• Chris Baraniuk
  • BBC Future

Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Không lâu sau khi tới nhận nhiệm vụ tại nơi bị nhiễm xạ thuộc Khu vực Cấm Chernobyl, Bogdan nhận ra rằng có những đối tượng bất ngờ đồng hành với anh trong công việc mới.

Ngay từ những ngày đầu tiên tới tiếp nhận nhiệm vụ canh gác tại chốt kiểm soát ở Chernobyl, anh đã thấy có cả đàn chó cùng 'chiếm cứ' nơi này.

Bogdan (không phải tên thật) hiện đang trong năm thứ hai làm việc tại khu vực và đã hiểu rất rõ về những chú chó.

Một số con có tên, một số không. Một số ở gần đó, những con khác vẫn giữ khoảng cách với con người - chúng bất chợt đến rồi đi.

Bogdan và những lính khác cho chúng thức ăn, nơi trú ẩn và thỉnh thoảng chăm sóc y tế cho chúng. Họ chôn cất khi chúng chết.

Theo một nghĩa nào đó, tất cả những con chó đều là những kẻ tị nạn, nạn nhân của thảm họa xảy ra hồi năm 1986, khi Lò Phản ứng Số 4 tại Nhà máy Điện Hạt nhân Chernobyl bị nổ tung.

Hậu quả là hàng chục nghìn người đã phải sơ tán khỏi thành phố Pripyat của Ukraine. Họ được yêu cầu bỏ vật nuôi của mình ở lại.

Những người lính Liên Xô đã bắn chết rất nhiều con vật bị bỏ rơi, nhằm nỗ lực ngăn chặn sự lây lan ô nhiễm phóng xạ. Nhưng một số con vật đã chạy trốn và thoát chết.

Ba mươi lăm năm sau, hàng trăm con chó hoang giờ đây lang thang trong Khu vực Cấm rộng 2.600 km vuông, là khu vực hạn chế người ra vào.

Không ai biết những con chó nào trong số chúng là hậu duệ trực tiếp của những con chó từng là vật nuôi bị bỏ lại, và con chó nào là bọn đã từ nơi khác lang bạt đến. Nay, chúng đều là chó của khu vực.

Nguồn hình ảnh, Chernobyl Guards/Jonathon Turnbull

Chụp lại hình ảnh,

Một số con chó sống ở Khu vực Cấm có thể là hậu duệ của các con chó nhà bị bỏ rơi trong cuộc di tản khỏi thảm họa hạt nhân Chernobyl 1986, nhưng cũng có những con chó từ nơi khác lang thang tới

Cuộc sống của chúng rất nguy hiểm. Chúng có nguy cơ bị nhiễm phóng xạ, bị sói tấn công, bị nạn cháy rừng và nạn đói đe dọa, bên cạnh một số mối nguy khác.

Theo Quỹ Tương lai Sạch (Clean Futures Fund), một tổ chức phi chính phủ giám sát và cung cấp dịch vụ chăm sóc cho những con chó sống trong Khu vực Cấm, thì tuổi thọ trung bình của chúng chỉ là 5 năm.

Những con chó sống ở nơi đổ nát này đã được nhiều người biết đến - một số con thậm chí đã trở thành những đối tượng hơi hơi nổi tiếng trên mạng xã hội.

Lucas Hixson, người đồng sáng lập Quỹ Tương lai Sạch, người đã từ bỏ sự nghiệp nghiên cứu để chăm sóc các loài động vật, cung cấp các chuyến tham quan ảo trong Khu vực Cấm, trong đó có giới thiệu các chú chó.

Ít được biết đến hơn là những lao động địa phương, những người hàng ngày cần tiếp xúc với đàn chó.

Jonathon Turnbull, đang nghiên cứu tiến sĩ về lĩnh vực địa lý tại Đại học Cambridge, nhận ra rằng việc thu thập câu chuyện về những người này là điều đáng làm.

"Nếu tôi muốn biết những con chó," ông nói, "tôi cần đến gặp những người hiểu chúng nhất - và đó là những người lính canh gác khu vực."

Ông đã khám phá một câu chuyện ấm lòng về mối quan hệ của những người lính canh với những con vật mà họ gặp phải trong môi trường bị bỏ hoang này - một câu chuyện đem đến những hiểu biết sâu sắc về mối quan hệ gắn bó giữa con người và loài chó.

Chẳng hạn như các lính canh đã đặt tên cho một số con chó.

Theo Turnbull, con chó được đặt tên là Alpha, từ chỉ một loại bức xạ, và Tarzan, một con chó nổi tiếng với khách tới thăm Chernobyl, có thể làm được các màn thể hiện theo lệnh và sống gần khu vực lắp đặt trạm radar Duga nổi tiếng được xây dựng từ thời Liên Xô.

Rồi có con Xúc xích - một con chó cái béo lùn, thích tự sưởi ấm vào mùa đông bằng cách nằm trên những ống sưởi dành cho một trong những tòa nhà của công nhân trong Khu vực Cấm, những người đang nỗ lực tháo dỡ và khử nhiễm độc nhà máy điện đổ nát.

Cần phải có giấy phép mới được vào Khu vực Cấm Chernobyl, vì vậy lính canh được giao nhiệm vụ kiểm soát chốt chặn đặt trên các con đường ra vào khu vực. Những người né tránh các trạm kiểm soát này để xâm phạm vào Khu vực Cấm được gọi là "kẻ bám đuôi", và sẽ bị lính canh báo cho cảnh sát.

Khi Turnbull, người sống ở thủ đô Kyiv của Ukraine, bắt đầu thường xuyên đến thăm khu vực này, ông đã gặp Bogdan và những người lính canh khác.

Ban đầu họ rất ngại nói chuyện nên ông phải thuyết phục họ.

Sau đó, ông đề nghị họ tham gia vào nghiên cứu của mình, mà theo ông là một "bước ngoặt".

Ông trao cho các lính canh những chiếc máy ảnh dùng một lần và yêu cầu họ chụp ảnh những chú chó - không phải chân dung mà là những cảnh đời thường. Những người lính canh chỉ có một yêu cầu, đó là "làm ơn, hãy làm ơn mang thức ăn cho lũ chó". Và Turnbull đã làm theo yêu cầu.

Những bức ảnh do các lính canh chụp cho thấy họ đã có tình bạn sâu đậm với những chú chó lang thang của Khu vực Cấm đến mức nào.

Turnbull công bố một số hình ảnh và tài liệu thu được từ các cuộc phỏng vấn với các lính canh trong một bài báo vào tháng 12/2020.

Sau đó ít lâu, ông thay mặt BBC Future phỏng vấn một lần nữa một trong những người tham gia nghiên cứu. Người lính canh này đã yêu cầu giấu tên để tránh bị kỷ luật, vì vậy chúng tôi gọi anh bằng tên giả "Bogdan".

Khi Bogdan đi quanh những con phố bị bỏ hoang để kiểm tra xem có ai đột nhập vào không, những con chó vui vẻ đi cùng anh, anh cho biết.

Chúng luôn háo hức chờ đón xem liệu anh hoặc một ai đó đi ngang qua có thể mang theo thức ăn hay không. Nếu một con chó trong nhóm mải vui chạy đuổi theo một con vật nào đó thì rồi nó sẽ luôn quay trở lại bên anh, Bogdan cho biết thêm.

Lòng trung thành được thể hiện theo cả hai cách.

Turnbull nói rằng những người lính canh đôi khi chăm sóc bọn chó bằng cách bắt bọ ve hoặc tiêm thuốc phòng dại cho chúng.

Việc theo dõi giám sát những người ra vào Khu vực Cấm đôi khi là một thứ việc nhàm chán. Nhưng những lính canh luôn có những chú chó bên cạnh.

Tại một số chốt kiểm soát, những người lính canh nuôi một số con. Họ cho chúng nơi ăn, chốn ngủ. Nhưng không phải con chó nào cũng thuần tính. Trong quá trình nghiên cứu, một người lính nói với Turnbull rằng, "Chúng tôi không thể tiêm cho Arka, vì nó toàn cắn."

Một người khác nói về một con chó thậm chí còn khó gần hơn. Nó không chịu để ai chạm vào người. "Bạn chỉ nên đưa cho nó một chảo [thức ăn] rồi bỏ đi. Nó sẽ đợi cho đến khi bạn rời đi rồi mới ăn."

Nói chung, du khách đến Chernobyl được khuyến cáo không chạm vào những con chó, vì sợ rằng chúng có thể đang mang bụi phóng xạ.

Không thể biết những con chó đi lang thang ở đâu và một số nơi trong Khu vực Cấm, mức ô nhiễm cao hơn ở những nơi khác.

Ngoài chó còn có các động vật hoang dã sống trong Khu vực Cấm Chernobyl.

Chernobyl Guards/Jonathon TurnbullNguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Những người lính gác ở Khu vực Cấm của Chernobyl cho bọn chó hoang ăn uống, và một số người nói chúng giúp họ nhận biết khi có kẻ lạ xâm nhập

Vào năm 2016, Sarah Webster, một nhà sinh vật học động vật hoang dã của chính phủ Hoa Kỳ, người đang làm việc tại Đại học Georgia vào thời điểm đó, cùng các đồng nghiệp đã công bố một bài báo trong đó họ tiết lộ cách các loài động vật có vú, từ sói đến lợn lòi và cáo đỏ, đã xâm chiếm Khu vực Cấm ra sao.

Dữ liệu thu được từ các bẫy đặt máy ảnh cho thấy số lượng động vật không thấp hơn bao nhiêu ở những khu vực có mức ô nhiễm phóng xạ cao, so với các nơi khác.

Động vật sống trong Khu vực Cấm không nhất thiết là bị bó hẹp trong không gian đó.

Một nghiên cứu sau đó của Webster và các đồng nghiệp, được công bố vào năm 2018, cho thấy chi tiết các di chuyển của một con sói có gắn thiết bị GPS. Con vật này đã di chuyển 369 km từ 'nhà' của nó trong khu vực, đi theo một vòng cung dài về phía đông nam, rồi lại đông bắc, cuối cùng là vào Nga.

Về lý thuyết, chó sói, chó và các động vật khác có thể mang ô nhiễm phóng xạ hoặc các đột biến gene truyền sang thế hệ sau, đến những nơi bên ngoài Khu vực Cấm.

"Chúng tôi biết điều đó đang xảy ra nhưng chúng tôi chưa hiểu được mức độ nghiêm trọng của việc này," Webster nói.

Turnbull nói rằng các lính canh thường không lo lắng về vấn đề phóng xạ, tuy thỉnh thoảng họ vẫn dùng máy đo để kiểm tra mức phóng xạ ở các con chó.

Greger Larson, nhà khảo cổ học nghiên cứu quá trình thuần hóa động vật tại Đại học Oxford và là người không tham gia nghiên cứu của Turnbull, cho biết có vẻ như sự đồng hành của những con chó khiến những người tiếp xúc với chúng thường xuyên cảm thấy yên tâm hơn đôi chút.

"Họ giống như đặt mình vào vị trí của những con chó," ông nói tới những người lính canh. "Nếu con chó vẫn ổn thì có nghĩa là bạn vẫn ổn."

Nguồn hình ảnh, Chernobyl Guards/Jonathon Turnbull

Nhưng trên thực tế, đây có thể chỉ là một cảm giác an toàn sai lầm.

"Đó là một môi trường kỳ lạ," Turnbull lưu ý. "Bạn không thể nhìn thấy mối nguy hiểm. Bạn liên tục nhận thức được rằng mối nguy đang tồn tại ở đó, dưới vẻ ngoài bình thường."

Mặc dù thực tế là những con chó có thể gây ra rủi ro về phóng xạ, nhưng những người lính canh như Bogdan thì chú trọng tới những lợi ích mà việc đàn chó quanh quẩn bên cạnh có thể đem đến cho họ.

Chẳng hạn như, anh nói anh biết những con chó sủa theo những cách khác nhau đáng kể, tùy vào việc chúng phát hiện ra những gì từ xa - kẻ lạ, một chiếc xe, một động vật hoang dã tiến vào. Vì những tín hiệu cảnh báo hữu ích này mà Bogdan coi những chú chó như "trợ thủ" của mình.

Larson cho biết những gì đang xảy ra trong Khu vực Cấm chính là âm hưởng của những giao tiếp trong nên văn minh nhân loại giữa con người với loài chó từ hàng nghìn năm nay.

"Chúng tôi thấy điều này đã tồn tại trong 15.000 năm qua hoặc có thể còn xa hơn nữa, những gì con người đã làm là họ liên kết rất chặt chẽ với không chỉ chó mà còn cả rất nhiều động vật nuôi […] nhằm khẳng định rằng, 'đây là sự gắn bó của chúng tôi với môi trường xung quanh'," ông giải thích.

Trên khắp thế giới, có những con chó sống ở trạng thái tương tự, tức là trong tình trạng không hẳn là thú nuôi đã được thuần hóa, cũng không hẳn là thú hoang.

Có những con chó hoang lang thang trong các thành phố, trong các khu công nghiệp để tìm thức ăn, những con vật có thể được con người nuôi ở một mức độ nào đó nhưng vẫn không được coi là vật nuôi.

Những con chó Chernobyl cũng sống theo kiểu này, mấp mé bên ranh giới của việc được thuần hóa. Thế nhưng có một sự khác biệt, theo Webster, người đã tham gia một nghiên cứu riêng rẽ trước đây của Turnbull.

"Khu vực Cấm rất khác biệt ở chỗ nó bị con người bỏ rơi," bà nói. "Những người duy nhất có mặt trong đó hàng ngày là những người bảo vệ." Do đó, cơ hội kết bạn của loài chó với con người là rất hạn chế.

Trong khi thế giới bên ngoài vẫn bị hấp dẫn bởi những con chó và những câu chuyện về chúng, thì đối với nhiều lính canh, mối liên hệ giữa họ với chúng sâu sắc hơn thế nhiều.

Bogdan nói rằng anh thường được hỏi tại sao những con chó lại được phép ở lại Khu vực Cấm.

"Chúng đem lại cho chúng tôi niềm vui," anh trả lời. "Đối với cá nhân tôi, đây là một loại biểu tượng cho sự sống tiếp diễn trong thế giới phóng xạ, hậu tận thế này."