Chồng đầu leo thang, rồi sao nữa?

Thứ Tư, 29 Tháng Mười Hai 20216:08 CH(Xem: 2690)
Chồng đầu leo thang, rồi sao nữa?
rfa.org

Chồng đầu leo thang, rồi sao nữa?

Bài bình luận của Mai Hoa 2021.12.29

Theo từ điển Việt Nam, nghệ sĩ là danh hiệu phong tặng những người có thành tựu xuất sắc trong sáng tác hoặc biểu diễn trong bộ môn nghệ thuật nào đó. Những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật nhưng không có thành tựu nổi bật xuất sắc thì không được gọi là nghệ sĩ mà có các khái niệm chính xác hơn dùng cho họ, như nhạc sĩ, nhạc công, diễn viên, ca sĩ, họa sĩ, v.v.  đại loại mới những lao động dạng “công nhân” trong lĩnh vực nghệ thuật mà thôi. Cho nên, để được công nhận là nghệ sĩ thì tính sáng tạo nghệ thuật ở những người này phải nổi bật. Sáng tạo đó phải có tính tiên phong, bền bỉ, là lao động thực sự, giúp nâng cao thẩm mỹ cho công chúng và có đóng góp tích cực về  cho xã hội

Báo chí mấy hôm nay đưa tin hai lực sĩ diễn xiếc Quốc Cơ và Quốc Nghiệp lập kỷ lục mới trong tiết mục chồng đầu leo bậc thang ở Tây Ban Nha. Họ chồng đầu leo được 100 bậc thang nhà thờ Chính tòa thành phố Girona, Tây Ban Nha trong 53 giây.

Vì sao tôi không gọi Quốc Cơ và Quốc Nghiệp là nghệ sĩ?

Là vì tiết mục nổi tiếng nhất của họ cho tới nay thì không có gì gọi là sáng tạo và mang lại xúc cảm thẩm mỹ cao độ cả. Rất xin lỗi hai bạn!

Tôi từng xem Quốc Cơ và Quốc Nghiệp biểu diễn tiết mục này. Quả là thót tim: Hai chàng trai vóc dáng lực sĩ cân đối rất đẹp, phô bộ ngực trần nở nang vuông vức, mặc chiếc quần diễn ôm đùi có những hoa văn nổi lấp lánh. Sau vài động tác khởi động cũng khá đẹp mắt rồi người anh quỳ xuống và đội một chiếc mũ lên đầu, người em được anh đỡ lên vai rồi lộn ngược người xuống, chân hướng thẳng lên trời, đầu chồng lên đầu của người anh qua lớp mũ. Anh giang hai tay và hai chân thẳng sang ngang, toàn thân chỉ còn dựa vào người anh qua duy nhất qua chỗ tiếp giáp của hai cái đầu. Trong tư thế đó, người anh bước lên các bậc thang. Lên đến bậc cao nhất thì họ xoay người lại đối diện với khán giả, người ở trên thu mình lại, người ở dưới giang tay đỡ em nhảy xuống. Toàn bộ tiết mục là như thế.

Theo những gì Quốc Cơ và Quốc Nghiệp nói với báo chí, ban đầu họ chưa diễn tiết mục này mà có các tiết mục khác (tôi thấy hay hơn) như Sức mạnh đôi tay, hai anh em dựa vào đôi tay nâng thẳng của người anh đỡ lấy người em phía trên thực hiện một số động tác uốn dẻo tạo hình.

Thấm thoát hơn 20 năm, nhìn lại cơ nghiệp chuyên môn của Quốc Cơ và Quốc Nghiệp, tôi thấy tiếc nuối cho họ. Chẳng lẽ cả đời biểu diễn của họ rồi chỉ có thế thôi sao: chồng đầu leo thang, và… hết!

Rồi sao nữa? Phải có cái gì đột phá, mới mẻ hơn, thu hút hơn tiết mục này nữa chứ? Họ hấp dẫn khán giả và duy trì niềm say mê, tự hào của bản thân mình với sự nghiệp ra sao nếu cứ mãi chỉ dừng lại ở đó? Tiết mục này rất khó, phải khổ luyện, rất nguy hiểm, nhưng … nó không còn sự sáng tạo nào vốn là đặc trưng và yêu cầu của nghệ thuật, và buồn thay, nó cũng không tạo ra giá trị nào nữa cho thẩm mỹ nghệ thuật của công chúng.

Khán giả thương người diễn viên ở vị trí bên trên đã từng ba lần suýt mất mạng vì xương cổ bị thụt xuống chạm vào cổ họng, không cấp cứu được sẽ chết (theo thông tin trên báo Tiền Phong ngày 5/6/2018). Nhưng chỉ thương thì không bỏ tiền ra mua vé đi xem, và cũng không quan tâm nữa đến một tiết mục đã quen thuộc đến mức nhàm chán.

Nhìn sang Trung Quốc mới thật thèm muốn làm sao! Cũng vẫn các tiết mục xiếc chui vòng, uốn dẻo, thăng bằng, tung hứng… rất thông thường, nhưng họ kết hợp thật tài tình giữa phục trang, âm nhạc, hình ảnh từ màn hình cực lớn phía sau để gây hiệu ứng. Cộng với những tình tiết mang tính kịch, họ tạo một đường dây nội dung xuyên suốt gần một tiếng biểu diễn, biến các trò xiếc thành một vở kịch xiếc gây thu hút và mãn nhãn khán giả từ đầu đến cuối. Với các tiết mục đỉnh cao thì không còn gì để bàn nữa. Các diễn viên phô diễn vẻ đẹp và ngày càng đẩy sự khéo léo, sức chịu đựng của cơ thể đến những ngưỡng cao hơn, lần nào cũng tưởng như cực hạn, khiến người ta thưởng thức trong khoái cảm thẩm mỹ tột độ.

Còn ở trong nước, À Ố show phải được nhắc đến đầu tiên. Hoàn toàn có thể khẳng định chắc nịch rằng À Ố đã tái sinh lại ngành xiếc trong nước với một diện mạo và tầm vóc ở một tầng cao hơn hẳn, xinh đẹp hơn, khỏe mạnh hơn, hấp dẫn hơn và giàu trí tuệ hơn. Trong từng vở xiếc có nội dung rõ ràng, các diễn viên xiếc nhào lộn, đu dây, cân bằng, uốn dẻo… với  các đạo cụ bằng tre rất thông thường trong đời sống nông thôn Việt Nam như thúng mủng, cầu khỉ, đu quay… Nhưng toàn bộ tiết mục đều mới lạ và đẹp đến sững sờ. À Ố show luôn kín khán giả khi diễn trong nước và thường xuyên nhận được sự thán phục khi đi lưu diễn nước ngoài là nhờ vậy.

000_1LJ8C4.jpg
Các nghệ sĩ biểu diễn trên đường phố Hà Nội hôm 19/10/2019. AFP

Cũng có vài điều để bênh vực cho Quốc Cơ và Quốc Nghiệp. Ví dụ: hai anh em họ hoạt động hoàn toàn độc lập và không có sự tài trợ nào để tập luyện các tiết mục hay hơn. Hay, họ thường xuyên phá kỷ lục của chính mình: năm 2016 chồng đầu leo 90 bậc thang trong 52 giây; năm 2021 chồng đầu leo100 bậc trong 53 giây, phá kỷ lục của chính mình. Rồi thì “Kỷ lục Guiness gắn liền với tên gọi Việt Nam cũng đáng tự hào lắm đó chớ, là đôi cánh mang cái tên Việt Nam ra thế giới đó chớ?

Ừ, cũng đúng. Giá như được đầu tư hơn cả về tài chính lẫn nghệ thuật, có thể đôi “hoàng tử xiếc” này (báo chí Việt Nam phong tặng cho họ) sẽ phô diễn tài năng của mình qua các tiết mục phong phú hơn chăng? Nhưng sự sáng tạo nào cũng bắt nguồn từ  bản thân người nghệ sĩ. Nếu họ không trình làng một dự định mới, một tiết mục mới xuất sắc hơn thì cũng không thể hy vọng nhà đầu tư nào chịu quan tâm.

Ngoài ra, kỷ lục Guiness về chồng đầu leo thang đã lập một lần rồi; để cho tốt hơn thì kỷ lục Guiness sau nên dành để tôn vinh sự phong phú, sáng tạo trong nghệ thuật, có đúng không bà con?

Một đời lực sĩ có vẻ đẹp ngoại hình, có sức mạnh, có cả tài năng lẫn sự khổ luyện như Quốc Cơ-Quốc Nghiệp mà sau này chỉ có thể tự hào về mỗi một việc chồng đầu leo bậc thang thì có nghèo nàn về giá trị nó tạo ra và đáng tiếc lắm không?

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn