Hình chó bị nhốt để đưa đi giết lấy thịt

Nguồn hình ảnh, Coexistence of Animal Rights on Earth (CARE)

Chụp lại hình ảnh,

Chó bị nhốt để đưa đi giết lấy thịt ở Hàn Quốc

Theo Tổ chức Korean Dogs, vẫn còn một chặng đường dài để đạt được một lệnh cấm vĩnh viễn đối với việc tiêu thụ thịt chó tại Hàn Quốc.

Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên, Trung Quốc và Việt Nam là một số quốc gia vẫn có thói quen nuôi chó để làm thịt.

Ông Moon Jae-in được biết đến là một người yêu chó. Ông có nuôi một số con chó tại Nhà Xanh và đã nhận nuôi Tory, một con chó được giải cứu vào năm 2017 thời điểm ông nhận nhiệm sở.

Theo thống kê của Human Society International vào tháng 9/2021, hiện mỗi năm có gần 2 triệu con chó được nuôi lấy thịt tại hàng ngàn trang trại ở Hàn Quốc.

Luật pháp bảo vệ động vật của Hàn Quốc chỉ cấm việc giết hại dã man chó hay mèo nhưng không cấm việc tiêu thụ thịt chó.

Chính quyền của Hàn Quốc cũng có vận dụng luật này và các quy định an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm dẹp bỏ các trang trại nuôi chó lấy thịt và các nhà hàng bán thịt chó trước thềm sự kiện quốc tế lớn như Pyeongchang Olympics 2018.

'Tổng thống chỉ đề cập lệnh cấm ăn thịt chó khi sắp mãn nhiệm'

Theo bà Giny Woo, việc một tổng thống đương nhiệm của Hàn Quốc lần đầu tiên đề cập đến lệnh cấm ăn thịt chó mang ý nghĩa quan trọng. Quyết định này theo bà là kết quả của hàng thập kỷ vận động của những nhà hoạt động vì động vật và "lẽ ra ông Moon Jae-in nên đề cập sớm hơn".

Ngoài ra bà Giny Woo nhận định vẫn chưa rõ sự cam kết của Tổng thống Moon khi ông chỉ đề cập vấn đề khi nhiệm kỳ sắp kết thúc vào tháng 5/2022.

"Ngoài ra ông Moon Jae-in vẫn chưa có động thái chỉ đạo chính phủ của mình ưu tiên việc chấm dứt giết chó để lấy thịt. Và cho đến nay thì các bộ ngành chính phủ của Hàn Quốc vẫn chưa làm gì để biến cam kết thành hành động", bà Giny Woo nói với BBC News Tiếng Việt.

Phản ứng trước điều này, một số tổ chức bảo vệ quyền lợi động vật đã lên tiếng. Vào ngày 18/10, Korea Animal Rights Advocates (KARA) đã tổ chức một cuộc họp báo trước các văn phòng chính phủ để phản đối sự thờ ơ của giới chức trách, yêu cầu chấm dứt ngành công nghiệp thịt chó vĩnh viễn.

Cụ thể KARA yêu cầu:

- Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và các vấn đề Đô thị Hàn Quốc phải tiến hành điều tra toàn diện các trang trại nuôi chó lấy thịt, thị trường bán đấu giá thịt chó, các lò giết mổ trên cả nước và trừng trị những hành động phi pháp

- Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc phải áp dụng luật và trừng phạt những cá nhân tham gia giết mổ, phân phối và bán thịt chó bất hợp pháp

- Bộ Môi trường Hàn Quốc phải điều tra về việc các trang trại nuôi chó lấy thịt nhập khẩu bất hợp pháp chất thải thực phẩm và cấm việc cho động vật ăn các loại chất thải thực phẩm này

- Quốc hội Hàn Quốc phải thông qua các sửa đổi đối với Bộ luật Bảo vệ Động vật để cấm việc tiêu thụ thịt chó và thúc đẩy về luật pháp nhằm chấm dứt việc tiêu thụ thịt chó

- Thị trưởng Thành phố Daegu, Kwon Young-Jin phải ngay lập tức đóng cửa chợ bán thịt chó Chilseong

'Hầu hết người dân Hàn Quốc vẫn thờ ơ sâu sắc với vấn đề ăn thịt chó'

Theo đó, thì trong 10 người được khảo sát thì có 8 người ủng hộ có luật cấm sản xuất thịt chó mèo. Cụ thể, 48,9% rất ủng hộ, 29,2% khá ủng hộ, 12,7% không mấy ủng hộ và 9,3% phản đối mạnh mẽ điều này.

Trả lời phỏng vấn BBC News Tiếng Việt, bà Giny Woo cho biết mặc dù quan niệm về ăn thịt chó của người dân Hàn Quốc đang dần thay đổi thế nhưng hầu hết đều vẫn còn "thờ ơ sâu sắc" đến việc chó bị nuôi ở các trang trại để giết và lấy thịt.

Mặc dù trong những năm qua, hình ảnh giết chó tàn bạo đã xuất hiện trong nhiều chương trình truyền hình, kênh tin tức và mạng xã hội, thế nhưng vẫn còn là một chặng đường dài để thay đổi quan niệm về ăn thịt chó của người dân Hàn Quốc.

Theo bà Giny Woo thì một chính phủ im lặng cùng công chúng thờ ơ trước những vấn đề đạo đức trong việc giết hại chó thì "chó sẽ vẫn tiếp tục bị giết hại dã man để tiêu thụ".

'Cấm tiêu thụ thịt chó vĩnh viễn bằng luật pháp'

Theo bà Giny Woo thì cách hiệu quả nhất để cấm việc tiêu thụ thịt chó là thông qua luật pháp.

"Hiện các chiến dịch tẩy chay của các tổ chức chống ăn thịt chó tại Hàn Quốc nhằm vào các tập đoàn và công ty du lịch không thể thống kê được tuy nhiên chúng tôi tin rằng đã có tác động đến doanh thu xuất khẩu của Hàn Quốc", bà Giny Woo cho biết.

Để làm được điều này thì ở Việt Nam, việc gây áp lực lên chính phủ phải có hành động đối với vấn đề này, cùng thực hiện chiến dịch từ bên trong và bên ngoài đất nước là rất quan trọng.

"Một chiến dịch tẩy chay cũng quan trọng vì tác động kinh tế sẽ là một động lực lớn tạo sự thay đổi", bà Giny Woo nêu một ví dụ như Việt Nam có thể mất khách du lịch nếu họ từ chối đến đây chỉ vì quốc gia này còn cảnh giết hại chó để ăn thịt.

"Ngành công nghiệp thịt chó là tàn ác và dã man. Đó là sự phản bội đáng xấu hổ đối với loài vật luôn xem con người là giám hộ và bạn đồng hành và điều này phải bị chấm dứt", bà Giny Woo nói.

Tại Việt Nam, hàng triệu con chó vẫn bị giết để lấy thịt mỗi năm. Việc giết mổ chó và bày bán thịt tràn lankhông bị xử lý, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ dịch bệnh.'Liệu Việt Nam sẽ có một lệnh cấm tiêu thụ thịt chó vĩnh viễn hay không? Nội dung này sẽ được đề cập trong phần hai thuộc loạt bài của BBC News Tiếng Việt về vấn đề 'Tiêu thụ thịt chó tại Việt Nam và một số nước'.