Pháp chủ mới của Giáo hội Phật giáo quốc doanh là ai?

Chủ Nhật, 12 Tháng Mười Hai 20216:00 CH(Xem: 2792)
Pháp chủ mới của Giáo hội Phật giáo quốc doanh là ai?
rfa.org

Pháp chủ mới của Giáo hội Phật giáo Nhà nước là ai?

Bài bình luận của blogger Tuấn Khanh 2021.12.08

Hòa thượng Thích Trí Quảng vừa được báo chí trong nước đồng loạt đưa tin về việc được Nhà nước phê duyệt cho ngôi vị Pháp Chủ của Giáo hội Phật giáo. Chức danh Pháp chủ dùng để gọi người lãnh đạo cao nhất của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (Nhà nước dựng lên sau 1975). Pháp chủ là người đứng đầu Hội đồng Chứng minh, có quyền thay mặt Hội đồng Chứng minh ban hành các Giáo chỉ, các văn bản quan trọng nhất, đại diện cho Giáo hội trong các hoạt động đối ngoại.

Có không ít lời thì thầm ngạc nhiên, nói rằng hòa thượng Thích Trí Quảng có nguồn gốc từ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN), một tổ chức độc lập và xuyên suốt toàn miền Nam từ đầu những năm 60, nhưng vốn đã bị bóp chết từ tháng 11-1981, khi ông cựu Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đẩy mạnh chiến dịch khai sinh giáo hội mới. Ngoài việc dựng lên một giáo hội toàn trị, trực thuộc dưới quyền chỉ đạo của Ban Tôn Giáo Chính Phủ, việc hủy diệt các chức sắc đương thời của GHPGVNTN… cũng còn đầy trong các trang sử tín ngưỡng đầy khốc liệt.  

Cũng có lời bàn, rằng dường như đã có sự thay đổi bí ẩn nào đó, mới có chuyện một nhân vật có tính cốt cán của GHPGVNTN, người được cử đi học Tiến sĩ Phật học tại Đại học Rissho, Tokyo, Nhật Bản, rồi sau năm 1971 khi tốt nghiệp xong, được cất nhắc vào vị trí là Tổng vụ trưởng Tổng vụ Phiên dịch và Trước tác. Nhưng mọi sự, có lẽ không phải đơn giản như vậy.

Sự cố hủy diệt GHPGVNTN từ sau 1975, bỏ tù nhiều vị đại đức, chiếm giữ nhiều chùa, cơ sở Phật giáo… thậm chí có liên quan những cái chết oan khuất của nhiều vị hòa thượng từ miền Trung đến miền Nam, đã dẫn đến kết quả của Nhà nước, là hình thành Giáo hội mới, tập trung chủ yếu ba thành phần: 1/ nhẫn nhục chịu đựng để giữ lại những gì mà GHPGVNTN đã dày công dựng lên, 2/ thành phần quá lo sợ trước những gì đang diễn ra và chọn thỏa hiệp để yên vẹn đường tu của mình, và cuối cùng, 3/ đó là thành phần nhận ra đây là giai đoạn cơ hội thích hợp để có thể nắm lấy cả danh và lợi của thế quyền và thần quyền.

Khó có thể nói là Hòa thượng Thích Trí Quảng là thành phần nào ở giai đoạn đầu, nhưng chỉ biết rồi sau đó, khi tham gia vào Giáo hội Nhà nước, ngài nhanh chóng trở thành cánh tay đắc lực của Ban Tôn Giáo Chính Phủ, không chỉ trong hoạt động nội bộ giáo hội, mà còn sớm nhận được các phần thưởng như Huân chương Độc lập hạng Nhất (2011) và Huân chương Lao động hạng Nhất (2017). Bên cạnh đó, còn vô số chức vụ của Giáo Hội Nhà nước trao cho, mà hôm nay đỉnh cao là chức Pháp Chủ.

Do tính chính danh của Giáo hội Nhà nước không đủ thuyết phục, nên năm 1999, Nhà nước từng ngỏ lời với thiền sư Nhất Hạnh làm một chuyến về chính thức tại Việt Nam nhưng phải lấy danh nghĩa do Giáo hội Nhà nước mời, nhưng thiền sư Nhất Hạnh đã từ chối. Wikileak tiết lộ công điện từ Đại sứ quán Mỹ gửi về Bộ Ngoại giao Mỹ, đề ngày 31-3-2005, rằng đến năm 2005 thì thiền sư Nhất Hạnh thuyết phục Chủ tịch Nguyễn Minh Triết, dành được quyền tự do về Việt Nam và phát hành sách của mình. Điều này làm các chức sắc của Giáo Hội Nhà nước không hài lòng, đặc biệt ắt là những người như Hòa thượng Thích Trí Quảng – mà câu chuyện sẽ kể sau đây.

Wikileak cũng tiết lộ công điện của tổng lãnh sự ở Sài Gòn, đề ngày 21-3-2007 rằng đã có những trục trặc trong việc Thiền Sư Nhất Hạnh thực hiện ba buổi cầu siêu, dự trù cho mọi nạn nhân đã “thiệt mạng vô duyên cớ” trong chiến tranh hai miền Nam Bắc Việt Nam. Dự tính, lễ cầu siêu sẽ nhắc đến chiến binh Mỹ cũng như những người Việt Nam bị chết vì “những tai họa khác,” kể cả trại tù cải tạo và người vượt biên.

000_Hkg555615.jpg
Thiền sư Thích Nhất Hạnh cầu nguyện cho các nạn nhân chiến tranh Việt Nam hôm 20/4/2007 ở một chùa tại Sóc Sơn, ngoại thành Hà Nội. AFP

Tuy nhiên, phía chính quyền tỏ ra cứng rắn. Đã có lời nhắc là cấm không được nhắc đến lính Mỹ, cấm nhắc đến tù cải tạo, cấm nhắc đến thuyền nhân. Sau đó, được biết là Hòa thượng Thích Trí Quảng đã được cử đến gặp thiền sư Nhất Hạnh ở chùa Vĩnh Nghiêm, ngay trước lễ cầu siêu vào ngày 16-3-2007 để nhắc lại yêu cầu nghiêm khắc này, đặc biệt là không được cầu siêu cho lính Mỹ và lính VNCH tử trận. Để buổi lễ được diễn ra, thiền sư Nhất Hạnh nói là sẽ tuân thủ những đòi hỏi của chính quyền và không nhắc đến “những tai họa khác,” đến thuyền nhân, hay đến những binh sĩ không phải Việt Nam. Tuy nhiên, trong buổi lễ, thiền sư Nhất Hạnh đã cất tiếng cầu siêu cho tất cả “nạn nhân hai miền Nam Bắc”, và nói là toàn thể sáu triệu người thiệt mạng trong chiến tranh đều đã chết “vô duyên cớ”. Hơn nữa, điều làm cho nhiều quan chức trong chính quyền lúc đó rất khó chịu, là thiền sư Nhất Hạnh so sánh với hai miền Đông Đức và Tây Đức thống nhất mà không đổ máu, và giới lãnh đạo Việt Nam lẽ ra phải làm được như vậy. Ông kêu gọi mọi người, bất kể tôn giáo, hãy cầu nguyện cho sự thay đổi.

Vào buổi lễ cầu siêu, sau khi bài thuyết pháp đã xong và phần tụng kinh bắt đầu, một nhóm đại diện Giáo hội Nhà nước xuất hiện. Dẫn đầu là Hòa thượng Thích Trí Quảng, Phó chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Nhà nước và là ủy viên Ủy Ban Trung Ương Mặt Trận Tổ Quốc. Ngay sau khi lên phát biểu sau phần tụng kinh, Hòa thượng Thích Trí Quảng đã lập tức nói ngược lại những điều thiền sư Nhất Hạnh đã nói, và thay vào đó, đã tuyên bố buổi lễ cầu siêu là chỉ dành cho những liệt sĩ hy sinh “trong cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ”.

Trong những năm tháng khốn khó của Hòa thượng Thích Huyền Quang, Đệ tứ Tăng thống GHPGVNTN cùng Hòa thượng Thích Quảng Độ (về sau là Đệ ngũ Tăng thống), cũng như nhiều tăng chúng mắc nạn vì chính sách phân biệt đối xử tín ngưỡng, Hòa thượng Thích Trí Quảng chưa bao giờ lên tiếng để đặt vấn đề hay ngỏ ý xin giảm nhẹ. Thậm chí ngài cũng chưa bao giờ dùng danh nghĩa của của một người từng đứng trong hệ thống của GHPGVNTN để nói một lời công bằng, trong việc tổ chức này bị ruồng bố và hủy diệt, các hoạt động từ thiện hay sinh hoạt hàng ngày bị ngăn chận...

Bản thân Hòa thượng Thích Trí Quảng nắm giữ vai trò Viện chủ của năm chùa và tổ đình. Ngài còn là Trưởng Ban Quản trị của Việt Nam Quốc Tự, chùa Phổ Quang và Thanh Tâm. Ngoài ra, ngài còn đảm nhiệm thêm vai trò Tổng Biên tập Báo Giác Ngộ; Trưởng ban Trị sự Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh; Hiệu trưởng Lớp Cao cấp Giảng sư Trung ương… Và cuối cùng, là trụ trì chính ở Việt Nam Quốc Tự.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn