Cầm điểu có tiếng kêu giống trẻ em khóc

Thứ Bảy, 18 Tháng Chín 20215:00 SA(Xem: 2133)
Cầm điểu có tiếng kêu giống trẻ em khóc

AustraliaCon chim lia đuôi dài màu nâu tên Echo trong khu chuồng ở vườn thú Taronga tại Sydney học được cách bắt chước tiếng khóc của các em bé.

Cầm điểu có tiếng kêu giống hệt trẻ em khóc

Chim cầm điểu Echo kêu giống em bé khóc. Video: Vườn thú Taronga

Vườn thú Taronga chia sẻ video ghi lại tiếng kêu của con cầm điểu hay còn gọi là chim lia lớn trên mạng xã hội Twitter hôm 31/8. Chim cầm điểu có tên khoa học Menura novaehollandiae, đặt theo chiếc đuôi có hình dáng giống nhạc cụ là đàn lia. Loài chim này là chuyên gia nhại giọng, chúng có thể bắt chước bất kỳ âm thanh nào ở môi trường xung quanh, từ tiếng máy cưa, động cơ xe tới tiếng kêu của động vật khác như chó sủa hoặc chim hót, theo Bảo tàng Australia.

Chim Echo 7 tuổi thậm chí có thể mô phỏng tiếng máy khoan động lực, chuông cứu hỏa và thông báo sơ tán ở vườn thú, theo Leanne Golebiowski, người phụ trách chăm sóc chim ở Taronga. Cách đây khoảng một năm, Echo bắt đầu thực hành tiếng kêu khóc của em bé. Nhưng các nhân viên vườn thú không rõ nó thành thạo bằng cách nào, bởi vườn thú đóng cửa do Covid-19 ở Sydney. "Tôi chỉ có thể giả định nó học lỏm từ khách tham quan", Glebiowski suy đoán. "Rõ ràng nó luyện tập trong suốt thời gian phong tỏa".

Cầm điểu đực sử dụng tài năng bắt chước chủ yếu để tán tỉnh bạn tình, theo Hiệp hội Audubon quốc gia. Vào mùa sinh sản từ tháng 6 tới tháng 8, cầm điểu đực có thể hót tới 4 giờ/ngày. Tiếng hót của chúng bao gồm tập hợp tiếng kêu của nhiều loài chim khác nhau mà chúng học theo từ môi trường xung quanh. Nhưng đôi khi, bài ca ghép đôi của chúng cũng tích hợp âm thanh của động vật khác ngoài chim.

Trong chương trình "Đời sống loài chim" năm 1998, nhà tự nhiên học nổi tiếng David Attenborough mô tả một con chim cầm điểu bắt chước âm thanh camera, tiếng còi xe và cán bộ lâm nghiệp sử dụng máy cưa. Gần đây, nhóm nghiên cứu ở Đại học Cornell phát hiện chim cầm điểu nhại được cả tiếng kêu của cả đàn chim túm tụm với nhau khi phát hiện động vật săn mồi nguy hiểm gần đó. Họ công bố nghiên cứu hôm 25/2 trên tạp chí Current Biology. Theo trưởng nhóm nghiên cứu, chim cầm điểu đực tạo ra ảo giác âm thanh. Chúng chỉ làm vậy khi ghép đôi hoặc khi chim mái định bỏ đi. Cầm điểu mái cũng có khả năng mô phỏng âm thanh nhưng thường dùng để tự vệ.

An Khang (Theo Live Science)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn