Lloyd J. Austin III, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh,

Lloyd J. Austin III, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ

Lloyd J. Austin III, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, đã có mặt tại Hà Nội hôm 28/7 trong chuyến công du Đông Nam Á.

Đầu tuần, ông đã thăm Singapore và nói: "Tôi đã đến Đông Nam Á để làm sâu sắc thêm mối quan hệ của Hoa Kỳ với các đồng minh và đối tác."

Ông cũng sẽ thăm Philippines sau khi thăm Việt Nam.

Chuyến thăm của ông Austin là chuyến thăm đầu tiên của một thành viên nội các Hoa Kỳ đến Đông Nam Á kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức vào tháng Giêng.

Murray Hiebert, một nghiên cứu gia của Chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Hoa Kỳ, bình luận: "Một phần là cho khu vực biết rằng Hoa Kỳ vẫn coi nơi này rất quan trọng - rằng họ sẽ không bỏ qua và để Trung Quốc tung hoành trong khu vực."

Theo tờ New York Times, những tháng gần đây, một số quan chức Đông Nam Á đã cảm thấy bối rối vì thiếu sự can dự trực diện từ Hoa Kỳ, đặc biệt là trong bối cảnh Trung Quốc đang tăng cường các nỗ lực ngoại giao trong đại dịch Covid-19.

Một số nhà phân tích Đông Nam Á đã xem quyết định của Ngoại trưởng Antony J. Blinken đến thăm Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc, nhưng không phải Đông Nam Á, là một sự khinh thường.

Ông Blinken đã cố gắng tổ chức một cuộc họp video với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, hay ASEAN, vào tháng Năm.

Nhưng hôm đó, do trục trặc kỹ thuật mà cuộc họp đã phải hoãn lại và dời lại vào đầu tháng Bảy.

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh,

Khử trùng đường phố ở Hà Nội, Việt Nam vào ngày 26 tháng 7 năm 2021

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại quan trọng nhất của Đông Nam Á.

Kể từ tháng Giêng năm 2020, các quan chức cấp cao, bao gồm cả lãnh tụ Tập Cận Bình, đã đến khu vực này ít nhất 5 lần.

Trong chuyến thăm Đông Nam Á gần đây nhất vào tháng Giêng, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, Vương Nghị, đã mang vaccine chống Covid-19 đến Indonesia.

Trung Quốc đã đề nghị giúp xây dựng một tuyến đường sắt cao tốc nối Jakarta, thủ đô và thành phố lân cận Bandung, theo Sáng kiến Vành đai và Con đường đầy tham vọng của Trung Quốc.

Đông Nam Á có một trong những tuyến đường biển chiến lược nhất thế giới, eo biển Malacca nằm giữa bán đảo Mã Lai và đảo Sumatra, nối Biển Đông và Ấn Độ Dương.

Khu vực này cũng bao gồm nhiều rạn san hô và bãi cạn đang tranh chấp ở Biển Đông, gây mâu thuẫn giữa Bắc Kinh và một số nước Đông Nam Á như Malaysia, Philippines và Việt Nam.

Một số nước đang cố gắng theo đuổi cân bằng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, hôm thứ Hai, nói ông là "bạn tốt của Chủ tịch Tập".

Ông Duterte nói: "Khi đại dịch xảy ra, quốc gia đầu tiên tôi kêu gọi giúp đỡ là Trung Quốc."

Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết hôm thứ Ba rằng ông có kế hoạch thảo luận về việc gia hạn hiệp ước quân sự lâu đời giữa Philippines và Hoa Kỳ trong chuyến thăm sắp tới.

Hiệp ước cho phép Washington chuyển quân và trang thiết bị vào và ra khỏi Philippines, hiện đang trong tình trạng lấp lửng.

Ông Duterte trước đó đã tìm cách chấm dứt hiệp ước, nhưng vào năm ngoái, nói rằng ông sẽ duy trì.

Ông Austin dự định gì tại Đông Nam Á?

Hôm 21/7, tại Lầu Năm Góc, ông Austin giải thích dự định của ông khi thăm ba nước Đông Nam Á.

Ông nói: "Tôi đặc biệt mong muốn có bài phát biểu quan trọng tại Singapore về cách chúng tôi đang củng cố một trong những tài sản chiến lược của mình trong khu vực, đó là mạng lưới đồng minh và đối tác mạnh mẽ."

"Tôi sẽ mang theo một vài thông điệp quan trọng. Điều đầu tiên đơn giản là Hoa Kỳ vẫn là một đối tác đáng tin cậy: một người bạn xuất hiện khi cần thiết."

Ông sẽ nhấn mạnh "một trật tự khu vực công bằng, cởi mở và bao trùm hơn".

"Chúng tôi không tin rằng bất kỳ quốc gia nào có thể ra lệnh cho các quy tắc hoặc tệ hơn, là vất bỏ quy tắc."

Ông Austin "cũng sẽ làm rõ quan điểm của chúng tôi đối với một số tuyên bố vô ích và vô căn cứ của Trung Quốc ở Biển Nam Trung Hoa".

Hôm 27/7 trong chuyến thăm chính thức Singapore, ông phát biểu:

"Yêu sách của Bắc Kinh đối với phần lớn Biển Nam Trung Hoa không có cơ sở trong luật pháp quốc tế.

"Sự khẳng định của Trung Quốc ảnh hưởng đến chủ quyền của các quốc gia trong khu vực.

"Chúng tôi tiếp tục hỗ trợ các quốc gia ven biển của khu vực duy trì các quyền của họ theo luật pháp quốc tế."

Ông khẳng định:

"Tôi ở đây để đại diện cho một chính quyền mới của Hoa Kỳ, nhưng cũng để tái khẳng định những cam kết lâu dài của Hoa Kỳ.

"Trên hết, tôi muốn nói về tính cấp thiết chiến lược của quan hệ đối tác. Tôi đã học được một bài học cốt lõi trong hơn bốn thập niên là một người lính, trong thời bình và trong chiến tranh: Không ai có thể đi một mình."

Tiểu sử ông Lloyd Austin

Ngày sinh: 8 tháng 8 năm 1953

Nơi sinh: Mobile, Alabama

Tên khai sinh: Lloyd James Austin III

Cha: Lloyd James Austin Jr., nhân viên bưu điện

Mẹ: Aletia Taylor Austin, nội trợ

Quân đội Hoa Kỳ, 1975-2016, Tướng bốn sao

Ông đạt được nhiều thành tựu đầu tiên:

Bộ trưởng Quốc phòng người Mỹ gốc Phi đầu tiên.

Người Mỹ gốc Phi đầu tiên giữ chức vụ phó tham mưu trưởng quân đội.

Người Mỹ gốc Phi đầu tiên lãnh đạo Bộ Tư lệnh Trung tâm Hoa Kỳ.

Người Mỹ gốc Phi đầu tiên dẫn đầu một quân đoàn trong chiến đấu.

Chỉ huy người Mỹ gốc Phi đầu tiên của một Sư đoàn Hoa Kỳ.