Nga hào phóng với Việt Nam ?

Thứ Tư, 01 Tháng Sáu 20226:00 SA(Xem: 2462)
Nga hào phóng với Việt Nam ?

vietso_01

Có người nói Mỹ không bao giờ tài trợ không cho Ukraina mà chẳng hưởng lợi gì. Tiền Mỹ rót vào càng lớn thì Ukraina trả nợ càng nhiều.

Vâng, nói về nợ thì không quốc gia, chính phủ nào không mắc nợ. Nhưng một nước đang gặp phải chiến tranh xâm lược thì người cho vay lúc hoạn nạn là vô cùng đáng quý.

Nói ra điều này, có người sẽ lại bảo, vậy khi Liên Xô cho Việt Nam vay trong chiến tranh chống Mỹ thì họ có lợi dụng để hưởng lợi khiến Việt Nam rơi vào bẫy nợ hay không?

Nếu hiểu theo ý “không ai hoàn toàn cho không” thì việc cho vay của Mỹ và Nga khác nhau ở đâu, khi cả Việt Nam và Ukraina đều tương đồng với nhận định về cái gọi là “chiến tranh ủy nhiệm”?

Và cũng từ liên hệ này, một số người cho rằng Việt Nam vô ơn khi Nga từng giúp sức mình đánh Mỹ.

Nhưng đánh Mỹ cho Việt Nam hay đánh Mỹ cho cộng sản? Đặt câu hỏi này để hỏi ngược lại, Ukraina đang chống lại cuộc chiến xâm lược của Nga vì niềm kiêu hãnh dân tộc hay cho NATO và Mỹ?

Sao khi chống xâm lược mình đề cao dân tộc mình thế, nhưng dân tộc khác đang quyết tâm chống xâm lược mình lại xem thường họ?

Rồi cũng từ liên hệ này, có người nói, Nga đã  xóa 85% nợ, khoảng 11 tỉ đô la trong chiến tranh chống Mỹ cho Việt Nam vào năm 2001. 15% số nợ còn lại tức 1,65 tỉ đô la được tính vào dạng Nga đầu tư tại Việt Nam.

Thực chất của vấn đề này ra sao?

Đến đây, xin đăng lại những phân tích từ FB Mao Nhuan Chi:

“Việt Nam nợ Liên Xô và sau này Nga kế thừa khoản cho vay đó, khoản nợ này là Việt Nam nợ bằng đồng rúp (Liên Xô), chứ không phải nợ bằng đồng USD.

Trong khoảng thời gian 1960-1970, thì tỉ giá RUB/USD là 0,9 RUB ăn 01 USD. Và tỉ giá này là hoàn toàn do Nhà nước Liên Xô quy định chứ không phải tỉ giá dựa theo cung tiền trên thị trường ngoại hối. Liên Xô là nền kinh tế đóng, hầu như không có giao dịch ngoại thương với các nền kinh tế Âu-Mỹ, do vậy tỉ giá (0,9) này hoàn toàn vô nghĩa, bởi người Liên Xô không có nhu cầu mua USD, và Âu-Mỹ cũng không có nhu cầu mua rúp (RUB).

Cái khoản nợ 11 tỉ USD mà người ta bảo Việt Nam nợ Nga đó thực chất là khoản nợ Rúp được quy đổi thành USD theo cái tỉ giá từ thời Nhà nước Liên Xô quy định. Thực chất Việt Nam nợ Nga chỉ khoảng 9,9 tỉ rúp.

Đến năm 2001, Nga đòi Việt Nam trả nợ (khoản nợ bằng đồng rúp Liên Xô). Giấy tờ ghi nợ thì rõ ràng là Việt Nam chỉ nợ Nga 9,9 tỉ rúp. Bây giờ Nga thích Việt Nam trả bằng rúp hay trả bằng USD? Cho Nga chọn.

Nếu trả bằng rúp thì Việt Nam sẽ trả cho Nga 9,9 tỉ rúp. Còn nếu trả bằng USD thì Việt Nam sẽ quy đổi 9,9 tỉ rúp này ra USD.

Đến đây mới xuất hiện vấn đề: tỉ giá RUB/USD nào sẽ được dùng để quy đổi? Vì lúc này (năm 2001) tỉ giá đã là 29 rúp ăn 01 USD. Vậy nếu phải trả bằng USD thì Việt Nam chỉ cần phải trả 341 triệu USD (tương đương 9,9 tỉ rúp) mà thôi.

Nhưng Nga không muốn vậy, Nga muốn Việt Nam phải trả bằng USD nhưng quy đổi theo tỉ giá thời Nhà nước Liên Xô quy định cơ. Khôn thế bao giờ cho chết. Mà cái tỉ giá này thì hoàn toàn vô nghĩa trong thị trường ngoại hối.

Việt Nam hoàn toàn có thể khước từ Nga, chỉ trả 9,9 tỉ rúp hoặc trả 341 triệu USD, hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế và luật pháp quốc tế. Nhưng nếu Việt Nam làm như thế thì cũng hơi cạn tàu ráo máng.

Do vậy, để đẹp lòng cả hai bên, thì đành áp theo tỉ giá thời Nhà nước Liên Xô quy định (0,9 rúp ăn 01 USD), quy ra thành nợ 11 tỉ USD, nhưng Nga phải xóa 85% nợ, Việt Nam chỉ phải trả 1,65 tỉ USD.

Putin khôn đấy, nhưng Việt Nam cũng đâu có ngu.

Đây chính là bản chất của vấn đề nước Nga nợ ngập đầu, phải gán cả quốc bảo T-80; BMP-3 cho Hàn Quốc để trừ nợ, nhưng "hào phóng" xóa nợ cả "trăm tỉ USD" cho các nước từng vay nợ Liên Xô.

Chả có ai hào phóng đến mức đấy cả.”

………………………

Vâng, sau khi số tiền rúp còn lại được quy đổi ra thành 1,65 tỉ đô la, tính vào tiền đầu tư tại Việt Nam, bản thân Nga, từ đồng tiền này đem về bao nhiêu lợi nhuận cho mình, nhất là trong lĩnh vực đầu tư lớn nhất là dầu khí.

Theo thống kê mới nhất, 35 năm qua Liên doanh Vietsovpetro đã khai thác được hơn 240 triệu tấn dầu khí. Tính đến tháng 3/2021 doanh thu của từ việc tiêu thụ dầu khí là 86,7 tỉ USD, tổng thu vào ngân sách Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là 52,6 tỉ USD. Số còn lại vào túi ai, trong khi giếng dầu là của mình?

THÍCH THANH THẮNG 30.05.2022

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn