh: Mega Millions

Chẳng hạn, năm 2006, một người đàn ông tên Abraham Shakespeare ở Florida trúng 31 triệu USD nhờ vé số. Năm 2009, sau khi tiêu gần hết số tiền trên, ông này đột ngột biến mất.

Xác của ông ta được phát hiện sau đó vào đầu năm 2010, bên dưới một phiến bê tông. Cảnh sát cho biết hung thủ là một người phụ nữ chủ động kết bạn với nạn nhân sau khi biết ông này trúng số.

Tháng 11-2015, ở tuổi 20, Craigory Burch kiếm được 434.000 USD cũng nhờ trúng số. Chưa đầy 3 tháng sau đó, tháng 1-2016, thanh niên từng được xem là may mắn này bị bắn chết ngay tại nhà riêng. Cảnh sát thừa nhận Burch đã trở thành mục tiêu được lựa chọn từ trước của nhóm cướp đến 7 tên.

Những câu chuyện tương tự như vậy xảy ra trên khắp nước Mỹ đã không còn được xem là minh chứng cho cái gọi là "lời nguyền trúng số độc đắc".

Dân Mỹ thách thức pháp luật

Nhiều vụ việc không may xảy ra với người trúng số và những kết cục bi thảm khiến một số bang ở Mỹ phải cân nhắc lại các quy định hiện hành nhưng sự thay đổi là chưa đáng kể.

Hồi đầu năm nay, một tòa án ở bang New Hampshire đã ra phán quyết đứng về một phụ nữ muốn giữ bí mật danh tính sau khi trúng số 560 triệu USD.

"Nếu danh tính của bà Doe bị tiết lộ, bà ta sẽ trở thành đối tượng của các hành động quấy rối, mời gọi và liên lạc không mong muốn ở mức đáng báo động, do đó danh tính và địa chỉ của bà ấy phải được giữ kín", phán quyết của tòa nêu rõ.

Năm 2017, bang Texas thông qua một điều luật cho phép những người trúng số trên 1 triệu USD có thể giấu danh tính. Tương tự, tại bang Georgia, chỉ cần trúng số hơn 250.000 USD là bạn có thể yên tâm được đảm bảo bí mật tên tuổi, tại Arizona thậm chí còn thấp hơn, chỉ cần trên 600 USD, theo trang Vox.

Trong khi nỗi sợ có thể bị xâm phạm sức khỏe khiến nhiều người giấu thân phận sau khi trúng số, người ta cũng nên được trao cho quyền quyết định mức độ người khác có thể biết về bản thân trong thời đại mà mọi thứ đều có thể tìm kiếm trên mạng chỉ bằng một cú nhấp chuột.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn