• Richard Fisher
  • BBC Future

Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Những sinh vật sống nào đắt giá nhất, nếu nhìn từ khía cạnh tài chính?

Các câu trả lời có thể gây ngạc nhiên và cũng tiết lộ những hiểu biết sâu sắc về những điều kỳ quặc và mối ưu tiên mà con người dành cho động vật.

Một ngày nọ, con vịt có tên là Big Dave được đem bán đấu giá. Là con vịt xiêm dòng Muscovy thường xuyên tham dự các buổi trình diễn lai tạo giống, nó là một mẫu vật tốt. "Chú vịt này tính tình rất hay. Chú ta luôn sạch sẽ, chăm sóc bản thân và khi bạn cho đem ra giới thiệu thì chú thích trở thành tâm điểm chú ý," chủ sở hữu chú vịt, ông Graham Hicks nói với BBC vào thời điểm đó.

Những người khác không thể không tán thưởng. Big Dave là một "nhân vật có cá tính", Janice Houghton-Wallace, nhà chăn nuôi đồng thời là thư ký Câu lạc bộ Thổ Nhĩ Kỳ tại Vương quốc Anh, nói, và luôn có vẻ như có "mối quan hệ tuyệt vời với Graham".

Quyết định nghỉ hưu, không chăn nuôi gì nữa, nên Hicks miễn cưỡng đem bán Dave cùng với những con vịt, ngỗng và chim khác của mình. Có tin đồn rằng các nhà lai tạo giống từ nước ngoài tìm cách mua chú vịt này vì tiềm năng có sẵn trong huyết quản của chú.

Tuy nhiên, khi cuộc đấu giá bắt đầu, đã có điều bất ngờ xảy ra.

Hicks không biết rằng Houghton-Wallace đã rủ một nhóm người liên kết với nhau để mua Dave.

Bà bước vào đấu ở mức 900 bảng Anh, nhưng giá tiếp tục tăng. Sau khi bà đặt giá ở mức cuối cùng, "căn phòng im lặng, cảm giác như đó là sự im lặng vĩnh viễn trước khi tiếng búa vang lên," bà nhớ lại. Bà thắng với mức 1.500 bảng Anh (2.070 đô la/1.760 euro) - số tiền kỷ lục cho một con vịt.

Nhóm những người mua đã nhanh chóng đưa Dave trở về với Hicks - họ lên kế hoạch để tái hợp cặp đôi, coi đó như món quà nghỉ hưu dành cho Hicks. "Cả hai chúng tôi đều khóc nức nở trên vai nhau sau đó," Houghton-Wallace nhớ lại.

Ngày hôm đó, Dave trở thành con vịt đắt nhất thế giới, gia nhập câu lạc bộ những động vật có giá trị nhất Trái Đất. Nhưng trong khi chú vịt này có thể khẳng định mình là viên kim cương của loài vịt, thì có nhiều loài khác đáng giá hơn rất nhiều.

Vậy, những loài động vật đắt nhất thế giới là gì? Làm thế nào để bạn thậm chí xác định thuật ngữ? Các câu trả lời phức tạp hơn lần đầu tiên xuất hiện.

Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Một chú vị Muscovy có tên là Big Dave (không phải con trong hình) đã được bán với giá 'khủng' trong một cuộc đấu giá

Trước khi chúng ta khám phá những câu hỏi này, cần thừa nhận rằng việc xếp hạng các sinh vật sống theo mức giá là điều có thể khiến một số người cảm thấy hơi khó chịu, thậm chí là rất khó chịu.

Rốt cuộc thì động vật có nên được định giá theo giá trị kinh tế không? Có thể đặt giá cho một sinh vật đang sống, đang hít thở được không?

Như chúng ta sẽ khám phá dưới đây, chắc chắn có một số người phản đối việc ấn định giá kinh tế cho tự nhiên và các sinh vật hoang dã.

Tuy nhiên, trên thực tế thì động vật luôn là một phần của nền kinh tế của con người, và cách con người đánh giá cao một số loài hơn so với những loài khác có thể tiết lộ những sự thật đáng kinh ngạc về thế giới mà chúng ta đang sống. Điều này đặc biệt đúng nếu như bạn nhìn vào mức giá mà con người sẵn sàng trả để có được chúng.

Những ngôi sao trong ngành chăn nuôi

Một số con số đáng kinh ngạc nhất có thể được thấy trong thế giới nông nghiệp, nơi việc buôn bán động vật diễn ra phổ biến.

Hãy xem xét một trong những sinh vật nông trại phổ biến nhất: con cừu. Theo một số ước tính, có thể có một tỷ con cừu trên thế giới, và hầu hết chúng không có giá trị lớn lắm.

Nhưng ở một nơi nào đó ở Vương quốc Anh, có một con cừu độc nhất vô nhị tên là Double Diamond, đáng giá một khoản tiền cực lớn.

Chú cừu này không có bộ lông cừu vàng; chính yếu tố di truyền của nó mới là điều giá trị. Nó là một ví dụ đặc biệt ấn tượng về cừu Texel, giống cừu có nguồn gốc từ một hòn đảo nhỏ ngoài khơi bờ biển Hà Lan.

Vào cuối năm 2020, một nhóm nông dân đã mua chú cừu với giá 350.000 guineas - đơn vị tiền tệ được dùng trong các cuộc đấu giá vật nuôi. Quy đổi thì nó tương đương với 367.500 bảng Anh (490.500 đô la Mỹ/411.300 euro).

"Đừng hiểu sai ý tôi, đó là một số tiền ngớ ngẩn nếu là để trả cho một con cừu," một trong những nhóm nông dân đã mua con cừu này nói với BBC News. "Ở đây là chúng tôi đã trả số tiền đó để mua được bộ gene di truyền của nó."

Catherine MacGregor / MacGregor Photography

Nguồn hình ảnh, Catherine MacGregor / MacGregor Photography

Chụp lại hình ảnh,

Double Diamond, một con cừu Texel được bán với giá "điên rồ", chụp hình với một trong những chủ cũ của nó

Vật nuôi trong trang trại có giá đắt nhất thế giới? Được rồi, chú cừu này đánh bại chú chó chăn cừu đắt nhất, chú chó có tên là Kim thuộc giống có Collie biên giới, được mua với giá 28.455 bảng Anh (38.900 đô la Mỹ/33.300 euro) ở xứ Wales vào đầu năm 2021.

Nhưng có những con bò cái, bò đực đặt giá hơn thế nhiều.

Một trong những con bò nổi tiếng nhất, được bán với số tiền chảy máu mắt là Missy, một con bò cái Hà Lan (Holstein), với giá 1,2 triệu đô la (865.000 bảng Anh/1 triệu euro) vào năm 2009.

Nhưng ngay cả Missy cũng chưa là gì khi bị các con bò đực át vía. Vào năm 2019, một con bò đực Angus (một giống bò Scotland) có tên là SAV America 8018 đã được bán cho một cựu cố vấn của chính quyền Trump với giá 1,51 triệu đô la (1,1 triệu bảng Anh/1,27 triệu euro).

Lý do dẫn đến một mức giá cao như vậy? Đó là do giá trị cao mà tinh dịch của con bò đực này có thể bán ra.

Một nhà báo chuyên viết về nông nghiệp tại buổi đấu giá đã mô tả đặc ân được gặp trực tiếp SAV America 8018: "Ngay khi tôi ra mở cổng, chú bò đi về phía tôi và hít ngửi tay tôi. Chú ta thuần phục như một con chó. Sức mạnh, bề rộng và thân hình của chú ta thật là hoàn mĩ đến đáng kinh ngạc. Anh chàng đứng trên một bàn chân to lớn, xương cốt thật tuyệt vời... một con bò đực sẽ đi vào lịch sử như một trong những con bò vĩ đại nhất."

Thú cưng với những khoản chi xa xỉ

Nhưng nông nghiệp không phải là lĩnh vực duy nhất của đời sống, nơi con người ta sẵn sàng trả giá cao đến kinh ngạc cho những con vật. Một số người sẽ trả rất nhiều tiền cho thú cưng của họ.

Ngay cả những con vật cưng "trung bình" hiện cũng có mức giá cao hơn so với vài năm trước.

Tại Anh, giá chó đã tăng vọt trong thời kỳ đại dịch, với chó con thuộc một số loài hiện được bán với giá 3.000 bảng Anh (4.160 đô la/ 3.500 euro).

Nếu tính cả chi phí nuôi chó suốt đời, cộng với hóa đơn thú y và các chi phí khác, những người chủ của chúng sẽ phải trả hàng chục nghìn bảng.

EPA

Nguồn hình ảnh, EPA

Chụp lại hình ảnh,

Chú chó ngao Tây Tạng Big Splash được bán với mức giá kỷ lục cho khách mua là người Trung Quốc

Kỷ lục về số tiền cao nhất từng được trả cho một con chó còn cao hơn thế nhiều: 10 triệu nhân dân tệ Trung Quốc, cho một chú chó ngao Tây Tạng có tên là Big Splash, tính ra là 1,1 triệu bảng theo tỷ giá hối đoái hiện thời (1,55 triệu đô la / 1,3 triệu €).

Chó ngao trong những năm gần đây đã trở thành một biểu tượng cho địa vị của chủ chó ở Trung Quốc. Nhưng mức giá cao như thê, được trả bởi một doanh nhân kinh doanh trong lĩnh vực than đá, cũng có thể là một khoản đầu tư, vì con chó có tiềm năng được đem cho những người nuôi khác thuê lại.

Thế còn mèo thì sao?

Trong số những giống mèo nhà đắt nhất là mèo Savannah (giống mèo được lai tạo giữa linh miêu đồng cỏ với mèo nhà), có thể có giá gần 20.000 đô la một con mèo con (14.400 bảng Anh / 16.900 euro).

Guinness không giữ kỷ lục về số tiền trả nhiều nhất cho một con mèo, và theo như BBC Future được biết, không có con mèo nhà nào so được về mặt giá cả với số tiền hàng triệu bảng của Big Splash - nhưng có một số con mèo có thể sánh ngang với chú chó ngao Tây Tạng này, nếu bạn đã sử dụng các phép đo giá trị khác.

Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Chú mèo có tên Grumpy Cat (có nghĩa là Mèo Cáu bẳn) - được cho là có trị giá hàng chục triệu đô la - thật ra rất vui vẻ

Theo Guinness, con mèo giàu có nhất từ ​​trước đến nay là Blackie, khi vào năm 1988 đã được thừa kế khối tài sản trị giá 7 triệu bảng Anh (9,7 triệu đô la/8,2 triệu euro) sau khi chủ nó, một nhà buôn đồ cổ, qua đời và quyết định ruồng rẫy gia đình.

Nói vậy thôi, chứ chú chó Toby còn được hưởng thừa kế với gia tài lớn hơn nhiều - một con số khổng lồ 15 triệu đô la (10,8 triệu bảng Anh/12,6 triệu euro) vào năm 1931 từ người chủ, Ella Wendel, thành viên cuối cùng còn sống của một gia đình bất động sản giàu có ở New York.

Nhưng nếu bạn nhìn vào sự giàu có về mặt kiếm tiền, thì ngôi sao internet Grumpy Cat - tên thật là Tardar Sauce - có thể là con vật dẫn đầu trong danh mục thú cưng đắt nhất.

Theo một số ước tính, con mèo cái này trị giá khoảng 100 triệu đô la (71 triệu bảng Anh/84,5 triệu euro) trước khi chết. Con mèo của nhạc sĩ Taylor Swift, Olivia Benson, cũng được định giá tương tự.

Những tay đua cừ khôi

Tuy nhiên, số tiền nhiều nhất từng được bỏ ra cho một con vật, ít nhất là theo Kỷ lục Guinness Thế giới, thuộc về những con vật có thể tham gia các cuộc đua.

Nếu tính theo trọng lượng, động vật đắt nhất trong danh mục này là chim. Con chim bồ câu đắt nhất là New Kim, được bán cho một người đấu giá giấu tên ở Trung Quốc, chỉ xuất hiện với biệt danh "Super Duper", với giá 1,6 triệu euro (1,8 triệu đô la/1,4 triệu bảng Anh) vào cuối năm 2020.

Có lẽ sẽ không có gì là bất ngờ khi ta biết rằng ngựa đua có giá cao nhất. Kỷ lục Guiness ghi danh chú ngựa Seattle Dancer là đắt giá nhất, được mua khi mới khoảng 1-2 năm tuổi hồi năm 1985 với giá 13,1 triệu bảng đô la Mỹ (9,4 triệu bảng Anh/11 triệu euro). Đáng buồn là siêu sao này đã không có một sự nghiệp rạng rỡ: nó bị virus và chỉ dự đua được có năm lần.

Kể từ đó, đã có những con ngựa khác được bán với giá cao hơn: chẳng hạn như Fusaichi Pegasus khi còn là ngựa non đã được bán với giá 64 triệu đô la (46 triệu bảng/54 triệu euro) vào năm 2000. Nó 'chinh chiến' khá hơn: thắng sáu trong chín cuộc đua mà nó tham dự, đem về cho chủ hàng triệu đô la, nhưng không mấy thành công trong việc cho ra đời bọn con cháu đạt cùng 'đẳng cấp' như mình - cho thấy việc đầu tư tiền vào ngựa đua khá là rủi ro. Đến cuối năm 2020 nó đã được cho nghỉ hưu.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Fusaichi Pegasus thắng giải đua Kentucky Derby

Thiên nhiên hoang dã

Còn những loài động vật hoang dã thì sao? Ta có thể tính xem chúng "đáng giá" bao nhiêu hay không?

Có một cách, nhưng về cơ bản việc tính toán dựa vào thước đo giá trị khác với giá thị trường, và thực sự là không nên so sánh hai cách tính này với nhau.

Trong một, hai thập kỷ qua, các nhà khoa học đã cố gắng tạo ra một giá trị kinh tế cho các hệ sinh thái bằng cách tính toán các "dịch vụ" mà chúng cung cấp cho con người, từ thức ăn hoặc tài nguyên mà chúng đem lại cho đến các lợi ích gián tiếp hơn, chẳng hạn như hấp thụ carbon, thụ phấn hoặc giá trị giải trí, du lịch.

Do đó, tổng giá trị của các dịch vụ hệ sinh thái của sinh quyển được ước tính lên đến 145 nghìn tỷ đô la một năm (104 nghìn tỷ bảng Anh/122 nghìn tỷ euro).

Ở quy mô địa phương, các tính toán thường được thực hiện cho toàn bộ hệ sinh thái - đất ngập nước ven biển, rừng nhiệt đới, v.v...

Vì vậy, giá trị trung bình của các rạn san hô, chẳng hạn, đã được tính toán vào khoảng 200.000 đô la mỗi ha mỗi năm (144.000 bảng Anh/168.000 euro).

Hoặc nó được tính dựa trên dịch vụ được cung cấp. Ví dụ, giá trị toàn cầu của dịch vụ thụ phấn côn trùng cho cây trồng ước tính vào khoảng 180-500 tỷ đô la một năm (129-360 tỷ bảng Anh/150-420 tỷ euro).

Điều này còn lâu mới là một kỹ thuật tính toán chính xác. Trên thực tế thì đó là sự kết hợp của một loạt các kỹ thuật tính toán, theo các nhà nghiên cứu Annelies Boerema và Alanna Rebelo và đồng nghiệp, những người đã xem xét hơn 400 nghiên cứu về chủ đề này vào năm 2016.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Ngành du lịch coi cá mập đáng giá hàng triệu đô la cho nền kinh tế

Có một số người phản đối việc định giá thiên nhiên bằng các dịch vụ cụ thể. Họ cho rằng ta không thể nắm bắt được những đặc điểm không thể đánh giá được của thế giới tự nhiên, chẳng hạn như sức khỏe tâm lý mà nó mang lại. Những người khác nói rằng hệ sinh thái và các sinh vật sống nên được coi là vô giá.

Nhưng vấn đề là cách tiếp cận này có thể thúc đẩy mọi người nhìn nhận các hệ sinh thái tự nhiên theo những cách hoàn toàn mới - đặc biệt là những người chỉ nghĩ đến kinh tế.

"Toàn bộ mục đích của khái niệm này là khiến mọi người suy nghĩ một cách toàn diện," Rebelo nói. "Theo cách nhìn nhận này thì khái niệm này sẽ luôn hữu ích, cho dù nó có sai sót như thế nào. Mục đích là để quản lý tốt hơn, không chỉ cho các thế hệ hiện tại mà còn cho các thế hệ tương lai."

Vậy cách tiếp cận này có thể cho chúng ta biết gì về giá trị của các loài động vật cụ thể?

Trong khi phần lớn các phép tính có cái nhìn tổng thể về hệ sinh thái hoặc dịch vụ, một số nghiên cứu đã tính toán giá trị của các loài, chi hoặc giống loại cụ thể.

Vào năm 2015, BBC Earth đã tổng hợp toàn bộ một loạt các định giá này. Ví dụ như tổng giá trị của cá mập phục vụ du lịch là khoảng 944 triệu đô la (682 triệu bảng Anh/799 triệu euro), dịch vụ thu dọn phân bò của bọn bọ hung ước tính trị giá khoảng 380 triệu đô la (274 triệu bảng Anh/321 triệu euro). Chỉ riêng ở Canada, gấu Bắc cực có thể được định giá tới 6,3 tỷ đô la Canada (4,5 tỷ bảng Anh/5,3 tỷ đô la Mỹ).

Về nguyên tắc, bạn có thể làm một số phép tính đơn giản để tính giá trị của từng cá thể động vật này, bằng cách chia cho tổng số cá thể của loài vật đó. Như vậy thì giá mỗi con trong số khoảng 16.000 con gấu Bắc cực của là khoảng 400.000 đô la (289.000 bảng Anh/338.000 euro).

Nhưng gần đây, Ralph Chami từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế và các đồng nghiệp của ông đã áp dụng cách tiếp cận kiểu "động vật đơn lẻ" này một cách khắt khe hơn. Mục đích của họ là gì? Là để tính toán giá trị cho từng cá thể voi rừng châu Phi và cá voi lớn ngoài khơi Nam Mỹ.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Voi rừng châu Phi đóng góp hàng triệu đô la vào việc thu giữ carbon

Những loài động vật khổng lồ này cung cấp nhiều dịch vụ khác nhau, từ doanh thu qua hoạt động du lịch sinh thái đến các hoạt động khác.

Nhưng điều ít được biết đến hơn là cả voi và cá voi đều giúp hấp thụ bớt carbon bằng việc lưu trữ trong cơ thể chúng và thông qua thói quen kiếm ăn của chúng.

Xem xét cụ thể tiềm năng thu giữ carbon của động vật, hiện tại và trong tương lai, Chami và các đồng nghiệp đã tính toán ra một khoản trị giá 1,8 triệu đô la (1,27 triệu bảng Anh/1,5 triệu euro) cho mỗi con voi.

Cá voi cũng đạt mức giá cao tương tự.

Các con số dao động từ 165.000 đô la (120.000 bảng Anh/140.000 euro) cho một con cá voi Minke, cho đến 4 triệu đô la (2,9 triệu bảng Anh/3,4 triệu euro) cho một con cá voi xanh, nhưng hầu hết những con cá voi đều có giá trị khoảng 2 triệu đô la (1,45 triệu bảng Anh/1,7 triệu euro).

Chami và các đồng nghiệp nói rằng việc định giá cho từng cá thể riêng le sẽ có tác động tâm lý khiến mọi người có ý thức bảo tồn hơn.

Rốt cuộc, các tổ chức thiện nguyện như WWF có xu hướng sử dụng hình ảnh và câu chuyện về những con vật khổng lồ để khuyến khích mọi người quyên góp.

Nếu một con số tài chính cho một cá thể voi được nêu ra trong chiến dịch bảo tồn, nó có thể giúp "giáo dục công chúng về những đóng góp của voi trong việc thu giữ carbon, và thuyết phục các cá nhân bỏ tiền ra để bảo tồn loài này, bảo tồn môi trường sống của chúng", họ viết.

Một đô la cho một con voi hoặc cá voi cũng có thể được sử dụng để xác định tiền phạt và hình phạt đối với những hành vi gây hại cho chúng, chẳng hạn như những kẻ săn trộm, tàu hoặc tàu săn cá voi bất hợp pháp.

Một con voi được định giá cao hơn mức giá nó có thể được bán ra trong thị trường chợ đen: một chiếc ngà voi có giá khoảng 20 ngàn đô la (14,5 ngàn bảng/17 ngàn euro). Và một con tàu tấn công, làm chết một con cá voi xanh ở ngoài khơi Brazil cần phải bị phạt với mức giá đầy đủ đã định cho cá voi xanh, Chami và các đồng nghiệp nói.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Điều hiển nhiên ở đây là cách định giá như trên không nhằm nói với chúng ta rằng voi và cá voi là những loài động vật "đáng giá" nhất trong tự nhiên.

Chúng ta không biết được điều này, trừ phi toàn bộ các loài trong thế giới tự nhiên đều được tính toán định giá, mà ngay cả khi đó thì cũng khó để so sánh.

'Ngoại giao panda'

Vậy loài vật 'đắt giá' nhất là loài nào? Rõ ràng là không hề có đáp án đơn giản cho câu hỏi này.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Liệu gấu trúc có thể được coi là loài vật đắt giá nhất thế giới không?

Nếu chỉ dựa vào giá thị trường thì rõ ràng ngựa đua là đắt nhất, nhưng như chúng ta đã tìm hiểu ở trên, còn có những giá trị kinh tế khác không thể 'mua' được trên thị trường.

Còn một loài vật nữa chúng ta chưa nhắc tới, có lẽ cũng đứng rất cao trong danh sách đắt giá nhất, đó là gấu trúc lớn panda.

Theo Kỷ lục Guiness thì nó đương nhiên là loài vật đắt nhất trong các sở thú, nhưng giá trị thật của nó có lẽ còn cao hơn nữa.

Vì sao vậy? Vì toàn bộ số gấu trúc panda đều thuộc sở hữu của Trung Quốc, và nhiều sở thú, nhất là ở Mỹ, phải trả tiền thuê để đem chúng về, với giá tới 1 triệu đô la Mỹ mỗi năm (723.000 bảng Anh/845.000 euro).

Nếu xét đến việc gấu trúc trong điều kiện nuôi nhốt sống tới ngoài 20 năm, thì số tiền thuê tính ra rất lớn. Mà nếu gấu trúc đẻ con thì tin tức nói là một khoản tiền tới 600.000 đô la Mỹ (434.000 bảng Anh/507.000 euro) cũng sẽ phải trả.

Vậy nên khi tính đến mọi khoản, thêm cả giá trị văn hoá, giá trị bảo tồn và các mối quan hệ kiểu 'ngoại giao panda' nữa ngoài khoản tiền thuê, thì đây là mảng thương mại trị giá tới hàng trăm triệu đô la, và giá trị thực tế của mỗi con panda sẽ còn lớn hơn thế nhiều.