Đỗ Duy Ngọc - Chữ bác sĩ

Thứ Hai, 21 Tháng Sáu 20214:00 SA(Xem: 3454)
Đỗ Duy Ngọc - Chữ bác sĩ

Vừa đọc trên báo Lao Động số ra ngày hôm nay có tin: Thanh tra Bộ Y tế phê bình bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Trung ương viết chữ xấu "như gà bới".

Nội dung bài báo có đoạn: "Thanh tra Bộ Y tế vừa ban hành kết luận thanh tra tại Bệnh viện Phụ Sản Trung ương, địa chỉ số 43 đường Tràng Thi, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Một trong những khuyết điểm Thanh tra yêu cầu chấn chỉnh tình trạng “viết ngoáy, viết tắt” trong các hồ sơ bệnh án và đơn thuốc."

Chợt nhớ là theo báo cáo của Bộ Y tế cách đây đã nhiều năm là đã vi tính hóa các cơ quan y tế từ trung ương đến địa phương. Có nghĩa là các toa thuốc, các phiếu xét nghiệm, hồ sơ bệnh án của bệnh nhân đều được in bằng máy in từ máy vi tính. Sao một bệnh viện lớn như Bệnh viện Phụ Sản Trung ương, Hà Nội vẫn còn những hiện tượng như thanh tra đã kết luận.

Và ai cũng ngỡ ngàng khi thấy hình chụp lại cái toa thuốc của một bác sĩ của bệnh viện đấy được ghi bằng bút bi. Đúng là không cách nào đọc được trời ạ! Nên chuyển bác sĩ này qua cơ quan mật mã ngành tình báo là hợp nhất. Viết kiểu này khi cấp hay bán thuốc nhầm thì chỉ khốn nạn cho người bệnh. Mà kiểu này bán lộn thuốc là cái chắc, bởi ai mà đoán cho nổi?


Đã từ lâu, người ta thường bảo viết chữ xấu như chữ bác sĩ, nhưng viết như toa thuốc này thì bó tay. Lại đặt ra câu hỏi: Tại sao trên các toa thuốc, các bác sĩ lại viết chữ tháu và xấu đến thế? Thế hệ ngành y của Ba tôi không có hiện tượng này. Các cụ viết chữ rất đẹp, chữ nào ra chữ nấy, không có chuyện viết cẩu thả như thế này.

Cách đây khoảng hai chục năm, tôi và các con thường đi khám bệnh nơi một bác sĩ tai mũi họng ở đường Bùi Thị Xuân, quận nhất. Vị bác sĩ này viết chữ trong toa thuốc rất là đẹp, chữ tròn có cảm giác như được nắn nót rất kỹ nhưng thật ra ông viết rất mau. Cầm toa thuốc của ông ra các pharmacie, ai cũng đọc được một cách dễ dàng. Còn bây giờ cầm toa thuốc của các bác sĩ thời nay thì chịu.

Tình trạng này cũng đã xuất hiện ở miền Nam trong thập niên sáu bảy mươi của thế kỷ trước chứ không phải bây giờ mới có. Có người cho rằng các sinh viên y khoa trong thời gian đi học phải ghi bài của các giáo sư rất nhiều, giáo sư giảng rất nhanh nên phải viết lẹ, viết tháu mới ghi kịp bài giảng. Từ đó thành thói quen.

Tôi không nghĩ như vậy. Các bác sĩ xưa học phải nghe Thầy giảng bằng tiếng Pháp, nội dung kiến thức cũng nhiều nhưng các bác sĩ ngày xưa ấy đâu có viết kiểu chữ như vậy đâu.

Cũng có ý kiến cho rằng ngày nay trong các bệnh viện, mỗi ngày một bác sĩ khám hàng trăm bệnh nhân, thì giờ đâu mà nắn nót. Suy nghĩ này nghe cũng không hợp lý.

Viết một toa thuốc thật ra có bao nhiêu chữ, tên họ và tuổi của bệnh nhân, tên bệnh được chẩn đoán, tên thuốc và liều lượng thuốc uống hàng ngày. Chỉ từng đó thôi, chưa kể còn có sự trợ giúp của y tá bên cạnh, các chi tiết về nhân thân của bệnh nhân đã được y tá ghi sẵn rồi, bác sĩ chỉ việc ghi tên thuốc, không có gấp gáp, vội vã gì đến độ phải viết kiểu chữ gà bới thế.

Có người lại cho rằng viết xấu trong toa thuốc là có mục đích của nó, nó như là một dạng mật mã không ai đọc được, nhưng những nhà thuốc có hoa hồng cho bác sĩ đều đọc dễ dàng. Và các pharmacie đó đều do bác sĩ đề nghị bệnh nhân đến đấy mua thuốc và nhiều khi chỉ có ở đó mới có thuốc. Chính cái vụ hoa hồng đã khiến cho chữ bác sĩ không ai đọc được, ngoài nhà thuốc được chỉ định.

Ý kiến này nghe cũng khá hợp lý. Các bác sĩ khám ở phòng mạch riêng cũng thế, bởi đa số bác sĩ đều khám và bán luôn thuốc. Thuốc được gỡ ra và chỉ ghi lời dặn uống ngày mấy viên, mấy lần. Toa thuốc thì viết kiểu chữ không ai đọc được. Thế nên, hết thuốc thì chỉ tái khám ở bác sĩ này thôi, cầm toa ra mua ngoài thì không nhà thuốc nào đọc nổi.

Kiểu này cũng là một cách để giữ người bệnh và bán thuốc. Bác sĩ tư thu nhập ngoài tiền khám còn có mối lợi là bán thuốc mà. Thầy thuốc bây giờ đủ trò để kiếm tiền. Lời thề Hippocrates khi chuẩn bị ra trường để hành nghề, lời thề của các sinh viên Y khoa đọc và nguyện làm theo trong lễ tốt nghiệp đã bỏ lại ở trường rồi, đã quên mất rồi.

Giờ đây bệnh viện nào cũng được vi tính hóa, ngay phòng mạch tư của bác sĩ cũng đã ghi toa bằng máy. Tại sao vẫn còn tình trạng toa thuốc với chữ chẳng ai đọc được thế này? Thanh tra kết luận như vậy là chính xác và tình trạng này phải chấm dứt ngay, không thể tồn tại được nữa.

ĐỖDUY NGỌC
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn