Tiền lẻ

Thứ Ba, 04 Tháng Mười 20228:00 SA(Xem: 1810)
Tiền lẻ

Nguyễn Thông

3-10-2022

H1-4
Ảnh: Báo NLĐ

Về vụ ném tiền (lẻ) ở Đà Nẵng, tay cán bộ lỗi mười mươi, dù lý do nào cũng không thể biện minh được.

Nhưng cái thể chế này cũng không thể đứng ngoài, vô can trong những hành vi như thế. Đã từ rất lâu, họ (nhà nước) chỉ biết in tiền, phát hành tiền, còn nó được đối xử thế nào thì họ bất cần biết.

Hiện những đồng tiền mệnh giá nhỏ bị số đông trong cộng đồng không thừa nhận, nói trắng ra là hắt hủi. Tiền 200 đồng, 500 đồng gần như bị coi là rác, giấy lộn, không mấy ai xem nó là tiền. Nó không có giá trị trong mua bán. Lỡ ta trả ai đó bằng tiền nhỏ ấy, cầm chắc bị mắng vuốt mặt không kịp. Tiền 200, 500 giờ chỉ còn lưu hành trong các siêu thị, để nhân viên tính tiền trả lại (thối lại) cho khách mua (nhiều nơi không có tiền lẻ thì thối bằng kẹo). Khách mua nhận xong tiền thối, lại quành ra chỗ cái thùng mica từ thiện nhét của nợ ấy vào, một công đôi việc, vừa làm từ thiện, vừa đẩy nó đi cho nhẹ nợ bởi có đem về cũng không dùng vào việc gì.

Ngay cả tiền 1.000 đồng, rất nhiều nơi không thèm nhận. Tôi nhớ năm 2019, tôi đến bệnh viện Kiến An (TP.Hải Phòng) thăm bà chị đang nằm bệnh tại đó, lúc lấy xe máy về, trả 5.000 tiền gửi xe, trong đó có 3 tờ tiền 1.000 đồng, người giữ xe dứt khoát không nhận, còn lườm nguýt mắng nhiếc. Họ ném toẹt số tiền lẻ ấy trả lại, tôi đành phải móc tờ 10.000 cho họ thối lại 5.000, nghĩ vừa cay đắng, xấu hổ, vừa uất ức. Lâu nay mình đi siêu thị trong Sài Gòn, trả tiền gửi xe bằng tờ 1.000 đồng, đâu có nghĩ ở quê lại xài tiền lớn đến thế. Ai không tin, cứ tới các bãi giữ xe ở HN, HP, trong đó có bãi xe bệnh viện Kiến An thì rõ.

Thực tế rành rành vậy, nhưng nhà chức việc, nhất là những ông bà cai quản tài chính, ngân hàng gần như không quan tâm tới sự mất giá trị của đồng bạc quốc gia. Nhẽ ra phải thông báo, đồng tiền dù mệnh giá nhỏ nhất vẫn có giá trị, ai không thừa nhận nó là vi phạm pháp luật. Còn nếu thấy trên thực tế nó không còn chút giá trị thanh toán, lưu thông nào thì cũng cần ban bố lệnh chấm dứt sự tồn tại của nó. Đằng này cứ lửng lơ con cá vàng, sống chết mặc bay.

Thời đổi tiền năm 1985, tờ tiền lẻ còn quý hơn vàng, “tiền lẻ, thẻ thương binh”, nhưng nó chỉ tồn tại giá trị vàng ấy được vài tháng bởi đồng tiền nhanh chóng mất giá tới hàng nghìn phần trăm, do cái tư duy kinh tế hũ nút của đám cai trị.

Bây giờ, mừng tuổi/lì xì cho trẻ con dịp tết, đưa tờ 10.000, 20.000 chúng còn chả thèm cầm, mà mình cũng ngượng, tự bộc lộ cái nghèo của mình.

Đồng tiền mệnh giá 1.000, 500, 200 cần được quốc hội xem xét lại sự tồn tại của nó. Khi hạch toán ngân sách, có thể tính tới từng xu, nhưng đó chỉ trên sổ sách, chứ để tồn tại đồng bạc lẻ không còn giá trị, bị hắt hủi, gây phiền nhiễu trong đời sống, rõ ràng là bộ máy cai trị có vấn đề về tư duy và quản lý.

Đi rút tiền ở cây ATM, chỉ thấy đùn ra những tờ bạc mệnh giá lớn 500.000 đồng (tức nửa triệu), vậy mà vẫn duy trì tờ bạc 200, 500, thật chả ra làm sao. Mồm quan cứ bảo không lạm phát, nhưng lạm phát rành rành ở đây chứ đâu.

Ông hàng xóm nhà tôi bảo chúng nó có xài tiền lẻ bao giờ đâu mà biết, ngay cả tờ bạc khủng nhất 500.000 đồng với chúng cũng chỉ như tiền lẻ. Chúng cấm đoán dân chúng mua bán, trữ đô la, ngoại tệ chứ trong ví chúng, thử mở ra coi, chúng lại không đi tù cả nút.

Đồng tiền lẻ 200, 500, có lẽ chỉ còn tác dụng thật sự trong những ngày tới ở BOT trấn lột Cai Lậy. Hãy chờ coi tác dụng vĩ đại của tiền lẻ khi nó là vũ khí chống bóc lột, chống bất công phi lý bạo tàn.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn