Hũ tiền cổ đựng hơn 1.200 đồng xu La Mã

Thứ Bảy, 30 Tháng Tư 20225:00 SA(Xem: 1994)
Hũ tiền cổ đựng hơn 1.200 đồng xu La Mã

Thụy SĩSố tiền trong hũ có niên đại khoảng 1.700 năm, được tách thành hai phần bằng một miếng da bò.

Hũ tiền La Mã được khai quật ở Thụy Sĩ. Ảnh: Archaologie Baselland/Zenger

Hũ tiền La Mã được khai quật ở Thụy Sĩ. Ảnh: Archaologie Baselland/Zenger

Nhà khảo cổ nghiệp dư Daniel Luedin phát hiện hũ đựng hơn 1.200 đồng xu La Mã tồn tại từ thế kỷ 4, Zenger hôm 15/4 đưa tin. Luedin tìm ra chiếc hũ này vào tháng 9 năm ngoái, khi dùng máy dò kim loại để kiểm tra một khu rừng gần Bubendorf, quận Liestal, bang Basel-Landschaft, Thụy Sĩ, và nó đột ngột phát ra tín hiệu mạnh.

Ngay khi Luedin nhận ra tầm quan trọng của phát hiện mới, ông đã che lại những đồng xu mà mình vừa đào lên, sau đó liên hệ với tổ chức khảo cổ Archaeologie Baselland để thông báo.

"Daniel Luedin hành động rất cẩn thận. Ông ấy che lại những gì phát hiện và thông báo cho Archeologie Baselland. Nhờ cách xử lý chuyên nghiệp này, nhóm khai quật đã đào được chiếc bình một cách toàn vẹn", Andreas Fischer, chuyên gia tại Archaeologie Baselland, cho biết.

Các chuyên gia tại Phòng thí nghiệm Liên bang Thụy Sĩ về Thử nghiệm và Nghiên cứu Vật liệu (EMPA) sử dụng kỹ thuật chụp cắt lớp vi tính và tia X để nghiên cứu hũ tiền xu. Họ cho biết, những đồng xu trong hũ được tách thành hai phần bằng một miếng da bò khi chôn. Nhưng hiện tại, họ vẫn chưa rõ lý do và mục đích của hành động này.

Những đồng tiền La Mã phát hiện tại Basel-Landschaft làm bằng bạc và hợp kim đồng, tất cả đều được đúc dưới thời Constantine Đại đế (năm 306 - 337). "Những đồng xu mới nhất có niên đại khoảng năm 332 - 335", Fischer nói.

Fischer cho biết, thường có những lời giải thích đơn giản về lý do người xưa chôn những vật dụng giá trị. Ví dụ, bảo vệ chúng khỏi bị sử dụng trái phép trong thời kỳ khó khăn do nội chiến, các cuộc xâm lược của dân tộc láng giềng hoặc khủng hoảng kinh tế. Tuy nhiên, dường như không lời giải thích nào đúng với trường hợp này.

"Gần như không có kho tiền tương tự nào trên khắp đế quốc La Mã tồn tại cùng thời điểm chôn chiếc hũ ở Bubendorf vì giai đoạn đó có sự ổn định chính trị và phục hồi kinh tế", Fischer nói. Điều này khiến phát hiện mới trở nên rất đặc biệt, đồng thời tạo ra thêm sự bí ẩn.

"Những đồng xu bị chôn vì lý do gì và tại sao chúng không được đào lên lại? Ngoài những động cơ cá nhân không thể xác định, địa điểm phát hiện hũ tiền - khu vực biên giới giữa ba điền trang La Mã - có thể cung cấp manh mối cho một cách giải thích. Đó là hũ tiền có thể được chôn trong một khu trú ẩn ở biên giới hoặc dùng để hiến tế cho các vị thần", Fischer nhận định.

Thu Thảo (Theo Ancient Origins)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn