Pfizer và Moderna tăng giá : Nhà nước yếu thế trước các hãng dược

Thứ Hai, 02 Tháng Tám 20216:00 SA(Xem: 2175)
Pfizer và Moderna tăng giá : Nhà nước yếu thế trước các hãng dược
rfi.fr

Pfizer và Moderna tăng giá : Nhà nước yếu thế trước các hãng dược

Minh Anh

Financial Times ngày 01/08/2021 cho biết giá bán một liều các loại vac-xin Pfizer và Moderna được giao cho Liên Hiệp Châu Âu sẽ lần lượt tăng 26% và 13%. Theo nhận định nhà kinh tế học về sức khỏe cộng đồng Nathalie Coutinet, sự việc cho thấy thế mạnh độc quyền của các hãng dược lớn trên thế giới đã vượt khỏi tầm kiểm soát của các nhà nước.

Cụ thể, giá bán một liều Pfizer tăng từ 15,5 lên thành 19,5 euro và của Moderna là từ 19 lên thành 21,5 euro, theo như tiết lộ của tờ Financial Times. Trên đài phát thanh RFI, ông Clément Beaune khẳng định điều này chẳng có gì là gây sốc cả và đã được ghi rõ trong hợp đồng.

Thế nhưng, trong một báo cáo công bố ngày 29/07/2021, tổ chức phi chính phủ Oxfam phối hợp với liên minh People’s Vaccine Alliance, lên án các hãng dược lớn lợi dụng tình hình dịch bệnh và thế độc quyền nâng khống mức giá bán quá mức. Theo tính toán của những tổ chức này, thì dường như các hãng Pfizer và Moderna « thu lợi thêm hơn 41 tỷ đô la, cao hơn mức giá thành sản xuất ước tính cho các loại vac-xin ngừa Covid-19 ».

Làm sao giải thích cho việc tăng giá bán các liều vac-xin vào giữa lúc các nước đang phải vật vã đối phó với dịch bệnh Covid-19 lại bùng phát mạnh vì biến thể Delta ? Truyền thông Pháp đưa ra một số lý giải như sau :

Thứ nhất, trên thế giới hiện chỉ có hai loại vac-xin ARN thông tin là Moderna và Pfizer được cho là có hiệu quả hơn so với các loại vac-xin đối thủ cạnh tranh khác. Đây cũng là hai loại vac-xin được sử dụng rộng rãi nhất tại Pháp và nhiều nước giầu có khác tại châu Âu.

Thứ hai, nhu cầu về hai loại vac-xin này có thể sẽ còn tăng lên do các biện pháp tiêm chủng bắt buộc và tình hình bùng phát biến thể Delta, buộc Pháp và nhiều nước Liên Âu phải tính đến việc phải tiêm thêm một liều thứ ba.

Cuối cùng là lợi thế cạnh tranh. Pfizer và Moderna tận dụng được tình trạng nhiều nước châu Âu lần lượt từ bỏ vac-xin AstraZeneca và Johnson&Johnson, được cho là kém hiệu quả hơn và có những tác dụng phụ gây lo ngại.

Trước nguy cơ cầu vượt cung này, giá cả thuốc men và vac-xin phòng trị bệnh một lần nữa lại do các hãng dược quyết định. Nhà kinh tế học về sức khỏe cộng đồng, bà Nathalie Coutinet, trả lời phỏng vấn đài RFI ngày 29/07/2021, chỉ trích những hãng dược này một lần nữa áp đặt thế độc quyền đối với người bệnh.

Theo nhà nghiên cứu này, « chỉ khi nào thế giới có được một loại vac-xin để thay thế, đáng tin cậy, như sắp tới đây có thể có Sanofi, thì mới có hy vọng làm hạ giá thành hay chí ít kềm hãm bớt mức tăng giá bán ». Vẫn theo kinh tế gia này, sự việc cho thấy rõ « các chính phủ đã mất quyền kiểm soát đối với các hãng dược ».

Giờ đây, đang ngay giữa mùa dịch, các cuộc đàm phán không mấy gì dễ dãi. Bà Nathalie Coutinet nhắc lại rằng trong hoàn cảnh này, Liên Hiệp Châu Âu chỉ có hai giải pháp : Hoặc nhóm họp lại mua với số lượng lớn để dễ bề thương lượng giá cả như những gì đã được thực hiện trong đợt đầu chiến dịch tiêm chủng.

Hoặc dỡ bỏ quyền sở hữu bằng sáng chế - như vậy các nước có thể tự sản xuất, gia tăng sản lượng và có thể sẽ làm hạ giá thành. Thế nhưng, đây lại là một vấn đề nhậy cảm khó thực hiện và khó đạt được một đồng thuận. Bởi một lẽ rất đơn giản, nước nào cũng phải bảo vệ ngành dược của mình, mỗi nước có một hãng dược riêng : Pháp có Sanofi, Mỹ có Pfizer…

Bản thân những hãng dược này cũng tiến hành các cuộc vận động hành lang bên cạnh các chính phủ, Liên Hiệp Châu Âu nhằm bảo vệ thế độc quyền bằng sáng chế. Tại Mỹ, « bất kể ông Biden có nói gì, còn có một ý muốn bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, cho dù có nhiều loại vac-xin phát triển được là nhờ vào nguồn ngân quỹ của nhà nước », theo như lưu ý của nữ kinh tế gia.

Tóm lại, sinh mạng của bệnh nhân một lần nữa nằm trong tay các hãng dược lớn !

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn