Vụ Vạn Thịnh Phát và những… ‘biện pháp nghiệp vụ’ ly kỳ

Thứ Tư, 12 Tháng Mười 202210:00 SA(Xem: 1914)
Vụ Vạn Thịnh Phát và những… ‘biện pháp nghiệp vụ’ ly kỳ

Vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư An Đông (An Dong Group) và các tổ chức, đơn vị có liên quan, càng lúc càng nhiều tình tiết… ly kỳ mang màu sắc của những… “biện pháp nghiệp vụ”!..

***

Hôm 7/10/2022, ông Nguyễn Tiến Thành (50 tuổi, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt – TVSI, kiêm thành viên HĐQT độc lập tại Ngân hàng Thương mại cổ phẩn Sài Gòn – SCB) đột tử (1). Trước nay, ai cũng biết TVSI gắn bó như bóng và hình với Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (VTP Group). Vào thời điểm ông Thành đột tử, phu nhân của ông, bà Tống Thị Thanh Hoàng đang đảm nhận vai trò Phó tổng giám đốc VTP Group.

Hôm sau – 8/10/2022, hệ thống truyền thông chính thức đồng loạt loan báo, Bộ Công an đã khởi tố bốn bị can và thực hiện lệnh tạm giam: Bà Trương Mỹ Lan (66 tuổi, Chủ tịch Hội đồng Quản trị – HĐQT – VTP Group). Bà Trương Huệ Vân (34 tuổi Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn quản lý bất động sản Windsor – Tập đoàn WMC). Bà Nguyễn Phương Hồng (38 tuổi, Trợ lý VTP Group). Ông Hồ Bửu Phương (50 tuổi, cựu Chủ tịch HĐQT TVSI, cựu Phó Tổng giám đốc phụ trách tài chính của VTP Group).

An Dong Group cũng gắn bó với VTP Group như TVSI. Vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” vừa bị khởi tố liên quan đến việc An Dong Group phát hành ba lô trái phiếu trị giá khoảng 25.000 tỉ (2). Hai trong ba lô trái phiếu vừa đề cập sẽ đáo hạn vào tháng 9/2023. Lô còn lại sẽ đáo hạn vào tháng 1/2024. Nếu thử cộng khối lượng trái phiếu mà những doanh nghiệp được xem là gần gũi với VTP Group như An Dong Group đã phát hành trong thời gian vừa qua, số tiền họ đã thu sẽ tăng thêm ít nhất… hơn 30.000 tỉ đồng nữa!

***

Việc bà Trương Mỹ Lan và ba cộng sự bị bắt đã khiến các ngân hàng, đặc biệt là SCB – ngân hàng mà công chúng cho rằng có quan hệ mật thiết với VTP Group – chao đảo vì khách hàng ồ ạt đổ đến rút hết khoản tiền họ từng gửi.

Đại diện SCB khẳng định, An Dong Group không phải là cổ đông của SCB. Bà Trương Mỹ Lan không giữ chức vụ quản lý và điều hành tại SCB nên không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của SCB. Đồng thời cam kết SCB có đầy đủ giải pháp, cũng như nguồn lực để bảo đảm quyền lợi, lợi ích của người gửi tiền cũng như quyền, lợi ích của đối tác và khách hàng theo quy định của pháp luật và nay đã kiểm soát được tình hình, giữ cho thanh khoản ổn định.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định: Các tổ chức tín dụng được NHNN cấp phép nhận tiền dân chúng gửi vào. Đó là tài sản cá nhân, luôn được bảo đảm lợi ích hợp pháp, do vậy không nên hoang mang, rút tiền gửi trước hạnnhưng… mua trái phiếu thì bên có trách nhiệm trả khoản tiền đầu tư này là công ty phát hành trái phiếu (3). Nói cách khác, có sự khác biệt về hậu quả giữa đem tiền gửi ngân hàng và dùng tiền mua trái phiếu do các doanh nghiệp phát hành (trái phiếu doanh nghiệp – TPDN).

Cần nhớ, tháng trước, Bộ Tài chính cho biết, riêng năm nay, khối lượng TPDN đến hạn phải thanh toán (đáo hạn) khoảng 144.500 tỉ, trong đó khối lượng TPDN liên quan đến lĩnh vực bất động sản đáo hạn năm nay là… 62.470 tỉ. Năm tới (2023) và năm tới nữa, những con số này sẽ tăng gấp đôi (271.400 tỉ đồng), gấp ba (329.500 tỉ đồng) so với năm nay. Còn nếu tính riêng khối lượng TPDN liên quan đến lĩnh vực bất động sản đáo hạn thì khoản phải thanh toán sẽ là 207.800 tỉ đồng (4).

Họat động của VTP Group đã từng tạo ra nhiều tình tiết ly kỳ. Chẳng hạn hồi 2014, ông Dương Chí Dũng (cựu Cục trưởng Hàng hải) khai đã cùng bà Trương Mỹ Lan hối lộ cho ông Phạm Quý Ngọ (Thứ trưởng Công an) một triệu Mỹ kim để được hỗ trợ trong việc chuyển đổi công năng khu Cảng Nhà Rồng – Khánh Hội (5). Sau đó ông Ngọ đột tử, ông Dũng bị kết án tử hình. Còn VTP Group của bà Trương Mỹ Lan phát triển tới mức được ví von là… “đế chế”.

Cũng vì vậy, tự thân việc khởi tố – tống giam bà Lan để điều tra về hành vi liên quan đến hoạt động “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại An Dong Group và các tổ chức, đơn vị có liên quan đương nhiên cũng là… ly kỳ. Sự ly kỳ đó lập tức gây nguy hại cho thị trường chứng khoán và hoạt động của các tổ chức tín dụng. Chỉ trong vòng chưa đầy 24 giờ, công an Việt Nam đã dùng các “biện pháp nghiệp vụ” xác định và bắt ngay một người ở Hà Nam vì “bình luận thất thiệt về hoạt động của SCB gây hoang mang dư luận”.

Từ “biện pháp nghiệp vụ” vừa kể, Bộ Công an Việt Nam sử dụng thêm một “biện pháp nghiệp vụ” nữa. Đó là: Khuyến cáo tất cả tổ chức, cá nhân nếu đăng tải, chia sẻ, phát tán hoặc bình luận đồng thuận với tin giả, tin sai sự thật, tin gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh trật tự đều sẽ bị xử lý (6). Ngày 10/10/2022, một số cơ quan truyền thông trong hệ thống truyền thông chính thức như VietNamNet (7), Pháp Luật TP.HCM (8), loan báo bà Nguyễn Phương Hồng – một trong bốn bị can vừa bị tạm giam để điều tra về chuyện “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại An Dong Group và các tổ chức, đơn vị có liên quan đã chết. Sự kiện bà Hồng chết tuy chưa rõ lý do nhưng chắc chắn đó không phải là… tin giả, tin sai sự thật song vẫn có “biện pháp nghiệp vụ” nào đó đã được áp dụng, thành ra những cơ quan truyền thông trong hệ thống truyền thông chính thức đã trót đưa tin này đều tự giác… xử lý bằng cách… tự ý đục bỏ, thậm chí xóa cả cache!

Dấu vết của các… “biện pháp nghiệp vụ” liên quan đến VTP Group không chỉ chừng đó. Ngày 11/10/2022, Infonet – cơ quan ngôn luận của Bộ Thông tin – Truyền thông tố giác… “SCB bất ngờ gỡ toàn bộ thông tin giới thiệu các thành viên hội đồng quản trị”. Theo đó, từ tối 10/10/2022, người ta không thể tìm thấy thông tin về các thành viên trong HĐQT của SCB trên website của ngân hàng này nữa. Infonet nhấn mạnh, ngoài ông Nguyễn Tiến Thành (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc TVSI) đã đột tử, HĐQT của SCB chỉ còn ba người là ông Bùi Anh Dũng (Chủ tịch HĐQT), ông Sun Ka Ziang Henry (Phó Chủ tịch HĐQT) và bà Nguyễn Phương Hồng (Thành viên HĐQT).

Không rõ bà Nguyễn Phương Hồng, sinh năm 1984 Trợ lý VTP Group vừa được loan báo là mới qua đời có liên quan gì với bà Nguyễn Phương Hồng, sinh năm 1984 mà Infonet kể là “có hơn 11 năm kinh nghiệm trong ngành ngân hàng, từng đảm nhiệm nhiều vị trí tại SCB như: Trưởng phòng Tín dụng, Trưởng phòng Kinh doanh, Trưởng phòng Hỗ trợ kinh doanh, Phó Giám đốc chi nhánh, Giám đốc chi nhánh, Phó Tổng Giám đốc phụ trách khối Tái thẩm định kiêm Giám đốc chi nhánh, Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc phụ trách khối Tái thẩm định Ngân hàng SCBhay không (chỉ biết ngay sau đó, Infonet cũng… tự ý đục bỏ tố giác của chính mình (9) – song nếu muốn, vẫn có thể tìm đọc ở một số nơi trên Internet – 10)? Nếu có liên quan thì không chỉ SCB mà NHNN có thể lại gặp thêm rắc rối với khách các ngân hàng sau khi đã nỗ lực vãn hồi trật tự và đại diện SCB không sai khi khẳng định … An Dong Group không phải là cổ đông của SCB. Bà Lan không giữ chức vụ quản lý và điều hành tại SCB

Nếu thử search hình ảnh về bà Nguyễn Phương Hồng, Thành viên HĐQT SCB trên Google thì có thể dễ dàng nhận ra ảnh của bà Hồng này và ảnh của bà Nguyễn Phương Hồng, Trợ lý VTP Group trên Cáo phó mà các cơ quan truyền thông chính thức ở Việt Nam đã đăng rồi đục bỏ (11) là… một. Nếu là một thì Bộ Công an Việt Nam đã bắt một Trợ lý của VTP Group hay bắt một Thành viên HĐQT của SCB? Bà Hồng vừa là Trợ lý của VTP Group, vừa là Thành viên HĐQT của SCB, hay Bộ Công an Việt Nam đã chủ động đổi chức danh và nơi làm việc thật của bà? Đó cũng là… “biện pháp nghiệp vụ”? “Biện pháp nghiệp vụ” ấy có đúng các qui định pháp luật không và nếu chính những… “biện pháp nghiệp vụ” này… gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh trật tự thì có bị… xử lý nghiêm như Bộ Công an vừa răn đe công chúng không?

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn