"Huân chương như nắp bia, bằng khen như bươm bướm"

Thứ Bảy, 30 Tháng Mười 20214:00 SA(Xem: 1880)
"Huân chương như nắp bia, bằng khen như bươm bướm"

AVvXsEha9Ng7TKwg-KwRMLVMFdqHSpFQTx5JGJAR09CZbPe6Ai-urVT9SqhhhH4J52GC5SpOZvsL3B8NF7v20oO5cwuFgcKgK8cAYaQxokKqLcy2w_VLpCYw2XqACgSLyJV95lTelVj611afRY5mqs7HHnozBwz59__qzdgo6VBFZGowrSUVGaH1un5BSqqOZw=w400-h225

 

Ai để ý sẽ thấy số doanh nghiệp, cơ quan nhà nước có thành tích, danh hiệu nọ, kia nhiều hơn số doanh nghiệp tư nhân. Số doanh nghiệp nhà nước có điều kiện làm ăn thuận lợi, kinh tế khá có nhiều thành tích, danh hiệu hơn số doanh nghiệp,cơ quan điều kiện khó khăn.

Xem ra là như thế này: doanh nghiệp, cơ quan nhà nước cần thành tích, danh hiệu để lãnh đạo dễ lên chức, lên lương, vào trung ương, quốc hội, thăng tiến. Doanh nghiệp được ưu đãi thuế má, vay vốn, cán bộ nhân viên được phê duyệt lương, thưởng ở mức cao…Còn doanh nghiệp tư nhân hầu hết chỉ cần lời lãi.

Ở doanh nghiệp, cơ quan nhà nước thuộc quy mô nhất định trở lên đều có bộ phận, người phụ trách thi đua, khen thưởng(TĐKT).Ở trung ương có Ban Thi đua, Khen thưởng Trung ương to vật với những vụ nọ, vụ kia.

Như vụ nghiên cứu tổng hợp, vụ TĐKT các bộ, ngành, đoàn thể trung ương, vụ TĐKT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, vụ pháp chế-thanh tra, vụ tổ chức cán bộ...Các tỉnh, thành cũng có cơ quan TĐKT nhưng nhỏ hơn. Các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị nhà nước quá nhỏ thì có người, bộ phận phụ trách TĐKT kiêm nhiệm.

Có thể nói một bộ phận nhân lực, chi phí khổng lồ cho hệ thống TĐKT từ trung ương đến cơ sở, mà những nước kinh tế thị trường thực sự không hề có. “Nghề” thi đua khen thưởng là một “nghề” nhàn hạ và “thơm tho” nhất vì chuyên phán xét thiên hạ, không phải tính toán vốn liếng, nắng, mưa, lời lỗ...

Với thành tích của cá nhân, tập thể từ cơ sở đến bộ, ngành, huyện thì được giới thiệu, bình bầu cơ bản như đã nói trong bài “Về thành tích của quan chức”. Riêng về thành tích từ bằng khen, huân, huy chương của tỉnh, thành, chính phủ, chiến sĩ thi đua, anh hùng…thì như dân gian nói  “Con có khóc mẹ mới cho bú”.

Các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước thường có nhu cầu được khen thưởng càng cao càng tốt. Có khi cơ quan lớn “khát” thành tích cao còn thành lập tổ “đặc nhiệm chuyên lo huân, huy chương, danh hiệu cho đơn vị. Tổ này phải bám sát thi đua cấp trên, làm theo mọi hướng dẫn để làm báo cáo thành tích. Bản báo cáo thành tích thường phải “hoành tráng”, chỉnh sửa nhiều lần như thể rất “khắt khe” mới đạt yêu cầu. Chính tôi đã nhận được mời làm hồ sơ khen thưởng cho cơ quan nhưng chúng tôi không “chạy”.

Khi báo cáo đạt yêu cầu rồi thì thường tổ chức “thị sát thành tích”.Ở ngành hàng không thời tôi làm việc có “đặc sản” là thường tổ chức những tour cho khách đi “thị sát” thực tế các cơ sở. Ở phía nam đoàn hay đến “thị sát” Vũng Tàu, các sân bay Đà Lạt, Phú Quốc…tất nhiên phía chủ nhà lo toan, chăm sóc “toàn tập”.

Theo chỗ riêng tư thì thứ “phổ thông” (không công khai) là doanh nghiệp, cá nhân muốn có danh hiệu thì thường phải “bôi trơn” theo mức khen thưởng, danh hiệu càng cao thì “dầu nhờn” phải tỉ lệ thuận. Không biết sai, đúng thế nào. Ai muốn khẳng định hãy tìm hiểu xem các sếp liên quan, ký duyệt nọ, kia để trình lên hội đồng TĐKT trung ương từ trước đến nay giàu hay nghèo so với thu nhập công khai của họ thì biết.

Cũng như cả nước, ở ngành Hàng không Việt Nam, các sân bay, doanh nghiệp lớn thường xuyên được bằng khen, huân, huy chương cỡ chính phủ, một số đơn vị, cá nhân giàu có hay  được danh hiệu chiến sĩ thi đua, anh hùng. Thậm chí doanh nghiệp lụn bại nhưng “chịu chơi” cũng có danh hiệu khủng. Năm 2003 hãng hàng không Pacific Airlines (nay là Jetstar Pacific) quản lý tồi, tham nhũng nợ lũy kế hơn 200 tỉ, đã ở mức phá sản nhưng vẫn đề nghị và nhận được bằng khen của chính phủ.

Hiện tượng này dân gian kháo nhau “huân, huy chương như nắp bia, giấy, bằng khen như bươm bướm” vì nhiều doanh nghiệp, cơ quan, cá nhân được khen thưởng nhưng bị kỷ luật, lãnh đạo đi tù là như thế. Ông chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nói tại buổi bàn về luật TĐKT sáng hôm 23/10/2021: “Có việc chạy thành tích để nâng lương, thăng cấp…Một số ngành tôi ký quá mỏi tay vì khen thưởng nhiều quá” (Baomoi.com và nhiều tờ báo) là hoàn toàn chính xác.

Ở ngành hàng không có lẽ tổng công ty quản lý bay là đơn vị có nhiều huân, huy chương, anh hùng tập thể, cá nhân nhất. Đơn vị này chỉ có nhiệm vụ cung cấp dịch vụ không lưu cho máy bay đi, lại, quá cảnh. Nhiệm vụ vất vả, quan trọng chỉ có đội ngũ kiểm soát viên không lưu, khí tượng, cỡ vài trăm nhân viên trình độ từ cao đẳng trở lên. Họ thay ca kíp trực 24/24 điều hành máy bay, đóng góp vào an toàn hàng không. Còn đơn vị hơn 3.000 cán bộ nhân viên làm việc nhàn hạ.

Sản xuất kinh doanh của Tổng công ty như kiểu thu phí ở trạm BOT (bằng VN đồng, USD), khai thác tài nguyên quốc gia nhàn hạ, dễ dàng, hiệu quả nhất trong ngành hàng không, nên đơn vị dư dả tài chính và cũng nhiều thành tích các cỡ. Tương tự, công ty dịch vụ SASCO ở Tân Sơn Nhất độc quyền kinh doanh thương mại “siêu lợi nhuận” đơn vị cũng rất giàu thành tích tập thể, cá nhân…

Có thể rút ra: Có những đơn vị, cá nhân thật sự có thành tích xuất sắc xứng đáng danh hiệu này, nọ. Nhưng theo tôi cũng “vô thiên lủng” doanh nghiệp, cơ quan làm ăn dễ dàng, nhiều lợi ích, thậm chí sai phạm, đổ vỡ cũng giàu thành tích. Do xét cấp danh hiệu, thành tích tràn lan nên huân, huy chương, giấy, bằng khen ngày càng rẻ rúng, danh hiệu thật, rởm lẫn lộn.

Thật tiếc cho những tập thể, cá nhân có thành tích thực sự.

NGUYỄNĐÌNH ẤM 27.10.2021

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn