Nỗi sợ cà chua suốt hơn 200 năm của người châu Âu

Thứ Hai, 14 Tháng Mười Một 20225:00 CH(Xem: 1216)
Nỗi sợ cà chua suốt hơn 200 năm của người châu Âu

Trước khi trở nên phổ biến trong ẩm thực, do những quan niệm sai lầm, cà chua bị người châu Âu coi là loại trái cây độc và nguy hiểm.

Tranh tĩnh vật về cà chua và hành tây của họa sĩ Catherine M. Wood. Ảnh: Wikimedia

Tranh tĩnh vật về cà chua và hành tây của họa sĩ Catherine M. Wood. Ảnh: Wikimedia

Được sử dụng trong pizza, mì ống và súp gazpacho, cà chua là nguyên liệu rất thông dụng trong ẩm thực Italy và Địa Trung Hải. Tuy nhiên, khi lần đầu tiên đến châu Âu vào khoảng đầu thế kỷ 16, cà chua lại gây ra nỗi sợ hãi.

Cà chua bắt nguồn từ dãy Andes Nam Mỹ, mọc như một loại cây dại nhỏ. Thời đó, chúng trông rất khác những quả cà chua ngày nay mà giống với cà chua bi hơn, có màu hơi vàng và ít ngọt hơn rất nhiều.

Các nhà sử học không rõ chính xác thời điểm cà chua đến châu Âu. Sau khi xâm lược Nam Mỹ, đội quân từ Tây Ban Nha đã ghi chép cẩn thận số vàng và bạc đưa tới Seville (Tây Ban Nha), nhưng không nhắc đến hạt giống cà chua. Họ cho rằng cà chua xuất hiện ở châu Âu vào thời nhà thám hiểm Hernán Cortés (1485 - 1547).

Khi mới đến châu Âu, cà chua được coi là cây cảnh ngoại lai. Chúng cũng bị gắn với những cây cà độc và mandrake (loại cây độc có quả vàng), do cách phân loại của nhà thảo dược người Italy, Pietro Andrae Matthioli năm 1544. Trong Kinh Thánh, mandrake được dùng làm tình dược. Điều này khiến cà chua mang tiếng xấu là vừa có độc, vừa là nguồn cám dỗ.

Đến những năm 1600, người châu Âu bắt đầu ăn cà chua, cụ thể là tại Andalucia (Tây Ban Nha), nơi chúng được nấu theo kiểu Aztec với dầu và ớt. Trong khi đó, người Italy không chắc nên ăn phần nào, do đó, họ vẫn không ưa chuộng và không dùng cà chua làm thức ăn.

Những năm 1700, cà chua nổi tiếng là một loại trái cây độc, đến mức chúng được đặt biệt danh là "táo độc". Người ta cho rằng những người thuộc giới thượng lưu mắc bệnh và chết sau khi ăn chúng.

Nhưng thực tế, người châu Âu khá giả có thói quen thưởng thức các món ăn bằng đĩa pewter (hợp kim với thành phần chính là thiếc) có hàm lượng chì lớn. Do cà chua có tính axit cao, khi đặt trên loại đĩa này, cà chua sẽ làm chì rỉ ra từ đĩa, dẫn đến nhiều trường hợp tử vong do ngộ độc chì, theo Smithsonian. Thời điểm đó, không ai liên hệ các vụ ngộ độc với đĩa nên cà chua bị cho là thủ phạm.

Ở Italy, ban đầu chỉ những người mạo hiểm nhất mới ăn cà chua. Công thức sớm nhất về sốt cà chua được công bố năm 1694. Cà chua trở thành món ăn lý tưởng với người nghèo vì dễ bảo quản và tích trữ.

Đến năm 1822, hàng trăm công thức nấu cà chua đã xuất hiện trên các tờ báo và tạp chí, nhưng những lo ngại và lời đồn về chất độc của loại cây này vẫn còn tồn tại. Khoảng năm 1880, cùng với "phát minh" pizza ở Naples (Italy), cà chua trở nên phổ biến ở châu Âu. Thế kỷ 19, cà chua được thêm vào mì ống và cả món súp gazpacho của Tây Ban Nha, sau đó tiếp tục chinh phục phần còn lại của thế giới.

Thu Thảo (Theo Ancient Origins)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn