“Ời ta cũng bác sĩ ở Việt Nam, thu nhập 50 tỷ đồng/tháng”

Thứ Bảy, 08 Tháng Mười 20226:00 SA(Xem: 1916)
“Ời ta cũng bác sĩ ở Việt Nam, thu nhập 50 tỷ đồng/tháng”
rfa.org

“Ời ta cũng bác sĩ ở Việt Nam, thu nhập 50 tỷ đồng/tháng”

Bài blog của Nguyễn Hoàng Mai

Dạ thưa quý vị không đọc lầm đâu. 50 tỷ đồng Việt Nam, tức khoảng hai triệu USD, mỗi tháng.

Con số này không bí mật. Nó do chính miệng Phó Giáo sư, Tiến sĩ, nguyên Chính ủy Học viện Quân y, Trung tướng Nguyễn Viết Lượng khoe ra trong những sự kiện hàng chục ngàn người cả trực tuyến lẫn trực tiếp. 

Mà đấy mới chỉ là thu nhập thụ động từ Hệ thống chăm sóc sức khỏe chủ động do ông Lượng xây dựng và vận hành.

Nói toẹt ra, nó chính là hệ thống bán hàng đa cấp tên Herbalife. Hệ thống này bán thực phẩm chức năng dưới những cái tên mỹ miều như thực phẩm dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung, thực phẩm tăng cường hỗ trợ chức năng hoàn toàn làm bằng các chất tự nhiên... Ông Lượng khoe công khai rằng ông có mạng lưới 120.000 coach/huấn luyện viên sức khỏe làm việc dưới trướng. Thu nhập thụ động 50 tỷ đồng của ông ở Herbalife, là từ mạng lưới này.

Phó Giáo sư dụ khách hàng cũng phải “out trình”

Với cái mác của một bậc thầy ngành y, đã thế còn trong quân đội, ông Lượng cực kỳ thành công trong việc cung cấp cách thức để đội ngũ “coach” đông đảo của mình chiêu dụ khách hàng mua thực phẩm chức năng. 

Ví dụ, bạn đang thừa cân nhưng không thể giảm ăn. Bạn cũng đã thử ăn chế độ low carb, ít tinh bột nhưng lại bị hoa mắt chóng mặt. Chồng bạn bị gút (gout) nhưng không thể giảm ăn thịt đỏ. Bạn phàn nàn và ở đâu đó, một “coach” hoặc sắp thành coach sẽ nghe thấy bạn. 

Họ nói ôi anh/chị cũng bị y như em, mà mấy tháng nay anh/chị theo bác sĩ này, giảm ngoạn mục luôn.

Dĩ nhiên, bạn háo hức.

“Họ kỹ lưỡng mà chu đáo lắm. Bán sản phẩm dinh dưỡng để mình uống vào chữa bệnh hay là giảm cân, nhưng không phải ai họ cũng bán đâu. Mình phải học một khóa học online, coach hướng dẫn cho mình các nguyên tắc dinh dưỡng. Học hết khóa họ kiểm tra thấy mình hiểu và nắm rõ mới bán cho mình cơ”-khách hàng kể.

Khóa học gồm 10 video mà coach sẽ tuần tự gửi mã đăng nhập cho khách hàng sau khi nhận đủ tiền.

“Hay quá anh ơi, họ hướng dẫn cặn kẽ lắm”- khách hàng xuýt xoa.

Tôi thử tìm nội dung của các hướng dẫn. Ra nguồn: Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Nhưng WHO thì chia sẻ kiến thức miễn phí và khuyến khích lan tỏa cho cộng đồng, còn mạng lưới của PGS.TS.BS., nguyên Chính ủy Học viện Quân y Nguyễn Viết Lượng thì cắp về, pha trộn tinh vi với nội dung quảng cáo thực phẩm chức năng. Rồi bán nó với giá ba triệu đồng.

Thế thì hay quá đi chứ lị! Ai so được với thầy!

Tuy nhiên đoạn hấp dẫn nhất vẫn còn ở phía sau

Kiến thức chuẩn từ đội ngũ các nhà khoa học của WHO không bao giờ khẳng định chắc nịch rằng một bệnh xuất hiện hoàn toàn do cách thức ăn uống của một người. Các nhà khoa học luôn đưa ra các con số nghiên cứu nhiều mặt, thậm chí có những nghiên cứu mang lại kết quả khác nhau, từ đó khuyến cáo tổng hợp các phương pháp nâng cao sức khỏe nói chung. Riêng việc chữa bệnh, tuyệt đối phải trao vào tay những người được đào tạo bài bản, hiểu rõ nguyên lý hoạt động của cơ thể và luôn luôn cập nhật kiến thức từ sự phát triển của y học và khoa học thế giới.

Nhưng đấy là bọn khoa học. Toàn trí thức to đầu to tim đi làm việc không công cho xã hội, cộng đồng. Bọn ngờ nghệch, dại dột!

Chúng ta là những người bán hàng đa cấp thì phải khác. Chúng ta phải ấn vào đầu bọn khách hàng rằng thực ra chữa bệnh rất đơn giản, ai cũng làm được (miễn có tiền-câu này thì chỉ thì thầm trong miệng thôi!). Chỉ cần uống một hộp này, ăn hai hộp kia, xoa ba hộp nọ… là trăm bệnh khỏi tiệt. Lại đẹp ra, trẻ lại, cải lão hoàn đồng. Không đau đớn, tiêm chích, mổ xẻ. Không thích thì dừng lại, bao giờ thích lại uống, chả sao cả. Không như bọn bác sĩ mặt khó đăm đăm bắt người ta tuân thủ liệu trình với phác đồ, mệt gần chết.

“Mua ở chỗ khác chất lượng không đảm bảo, chúng tôi không chịu trách nhiệm. Chỉ nên mua ở công ty chúng tôi, mua qua các coach đang chăm sóc sức khỏe cho bạn” - Họ nói.

Bạn trông thấy toàn giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, nhà khoa học danh tiếng to đùng ngã ngửa xuất hiện trong các cuộc hội thảo của “Hệ thống chăm sóc sức khỏe chủ động”. Ôi giời ơi không tin vào các bác thì còn tin vào ai nữa. Đây em ơi tiền đây!

-Nhưng phải dùng đúng, dùng đủ, dùng đều nhé anh chị (ý văn học là không được bỏ ngang, phải đều đều mỗi tháng đều mua dùng. Coach bảo mua tám hộp thì cấm được kỳ kèo bảy hộp thôi, nghe chửa?)

-Vâng em ơi, cam kết luôn. Tiền đây em!

Thế là thay vì phở, hủ tiếu, cháo sườn, cơm tấm xà bì chưởng, bánh mì ốp la…, giờ mỗi sáng bạn sẽ xúc ba thìa “bột dinh dưỡng” pha vào nước uống. Bữa trưa bạn ăn gì phải chụp hình gửi cho coach, để coach chỉ vẽ cách ăn (thường là bảo giảm xuống, cả lượng và chất). Mà tốt nhất là không ăn thông thường mà hãy dùng như bữa sáng. Bữa chiều bạn lại pha mấy thìa “bột thần” uống thay bữa tối. Nếu bạn tuân thủ nghiêm ngặt chế độ này, họ đảm bảo mỗi tháng bạn giảm ít nhất bốn, năm ký. Bạn sướng quá, vì đúng thế, sau một tháng bạn đã giảm luôn tám ký. Thế này thì khoảng chục triệu mua mấy cái hộp ấy xứng đáng quá-bạn rên lên.

Vâng, cả ngày không được ăn gì mà chỉ uống vài thìa chất xơ kèm ít vitamin và đạm, thì giảm tám ký là ít đấy. Ăn thế vài tháng nữa thì thành Kate Moss ấy chứ!

Thành phần dinh dưỡng của Herbalife chỉ bằng 1/3 hoặc 1/4 trong một viên vitamin thông thường bán đầy ở hiệu thuốc, giá 4.000 đồng. Nhưng vào “Hệ thống…” và với công lao thổi kèm thông tin nửa thật nửa giả của ông Lượng và các “coach”, nó được đẩy giá lên gấp mấy chục lần.

Vào tháng 3/2022, Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, Chính ủy Học viện quân y, Trung tướng Nguyễn Viết Lượng đã bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng cảnh cáo do liên quan đến vụ KIT xét nghiệm COVID của Việt Á. Đu cùng Trung tướng là cả dàn Phó giám đốc Viện nghiên cứu Y dược, Chánh văn phòng, bí thư chi bộ, phó bí thư chi bộ, Trưởng phòng Kỹ thuật, Trưởng phòng Tài chính, Trưởng Ban hóa dược, Trưởng phòng Trang bị-vật tư…  

Nhưng nguồn thu thụ động 50 tỷ đồng/tháng của ông Lượng thì không ai làm suy suyển được, vì nó không phạm pháp.

000_1QA4WG.jpg
Nhân viên y tế lấy mẫu máu xét nghiệm tại một trung tâm xét nghiệm ở bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội hôm 31/3/2020. AFP

Chuyện đấy liên quan gì đến con rắn ngậm phong bì?

Rất liên quan ở chỗ ông Lượng cũng chính là bác sĩ.

Bác sĩ “this”, bác sĩ “that”. Người ta giàu ức vạn, còn bọn “tấm lòng son”?

Đây là bài thứ ba, tiếp theo hai bài về “bánh trôi nước” mà chúng tôi đã hết sức khẩn thiết khuyên những ông bố bà mẹ đang khát khao cho con đi học bác sĩ vì oai và hy vọng có tương lai giàu có ĐỪNG ĐỌC.

Bác sĩ, lý do nào khiến em và gia đình chọn trường Y?

-Có người tin cậy để chăm sóc sức khỏe cho toàn gia đình.

-Không trước thì sau sẽ giàu. 

-An toàn trước biến động chính trị. Không ai không cần chữa bệnh cả.

-Đi nước ngoài không khó, sống khỏe.

-Ước nguyện cứu người.

Trong số hàng ngàn sinh viên Y mới bước vào trường cũng như hàng ngàn bác sĩ đa khoa vừa ra trường, đều có tất cả các động cơ trên. 

Em đã đi làm vài năm trong bệnh viện. Thực tế đã đập vào mặt em: giám đốc, trưởng khoa… ai cũng giàu có. Nhà cửa, đất đai, phòng khám, xe hơi, hàng hiệu, con du học nước ngoài. Nhưng em, hay các bác sĩ đa khoa mới ra trường đàn em thì vẫn bạc mặt trực đêm, hàng tháng trông mong vào tiền thu nhập tăng thêm của bệnh viện bù đắp khoản lương cứng ít ỏi. Cho dù nó cũng trồi sụt như tâm trạng của em khi đi xin việc vậy. Giám đốc bệnh viện có thể cắt khoản tiền này nếu các em không bỏ bệnh nhân để tham gia cuộc họp vớ vẩn nào đó ban lãnh đạo tổ chức. Ông ta bắt các em phải tìm mọi cách kiếm tiền cho bệnh viện: ép/nài bệnh nhân dùng thủ thuật y tế hay các dịch vụ y tế dù không thực sự cần thiết, thậm chí phải đặt suất ăn bệnh viện dù họ không muốn ăn. Dùng các loại thuốc mà hãng dược sẽ cắt lại hoa hồng cao. 

Em nhìn thấy những đàn anh đàn chị tham gia làm coach với ông Nguyễn Viết Lượng này và những ông Nguyễn Viết Lượng khác. Chính mắt em trông thấy ông ấy khoe thu nhập 50 tỷ hàng tháng. Em thấy các bác sĩ giỏi bỏ đi đến những bệnh viện trả lương cao hơn, hay các phòng khám tư nhân khấm khá.

Em từ từ tỉnh ra.

Mẹ hiền? Không phải.

Mẹ mìn? Cũng không phải.

Em không phải mẹ hiền của người bệnh - mẹ ruột muốn hiền cũng phải no bụng cái đã. Em cũng không muốn làm mẹ mìn. Thế thì em làm những gì không vi phạm đạo đức nghề nghiệp nhé: em nhận kê toa thuốc mà các hãng dược yêu cầu. Mỗi loại thuốc có hàng chục tên, hàng chục hãng sản xuất. Người bệnh uống thuốc A cũng có hiệu quả điều trị gần như uống thuốc B, trừ một số tác dụng phụ. Nhưng thuốc B đã quá phổ biến và rẻ tiền nên hãng dược không chạy quảng cáo nữa. Em cần kê cho họ thuốc A. Hãng dược sẽ chi hoa hồng cho em.

Em cũng có thể làm như một số bạn bè. Luôn tươi tỉnh, thường xuyên hỏi chuyện người bệnh, cho số điện thoại, thỉnh thoảng gọi hỏi thăm. Được bác sĩ điều trị quan tâm thì còn gì bằng. Họ sẽ nhờ em tư vấn thuốc thang, dịch vụ y tế, thậm chí nhờ em mua thuốc rồi gởi tận nhà, để họ không phải cất công đi hàng trăm cây số chờ chực. Em nhân tiện gợi ý họ dùng vài loại thuốc, vài loại thủ thuật, vài loại dịch vụ bệnh viên đang cung cấp (dù họ không thực sự cần). Họ sẽ gởi phong bì cảm ơn em. Bệnh viện sẽ trích cho em hoa hồng trong tất cả dịch vụ, thủ thuật đó. Bệnh nhân tự nguyện mà. Em không làm hại ai cả. Cả ba cùng vui. Người bệnh lại sẽ giới thiệu em cho bạn bè, gia đình, người thân, người quen. Nguồn thu của em gấp bội lương cứng, là từ đó mà ra.

Đấy là những khoảng mờ mờ, xam xám, không hoàn toàn trắng trong thuần khiết như khi em hình dung về nghề Y, nhưng cũng không đen ngòm như người ta mường tượng về “lang băm”.

Ở những nơi công khai minh bạch, việc thân thiện, giải thích chu đáo về tình trạng sức khỏe với người bệnh chính là trách nhiệm của bác sĩ. Nhưng ở bệnh viện công, em không có thời gian làm điều đó. Người bệnh quá đông. Mà có thời gian thì em cũng chẳng làm. Bệnh viện có trả tiền cho em vì sự tận tụy này đâu! 

Nhìn quanh, nhìn lên trên, em càng thấy mình đã quá ngu ngốc khi cố giữ lời thề Hypocrat. Vụ trưởng Bộ Y tế, em chồng của bà cựu Bộ trưởng Y tế… đều có tên trong những đại công ty dính án buôn bán thuốc giả. Bộ trưởng đi tù, Giám đốc CDC đi tù, Giám đốc bệnh viện đi tù… toàn liên quan đến các vụ ăn hối lộ. Em chỉ là một bác sĩ quèn, em trong sạch cho ai, khi con em đói, cha mẹ em thiếu tiền chữa bệnh?

Môi trường xung quanh cũng không cho em giữ sự trong sạch. Ở nhiều bệnh viện miền Bắc, nếu em không nhận phong bì từ người bệnh, bộ phận kế toán của Khoa sẽ hỏi thẳng em: “Bệnh nhân của bác sĩ sao chưa thấy đưa gì?” Nếu em nói em không nhận phong bì của bệnh nhân, có hai khả năng xảy ra: thứ nhất, họ không tin mà cho rằng em đã ém lại để xài một mình, trong khi nguyên tắc ngầm của bệnh viện là phải chia cho cả khối hành chính. Thứ hai, họ theo dõi, kiểm tra và biết rằng em thật sự không nhận phong bì của người bệnh. Có nghĩa nguồn thu “dưới gầm bàn” từ phía em là số 0. Họ sẽ không dành cho em các sắp xếp cần thiết như phòng mổ, thiết bị vật tư y tế… Bệnh nhân mà em điều trị thường xuyên bị thiếu thuốc, cần mổ thì không có phòng hoặc vô cùng chậm trễ. Chỉ vài lần như thế, em đành phải buông. Buông khỏi nguyên tắc và lời cam kết với bản thân, để dấn vào guồng máy hối lộ ngấm ngầm nhưng công khai đó. Hoặc em buông tay khỏi nơi chốn đó. Thậm chí, khỏi nghề Y.

Nhưng ngay khi em ký tên vào bản hợp đồng với trình dược viên để kê thuốc hay bán thực phẩm chức năng cho người bệnh, con rắn quấn trên cây gậy, biểu tượng của sự lý trí, khoa học và giúp ích của ngành Y đã bắt đầu phun nọc vào lòng em. Tấm lòng son của chiếc bánh trôi trong trắng đã trượt đến bến bờ màu mực tàu.

Trong khi đó các tiền bối của em, các Giáo sư Tiến sĩ, nhà khoa học đầu ngành, Bộ trưởng Y tế, các đại biểu Quốc hội… (trước khi nối đuôi nhau vào tù), vẫn đang mải cười tươi khi báo chí chụp ảnh ca ngợi những “thiên thần áo trắng”, và chuông trống kèn sáo, à nhầm, dàn nhạc trỗi lên giai điệu rung động lòng người.

Thì các em đúng là thiên thần mà! Có ai từng thấy thiên thần ăn uống, chửa đẻ bệnh tật, rửa bô cho cha mẹ già yếu chưa nào?

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn