Vì sao anh Chung vào lò? ( Chui vào L..Lại ghép vào Mặt Bác Hồ nưã rồi )

Chủ Nhật, 12 Tháng Mười Hai 20216:00 SA(Xem: 3144)
Vì sao anh Chung vào lò? ( Chui vào L..Lại ghép vào Mặt Bác Hồ nưã rồi )

Dương Quốc Chính

12-12-2021

Anh Chung con là người có tài với chuyên môn công an, điều đó không thể phủ nhận được. Anh là thiếu tướng năm 46 tuổi, trẻ nhất toàn ngành, coi như là ông sao sáng trong ngành công an. Lẽ ra anh cứ leo tiếp lên bộ, thì có lẽ cũng phải thứ, bộ trưởng chứ chả đùa. Nhưng anh lại rẽ sang Chủ tịch HN. Bước ngoặt đó làm thay đổi cuộc đời anh.

Vấn đề của anh Chung chính là lỗi của công tác tổ chức. Người ta để anh làm việc ở HN quá lâu, thế là tối kị. Anh Chung làm việc ở HN từ khi mới tốt nghiệp ĐH Cảnh sát, cho đến khi đi tù, thế là quá lâu đối với quan lại địa phương.

Thời phong kiến đã có luật Hồi tỵ, người ta tránh để quan lại làm việc tại quê hương hoặc nơi sinh sống quá lâu, buộc phải đổi đi địa phương khác. Đó là để tránh việc tạo dựng bè cánh, người nhà, đồng hương vào bộ máy chính quyền.

Anh Chung ở HN quá lâu, lại từng nắm ngành công an, thế nên khi nhảy vượt cấp lên Chủ tịch HN thì anh đã thành tinh. Coi như HN nằm trong tay anh cả. Nhất là khi thành công quá sớm sẽ sinh kiêu ngạo, ảo tưởng sức mạnh. Cộng thêm xuất thân công an thì sẽ có xu hướng cai trị độc đoán, chuyên quyền, thiếu sự mềm dẻo của chính trị gia dân sự chuyên nghiệp. Quan lại mà xuất thân công an, quân đội là có bệnh nghề nghiệp như vậy.

Xuất thân như vậy nên anh Chung trở thảnh độc tài không có gì là lạ. Độc tài thì có cái hay là tính quyết đoán, nhanh nhẹn, xử lý nhanh công việc, đỡ phải bàn ra tán vào mất thời gian. Nhưng mặt trái là sự độc đoán và ôm đồm. Anh ôm nhiều việc, tức là anh cũng ăn đủ thứ, không từ một thứ gì.

Làm quan ở HN thuộc loại khó nhất cả nước. Vì gần mặt trời, quan trên trông xuống người ta trông vào. HN lại lắm sĩ phu, phản động, là bọn hay chọc ngoáy, ngứa mồm, nên làm gì cũng phải nhìn trước ngó sau.

Khi đã gần mặt trời có nghĩa là quan lại HN chỉ bằng con kiến so với quan lại Trung ương trên địa bàn. Phẩm hàm cỡ như anh ở HN có vài chục đồng chí quan lại cấp Chính phủ, Quốc hội, các ban đảng. Cũng vì lẽ đó mà thuộc cấp của anh cũng có quan hệ chẳng chịt với các cụ ở Trung ương, toàn em anh Ba, cháu anh Tư. Vì thế nên quan lại lãnh đạo HN lâu nay vẫn có thói quen nhìn trước ngó sau, mọi việc đều phải rất từ từ. Chính thế nên dân gian có câu: “Hà Nội không vội được đâu”.

Thế nhưng anh Chung lại rất hay vội và độc đoán, thế nên đàn em sẽ tâm tư, ấm ức. Rồi kiểu gì cũng bẩm báo lên Trung ương, nên tiếng dữ sẽ đồn xa, trong khi mặt trời lại quá gần.

Về nguyên tắc vận hành của hệ thống chính trị. Lãnh đạo mà phân quyền cho anh em bên dưới thì miếng bánh lợi ích tự nhiên sẽ được chia đều ra cho các đồng chí, khi đó trên dưới một lòng, anh em hòa mục, mâm bát chia đều, anh em cùng đánh chén, đó là sự bền vững lâu dài. Ông bác đã nói: Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng. Nhưng ở đây, anh lại làm tất ăn cả.

Ví như vụ lọc nước đang xử đây, nó là miếng bánh bé tẹo, ăn có vài chục tỉ với Chủ tịch thành phố thì chả bõ dính răng. Lẽ ra anh phải để đệ lo, ví dụ Sở Tài-Môi, Công ty Thoát nước HN, rồi anh em cũng sẽ có lộc lá gửi lên anh. Thì có phải an toàn không? Đây anh làm trực tiếp, dí cả vợ con vào, thế là quá thô và hớ hênh, phạm lỗi sơ đẳng của người làm quan. Nguyên tắc sân sau là không được là họ hàng gì cả. Nhưng có lẽ vì xuất thân công an nên anh chả tin ai, tin mỗi mình và vợ con, nên mới coi trời bằng vung như vậy.

Hay vụ Nhật Cường cũng tương tự, ăn ra đâu có chục tỷ, mà anh cũng đi can thiệp trực tiếp xuống Sở KHĐT. Thế nên anh em bên dưới chả có vẹo gì, lại gánh trách nhiệm ký cọt, đến khi đổ bể nó quay ra tố cáo anh ngay. Quan lại xã hội đỏ, anh em cũng ràng buộc nhau bằng quyền lợi thôi. Lúc đương chức anh chả cho em được một miếng to, thì khi sập hầm em sẽ đạp anh xuống để còn ngoi lên thoát hiểm chứ. Ngu gì em bảo vệ anh. Khoản này xã hội đỏ khéo thua xã hội đen. Thế nên ra tòa, anh em nó quay ra cắn anh để chạy tội ngay.

Nói gì nói, tầm cỡ Chủ tịch, Phó Chủ tịch thành phố, thì phải cạp đất mà ăn, kiểu như anh Thành Tài, Tất Thành Cang ấy. Nó ra tấm ra món, mỗi miếng cũng phải dăm trăm tỷ tới ngàn tỷ đồng. Miếng nhỏ thì để em út nó ăn với. Đừng tưởng anh Chung vì miếng nhỏ mà bỏ miếng to, chắc ăn tất đấy. Chẳng qua chết trong vũng trâu đầm nó mang tiếng thôi.

Mình thì giờ nghĩ vẫn cay cái App của Nhật Cường làm sổ liên lạc điện tử cho trẻ con, nó ngu như lợn ý. Đúng là hàng sân sau có khác.

Tóm lại, việc anh Chung sập hầm mình dự là anh em tố nhau chứ ai trồng khoai đất này. Mình nhớ là vụ Nhật Cường với lọc nước đã bị lên mạng bóc ‘phốt’ cả dăm năm nay rồi. Toàn tin nội bộ tuồn ra chứ đâu. Có lúc tưởng anh đã nằm xuống, nhưng anh gượng đứng lên, quẫy nốt vụ chống dịch ở HN để dân túy cái. Bần nông HN lại được dịp suýt xoa về vị Chủ tịch anh minh, sâu sát, vì nhân dân phục vụ. Y như anh em SG hỉ hả với anh Thăng ngày xưa đi bới bèo.

Việc anh Chung vào lò, mình cho là xứng đáng, vì mất lòng ai chứ mất lòng đa số thuộc hạ là trước sau cũng bị chúng nó đâm cho. Đây là bài học đích đáng cho công tác tổ chức cán bộ của đảng ta, cũng như tấm gương tối cho các đồng chí khác, đặc biệt là các đồng chí lãnh đạo xuất thân là công an, quân đội. Làm gì thì làm cũng phải trên dưới một lòng, anh em hòa mục, thì mới là kế sâu bền vững. Làm chính trị nó khác với săn bắt cướp, không phải cứ quyết liệt, sát sao, liều lĩnh là thắng đâu.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn