Người cổ đại từng nuôi loài chim nguy hiểm nhất thế giới

Thứ Ba, 12 Tháng Mười 20219:00 SA(Xem: 2484)
Người cổ đại từng nuôi loài chim nguy hiểm nhất thế giới

Loài chim được con người nuôi sớm nhất có thể là đà điểu đầu mào, thường được gọi là loài chim nguy hiểm nhất thế giới do ngón chân dài nhọn như dao găm.

Đà điểu đầu mào có thể từng được thuần hóa từ 18.000 năm trước. Ảnh: Queensland

Đà điểu đầu mào có thể từng được thuần hóa từ 18.000 năm trước. Ảnh: Queensland

Nghiên cứu mới công bố hôm 27/9 trên tạp chí PNAS phân tích hơn 1.000 mảnh vỏ trứng hóa thạch khai quật từ hai hang đá mà những người săn bắt - hái lượm từng trú ngụ ở New Guinea. Kết quả nghiên cứu hé lộ người cổ đại có thể thu thập trứng của đà điểu đầu mào, loài chim lớn không biết bay, trước khi trứng nở và nuôi chim non đến khi trưởng thành. New Guinea là hòn đảo lớn ở phía bắc Australia. Nửa phía đông hòn đảo là Papua New Guinea trong khi nửa phía tây thuộc Indonesia.

Theo trưởng nhóm nghiên cứu Kristina Douglass, trợ lý giáo sư ngành nhân chủng học và châu Phi ở Đại học Pennsylvania, dù rất hung dữ, đà điểu đầu mào non trở nên gắn bó với người hoặc vật đầu tiên chúng trông thấy sau khi nở. Điều này có nghĩa loài chim này rất dễ trông coi và nuôi tới khi trưởng thành. Ngày nay, đà điểu đầu mào là động vật có xương sống lớn nhất ở New Guinea. Lông và xương của chúng thường được dùng để trang trí cơ thể và đeo trong nghi thức. Thịt đà điểu đầu mào là đặc sản ở New Guinea. Trên thế giới có 3 loài đà điểu đầu mào, chúng là động vật bản xứ ở phía bắc Queensland, Australia, và New Guinea. Douglass cho rằng tổ tiên loài người nhiều khả năng nuôi loài nhỏ nhất là đà điểu đầu mào lùn, nặng khoảng 20 kg.

Các nhà nghiên cứu xác định vỏ trứng hóa thạch có niên đại 6.000 - 18.000 năm bằng đồng vị carbon. Con người thuần hóa loài gà đầu tiên sớm nhất vào 9.500 năm trước. Để rút ra kết luận, đầu tiên nhóm nghiên cứu xem xét vỏ trứng của các loài chim còn sống như gà tây, đà điểu emu và đà điểu châu Phi. Phần bên trong vỏ trứng thay đổi khi chim non đang phát triển hấp thụ canxi. Sử dụng ảnh chụp 3D độ phân giải cao và kiểm tra bên trong vỏ trứng, các nhà nghiên cứu có thể xây dựng mô hình hình dáng quả trứng ở những giai đoạn ấp khác nhau.

Douglass và cộng sự thử nghiệm mô hình với trứng đà điểu emu và đà điểu châu Phi trước khi áp dụng với mảnh vỡ vỏ trứng hóa thạch ở New Guinea. Nhóm nghiên cứu nhận thấy phần lớn vỏ trứng tìm thấy ở hai khu vực khai quật đều sắp đến ngày nở. Số vỏ trứng này hé lộ người dân sống ở hang đá thu thập trứng khi phôi thai đà điểu đầu mào phát triển đầy đủ chi, mỏ, móng vuốt và lông. Nhưng họ gom trứng để chờ trứng nở hay lấy để ăn? Nhóm nghiên cứu cho rằng câu trả lời có thể là cả hai. Ăn trứng với phôi thai phát triển hoàn chỉnh là món đặc sản tại vài nơi trên thế giới. Tuy nhiên, phân tích của nhóm nghiên cứu chỉ ra người cổ đại ấp để chim non nở.

Vỏ của trứng non hơn có dấu hiệu bị cháy, chứng tỏ người cổ đại nấu chín để ăn khi phần lớn thành phần bên trong trứng còn lỏng. "Ở vùng cao nguyên ngày nay, mọi người nuôi đà điểu đầu mào non tới khi trưởng thành để thu thập lông, và tiêu thụ hoặc buôn bán chim. Có thể đà điểu đầu mào có giá trị cao trong quá khứ bởi chúng nằm trong số động vật có xương sống lớn nhất ở New Guinea. Nuôi đà điểu đầu mào từ khi còn non sẽ đảm bảo nguồn lông và thịt có sẵn bởi săn bắt chim trưởng thành trong tự nhiên rất khó", Douglass giải thích.

Để ấp thành công và nuôi đà điểu đầu mào non, người cổ đại cần biết chỗ tổ chim, nắm được khi nào chim mẹ đẻ trứng và lấy khỏi tổ ngay trước khi trứng nở. Đó không phải là việc dễ dàng bởi loài chim này không làm tổ ở cùng một chỗ hàng năm. Sau khi chim cái đẻ trứng, chim đực trông coi tổ và không rời đi trong suốt 50 ngày ấp trứng. Theo các nhà nghiên cứu, người cổ đại có thể săn chim đực, sau đó thu thập trứng. Do chim đực không rời tổ, chúng không ăn nhiều trong thời kỳ ấp trứng và dễ bị tấn công hơn.

An Khang (Theo CNN)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn