Sao Công an sốt sắng dập tin đồn về tập đoàn như Vingroup?

Thứ Năm, 14 Tháng Bảy 202211:57 SA(Xem: 2138)
Sao Công an sốt sắng dập tin đồn về tập đoàn như Vingroup?
rfa.org

Sao Công an sốt sắng dập tin đồn về tập đoàn như Vingroup?


Bộ Công an vừa xử lý mười người bị cho là tung tin thất thiệt, gây ảnh hưởng đến tập đoàn Vingroup. Đây không phải lần đầu tiên phía công an lên tiếng cho tập đoàn này cũng như những tập đoàn kinh tế có thế lực khác tại Việt Nam. Có điều gì khuất tất sau sự mau mắn đó?

Công an nhiều lần xử lý tin đồn về Vingroup

Bộ Công an hôm 11/7 thông báo đã xử phạt ông Tô Vĩ Hoàn (37 tuổi) ở Hà Nội vì cho rằng người này đã tung tin thất thiệt gây ảnh hưởng đến “uy tín, quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, tác động xấu đến thị trường chứng khoán Việt Nam”.

Ngoài ra, còn có chín người khác bị cáo buộc đăng tải hoặc chia sẻ thông tin chủ tịch tập đoàn Vingroup là ông Phạm Nhật Vượng bị cấm xuất cảnh. Người phát ngôn Bộ Công an Tô Ân Xô đã bác bỏ tin đồn này.

Một luật sư hiện đang ở TPHCM, không muốn nêu tên vì lý do an toàn, nói với RFA rằng trong trường hợp như thế này chỉ đơn thuần là quan hệ dân sự, công an không nên can thiệp:

“Công an không phải là một cơ quan có chức năng xét xử, và theo quan điểm của tôi, trong những trường hợp như thế này thì chỉ nên xử lý giải quyết ở mặt dân sự mà thôi.

Tức là, ở trong trường hợp này, cá nhân ông Phạm Nhật Vượng sẽ sử dụng luật sư và tòa án là cơ quan giải quyết, đòi lại quyền lợi, danh dự, nhân phẩm của mình, hoặc thậm chí là yêu cầu người ta bồi thường.

Nếu sử dụng cơ quan công an thì người dân sẽ liên tưởng rằng ở Việt Nam cái gì cũng cần phải có công an vào cuộc.”

Đây không phải là lần đầu cơ quan công an vào cuộc dập tắt các tin đồn liên quan đến Vingroup. Ví dụ vào tháng 10/2017, Vinschool thông báo tăng gần 50% học phí. Điều này khiến nhiều phụ huynh không đồng tình, bày tỏ sự phản đối trên trang mạng xã hội Facebook.

Ngay sau đó, chủ của một số tài khoản Facebook trên bị Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm công nghệ cao mời đến làm việc liên quan đến các status phản đối tăng học phí.

Được chính quyền chống lưng?

Động thái xử lý ngay lập tức những người đăng tin có thể gây bất lợi cho tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam này khiến nhiều người quan sát tình hình chính trị-xã hội Việt Nam đặt nghi vấn liệu có sự chống lưng của chính quyền, mà cụ thể là cơ quan công an dành cho tập đoàn này hay không.

Ông Võ Minh Đức, đang vận hành một doanh nghiệp dịch vụ vận chuyển ở TPHCM, cho rằng nghi vấn về sự chống lưng của chính quyền là có cơ sở, có căn cứ. Bởi vì, theo ông, rõ ràng cũng là doanh nghiệp tư nhân, nhưng Vingroup được sự ưu ái, hỗ trợ rất nhiều từ Nhà nước Việt Nam. Trong khi đó, phần đông doanh nghiệp khác lại không được đối xử như vậy:

“Về vấn đề thế lực của ông này. Có thể nói rằng ở Việt Nam tất nhiên mình là người dân không thể biết chắc chắn được, nhưng mà có một điều rõ ràng là ông ấy đi đến đâu, thậm chí quan chức từ tỉnh thành phố lớn trở đều phải khúm núm, trịnh trọng giống như là đón tiếp một nguyên thủ, mà thực ra họ cũng chỉ là một doanh nghiệp thôi.

Tôi làm ăn là chấp hành đúng theo quy định của Nhà nước, đóng thuế, có giấy phép kinh doanh. Tôi không hối lộ ai và nhờ cây ai trong việc đem lại những lợi nhuận hoặc thuận lợi nào cho công việc kinh doanh cá nhân của tôi cho nên là tôi không được đón nhận như thế.

Còn những người được ưu ái, đón tiếp nồng hậu thì từ bản thân từ cá nhân tôi mà suy ra, chắc chắn là họ phải có lót đường và chung chi thì họ mới được như thế. Nhưng còn chung chi bao nhiêu, cho ai ở mức độ như thế nào thì cái đó tôi không biết.”

2019-06-14T063338Z_1416931427_RC1E0E9EF800_RTRMADP_3_VINGROUP-VIETNAM-AUTO.JPG
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các quan chức Chính phủ khác đến thăm nhà máy sản xuất xe hơi ở Hải Phòng của tập đoàn Vingroup hôm 14/6/2019. Ông Phạm Nhật Vượng - chủ tập đoàn - đứng ngoài cùng bên phải. Reuters

Vị luật sư không nêu tên cũng theo dõi và thấy rằng cứ mỗi khi dư luận chỉ trích, phản đối một sản phẩm hay dự án nào của Vingroup, thì ngay lạp tức chính quyền sẽ vào cuộc xử lý ngay, chứ chưa cần đợi tới Vingroup phải lên tiếng. Điều này khiến công luận đặt câu hỏi ‘phải chăng có sự bao bọc, ưu ái của nhà nước dành cho tập đoàn này?’:

“Rất nhiều lần khi người dân chỉ trích, phản đối thì lập tức chính quyền và công an vào cuộc xử lý những thông tin được coi là xấu, độc, ảnh hưởng đến quyền của Vingroup.

Nó làm cho tôi cảm thấy rằng giữa Vingroup và chính quyền có mối quan hệ, có sự bao bọc, che chở từ phía chính quyền trước những thông tin gây tổn thất thiệt hại cho Vingroup. Đây là mối quan hệ tư bản thân hữu.

Cho nên chúng ta thấy là trên mặt báo chí chính thống Nhà nước thường là có những bài báo khen Vingroup, còn những bài báo chê trách, chỉ ra sai phạm thì chúng ta dường như là không thấy.”

Làm giàu bằng thao túng chính sách

Một nhà nghiên cứu chính sách công tại Việt Nam, yêu cầu được giấu tên vì lý do an toàn, bình luận với RFA qua email, cũng xác định mối quan hệ giữa tập Vingroup và chính quyền Việt Nam là quan hệ tư bản thân hữu. Ông phân tích nhận định của mình như sau:

“Cũng như những nhà phát triển bất động sản khác ở Việt Nam, Vin luôn cần quỹ đất để thực hiện các dự án của họ. Mà ở Việt Nam thì đất đai nằm trong quyền quản lý của chính quyền từ địa phương đến trung ương.

Do đó các doanh nghiệp bất động sản buộc phải có mối quan hệ tốt với chính quyền, nếu không muốn nói là nằm trong một mối quan hệ cộng sinh với chính quyền và quan chức các cấp: Doanh nghiệp có đất, chính quyền có dự án phục vụ cho các con số tăng trưởng của địa phương, cá nhân quan chức cũng được hưởng những khoản lợi tức không chính thức từ doanh nghiệp.

Tuy nhiên, nói về cách thức để doanh nghiệp có được quỹ đất, nhất là quỹ đất có giá trị cao ở các thành phố lớn, thì có điều đáng bàn.

Theo quan sát của tôi thì có ba cách thức chính: Thứ nhất, cổ phần hoá những doanh nghiệp Nhà nước có sẵn quỹ đất lớn. Thứ hai, hợp tác công tư (PPP) vi các dự án đổi đất lấy hạ tầng (BT), và thứ ba điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất.

Những cách thức này ở mức độ nào đó đều được xếp vào thao túng chính sách, và không thể được thực hiện nếu thiếu sự hỗ trợ từ phía chính quyền - đặc trưng của chủ nghĩa tư bản thân hữu.

Riêng với các doanh nghiệp bất động sản lớn như Vin, quan sát của tôi cho thấy họ từng liên quan tới cả ba cách thức trên để có được quỹ đất di dào cho các dự án của họ thời gian vừa qua.

Trước đây, đã có nhiều dự án mà chính sách đã được thay đổi để nhiều khu đất vàng rơi vào tay tập đoàn Vin một cách hợp pháp.  Chẳng hạn vào năm 2013, sau khi chính phủ Việt Nam phê duyệt dự án di dời – giải tỏa Hải quân Công xưởng Ba Son, tập đoàn Eunsan & Oue của Hàn Quốc đề nghị đầu tư 5 tỷ đô-la Mỹ kim và đã được chính phủ Việt Nam đồng ý vào năm 2015.

Sau đó, Bộ Quốc phòng cho rằng không nên giao khu đất hải quân này cho doanh nghiệp nước ngoài, đồng thời kiến nghị chỉ định thầu khu đất này cho Công ty Dịch vụ thương mại TP.HCM. Đây là một công ty liên kết với Vingroup.”

Vị luật sư giấu tên nói rằng chính vì có mối quan hệ mật thiết với chính quyền nên có những quy định của pháp luật mà Vingroup sẽ không muốn tuân thủ hoặc khi vi phạm thì Nhà nước sẽ bỏ qua. Lâu dần, pháp luật sẽ bị bẻ gẫy bởi những mối quan hệ thân hữu như thế.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn