• Vikram Barhat
  • BBC Capital

Terence King được bảo là trông không giống người Trung Quốc mặc dù có các tiêu chí tốt.

Nguồn hình ảnh, Terence King

Chụp lại hình ảnh,

Terence King được bảo là trông không giống người Trung Quốc mặc dù có các tiêu chí tốt.

Biện pháp cực đoan mà một số người áp dụng để chống lại thiên vị trong tuyển dụng có thể sẽ làm bạn ngạc nhiên. Nhưng một số nói rằng đó là cách làm duy nhất.

Trong một thế giới mà định kiến dựa vào chủng tộc thường có thể cản trở cơ hội tìm việc của người chủng tộc thiểu số, Terence King cảm thấy bị đối xử không công bằng.

Anh sinh ra với cái tên Trung Quốc, Wang Lai Ming, và có điều mà anh gọi là vẻ ngoài của Nam Á. Nhưng, anh nói, nhiều chủ hãng ở Singapore, nơi anh sinh ra, đều sẽ bảo anh là họ không thuê anh làm một số việc vì anh trông không giống người Trung Quốc, còn chủ hãng ở New Zealand, nơi anh hiện sống và làm việc từ năm 2000, thường không màng đến anh vì cái tên Trung Quốc của mình, anh nghĩ như vậy.

"Có một lần ở Singapore, tôi dự một phỏng vấn để xin việc và đạt ngay," King, có bố là Trung Quốc mẹ là Sri Lanka, nói. "Họ đang tìm một người nói tiếng quan thoại để đảm nhận thị trường Trung Quốc, nhưng rồi tôi không được nhận vào làm. Họ bảo tôi không giống người Trung Quốc."

Khi anh chuyển tới New Zealand thì sự thể cũng chẳng hơn gì. "Mỗi tuần tôi gửi đi 5 đơn xin việc mà không được gọi phỏng vấn một lần nào," King, có bằng thạc sỹ quản lý kinh doanh của một trường đại học ở Anh, nói.

Không chịu nổi luôn bị khước từ, anh quyết định vứt bỏ tên khai sinh của mình và lấy tên Anh. "Bây giờ thì khác rồi," King, nay là giảng viên kinh doanh ở Auckland, nói. "Tôi tin rằng với cái tên Anh và năng lực thích ứng thì lúc nào cũng sẽ có một việc đâu đó cho tôi."

Paul Spoonley ở New Zealand, một nhà nghiên cứu ở đại học Massey, nói rằng các chủ hãng ở New Zealand thể hiện sự phân biệt đáng kể về tên và giọng nói, có thể điều này liên quan đến định kiến về chủng tộc.

"Chúng tôi đã khảo sát các chủ hãng, nhiều người cảm thấy những người nhập cư, đặc biệt từ Châu Á, không hiểu thông lệ văn hoá địa phương và New Zealand," ông nói. "Họ chỉ đặc biệt quan tâm đến độ thông thạo tiếng Anh."

Trường hợp của King không phải là hiếm.

Nguồn hình ảnh, Ryan Walker

Chụp lại hình ảnh,

Ratna Omidvar từ Global Diversity Exchange nói thiên vị dựa theo tên ảnh hưởng tới nhóm di cư và những người sinh ra tại nước ngoài

Ngay cả những người nổi tiếng cũng nói rằng việc đổi tên cho bớt tính chủng tộc đã giúp họ tăng tiến được. Nghệ sĩ và diễn viên hài Mỹ gốc Ấn Mindy Kaling (tên khai sinh Vera Chokalingam), nghệ sĩ Kal Penn (tên thật Kalpen Modi), chính khách Bobby Jindal (khi sinh tên là Piyush Jindal) và nghệ sĩ Bollywood người Ấn Độ gốc Canada Sunny Leone (trước là Karenjit Kaur Vohra) đã đổi một phần tên khai sinh để có được triển vọng nghề nghiệp tốt hơn.

Conrad Braithwaite, người sáng lập UK Deed Poll, một công ty giúp đổi tên một cách hợp pháp, nói rằng mỗi năm hàng nghìn người dân Anh đã tạo phong cách Anh hoặc lấy tên mới. Một số đáng kể những người này là chủng tộc thiểu số và họ đang cố tránh sự phân biệt trên thị trường việc làm, ông nói.

"Quá trình đổi tên là rất đơn giản nên cũng dễ thấy rằng vì sao ai đó quyết định đổi tên nếu họ nghĩ rằng nó giúp cải thiện triển vọng nghề nghiệp của họ," ông nói và bổ sung rằng nhiều người đang làm như vậy để đảm bảo một sân chơi ngang bằng trên thị trường việc làm".

Nghiên cứu trên thế giới và bằng chứng giai thoại cho thấy những người đệ đơn xin việc thuộc chủng tộc thiểu số cũng hành sử tương tự như vậy với việc phân biệt khi tuyển mộ vì lý do chủng tộc. Những bằng cấp uy tín và số năm kinh nghiệm thích ứng chẳng giúp được là bao với những người mang tên nước ngoài, mà lý lịch của họ chỉ được ngó qua trước khi bị các chủ hãng chuyển vào thùng rác, nghiên cứu của các trường đại học ở nhiều nước đã cho thấy là như vậy.

Trong một nghiên cứu của trường Đại Học Toronto với tựa "Vì sao một số chủ hãng thích phỏng vấn Matthew, mà không phỏng vấn Samir?" các nhà nghiên cứu đã gửi lý lịch cho các chủ hãng ở tỉnh Toronto, Montreal và Vancouver.

Họ thấy rằng các ứng viên mang tên Trung Quốc, Ấn Độ hoặc Pakistan sẽ 40% ít khả năng được gọi đến phỏng vấn hơn là ứng viên mang tên Châu Âu, mặc dù Canada là nước ca ngợi sự đa dạng và đa văn hoá và được thế giới biết đến là có chính sách nhập cư ưu ái hơn phần lớn các nước tương đương trong thế giới các nước phát triển.

Những nghiên cứu tương tự ở Mỹ, Anh Úc và Pháp cũng bộc lộ thành kiến chủng tộc ở những người xem xét lý lịch.

Một thử nghiệm ngẫu nhiên tại hiện trường ở Chicago và Paris so sánh tỷ lệ được gọi phỏng vấn của những người có tên nước ngoài và tên Anglo-Saxon cũng thấy những thành kiến tương tự ở thị trường lao động. "Ở cả 2 thành phố trên chúng tôi thấy định kiến rõ rệt với người có tên thiểu số, họ được gọi phỏng vấn 40% ít hơn với cùng lý lịch," Nicolas Jacquemet của Trường Kinh Tế Paris và đồng tác giả của nghiên cứu này, nói.

Ông ghi nhận một hiện tượng gọi là đồng cảnh, là xu thế gắn bó với những người giống mình. "Kết quả này giải thích là sự phân biệt là xuất phát từ ngưu tầm ngưu mã tầm mã," ông nói. "Các chủ hãng đối xử với các ứng viên người thiểu số một cách khác biệt không phải chủ yếu vì nguồn gốc của họ mà vì họ không ở cùng nhóm với mình."

'Tẩy sạch lý lịch'

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Ta thường thiên vị đối với những người giống ta?

Đổi tên là việc làm mạnh mẽ, nhưng những người tìm việc thường làm những việc khác nữa để "tẩy" lý lịch mình và tăng cơ hội được gọi phỏng vấn. Trong một nghiên cứu năm 2016 do trường đại học Toronto kết hợp với tạp chí hàng quý của đại học Cornell thực hiện thì 40% ứng viên xin việc người thiểu số thừa nhận có làm sạch lý lịch để đối phó với thành kiến chủng tộc của việc tuyển người.

Khi lấy tên Anh, họ thường lược bỏ những thông tin nào tiết lộ danh tính chủng tộc, bỏ ra ngoài tên những cơ quan và giải thưởng có nguồn gốc chủng tộc. Họ còn bỏ qua những thông tin tra cứu về việc làm tự nguyện ở một số nhóm cộng đồng, hoặc nói về nó một cách chung chung.

Sonia Kang, trưởng nhóm nghiên cứu dự án "Tẩy trắng lý lịch, chủng tộc và mô tả bản thân trong thị trường lao động", được rường đại học Toronto dẫn lời nói rằng: "Đây thực sự là hồi chuông cảnh báo cho các công ty phải làm điều gì đó để giải quyết vấn đề này."

Thiên vị hoặc việc chặn ngầm

Nghiên cứu của tiến sỹ Mahzarin Banaji, giáo sư về đạo đức xã hội của Đại học Harvard, chứng thực rằng chúng ta thường thiên vị đối với những người giống ta. Banaji, đồng tác giả cuốn "Điểm mù: Thành kiến khuất với người tốt" lập luận rằng mặc dù tự cho là nghĩ thoáng, phần lớn con người vẫn thích chọn những người có cơ sở giáo dục và chủng tộc tương tự như mình.

Ngay cả Google, hãng kỹ thuật khổng lồ của thế giới cũng không tránh khỏi. Phó chủ tịch Laszlo Bock thừa nhận hãng đã không ở đúng vị trí vị trí của mình khi nói về tính đa dạng. "Chúng ta chỉ là con người và vì vậy chúng ta thích những người giống như chúng ta," ông thừa nhận công khai trong cuộc một phỏng vấn ở chương trình PBS NewsHour. "Do vậy chúng ta mang thiên vị vô ý thức đó vào tất cả những việc ta làm."

Báo cáo về đa dạng hóa 2015 của Google cho thấy 60% lao động của hãng vẫn là da trắng, trong khi 31% là gốc Á, 3% là gốc Tây Ban Nha và 2% là da đen.

Không phải tất cả mọi người đều hăng hái đổi lý lịch và tên mình. Ratna Omidvar, giám đốc sáng lập và hiện là giáo sư giảng không thường xuyên tại Global Diversity Exchange (là tổ chức đầu não về đa dạng hóa, di dân và sáp nhập) tại trường quản lý Ted Rogers thuộc Đại Học Ryerson ở Toronto nói rằng bà suýt nữa đổi tên khi lần đầu tiên tới Canada năm 1981, nhưng "không làm nổi vì tên tôi cũng gần như một phần của tôi, như màu da của tôi."

Mặt khác đối với King, anh không hối tiếc từ bỏ tên khai sinh của mình. "Chỉ là để có nghề kiếm sống và được chấp nhận," anh giải thích.