Hoàng Linh - “Chén” bậy

Chủ Nhật, 14 Tháng Mười Một 20212:00 SA(Xem: 2682)
Hoàng Linh - “Chén” bậy

AVvXsEh1anhK2YdMr8HoGtHUQDosNuXJqhBba1WbCtYaOF3FzR7AEX67PQgl2dIQ0JaGRKaIDSVWm4WpaAfggpJW2lstLkYzdwv5sqXQ2wvn8zCUJXD8zF_vExe1_VKx_S-jDvQyI3YLuTQedZpCgjyMA8wAs24tmrbW2qWlwfPR0BVpI_VOORBCJmgP2HHX4g=w400-h290

 

Tôi từng được dự nhiều tiệc gọi là liên hoan cuối năm, hoặc nhân một sự kiện nào đó của nhiều cơ quan.

Thật tình, nếu có người thân là nữ thì cũng nên cho họ nghỉ cho rồi vì sự luông tuồng, quá trớn khi rượu vào ở những buổi tiệc thân mật này.

Những nạn nhân im lặng, nữ nhân viên bị lệ thuộc về chức quyền và mối quan hệ thường bỏ qua sự xúc phạm, hoặc có khi còn hưởng ứng nó một cách nồng nhiệt. Một lề thói nguy hiểm cho văn minh công sở và nữ quyền, nhưng chẳng ai quan tâm và xem đó là chuyện…vui thôi mà.

Còn nhớ năm 2016, chuyện nữ giáo viên bị điều đi ‘tiếp bia” đã làm dậy sóng dư luận, gây bức xúc ngay tại diễn đàn Quốc hội.

Một người ở Hà Tĩnh cách đây mấy trăm năm đã viết tâm trạng của vị quan lớn sau chầu rượu “vui vẻ”:

“Nghĩ mình phương diện quốc gia

Quan trên ngó xuống người ta trông vào”

Một chút xấu hổ, một chút đạo đức giả nhưng nhìn chung là muốn giữ hình ảnh của mình đối với cấp trên, người có quyền sinh sát với chức quan và kể cả đối với người vô thưởng vô phạt là dư luận…

Thi hào Nguyễn Du là người Hà Tĩnh, nếu sống trong thời gian này chắc ông phải sửa lại thơ thôi.

Tôi không hiểu những vị quan chức được các cô giáo ở Hà Tĩnh tiếp rượu, sáng hôm sau tỉnh dậy có chút xấu hổ nào không?Khi mà mình là cán bộ, phải giữ hình ảnh đồng thời có trách nhiệm bảo vệ nhân phẩm phụ nữ, tôn trọng vị thế của thầy cô, thế mà vẫn say sưa hư đời. Uống rượu phải có “cành hồng”, “cành lan” trò chuyện thủ thỉ mới đặng.

Còn quan trên thì sao? Trước hết hãy nghe người trong cuộc “tâm sự”: Có cô ngậm ngùi: “Trong bữa tiệc, khi chén bia chén rượu vào, sẽ không tránh khỏi những hành động như ôm vai, bá cổ. Tỏ thái độ thì không được, sợ mất lòng quan khách; thậm chí là bị cấp trên phê bình gay gắt. Nhưng nếu dễ dãi quá sẽ bị lấn lướt, lợi dụng…” (GDVN, ngày 13/11).

Quan anh, quan em thì nói tỉnh queo như chuyện thường ngày, thường xuyên: “… Trong các bữa tiệc, rượu vô thì lời ra; ai đó có một hành động không đẹp thì cũng là chuyện bình thường trong cuộc sống”… “Các cô giáo đi tiếp khách là nhiệm vụ chính trị, là trong sáng, là niềm hãnh diện”.

Nhìn ở một góc độ khác, phải chăng đó là tệ nạn Tham nhũng tình dục?

Việc một người lao động bình thường nỗ lực học tập và thăng tiến nhất là phụ nữ, là điều tiến bộ về công tác tổ chức và nữ quyền.

Tuy nhiên, từ việc một số nữ giáo viên được cử đi tiếp khách, tiếp bia, nạn quấy rối tình dục công sở, và vụ nghi hiếp dâm mới đây của một bí thư huyện cho thấy tình trạng phụ nữ muốn có việc làm, thăng tiến trong thang bậc công chức phải đánh đổi là có thật.

Cũng có nghĩa tham nhũng tình dục là có thật, khi công tác tổ chức cực kỳ nghiêm ngặt năm bước lại bị qua mắt cái vèo ở một số trường hợp.

Tất cả đều được phát hiện nhờ tố cáo và tiếng nói giận dữ của mạng xã hội chứ không phải tổ chức tự phát hiện.

Sự trừng trị của công luận và xử lý bằng pháp luật phải nhắm đúng vào những kẻ nắm quyền lực nhưng lại để con voi chui lọt lỗ kim, chứ đừng trút lên cá nhân những phụ nữ luôn phải đánh đổi.

“Chén” bậy không ít đâu.

HOÀNGLINH
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn