Vụ nhà thơ Dạ Thảo Phương sẽ tạo động lực cho phong trào Metoo ở Việt Nam'

Thứ Hai, 25 Tháng Tư 20221:00 SA(Xem: 1727)
Vụ nhà thơ Dạ Thảo Phương sẽ tạo động lực cho phong trào Metoo ở Việt Nam'
Phong trào #Metoo

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Hôm 3/4/2022, bà Dạ Thảo Phương, hiện đang sống tại Cyprus, đăng trên Facebook rằng bà từng bị ông Lương Ngọc An "cưỡng hiếp không thành hồi 2000" và rằng bà, với sự làm chứng của nhiều người, đã tố cáo ra cơ quan chủ quản của hai người khi đó là Báo Văn nghệ, nhưng lời tố cáo không được giải quyết thỏa đáng.

Sau đó, bà tiếp tục đăng bài trên trang Facebook cá nhân, cáo buộc ông Lương Ngọc An trong quãng thời gian 1999-2000 đã nhiều lần quấy rối tình dục, bất chấp những phản đối quyết liệt của bà.

Câu chuyện gần như ngay lập tức đã gây làn sóng tranh luận, thậm chí cãi vã gay gắt giữa những người bênh, chê việc đề cập tới một vụ việc xảy ra từ hàng chục năm trước, và cũng khiến người ta đặt câu hỏi về việc những cáo buộc như thế này cần được xử lý ra sao.

"Quan trọng nhất là lên tiếng"

"Việc các nạn nhân lên tiếng rất quan trọng ngay cả với trường hợp của Dạ Thảo Phương đã xảy ra cách đây mấy chục năm. Tôi nghĩ điều Dạ Thảo Phương mong muốn là - cô ấy dùng từ rất hay 'sòng phẳng với quá khứ', tức là sự thật được nhìn nhận." Tiến sĩ Tú Anh cho biết.

"Khi sự thật được nhìn nhận để có một cuộc đối chất, người gây ra tội sẽ nhận tội, có thể không phải bị xét xử bởi pháp luật, nhưng sự việc được điều tra minh bạch. Gần đây có nhiều vụ tố cáo xâm hại tình dục bắt đầu chìm xuồng nhưng nhờ tác động của xã hội thì đã được giải quyết. Có một số trường hợp xử lý khá nhanh, như vụ bí thư ở huyện đảo Cô Tô (bị cấp dưới tố cáo cưỡng hiếp), sau khi có đơn tố cáo thì chính quyền xử lý rất nhanh."

Về mặt pháp lý, luật Việt Nam quy định thời hiệu khởi kiện đối với các án hiếp dâm là 20 năm, cho nên nếu chỉ dựa vào cáo buộc của bà Dạ Thảo Phương thì khả năng "khởi tố trách nhiệm hình sự thì khó như lên trời và gần như không thể làm được", luật sư Ngô Anh Tuấn nói với BBC Tiếng Việt.

Giới chuyên gia trong lĩnh vực giới cũng nhìn nhận rằng có những hạn chế rõ rệt trong cơ chế bảo vệ nạn nhân bị quấy rối tình dục tại Việt Nam.

Nguồn hình ảnh, Ảnh chụp màn hình

Chụp lại hình ảnh,

Tiến sĩ Hoàng Tú Anh (áo vàng) trong tọa đàm "LÊN TIẾNG - Không bao giờ là quá muộn"

Sáng 14/4, có buổi tọa đàm "Lên tiếng không bao giờ là quá muộn" do Mạng lưới Ngăn ngừa và Ứng phó Bạo lực Giới tại Việt Nam (GBVNET) tổ chức tại Hà Nội. Trong buổi toạ đàm tập trung vào chủ đề "lên tiếng", những người tham dự đồng ý rằng việc lên tiếng của các nạn nhân trong những vụ quấy rối tình dục 'không bao giờ là quá muộn'.

Trước đó, hôm 13/04 một nhà quan sát từ VN nói với BBC rằng:"Trường hợp của Dạ Thảo Phương cơ quan quản lý hơi lúng túng vì chưa có tiền lệ."

"Việc đầu tiên mà tôi và tổ chức của mình quan tâm là lập tức xây dựng bộ quy tắc ứng xử cùng với các nhà trường hoặc cơ quan đặc thù. Nếu tất cả các cơ quan, trường học, tổ chức đều có bộ quy tắc chống quấy rối tình dục, có quy trình xử lí thì sẽ đỡ lúng túng", bà Vân Anh, Chủ tịch Trung Tâm Nghiên Cứu Và Ứng Dụng Khoa Học Về Giới-Gia đình-Phụ Nữ Và Vị Thành Niên (CSAGA), cho biết thêm.

So sánh những vụ lạm dụng, quấy rối tình dục ở Việt Nam với những nơi khác trên thế giới, bà Vân Anh nói:

"Ở Hollywood, sau mấy chục năm thì nạn nhân vẫn tố cáo, có khi nhiều nạn nhân cùng tố cáo một đối tượng, thì tòa án vẫn xem xét. Các nạn nhân trong quá khứ hoặc hiện tại đã và đang bị xâm hại tình dục nên biết ngoài việc tố cáo để đưa sự việc ra ánh sáng còn giúp những người khác phòng ngừa."

Trong vụ việc Dạ Phương Thảo, bà Vân Anh nhận xét thêm rằng việc suy xét thận trọng, công tâm là cần thiết: "Tuy vẫn có nhiều ý kiến trái chiều, nhiều người cũng thận trọng xem những lời tố cáo có đúng sự thật hay không. Tôi rất tôn trọng tất cả những luồng ý kiến này."

Tôi hiểu khó khăn của các tổ chức khi đã nhận lại một câu chuyện từ rất lâu, nhưng câu chuyện của Dạ Thảo Phương nếu nhìn một cách tích cực mang lại tính cảnh báo, mặc dù lật lại một sự việc rất đau lòng nhưng rõ ràng rất nhiều người sẽ nhận được một bài học từ câu chuyện này, từ người làm luật pháp, quản lí cơ quan cho tới những người có ‎ý định xâm hại tình dục."

"Thứ hai tôi quan tâm tới việc phòng ngừa, giới trẻ cần biết nếu bị xâm hại thì tới đâu để kêu cứu, tránh để bị gây hậu quả, những người có ‎ý định xâm hại tình dục người khác cần biết họ sẽ bị đưa ra xét xử trước pháp luật và dư luận. Các cơ quan sẽ không bị lúng túng gây kéo dài và gây hệ lụy cho các bên liên quan."

Bà Vân Anh nói thêm về những người tấn công tình dục: "Theo quan điểm của tôi có thể sau nhiều năm thủ phạm sẽ có những thay đổi tích cực."

"Nếu người gây ra bạo lực tình dục có những thay đổi mang tính tiến bộ thì sự xin lỗi, ăn năn hối cải được thể hiện ra bằng hành động sẽ tốt hơn cho chính bản thân người đó và cho những người đang có ‎ý định xâm hại tình dục".

Hiệu ứng cộng đồng

Một tuần sau khi nhà thơ Dạ Thảo Phương tố cáo ông Lương Ngọc An, người tại thời điểm bị tố cáo là Phó tổng biên tập báo Văn Nghệ, cưỡng hiếp, Tiến sĩ Hoàng Tú Anh nói: "Trường hợp của Dạ Thảo Phương sẽ tạo động lực cho phong trào Me too ở Việt Nam, điều này còn có tác dụng lớn hơn cả pháp luật xét xử."

"Chính Dạ Thảo Phương cũng chia sẻ rằng vụ hoa khôi Ngân Hà (tố bị trưởng khoa một trường đại học, chủ tịch bệnh viện tư hiếp dâm và khống chế làm nô lệ tình dục suốt thời gian dài) là động lực cho Phương có sức mạnh để nói ra sự việc sau hơn hai mươi năm chôn giấu", bà Tú Anh cho biết.

Bà Vân Anh nói bà "không bi quan trong vụ hoa khôi Ngân Hà và nhà thơ Dạ Thảo Phương".

"Bạo lực tình dục là một chủ đề cấm kỵ trong xã hội Việt Nam và nhiều xã hội khác nữa. Nhận thức về vấn đề này cách đây 23 năm với bây giờ đã rất xa. Hiện nay ý thức của mọi người đã khác trước rất nhiều, tìm cách bảo vệ và ủng hộ nạn nhân bị xâm hại tình dục."

Tối 13/04, trên mạng xã hội có thêm người thứ hai lên tiếng, cáo buộc ông Lương Ngọc An từng quấy rối tình dục mình.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Nhà văn Bùi Mai Hạnh, hiện sống tại Úc, trong bài đăng trên trang Facebook cá nhân tố cáo ông An từng tấn công tình dục bà nhưng hành vi cưỡng hiếp chưa được thực hiện đến cùng cách đây 25 năm.

Bà Bùi Mai Hạnh viết rằng bà "nói ra sự thật không nhất thiết để đòi công lý, hay vì muốn kẻ ác phải bị trả giá. Nói ra phải do tự nguyện, đầu tiên phải vì lợi ích của người nói. Và, trên tất cả, NÓI SỰ THẬT vì quyền của sự thật".

Trang Infonet ngày 12/04 đăng bức thư Hội Nhà văn Việt Nam, cơ quan chủ quản Báo Văn Nghệ trả lời bà Dạ Thảo Phương, trong đó có đoạn "BCH Hội nhà văn nhận thấy không có cơ sở thoả đáng cũng như thẩm quyền để xử lí hành chính lại vụ việc xảy ra năm 2000 tại Báo Văn nghệ... Bà nên gửi đơn, thư tới các cơ quan chức năng có thẩm quyền."

Trả lời báo chí trong nước, ông Lương Ngọc An cho biết "tôi không có ý kiến gì, vì cũng chưa biết việc này sẽ đi đến đâu và làm như thế nào".

Ông Lương Ngọc An cũng chưa lên tiếng quanh cáo buộc mà bà Bùi Mai Hạnh đưa ra.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn