bbc.com

Những kẻ mạo danh đáng sợ trong thiên nhiên

  • Kayleen Devlin
  • BBC Earth

Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Bạn có thể đã quen với câu ngạn ngữ, "vờ đến khi thành thật." Nhưng từ xa xưa trước khi câu nói này trở thành khẩu hiệu tự thân vận động, thì nó đã là kỹ thuật được nhiều tay bậc thầy ứng dụng trong giới tự nhiên.

Dù là để trốn thoát khỏi tay kẻ thù hay lừa con mồi vào bẫy, những loài vật sau đây đã tìm ra phương thức cực kỳ khéo léo để sống sót bằng cách bắt chước tiếng động, vẻ bề ngoài, hoặc hành vi của các loài khác xung quanh.

Loài mèo hoang bản địa Châu Mỹ được biết đến với tài sử dụng "mưu mẹo tâm lý" để dụ dỗ con mồi. Người ta phát hiện ra mèo gấm bắt chước tiếng kêu của khỉ sóc nhỏ non. Vâng, chính xác là bạn đọc đúng đấy. Đây là con mèo hoang giả tiếng khỉ kêu.

Các nhà nghiên cứu từ Cộng đồng Bảo tồn Động vật Hoang dã và UFAM [Đại học Liên bang Amazonas) quan sát một chú mèo gấm ở Brazil bắt chước tiếng kêu của khỉ con, bày trò dụ dỗ những con khỉ lớn đang ăn gần đó.

Kiểu tiếng kêu nhại "thôi thúc" này, hay còn gọi là bắt chước, là trò mèo gấm bày ra hòng tóm được khỉ lớn trong tầm săn bắt.

Không may là, theo nhiều nhà nghiên cứu quan sát, tiếng kêu vờ vịt này không thành công lắm. Dù tiếng kêu giả vờ này đủ để thu hút sự chú ý của các con khỉ trưởng thành gần đó, nhưng nó nhanh chóng bị lật tẩy. Khỉ sóc nhỏ sau đó sẽ báo động những con khác bỏ chạy trước khi chú mèo có cơ hội vồ được con nào. Thật xui xẻo.

Bướm phó vương (bướm Viceroy)

Ban đầu người ta tin rằng loài bướm phó vương bắt chước màu sắc tươi sáng và rực rỡ của bướm chúa để tránh kẻ săn mồi.

Bề ngoài màu cam tươi sáng và vằn đen của bướm chúa là để cảnh báo là bướm chúa có độc, và các nhà nghiên cứu gần đây cho rằng vẻ ngoài bướm phó vương na ná giống với bướm chúa chính là ví dụ điển hình cho khả năng núp bóng sau kẻ mạnh [kiểu bắt chước Bates].

Kiểu giả trang này được đặt tên theo nhà tự nhiên học người Anh tên Henry Walter Bates, là cách một loài vô hại bắt chước tín hiệu cảnh báo của loài có thể gây nguy hiểm.

Tuy nhiên, sau đó, các nhà nghiên cứu phát hiện hóa ra bướm phó vương cũng có độc.

Một nghiên cứu thử nghiệm độ ngon miệng của hai loài bướm này bằng cách cho chim ăn phần bụng của bướm đã bị bỏ cánh, và họ phát hiện ra rằng cả hai loài bướm này có vị không ngon lành gì với chim.

Thay vì kiểu núp bóng Batesian, thì đây là kiểu giả danh Mullerian, trong đó hai hoặc nhiều hơn các cơ quan nội tạng có độc bắt chước tín hiệu cảnh báo giống nhau vì lợi ích chung của cả hai.

Nói cách khác, sức mạnh đến từ số đông và sự đa dạng của các loài có độc và có vẻ ngoài giống nhau sẽ khiến kẻ săn mồi nhanh chóng học bài học nhớ đời và giúp con mồi không bị săn đuổi nữa.

Bạch tuộc giả trang

Người ta vẫn nghĩ thuật biến hình chỉ có trong phim khoa học viễn tưởng, nhưng khoan đã, hãy nghĩ lại đi.

Bạch tuộc giả trang lần đầu tiên được phát hiện vào năm 1998 ngoài khơi đảo Sulawesi, Indonesia. Loài này rất lạ lùng vì khác với cách giả trang của các loài khác là bắt chước theo một loài nào đó, thì loài động vật chân đầu này lại bắt chước nhiều loài khác nhau.

Để chống lại kẻ thù, bạch tuộc giả trang lập tức hóa trang và giả vờ làm sứa, cua, rắn biển, tôm và cá sư tử, đấy là mới chỉ nêu tên một số thôi.

Khi xuất hiện lộ liễu ở vùng nước rộng, bạch tuộc giả trang vươn rộng vòi và bắt chước những vệt hoa văn nâu và trắng giống như cá sư tử có độc. Và khi bị cá thia biển (damselfish) tấn công, chúng co sáu vòi lại và chĩa hai vòi còn lại về hai hướng ngược nhau để trông giống như rắn biển vằn có độc. Tới đây bạn có nghĩ biến hình chỉ có trong phim giả tưởng nữa không?

Chim lia lớn trống

Loài này nổi tiếng với kỹ năng tán tỉnh bạn tình một cách khoa trương bằng bộ lông vũ đẹp lộng lẫy và kỹ năng khiêu vũ.

Tuy những đường lượn là đã có thể đủ hấp dẫn để quyến rũ đối phương, nhưng con trống vẫn cần có những chiến thuật khác nữa mới có thể chiếm được bạn tình.

Vì vậy, chim lia lớn trống còn sở hữu một kỹ thuật không hay ho gì lắm: đó là biết dối trá.

Loài chim này nổi tiếng vì có thể bắt chước tiếng kêu của hơn 20 loài khác trong môi trường sống xung quanh chúng, và trong một số tình huống tán tỉnh, chúng bắt chước tiếng kêu báo động của nhiều loài.

Các nhà nghiên cứu ở Úc phát hiện chim trống thường không chỉ bắt chước tiếng kêu hoảng hốt của nhiều loài, mà chúng còn tăng cường thêm hiệu ứng bằng cách bắt chước tiếng đập cánh của các loài chim nhỏ hơn.

Chúng sẽ dùng đến chiêu này khi thấy con cái có vẻ như muốn bỏ đi không xem trình diễn nữa hoặc không muốn giao phối nữa. Trò bắt chước xảo trá này nhằm khiến chim mái không bỏ đi sớm.

Getty Images

Rùa cá sấu

Loài bò sát có vẻ ngoài giống động vật thời tiền sử này thậm chí không cần động đậy gì để bắt mồi.

Có lẽ đó cũng là điều may mắn, vì không giống các loài khác trong họ rùa ngoạm, loài này có mắt nằm ở hai bên đầu, và đây cũng là loài rùa nước ngọt có kích cỡ lớn nhất.

Để bắt mồi, rùa cá sấu nằm dưới đáy sông và mở miệng ra. Nghe có vẻ dễ dàng nhỉ?

Nhưng đúng là dễ như vậy thật. May mắn là loài rùa này có một phần da dính trên lưỡi có thể di chuyển lên xuống giống như hình dáng một con sâu.

Những con cá mất cảnh giác sẽ bơi về phía "con sâu" mà chúng tưởng là mồi ngon, để rồi chính chúng làm mồi cho rùa.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Loài bò sát này có phần da trên lưỡi có thể di chuyển lên xuống giống một con sâu

Rắn lục Nam Phi

Không sống dưới nước mà ở trên cạn, một loài vật khác cũng chơi bài nằm yên chờ đợi.

Đó chính là rắn lục Nam Phi.

Giống với rùa cá sấu, rắn lục Nam Phi cũng dùng lưỡi để giả làm sâu để lừa con mồi lại gần.

Nhưng chúng không chỉ sử dụng lưỡi. Loài bò sát này còn vẫy đuôi để bắt chước giun hoặc sâu róm. Nhiều nghiên cứu cho thấy chúng chỉ dùng lưỡi làm mồi dụ nếu thấy có ếch nhái, điều này cho thấy rắn lục Nam Phi có thể phân biệt được sự khác biệt giữa loài lưỡng cư và các loài khác.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Loài bò sát này vẫy đuôi giả làm giun hoặc sâu róm

Sâu bướm phượng spicebush

Sâu bướm phượng ứng dụng nghệ thuật giả trang tùy theo từng giai đoạn trong đời.

Ở giai đoạn sâu róm ban đầu, sâu bướm spicebush có màu nâu đậm với nhiều vệt màu trắng, nhìn giống như phân chim! Rõ ràng là như vậy thì chẳng con chim nào muốn ăn thịt chúng.

Ở giai đoạn cuối cùng trước khi hóa bướm, chúng lừa chim chóc tin rằng chúng là rắn bằng cách mọc thêm những vòng màu vàng và đen trông giống như những con mắt lớn. Khi sâu bướm thấy có chim bay gần, chúng làm phồng phần trước của cơ thể, khiến chúng trông như thể lưỡi rắn.

Đây là kỹ thuật thông minh và đáng sợ mà loài sinh vật nhỏ bé này sử dụng, và chúng không phải loài sâu bướm duy nhất giả trang làm rắn.

Sâu bướm ma hawk moth cũng sử dụng thuật giả trang khiến chúng trông như một con rắn lục nưa tí hon.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Sâu bướm phượng áp dụng thuật giả trang khác nhau tùy giai đoạn trong vòng đời

Đom đóm Photuris

Đom đóm photuris cái là sinh vật đầy nữ tính phồn thực chết người của thế giới côn trùng, dụ dỗ đom đóm đực lại gần, giết thịt và ăn sống chúng.

Với đom đóm, ánh sáng nhấp nháy (là kết quả của phản ứng hóa học trong cơ thể đom đóm giúp chúng phát sáng) là ngôn ngữ của tình yêu. Các nhà hóa sinh vật học tại Đại học Cornell khám phá ra rằng đom đóm photuris cái bắt chước ánh sáng nhấp nháy của đom đóm Photinus cái.

Chúng làm vậy để quyến rũ đom đóm photinus đực không chút hồ nghi. Con đực sẽ bay lại gần hy vọng được giao phối, nhưng thay vào đó nó sẽ bị ăn thịt.

Tại sao lại như vậy? Vì khi ăn thịt đom đóm Photinus, đom đóm Photuris sẽ lấy được chất độc có tên lucibufagins. Không có chất độc lucibufagins, đom đóm Photuris sẽ bị nhện ăn thịt. Nhưng nếu có lucibufagins, nhện đói sẽ không dám ăn thịt chúng.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Đom đóm cái là sinh vật nữ tính phồn thực chết người trong thế giới côn trùng

Nhện nhảy (Myrmarachne formicaria)

Nếu kiến là người, chắc chúng sẽ đăng ký bản quyền vẻ bề ngoài từ lâu rồi. Có hơn 300 loài nhện bắt chước hình dáng bề ngoài của kiến.

Một trong số chúng, nhện nhảy myrmarachne formicaria là loài nhện có vẻ bề ngoài giống với loài kiến sống theo lãnh địa để tránh trở thành mồi ngon.

Nhưng sự giống nhau không chỉ dừng ở vẻ bề ngoài. Một nghiên cứu phát hiện loài nhện tám chân này không chỉ giả trang giống với hình mẫu sáu chân mà chúng bắt chước, mà thậm chí đến cả dáng đi cũng giống.

Nhện nhảy đi lùi và đi tiến theo cách bắt chước loài kiến và đi theo hàng, và chúng còn đẩy thuật hóa trang lên tầm cao mới bằng cách có quãng nghỉ, giương càng lên, khiến người ta tưởng chúng có ăng-ten!

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Cá blenny răng kiếm

Kẻ lừa đảo cuối cùng trong danh sách là loài cá fangblenny răng kiếm có vệt màu xanh, một kiểu bắt chước của nhiều hình thức giả trang.

Sự bắt chước rõ ràng nhất về vẻ bề ngoài của loài có xương sống là trạng thái nhất quán, nhưng cũng giống như bạch tuộc giả trang ở trên, cá blenny răng kiếm có thể biến đổi qua nhiều hình thức giả trang khác nhau.

Hình mẫu mà cá blenny răng kiếm chọn bắt chước là cá mó dọn bể sọc xanh (bluestreak cleaner wrasse), một loài cá chăm chỉ giúp làm vệ sinh cho những vị khách ghé thăm rặng san hô bằng cách bắt ký sinh trùng và loại bỏ chất nhờn.

Cá blenny răng kiếm có thể biến đổi để có bề ngoài màu đen và vệt màu xanh rực rỡ giống với cá mó dọn bể. Nhưng thay vì giúp vệ sinh cho các loài cá khác, thì cá blenny răng kiếm trá hình chỉ để ăn vây và da của các loài cá lớn hơn.

Sau đó, khi xong việc, chúng có thể đổi màu cơ thể trở lại màu nâu, màu vàng ôliu hay màu cam với những vệt sáng màu hơn.

Dù vẫn chưa hiểu rõ ràng đâu là căn nguyên sinh lý học khiến chúng đổi màu, nhưng người ta tin rằng cá blenny răng kiếm đổi thành các màu như cũ để ẩn mình giữa các bãi cạn và tóm gọn cá bơi qua.

Vì vậy nếu lần tới bạn gặp phải sinh vật mà bạn nghĩ là con rắn nhỏ hoặc nếu nghe thấy âm thanh như khỉ con, có lẽ bạn nên nhìn và nghe cẩn thận hơn một chút.

Con người đã thành thục kỹ năng giả trang qua nhiều thế kỷ, nhưng với kỹ thuật giả trang đỉnh cao, thì kỹ năng này tồn tại ở nơi mà bạn không ngờ nhất.

Nguồn hình ảnh, Getty Images