Họ lại muốn dẫm vào vết xe đổ ư?

Chủ Nhật, 18 Tháng Bảy 20218:00 SA(Xem: 3363)
Họ lại muốn dẫm vào vết xe đổ ư?

Tôi đọc được thông tin về việc Bộ Nội vụ đưa ra kế hoạch dự kiến sáp nhập các tỉnh có diện tích nhỏ, dân số ít vào với nhau.

Về việc này, tôi cho rằng, những kẻ (Xin lỗi, tôi phải gọi đó là kẻ) nghĩ ra sáng kiến này là lớp hậu sinh. Đám này không biết gì về hậu quả của việc sáp nhập từ những năm sau 1975 và cơ bản đã tan rã hết sau năm 1990...

Tôi không hiểu khi họ đưa ra "sáng kiến" quái gở này, họ có nghiên cứu cho thấu đáo hay không : Tại sao việc sáp nhập xã, huyện, tỉnh của những năm xưa bị thất bại? Và hậu quả để lại của việc làm duy ý chí đó là gì?

Hình như họ cũng không thèm nghiên cứu về đặc điểm văn hóa vùng miền của người Việt. Họ không biết rằng việc phân chia địa ranh giới địa lý của các tỉnh, ngoài địa dư ra thì còn căn cứ vào đặc điểm văn hóa, phong tục, tập quán, tín ngưỡng của vùng đó. Không chỉ cơ sở văn hóa của mỗi tỉnh khác nhau mà giọng nói, tính tình của người dân cũng rất khác nhau...Chính vì thế mà không bao giờ có sự đoàn kết, đồng lòng, đồng tâm của các tỉnh bị sáp nhập.

Đã thế, người Việt mình có tính cục bộ địa phương khủng khiếp, vì vậy, ông nào làm quan cũng chỉ nghĩ đến vun quén cho tỉnh mình. Còn ai đó nói rằng cán bộ bây giờ công tâm thì đó là nói dối, là là nói cho vui, nói dối lòng đối với cấp trên mà thôi.

Tôi đề nghị : Các cơ quan có chức năng về việc sáp nhập này nên tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân, của các tầng lớp nhân sĩ, trí thức của các tỉnh "sẽ" bị sáp nhập. Và cần phải có một công trình nghiên cứu : "Vì sao việc sáp nhập đi lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa của những năm cuối thập kỷ 70 trước đây bị thất bại, và hậu quả".

Ngày xưa, về chuyện sáp nhập đã có bài thơ thế này: "Thông minh như đất nước Nga/ Người ta cũng chẳng tách ra nhập vào/ Thật thà như thể người Lào/ Người ta cũng chẳng nhập vào tách ra/ Chỉ có nước Việt Nam ta/ Quanh năm suốt tháng tách ra, nhập vào".

NGUYỄNNHƯ PHONG

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn