Nấm lừa ruồi đực ghép đôi với con cái đã chết

Thứ Ba, 16 Tháng Mười Một 202111:00 SA(Xem: 2158)
Nấm lừa ruồi đực ghép đôi với con cái đã chết

Nấm Entomophthora muscae có thể khiến ruồi cái mắc bệnh "đỉnh cao" và tiết ra các chất hóa học lừa ruồi đực giao phối kể cả khi đã chết.

Ruồi đực khỏe mạnh cố gắng tiếp cận ruồi cái đã chết vì nhiễm nấm. Ảnh: Phys

Ruồi đực khỏe mạnh cố gắng tiếp cận ruồi cái đã chết vì nhiễm nấm. Ảnh: Phys

Nhóm chuyên gia tại Đại học Copenhagen và Đại học Khoa học Nông nghiệp Thụy Điển phát hiện nấm Entomophthora muscae sử dụng chất hóa học để lừa ruồi đực giao phối với con cái nhiễm nấm và đã chết, Phys hôm 5/11 đưa tin. Nghiên cứu mới xuất bản trên cơ sở dữ liệu bioXiv.

Những nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng một số loại nấm có thể khiến côn trùng mắc bệnh "đỉnh cao" - hệ thần kinh của con vật bị tác động và nó bắt đầu leo lên vị trí thuận lợi cao nhất có thể. Khi đến nơi, nó sẽ xòe cánh và bắt đầu phun ra bào tử nấm. Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học tìm ra một loại nấm có thể làm cho bệnh "đỉnh cao" phát triển thêm bằng cách khiến côn trùng cái tiết ra các chất hóa học thu hút con đực.

Nấm Entomophthora muscae có khả năng khiến côn trùng, chủ yếu là ruồi nhà, nhiễm bệnh đỉnh cao. Cụ thể, các bào tử trong không khí bám vào ruồi cái và lọt qua da. Không lâu sau, chúng xâm nhập toàn bộ cơ thể con vật, kể cả hệ thần kinh và não. Các chất hóa học do bào tử tạo ra kích thích con cái leo tới điểm cao nhất có thể, ví dụ như một chiếc lá trên cây, rồi xòe rộng cánh và chết.

Nấm cũng tạo ra những chiếc vòi nhỏ chứa đầy bào tử phủ kín cơ thể con cái. Khi một con đực tiến tới và chạm vào nó, các vòi bắt đầu phun bào tử ra không khí, sẵn sàng lây nhiễm cho những con vật xung quanh.

Nhóm nghiên cứu tại Đại học Copenhagen và Đại học Khoa học Nông nghiệp Thụy Điển thu thập lượng lớn ruồi khỏe mạnh và ruồi nhiễm bệnh. Ruồi đực được lựa chọn giao phối với con cái khỏe mạnh hoặc nhiễm bệnh và kết quả là chúng thường chọn con nhiễm bệnh hơn. Điều này cho thấy nấm đã dùng cách nào đó để khiến ruồi cái trở nên hấp dẫn, kể cả khi đã chết.

Các nhà khoa học nghiên cứu ruồi cái chết và tìm thấy những hợp chất bay hơi bất thường, bao gồm một số chất hóa học gọi là sesquiterpenes. Trước đây, nhóm chất này thường không liên quan đến ruồi nhà. Tuy nhiên, chúng đã được chứng minh là có sức hấp dẫn với một số côn trùng khác, bao gồm ong mật châu Á và ong nghệ.

"Phát hiện mới có tiềm năng giúp phát hiện những chất hóa học thu hút ruồi nhà mới hoặc pheromone có thể dùng để kiểm soát côn trùng gây hại", nhóm nghiên cứu nhận định.

Thu Thảo (Theo Phys)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn