Thao College: Món quà gây tranh cãi từ nữ tỷ phú Việt Cộng cho một trường Anh

Chủ Nhật, 07 Tháng Mười Một 20216:07 SA(Xem: 3003)
Thao College: Món quà gây tranh cãi từ nữ tỷ phú Việt Cộng cho một trường Anh
voatiengviet.com

Thao College: Món quà gây tranh cãi từ nữ tỷ phú Việt Nam cho một trường Anh

VOA Tiếng Việt

Khoản hiến tặng 9 con số, lớn nhất cho Oxford trong 500 năm qua, vấp phản ứng trái chiều từ cả hai bờ đại dương khi có những thắc mắc về dòng tiền chảy từ nước nghèo sang nước giàu

Một trường trong hệ thống Đại học Oxford ở Anh sẽ đổi tên thành Thao College sau khi được cam kết tài trợ một khoản tiền lên tới hơn 150 triệu bảng Anh từ tập đoàn mà người phụ nữ giàu nhất Việt Nam, Nguyễn Thị Phương Thảo, đồng sáng lập và làm chủ tịch.

Linacre College, tập trung vào giáo dục sau đại học, sẽ mang tên của bà chủ tịch và CEO của hãng hàng không giá rẻ của Việt Nam sau khi nhận được khoản tài trợ đầu tiên trong tổng số 155 triệu bảng Anh (khoảng 211 triệu USD) từ tập đoàn Sovico. Trong một thông báo, Linacre College cho biết họ đã ký một Bản ghi nhớ (MoU) với tập đoàn tại Edinburgh ở Scotland hôm 31/10.

Tên của bà Thảo sẽ thay thế tên bác sỹ người Anh của thế kỷ 16 trên biển hiệu của Linacre College một khi trường này xin được giấy phép đổi tên sau khi nhận 50 triệu bảng Anh đầu tiên từ tập đoàn của nữ tỷ phú Việt Nam. Theo The Guardian, đây là khoản hiến tặng lớn nhất cho Oxford trong vòng 500 năm qua.

Bà Thảo trở thành nữ tỷ phú tự thân đầu tiên của Việt Nam sau khi thành lập Vietjet Air, từng được mệnh danh là ‘bikini airlines’ sau khi tung ra loạt quảng cáo cho hãng hàng không với hình ảnh các người mẫu mặc đồ tắm 2 mảnh trên các chuyến bay giá rẻ nội địa của họ vào năm 2017. Cùng năm đó, Forbes lần đầu tiên bình chọn bà Thảo vào danh sách các tỷ phú “giàu nhất hành tinh”. Theo ước tính tại thời điểm thực của Forbes, chủ tịch Sovico và cũng là nữ tỷ phú tự thân đầu tiên của Đông Nam Á, hiện đang có khối tài sản trị giá 2,7 tỷ USD, đứng thứ 1.111 trên thế giới.

Tài trợ ‘ngược’

Khoản hiến tặng lên đến 9 con số của tập đoàn do bà Thảo đồng sáng lập cho Linacre College vấp phải những phản ứng trái chiều. Trên và ngoài mạng xã hội, một số người Việt Nam ca ngợi động thái này là đầy tham vọng và từ thiện. Nhưng một số khác, cả ở Việt Nam và nước ngoài, đặt câu hỏi tại sao bà Thảo kiếm tiền triệu (bằng đô la) ở Việt Nam nhưng lại đưa sang một nước có thu nhập bình quân gấp 14 lần quốc gia mà chỉ cách đây hơn 2 thập kỷ còn có một nửa dân số sống dưới mức nghèo đói.

“Việc sử dụng tốt hơn là nên chi vào giáo dục hoặc phát triển xã hội ở Việt Nam,” một người dùng Twitter ở TPHCM bình luận trước thông báo của Linacre College về khoản tài trợ và đổi tên theo nữ tỷ phú Việt Nam. Trong khi đó, một người dùng Twitter khác ở Anh đặt ra câu hỏi rằng có phải tốt hơn không nếu bà Thảo đầu tư vào đất nước nghèo hơn của bà và thắc mắc tại sao “các nước nghèo lại đi giúp các nước giàu?”

Nhận định về những bình luận từ nhiều người phương Tây khi cho rằng họ không cảm thấy thoải mái về việc đổi tên và tên trường trong hệ thống Đại học Oxford trở thành thứ được “mua bán”, bà Trần Lệ Thuỳ, một cựu sinh viên của Oxford, nói bà ủng hộ nếu khoản tiền hiến tặng “là tiền sạch.”

“Việc (đổi tên) là việc bình thường và đã xảy ra tại Oxford rồi và Oxford cũng như các trường khác đổi tên vì các khoản tài trợ,” bà Thuỳ, từng học 2 năm thạc sỹ ngành khoa học phát triển ở Oxford, nói. “Nếu một người không phải là da trắng đầu tiên, một người phụ nữ và từ châu Á được lấy tên để đặt cho một college của Oxford là một điều rất tốt. Đó sẽ là một mốc lịch sử cho Oxford trở nên cởi mở và đa dạng hơn.”

Nhưng bà Thuỳ, hiện đang là giám đốc Trung tâm Sáng kiến Truyền thông và Phát triển có trụ sở ở Hà Nội, cho rằng nếu việc đổi tên “không phải vì tiền” thì sẽ đáng tự hào hơn. Hiện tượng “tiền nước nghèo chảy sang nước giàu” chủ yếu thông qua giáo dục và y tế, không phải là không phổ biến, theo bà Thuỳ.

Nhiều người trong nước cũng đặt ra câu hỏi về việc đưa một số tiền lớn như vậy ra khỏi Việt Nam, vốn là quốc gia có sự kiểm soát nghiêm ngặt về vốn, và ai có thể biết chính xác liệu số tài sản đó “sẽ đi về đâu”.

“Cơ chế nào để có thể chuyển từng ấy tiền đi tài trợ cho trường (Linacre College) và thật ra tiền đó là của ai,” ông Phạm Quang Vinh, một người dân sống ở Hà Nội, thắc mắc trong một đăng tải trên Facebook. “Sovico là công ty cổ phần, tức là không phải toàn bộ số tiền của Sovico thuộc về (bà Thảo)… và kể cả nếu (bà Thảo) dùng tiền riêng thì cơ chế nào để (bà Thảo) có thể chuyển tiền cho trường kia.”

Món quà gây tranh cãi

Tại Oxford, đã có những ý kiến thắc mắc về khoản tài trợ của bà Thảo cho trường, nơi tự gọi là “một trong những ngôi trường ‘xanh’ nhất ở Oxford,” tức hướng tới việc bảo vệ môi trường, theo The Guardian. Trong khi đó các lợi ích kinh doanh của Sovico, hiện đang điều hành hãng hàng không tư nhân đầu tiên của Việt Nam, còn gồm có cung cấp tài chính cho các hoạt động khai thác dầu khí ngoài khơi cũng như nhiên liệu hoá thạch, theo trang web của tập đoàn.

Tờ nhật báo của Anh trích dẫn Chiến dịch Công lý Khí hậu của Đại học Oxford, nhóm từng kêu gọi gỡ bỏ tên của các công ty nhiên liệu hoá thạch ra khỏi các toà nhà trường học và viện nghiên cứu, nói rằng khoản tài trợ của bà Thảo có nguy cơ làm xói mòn các tiêu chuẩn thông thường.

“Chúng tôi rất thất vọng khi biết rằng Linacre College đã chấp nhận khoản hiến tặng từ tập đoàn Sovico, một công ty có hoạt động khai thác nhiên liệu hoá thạch đe doạ sự tồn tại của hành tinh chúng ta,” một người phát ngôn của chiến dịch được The Guardian trích lời nói. “Chúng tôi rất buồn khi biết những gì hành động này của Linacre nói lên rằng: Linacre coi trọng tiền bạc hơn con người và hành tinh.”

Bà Thảo là người ký bản ghi nhớ với Linacre College trước sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chuyến thăm của ông và đoàn doanh nghiệp từ Việt Nam tới Vương quốc Anh cùng lúc tham dự hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP26 của Liên Hợp Quốc tại đây.

Trường Linacre College, thành lập cách đây 59 năm và được đặt tên theo một bác sỹ và linh mục thời Phục hưng Thomas Linacre, cho biết trong thông báo hôm 1/11 rằng trường này từ lâu đã là một trong những trường ít được tài trợ nhất trong hệ thống trường của Oxford. Linacre College gọi khoản hiến tặng từ tập đoàn của nữ tỷ phú Việt Nam là “có tác động biến đổi” và sẽ được dùng để “tạo ra một trung tâm sau đại học mới cho sinh viên cũng như cấp học bổng tiếp cận sau đại học.”

Chính phủ Việt Nam, trong một thông báo trên trang mạng xã hội chính thức, cho biết 7,5 triệu bảng Anh của số tiền hiến tặng cho Linacre College sẽ được dùng để tài trợ học bổng cho các sinh viên Việt Nam và các quốc gia khác trong khu vực.

Trong thông cáo công bố sau khi ký bản cam kết tài trợ được truyền thông trong nước trích dẫn, bà Thảo nói rằng: “Tôi tin tưởng những kết quả hợp tác lâu dài với Viện Đại học Oxford sẽ mang tới những cơ hội, những giá trị mới tốt đẹp cho cộng đồng, dành những điều tốt đẹp nhất cho thế hệ trẻ tại môi trường giáo dục hàng đầu thế giới.”

Con trai bà Thảo, Tommy Nguyễn, là một sinh viên theo học tại Oxford, theo The Guardian.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn