Kiếm tiền từ việc dỗ người lạ ngủ

Chủ Nhật, 26 Tháng Mười Hai 20217:00 CH(Xem: 3010)
Kiếm tiền từ việc dỗ người lạ ngủ

Trung QuốcMột giờ sáng, Châu Soái nhận điều động của tổng đài rằng có một khách "nằm mãi không ngủ được nên cần người trò chuyện".

Đầu dây bên kia, vị khách nói mình vừa đáp chuyến bay đêm từ quê lên thành phố, hiện đang ở một khách sạn gần sân bay nghỉ ngơi. Để được nói chuyện với Châu Soái, người đó đã phải chi 110 tệ (429.000 đồng).

Châu Soái thấp giọng, nói chuyện với khách về cuộc sống, công việc cũng như sự cô đơn của người tỉnh lẻ đến thành phố làm việc. Hai giờ trôi qua, khách hàng cuối cùng cũng buồn ngủ.

"Không, anh cứ nói chuyện với em như thế đi", cô nói, giọng ngái ngủ. Châu Soái giữ nguyên cuộc trò chuyện điện thoại cho đến khi không nghe thấy tiếng hồi đáp ở đầu dây bên kia nữa.

Ở Trung Quốc hiện có hơn 300 triệu người bị rối loạn giấc ngủ. Họ thường chọn cách xem điện thoại cho đến khi chìm vào giấc ngủ. Ảnh minh họa: The paper

Ở Trung Quốc hiện có hơn 300 triệu người bị rối loạn giấc ngủ. Họ thường chọn cách xem điện thoại cho đến khi chìm vào giấc ngủ. Ảnh minh họa: The paper

"Người dỗ ngủ" như Châu Soái được trang thương mại điện tử Taobao liệt kê là một trong mười nghề không phổ biến tại Trung Quốc năm 2020.

Theo khảo sát về giấc ngủ do Hiệp hội Nghiên cứu Giấc ngủ Trung Quốc công bố vào cuối tháng 10 năm 2020, tỷ lệ mất ngủ ở người lớn tại nước này là 38,2%, có nghĩa hơn 300 triệu người bị rối loạn giấc ngủ. "Hơn 3/4 trong số này chỉ ngủ sâu sau 23h, số còn lại chỉ ngủ được sau một giờ sáng", khảo sát cho biết.

Hầu hết những người nhờ Châu Soái dỗ ngủ đều cô đơn hoặc căng thẳng tinh thần. Mỗi khi không ngủ được họ tìm đến dịch vụ này giống như tìm đến phim hoặc chơi game. Số khác là do làm việc quá mệt mỏi, cơ thể kiệt sức nhưng não bộ hưng phấn khó đi vào giấc ngủ. Khách hàng của anh còn có những người bị trầm cảm. Họ ngại tìm bạn bè tâm sự vì sợ làm phiền, tìm đến tư vấn tâm lý lại quá tốn kém nên chọn dịch vụ "dỗ ngủ" vừa được trò chuyện lại mất ít chi phí. "Khi cần, chúng tôi sẽ thay ca, tiếp chuyện 24h mỗi ngày", Châu Soái nói.

Công việc của người đàn ông này tương đối nhàn. Để kiếm thêm tiền, anh làm việc cho nhiều cửa hàng trực tuyến khác nhau. Trên Taobao, có không dưới chục cửa hàng phục vụ lĩnh vực này. Thủ tục ứng tuyển vào vị trí nhân viên dỗ ngủ không quá phức tạp. Chỉ cần nộp ảnh và bản ghi âm giọng nói, qua vài buổi đào tạo là có thể bắt đầu công việc.

Với nửa giờ làm việc, Châu Soái có thể kiếm 60 tệ, được coi là trung bình khá. Nhân viên đạt tới mức kim cương, mức giá có thể cao gấp đôi hoặc ba. Yêu cầu bắt buộc với những nhân viên dỗ ngủ là phải hòa nhã, kiên nhẫn, chỉ số cảm xúc (EQ) cao và điều quan trọng nhất là biết trò chuyện. Ngoài ra, nếu có thêm tài lẻ như ca hát, chơi nhạc cụ là một lợi thế.

Khi dỗ ngủ, Châu Soái sẽ dựa vào yêu cầu của khách. Nếu đối phương muốn nói chuyện, anh lắng nghe và chia sẻ kinh nghiệm sống của mình. Gặp khách ít nói, anh thường kể cho họ một vài câu chuyện. Dựa vào kinh nghiệm, Châu cho rằng không thể ngừng nói chuyện hoặc cúp điện thoại khi khách có vẻ buồn ngủ. "Nếu đột nhiên tôi im lặng, bên kia sẽ lập tức tỉnh lại".

Theo quan điểm của người đàn ông này, "dỗ ngủ" giống như việc an ủi và xua tan nỗi cô đơn của khách. Với hơn 300 triệu người mất ngủ mỗi năm, Châu Soái chưa ngày nào thất nghiệp.

Trang Hiểu, 22 tuổi, là một trong 300 triệu người không thể đi ngủ sớm tại Trung Quốc. Kể từ năm thứ ba trung học, cô chưa khi nào ngủ trước 0h. Vào ngày nghỉ, Trang bắt đầu ngủ từ 2h30 và thức dậy lúc 11h30.

Dù biết thức khuya có hại cho sức khỏe nhưng đó đã trở thành thói quen của cô. Kể cả tắt điện lúc 23h nhưng cũng phải đợi ít nhất hai tiếng cô mới ngủ được. Trong thời gian chờ ngủ, ban đầu Trang sẽ lướt điện thoại di động. Sau đó dù đặt điện thoại xuống nhắm mắt lại nhưng trong đầu lại xuất hiện nhiều suy nghĩ về học tập, thi cử, mối quan hệ bạn bè...

Để ngủ được, cô gái này nghĩ ra nhiều cách như không sử dụng điện thoại khi nằm xuống giường, đếm cừu hoặc thở sâu... nhưng đều vô dụng. Sau đó Trang tập thể dục nhiều hơn, hy vọng ngủ tốt, nhưng đổi lại "cơ thể rất mệt mỏi nhưng ý thức hoàn toàn minh mẫn’. Phải đến 2h30-3h cô mới chìm vào giấc ngủ.

Trong thời gian học trực tuyến ở nhà do Covid-19, một lần Trang Hiểu tình cờ xem video hỗ trợ giấc ngủ ASRM- viết tắt của từ "Autonomous Sensory Meridian Response", nghĩa là phản ứng cực khoái độc lập. Đây là kết quả của cảm giác sau khi nghe hoặc xem những video có "âm thanh kỳ lạ". Âm thanh này rất nhỏ, được tạo ra bởi những cử chỉ nhẹ nhàng một cái vuốt tay, một tiếng bẻ gẫy hoặc là tiếng ai đó đang ăn... Những âm thanh này sẽ khiến người nghe thư giãn, nhẹ nhàng, tinh thần thư thái thoải mái, dễ đi vào giấc ngủ.

Sau khi Trang Hiểu nghe ASMR lần đầu tiên, cô đã ngủ được ngay. "Cảm giác như trên mây, không còn vướng bận chuyện gì trong đầu". Kể từ đó, ngày nào cô cũng chìm vào giấc ngủ trong tiếng thì thầm, tiếng cọ trang điểm, tiếng nhai thức ăn và những âm thanh khác.

Một trong những video theo hình thức ASMR- tạo tiếng động từ chiếc bông tăm- khiến tinh thần người nghe dễ chịu, dễ đi vào giấc ngủ. Ảnh minh họa: The paper

Một trong những video theo hình thức ASMR- tạo tiếng động từ chiếc bông tăm- khiến tinh thần người nghe dễ chịu, dễ đi vào giấc ngủ. Ảnh minh họa: The paper

Ngoài Taobao, hiện có nhiều sàn thương mai điện tử khác như Xiaohongshu, Xianyu, Pinduoduo, WeChat... đều có dịch vụ "dỗ ngủ". Nhiều phần mềm bằng giọng nói cũng bắt đầu tham gia vào lĩnh vực này, với hàng chục thậm chí hàng trăm tệ mỗi giờ với tên gọi ASMR. Tuy vậy, cũng bắt đầu xuất hiện nhiều biến tướng.

Để thu hút lượng truy cập, nhiều người mặc trang phục hở hang, gợi cảm, sử dụng những giọng điệu khêu gợi như liếm tai, rên rỉ để kích thích người theo dõi nhiều hơn. Theo tờ Tin tức Bắc Kinh, những âm thanh rên rỉ hoặc đọc tiểu thuyết khiêu dâm... vẫn có thể mua được trên một số sàn thương mại điện tử với cái tên "dỗ ngủ".

Sau khi Trang Hiểu trót xem một video dỗ ngủ theo hình thức khiêu dâm gần đây, cô quyết loại chúng ra khỏi thói quen của mình. Tuy vậy, cô gái 22 tuổi phát hiện, nếu không xem và nghe ASMR, lại không thể ngủ được. Bởi vậy, gần đây cô tìm đến phương pháp "dỗ ngủ" trò chuyện, như cách Châu Soái đang làm.

"Cần nói chuyện với khách nhiều khi họ hứng thú, sau này còn tiếp tục đặt hàng", Châu Soái chia sẻ kinh nghiệm với đồng nghiệp mới. "Trước khi họ chìm vào giấc ngủ, hãy nhắc tên mình, để sau họ còn nhớ", anh nói.

Vy Trang (The paper)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Chủ Nhật, 08 Tháng Mười Hai 20196:00 CH
Thứ Bảy, 30 Tháng Mười Một 20196:00 CH