Người đàn ông để rắn độc cắn hơn 200 lần

Thứ Bảy, 11 Tháng Sáu 20223:00 CH(Xem: 1662)
Người đàn ông để rắn độc cắn hơn 200 lần

Tim Friede thường để rắn cắn vào tay. Ảnh: Centivax

Tim Friede thường để rắn cắn vào tay. Ảnh: Centivax

Tim Friede đã bị rắn độc cắn hơn 200 lần. Trong gần như mọi dịp, anh đều tích cực khuyến khích con rắn. Bất kể đó là rắn hổ mang, mamba, rắn lục, rắn taipan, rắn đuôi chuông hay rắn cạp nia, Friede đều sẵn sàng chìa tay ra trước răng nanh của chúng, chịu nhát cắn chết người từ những loài vật đáng sợ nhất hành tinh.

Friede, thợ máy 53 tuổi đến từ bang Wisconsin, hiện là Giám đốc bò sát ở công ty nghiên cứu vaccine Centivax ở California. Công ty này đang tìm cách sản xuất hợp chất kháng nọc độc của mọi loại rắn nguy hiểm nhất thế giới. Trước khi bắt đầu công việc gian nan này, Friede chỉ là một nhà sưu tập rắn nghiệp dư. Lúc còn là học sinh trung học, anh thường lang thang khắp vùng đồng quê Wisconsin để tìm rắn sọc, loài có nọc độc cực nhẹ. Sau đó, Friede tiến tới nuôi những loài rắn độc hơn ở nhà.

Thường xuyên có nguy cơ bị rắn độc cắn, Friede nhận thấy anh cần phát triển một miễn dịch. Về lý thuyết, bằng cách kích thích cơ thể sinh ra kháng thể để phản ứng với độc tố, Friede có thể chuẩn bị tốt hơn nhằm đối phó với nọc độc rắn trong tương lai. Anh bắt đầu vắt nọc độc của những con rắn nuôi trong nhà và tiêm vào cơ thể nhiều lần. Friede cẩn thận pha loãng nọc độc, tương tự cách làm của các nhà sản xuất thương mại khi thu thập kháng thể từ ngựa hoặc cừu để sản xuất hợp chất kháng độc. "Công việc này rất khó bởi không có cuốn sách hướng dẫn nào.Vì vậy, tôi tìm hiểu bằng cách viết nhiều ghi chú và chụp nhiều ảnh", Friede chia sẻ.

Năm 2001, Friede trải qua nhát cắn chí mạng đầu tiên ngoài chủ ý. Khi anh ở nhà tại Wisconsin và vắt nọc độc của rắn hổ mang Ai Cập, con vật quấn quanh và cắn vào ngón tay anh. Dù có khả năng miễn dịch nhất định, Friede vẫn bị ảnh hưởng ít nhiều. Nhưng chỉ một giờ sau, anh lại tiếp tục đánh vật với rắn hổ đất. Con rắn quất mạnh đuôi và cắn ngập răng vào bắp tay anh. "Hai con rắn hổ mang cắn liên tiếp trong vòng một giờ. Về cơ bản, tôi đã nằm bẹp và suýt chết. Trải nghiệm không vui chút nào. Tôi có đủ miễn dịch cho một nhát cắn, nhưng không phải hai. Tôi hoàn toàn ngã quỵ", Friede chia sẻ.

Nhờ vợ và hàng xóm đưa tới bệnh viện cấp cứu, Friede hôn mê mất 4 ngày. Sau khi tỉnh dậy, anh nhận thấy bản thân cần dừng tự tiêm nọc độc hoặc hoàn thiện hơn quy trình và chọn vế sau.

Trong 17 năm tiếp theo, Friede thường xuyên đưa vào cơ thể nọc độc của hàng loạt loài rắn ngoại lai. Ngoài 200 nhát cắn trực tiếp, anh còn tiêm nọc độc khoảng 500 lần bằng kim tiêm dưới da. Những loại nọc độc mạnh nhất mà Friede từng gặp gồm nọc độc của rắn taipan duyên hải, rắn hổ mang nước, rắn hổ mang Ấn Độ, rắn đuôi chuông kim cương, rắn đuôi chuông Mojave, cả 4 loài rắn mamba và nhiều loài rắn cạp nia.

Nhìn chung, khi một con rắn cắn, nọc độc lỏng được tiết ra dọc các rãnh ở răng nanh vào cơ thể nạn nhân và gây đau đớn. "Hầu như mọi nhát cắn đều rất đau, giống như bị ong đốt một trăm lần", Friede chia sẻ. Theo anh, đây là một phần trong thí nghiệm khoa học nhằm khám phá thông qua hệ thống miễn dịch của bản thân, anh có thể đánh bại một số loài vật độc nhất trong tự nhiên hay không.

Những video để rắn độc cắn do Friede đăng trên mạng xã hội thu hút sự chú ý của kỹ sư miễn dịch người Mỹ Jacob Glanville, bộ não phía sau Centivax. Thông qua làm việc với Centivax, Glanville hy vọng có thể giúp người dân trên khắp thế giới thoát khỏi ảnh hưởng của dịch bệnh. Ưu tiên hàng đầu trong danh sách của ông là nọc độc rắn. Cùng với Freide, Glanville đang tìm cách sản xuất chất kháng nọc độc phổ dụng.

Glanville và Friede muốn tạo cuộc cách mạng hóa, sử dụng kháng thể của Friede, nhắm vào miền liên kết với protein mà những loài rắn nguy hiểm nhất đều có. Một trong những kháng thể của Friede có tên gọi Centi-LNX-D9 đặc biệt đáng quan tâm. Trong các thí nghiệm với chuột, Centi-LNX-D9 có tác dụng vô hiệu hóa toàn bộ nọc độc của rắn hổ đất, rắn mamba đen, rắn cạp nia biển môi vàng, rắn hổ mang Ai Cập, rắn hổ mang Cape, rắn hổ mang Ấn Độ và rắn hổ mang chúa.

Glanville chia sẻ, ông sẽ tiến hành thử nghiệm hợp chất kháng nọc độc phổ dụng ở người trong vòng hai năm nữa và đưa sản phẩm ra thị trường sau 3 năm. Hợp chất này có thể được sản xuất ở dạng liều tiêm lưu trữ ở nhiệt độ phòng tại phòng y tế trên cánh đồng.

Ngoài mang lại lợi ích cho cộng đồng dân cư ở nông thôn, hợp chất kháng nọc độc phổ dụng mà Glanville đang phát triển sẽ giúp ích cho quân đội ở những khu vực rắn độc nguy hiểm phát triển mạnh. Đây có thể là động lực để các công ty dược sản xuất sản phẩm ở quy mô lớn, giúp giảm chi phí và đưa sản phẩm đến với những người cần nó nhất ở giá thành rẻ.

An Khang (Theo National Geographic)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Thứ Ba, 26 Tháng Ba 20197:00 CH