Khi con tới tuổi đi học tôi đã trở thành...chiến binh

Thứ Ba, 12 Tháng Tư 20221:00 SA(Xem: 1748)
Khi con tới tuổi đi học tôi đã trở thành...chiến binh

hs_07 

1/ PHÍ YÊN THÂN

Con 6 tuổi, tôi quyết định cho con học trường tư, chọn một trường “Việt lai” có gắn chữ “Quốc tế” dạy hai giáo trình Việt buổi sáng và Mỹ buổi chiều. Một số bạn bè siêu giỏi trong ngành giáo dục can ngăn quyết liệt

- Trrường đó kinh doanh chứ dạy dỗ gì mà học

- Bên đó không có học hành gì đâu!

- Phí tiền vô ích, bên đó lên lớp 2 còn chưa biết chữ!

- Đừng có vì nhìn thấy dàn cô giáo chào đón con ngoài cổng rồi ham nha.

- Bala bla bla…

Tôi hiểu hết, nhưng tôi cần điều gì cho con?

- Cái tôi cần chính là không có học gì nhiều.

- Cái tôi thích là cách cô giáo đón con bằng nụ cười tươi hiền lành và cái ôm thân thiết vào mỗi sáng, con nít cần yêu thương, cần thân mật thì học mới vô, nhất là con gái.

- Cái tôi cần là giáo viên không mắng, không nạt nộ, không chửi rủa con tôi, không bắt con tôi quỳ gối ngoài hành lang khi không thuộc, không quăng tập con tôi, không làm nó hoảng sợ.

Vậy là tuy chẳng khá giả gì, hai vợ chồng tôi cũng ráng gom góp đóng học phí- tôi gọi là phí yên thân cho con.

2/ CON LÀ HỌC SINH DUY NHẤT CHƯA BIẾT CHỮ KHI VÀO LỚP 1

Tôi không cho con học chữ trước, vào lớp 1, cả lớp đã biết chữ, duy con tôi chưa. May mắn cô giáo rất tuyệt, cô kiên trì dạy và tạo nhiều trò chơi để học nhanh và giúp cháu không bị áp lực trước cả lớp. Cô bày cho tôi vài trò, ví dụ: chở con đi ngoài đường nhìn các bảng hiệu mà tập ghép vần. Nhờ vậy, cháu vui vẻ ghép và mau biết chữ, thiệt biết ơn cô giáo quá chừng.

3/ CON DẠY MẸ HỌC

Tôi nhờ con làm cô giáo dạy lại bài cho mẹ mỗi buổi tối. Con hào hứng lắm vì cảm thấy có ích và không bị bắt học bài.

Nhờ đó mà con vừa ôn bài, tôi vừa biết được mỗi cô giáo ở trường dạy ra sao, giọng nói trầm bỗng thế nào, nét mặt, cử chỉ điệu bộ và đặc biệt ngôn từ, phát âm, con vô tư hồn nhiên diễn lại y chang. Con thích nhất là bắt chước các thầy ngoại quốc dạy tiếng Anh vui nhộn và cũng bắt chước luôn cách thầy sửa phát âm mỗi khi tôi phát âm sai.

Các bà mẹ thử đi, thú vị lắm.

4/ CỤM TỪ NÀY KHÔNG PHÙ HỢP NÈ CÔ UI!

Cũng nhờ con dạy lại mà tôi sớm biết có một cô giáo thường nặng lời, nói xóc óc khi các con không thuộc bài. Tôi liền gọi điện thoại trực tiếp cho cô giáo, nhẹ nhàng nói rõ những cụm từ “abcd” hay “xyz”, “vftm” không phù hợp với trẻ nhỏ trong môi trường giáo dục, và tha thiết mong cô đổi từ khác và phương pháp khác ạ. Tôi nói ngọt như mía lùi, nhưng tui biết cô giáo hết hồn ông địa, cô cám ơn tôi đã góp ý trực tiếp chứ không qua Phòng giáo vụ hay Ban giám hiệu.

5/ ĐỂ CON QUANH NĂM KHỎI BỊ TRẢ BÀI THUỘC LÒNG

Tôi bèn thú thật cho một cô giáo dạy sử biết, con tôi lúc 18 tháng bệnh suýt chết, bị truỵ mạch nên có ảnh hưởng một chút tới não và trí nhớ, sẽ không thể trả bài thuộc lòng nổi, mong cô thông cảm và đừng gọi cháu, cháu bị áp lực mỗi sáng thứ tư có giờ cô thì sợ đi học, hoặc đi học với tâm trạng nơm nớm lo âu không thoải mái. Cô giáo đã cảm thông sâu sắc và suốt năm học đó, con tôi thoát khỏi áp lực bị học thuộc lòng. (Dĩ nhiên tôi giấu cháu chuyện mình chia sẻ với cô giáo, nhờ vậy cháu không lo âu, sau này cháu phát triển trí não bình thường).

6/ TRƯỜNG KHÔNG CÓ QUẢ ĐỊA CẦU

Con học địa lý, lù mù đọc tên các nước, tôi dắt con vô phòng thư viện, chỉ vào quả địa cầu loại lớn nhất, chỉ con cách khám phá các nước, đọc các màu sắc trên địa cầu suy ra thổ nhưỡng, khí hậu. Từ đó suy ra các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp, rồi suy tiếp ra các ngành sản xuất, sản xuất có hàng hoá thì cần tới kinh doanh, nội địa rồi xuất khẩu, bla bla bla… Vậy là con nhớ, không cần học thuộc lòng, xin ôm luôn trái địa cầu về phòng khám phá. Đây là cách cô giáo dạy Địa hồi tôi học cấp 3 dạy, tôi chỉ bắt chước theo cô thôi. Sau đó tôi đưa iPad, tự con tìm Google Map, học ngay trên đó, tỉ thứ hay.

Tôi gọi điện thoại cho cô dạy Địa, cô nói trường không có quả địa cầu, tôi hỏi cô có chắc không? Mai cô kiểm tra giúp, nếu chưa có thì cô yêu cầu bên học liệu mua, nếu không mua, tôi chở tới trường tặng 20 quả. Vậy là ngay tiết học sau, con học trên địa cầu, cháu chia sẻ lại với các bạn cách mà tôi học từ cô giáo cũ. Cô dạy Địa gọi điện thoại cho tôi cám ơn, “cách của chị hay mới lạ quá”, chắc cổ sẽ hết hồn nếu tôi nói cô Lành dạy cách này từ thập niên 1980, hì.

7/ CHO CON QUYỀN TỰ CHỌN LỰA

Tôi đưa con đi mua bộ drap trải giường, áo gối, mền cho phòng của cháu. Cửa hàng xếp nhiều loại nhiều màu lên tới nóc nhà. Con mới 8 tuổi tới lui, rờ, chọn mãi chưa xong, tôi kiên nhẫn đợi. Bà chủ cửa hàng lèm bèm “Chìu con gì dữ vậy, cứ lấy về trải là nó phải nằm thôi”. Tôi im lặng vờ không nghe. Tiếp tục chờ con quyết định. Lúc sao bà chủ cửa hàng lại càm ràm, lần này lớn hơn, như sợ tôi không nghe, tôi vẫn ráng nhịn vì lúc này còn 3 bộ, con sẽ chọn 1. Lần thứ ba, bà chủ cửa hàng càm ràm, tôi bước tới gần bà nói nhỏ: Hoặc là cô để yên cho con của cháu tự chọn cái nó thích, hoặc là cháu đưa con ra khỏi đây.

8/ KHI “CÔ QUYỀN UY” MẮNG CÔ GIÁO CỦA CON TÔI

Tôi ít khi đi đón con, vì không muốn mọi người biết cháu là con nghệ sĩ, sợ tạo áp lực lên con thì tội nghiệp lắm, tôi cố giữ cho con môi trường học hành an toàn, tôi cũng từ bỏ các vai diễn phản diện.

Một bữa tôi đi đón con vì cốt ý muốn gặp cô giáo dạy tiếng Anh mà con tôi rất thích, mời cô cuối tuần kèm giúp ngữ pháp cho con. Cô giáo chưa kịp trả lời thì bỗng đâu xuất hiện một cô khá quyền uy, lớn tiếng quát nạt cô giáo là trường cấm không được dạy thêm tại nhà. Mắng cô giáo ngay trước mặt con tôi luôn, ngay sảnh chờ của trường luôn. Tôi hỏi liệu có vào trong văn phòng nói chuyện với cô được không? Cổ mời luôn cô giáo vào lập biên bản. Tôi nói phiền cô giáo ở ngoài này với con tôi một lúc, tôi vào nói chuyện riêng với cô quyền uy trước đã.

Vừa bước vào phòng giáo vụ, tôi đóng cửa lại, và quát to gấp đôi cô ấy quát lúc nãy. Tôi hỏi cô là ai mà có quyền quát cô giáo của con tôi ngay trước mặt con tôi và phụ huynh là tôi? Ai cho phép cô làm một việc phản giáo dục phản văn hóa như vậy? Như tôi quát cô đây cô cảm thấy sao? Tôi không biết quy định của trường, cô giáo cũng chỉ mới nghe tôi hỏi, chưa kịp trả lời. Tôi tốn nhiều tiền cho con vô đây học là để tránh cho con sự quát tháo, vậy mà cô… sao cô nỡ làm vậy? Một là cô ra xin lỗi cô giáo hay là tôi ngồi đây yêu cầu Hiệu trưởng hoặc Ban giám đốc, Hội đồng quản trị xuống làm rõ chuyện.

(Hồi đó sao tôi dữ ghê, giờ hết òi, tu òi nha, hihi.)

Sau này cô giáo tâm sự, các cô bị “cô quyền uy” bắt nạt hoài, dọa cho nghỉ dạy, đuổi việc hoài, vì lương khá nên ráng dạy, chứ tủi thân lắm: “Chị cho con vô đây để yên thân là đúng, tụi em không dám rầy học sinh đâu, vì phụ huynh mà khiếu nại là tụi em bị rầy rà ngay”.

Tôi giật mình, hóa ra trong lúc xù lông làm chiến binh, làm cọp beo, sư tử để bảo vệ con, chắc tôi cũng làm đau lòng cô giáo. Hic.

***

Vậy đó, tôi vừa trốn chạy, vừa trở thành chiến binh, vừa xù lông giơ vuốt, cốt chỉ sao tránh cho con mình không bị áp lực, không bị căng thẳng. Nhờ đi theo học con mà tôi học quá trời thứ liên quan tới giáo dục, kể cả khi làm tình nguyện viên, làm leader cho các trại hè, các tổ chức giáo dục quốc tế. Tôi không phải là một người mẹ hoàn hảo, tôi cũng lắm tật xấu và cũng có lúc la rầy con, nhưng tôi là người làm mẹ sợ đủ thứ nên tự sắm dù, sắm áo mưa, sắm bình chữa cháy để phòng vệ hết mức có thể mà thôi. Dĩ nhiên tôi luôn mơ ước một ngày các bà mẹ sẽ không còn phòng vệ để giữ con không bị áp lực nữa.

NGUYỄN MỸ KHANH
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Thứ Bảy, 28 Tháng Chín 20196:00 CH