Nguyen Khan - Chống dịch hay chống giặc ?

Thứ Ba, 06 Tháng Bảy 20214:00 SA(Xem: 3107)
Nguyen Khan - Chống dịch hay chống giặc ?

Nếu chống giặc thì tăng cường sức người, sức của ra tiền tuyến là cần thiết.

Nhưng nếu chống dịch, thì di chuyển một lượng lớn con người từ vùng dịch này qua vùng dịch khác là tiếp tay cho dịch lan rộng, tạo điều kiện cho các biến chủng virus tạp giao thành những biến chủng mới nguy hiểm khó lường, chẳng khác gì tiếp tay cho dịch bùng phát dữ dội hơn.

Bởi dịch và giặc có nội hàm phá hoại khác nhau nên chiến lược và chiến thuật đối phó cũng khác hẳn nhau.

Giặc nhờ quân số đông và vũ khí hiện đại để đánh chiếm nên ta cần đông quân và vũ khí để đánh trả. Trong lúc dịch thích số đông chen chúc để tấn công, thích số đông di chuyển từ nơi này đến nơi khác, đặc biệt số đông đi từ vùng có dịch đến những vùng khác để lây nhiễm dịch mạnh hơn, nhanh hơn, rộng khắp hơn.

Đó là lý do ra đời phương châm chống dịch tốt nhất là ở yên tại chỗ. Nếu chưa làm được gì để ngăn dịch hiệu quả, thì ở yên tại chỗ là đã góp phần chống dịch tốt nhất rồi. Và nếu có việc quan trọng phải di chuyển từ vùng hay từ nước đang có dịch đến vùng hay nước khác phải cách ly từ 14 - 21 ngày.

Bởi không phải khơi khơi cựu tổng thống Mỹ Donald Trump tố cáo Bắc Kinh, dưới sự tiếp tay của WHO, cố tình làm lây nhiễm dịch ra toàn thế giới, buộc Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho Mỹ và thế giới đang bị dịch cúm Tàu làm tan nát nền kinh tế và gây tang tóc cho bao gia đình.

Ông Trump căn cứ vào hai hành vi để quy tội Trung cộng :

1. Trung Cộng cố tình giấu dịch làm các nước không biết sự thật về dịch, để mất hai tuần lễ vàng, là hai tuần lễ, nếu các nước biết tính chất nguy hiểm của dịch, sẽ phong tỏa giãn cách, truy vết tiêu diệt virus từ "trong trứng nước", chứ không phải ú ớ để dịch lẻn vào cộng đồng gây đại họa cho nhân loại như hiện nay. Nghĩa là nếu Bắc Kinh không giấu dịch thì ngay từ lúc dịch bùng phát ở Vũ Hán, thế giới biết được sự thật sẽ đóng các cửa khẩu, nước nào ở yên nước ấy, vùng nào ở yên vùng ấy, thì đại dịch đã khác.

2. Bắc Kinh cố tình thả dịch ra khắp thế giới khi cấm dân Vũ Hán không được đi đến bất cứ đâu trong nước, nhưng thả cửa cho người Vũ Hán đi khắp nơi trên thế giới. WHO góp phần không nhỏ, chẳng những không công bố mức độ nguy hiểm của dịch cho thế giới biết để phòng ngừa, mà còn đưa ra nhận định vô trách nhiệm rằng không có dấu hiệu virus Vũ Hán lây từ người qua người, và rằng các nước không nên kỳ thị cấm cửa người Trung Cộng nhập cảnh.

Nói thế để hiểu chống dịch và chống giặc hoàn toàn trái ngược nhau. Nếu chống giặc cần đưa nhiều quân ra tiền tuyến, thì ngược lại chống dịch tuyệt đối không di chuyển người từ vùng này qua vùng khác, lãnh đạo, chỉ huy bằng online, phone v.v... Chứ lãnh đạo không đảo như cò từ vùng dịch này qua vùng dịch khác để tiền hô hậu ủng. Nếu có hỗ trợ nhau chống dịch thì chỉ nên hỗ trợ bằng phương tiện như khẩu trang, đồ bảo vệ, kit test, máy thở, thuốc men, vaccin, lương thực thực phẩm... Và nếu nơi nào thiếu năng lực chuyên môn thì chỉ nên hỗ trợ những nhà chuyên môn giỏi đến để giúp đỡ đội ngũ tại chỗ chống dịch.

Chẳng có nước nào chống dịch theo kiểu đưa hàng trăm người chưa có chuyên môn cao, đi từ vùng dịch này đến vùng dịch khác để dập dịch, chen chúc nhau trong cùng một không gian kín phi cơ, đến giúp đỡ vùng dịch chưa thiếu sức người, chưa kêu gọi giúp đỡ... Như Việt Nam. Lạ hơn nữa khi TPHCM không chịu cách ly lực lượng này 14-21 ngày theo đúng quy định.

Chắc Việt Nam không e ngại chủng virus Alpha cực kỳ nguy hiểm ở Miền Bắc có thể theo chân hàng trăm người từ vùng dịch Miền Bắc vào Miền Nam, tạp giao với chủng Delta plus siêu lây nhiễm ở Sài Gòn để thành một chủng siêu virus mới có cả hai đặc tính nguy hiểm của cả Alpha và Delta thì... Eo ơi!

Vẫn biết lãnh đạo Việt Nam nói chống dịch như chống giặc chỉ là một phép ẩn dụ để lên giây cót cho toàn dân quyết liệt chống dịch. Song coi chừng các cấp thừa hành hiểu sai, tạo ra những đường chiến dịch theo kiểu đường HCM trên không vừa rồi thì hậu họa khôn lường.

NGUYENKHAN
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn