Báo chí trong nước lộ sự rẻ tiền và vô trách nhiệm, từ chuyện “Hoài Linh ôm 14 tỷ”

Thứ Hai, 24 Tháng Năm 20216:00 SA(Xem: 3341)
Báo chí trong nước lộ sự rẻ tiền và vô trách nhiệm, từ chuyện “Hoài Linh ôm 14 tỷ”

Vào những ngày cuối tháng 5 tại Việt Nam, đi kèm với những câu chuyện livestream trên youtube ăn khách hơn cả những gameshow của hệ thống truyền hình nhà nước, trong vài ngày nay nổi bật nhất chính là chuyện nghệ sĩ Hoài Linh giữ 14 tỷ tiền từ thiện trong năm 2020, đang bị coi là có vấn đề mờ ám.

Một trong những tờ báo lớn của Việt Nam, tờ Thanh Niên, ngay ngày 23-5 đăng một bài viết về sự kiện này, với tiêu đề nửa kín nửa hở, câu khách rẻ tiền: “Dân mạng xôn xao ‘chứng nhận’ chuyển khoản từ thiện 14 tỉ mang tên Hoài Linh” . Dĩ nhiên, người ta nhìn thấy hai tác giả bài báo là Thạch Anh và Lạc Xuân đã cho vào ngoặc hai chữ ‘chứng nhận’ như một kiểu câu views kiêm tạo ra nghi vấn một cách vô trách nhiệm khi đề cập câu chuyện của nghệ sĩ Hoài Linh.

Đọc hết bài báo thấy ngay giá trị thông tin của nó còn tệ hơn cả một status tầm thường trên facebook, nó cho thấy rõ kiểu viết báo hóng hớt chạy theo đuôi mạng xã hội để kiếm view đang ăn sâu vào não trạng của những người làm báo, hủy hoại giá trị của việc đưa tin lẫn một tên tuổi báo chí như tờ Thanh Niên.

Với dân thường trên mạng xã hội, họ có thể đặt nghi ngờ và không thể tiếp cận được Hoài Linh để tìm hiểu hay xác minh về việc chuyển ngân 14 tỷ đó, nhưng với nghiệp vụ nhà báo thì phải làm được, khi họ muốn đưa tin.

Không đến mức phải có công an điều tra mã số giao dịch số tiền lên đến 14 tỷ đó có thật hay không từ hệ thống ngân hàng, mà việc nhà báo đến tận nhà, gặp tận mặt Hoài Linh để phỏng vấn rõ ràng cho độc giả được biết thông tin từ chính nhân vật, là việc hoàn toàn không khó khăn với nghiệp vụ và chức năng của nhà báo.

Thông tin về Hoài Linh dù gian dối, hay minh bạch, qua một cuộc phỏng vấn chính thức, chắc chắc sẽ có giá trị hơn và tốt rất nhiều với nghề báo và đạo đức báo chí căn bản. Nó khác hẳn kiểu đưa tin câu views rẻ tiền, lửng lơ vô trách nhiệm trong bản tin của một tờ báo lớn ở Việt Nam vào một ngày Chủ Nhật mà chúng ta vừa đọc thấy hôm nay.

Đó là một trong những điểm quan trọng của nghề báo thời social media bùng nổ: nghề báo luôn phải tử tế và tận lực để đi đến gốc cội của sự việc, chứ không thể ăn theo thông tin trôi nổi có sẵn một cách đen đúa và biếng nhác.

CaptureHL-640x536

Chưa biết sự thật Hoài Linh đúng hay sai trong vụ việc này, nhưng việc báo chí tổng hợp tin tức từ “dân mạng” và cách diễn giải tiêu cực tuỳ tiện để góp thêm một bàn tay chụp mũ cho Hoài Linh là một điều hạ tiện. Nếu Hoài Linh ôm số 14 tỷ đồng từ thiện bất minh, đó là tội hình sự, và sẽ được pháp luật xét xử. Nhưng trước khi một người bị tòa án xét xử thì mọi thứ tòa án dư luận được tiếp tay bởi báo chí nhà nước theo cách thức nêu trên, là điều vô cùng thối nát.

Báo chí Việt Nam nói chung, đã xuất hiện ngày càng nhiều kiểu cách làm báo như vậy. Mượn người, mượn chuyện để bán báo, nhưng khi bị vạch mặt thì dựa lưng vào quyền lực truyền thông sẵn có để bôi nhọ, khủng bố tinh thần, còn tệ hơn là đẩy người đối diện vào các vị trí chính trị, hình sự để đàn áp.

Sự kiện của anh Dưa Leo, một comedian trực tuyến gần đây là một ví dụ. Để câu views, báo Nhân Dân cũng chơi trò chụp mũ, gọi anh ta là “phản động”, dạy dỗ và tấn công cá nhân vô lý… Nhưng đến khi nhận đơn kiện của Dưa Leo đường đường chính chính theo luật pháp thì cả bộ máy lẫn đám người viết bài đều tìm chỗ né tránh. Thậm chí có những dấu hiệu cho thấy phần tổ chức các nhóm dư luận viên, hội cờ đỏ… mạ lỵ anh Dưa Leo sau đó để dùng làm bài trả lời không chính thức trên Nhân Dân, đều có dấu hiệu liên kết với nhau.

Ngồi trong một quán nước ven đường sáng nay, nghe một người khách đọc những tin tức như vậy trên báo Thanh Niên rồi gào lên chửi Hoài Linh và “bọn nghệ sĩ”, thêm những người chung quanh cùng hưởng ứng, tôi thật sự rùng mình vì thấy mình đang là nhân chứng tức thì của sự suy đồi báo chí đến tận cùng.

Có người cho rằng hôm nay, ngày 23-5 là ngày bầu cử, cũng có thể báo chí cần một vài kiểu tin giật gân để thu hút dân chúng, phòng trường hợp bọn “chống đối” tung ra tin, bài chống phá bầu cử.

Nhưng ngay cả như vậy, thì báo chí đã tự nguyện vào vai hạ cấp, và sẵn sàng bán rẻ những nghệ sĩ hay những người, mà họ từng hối hả chạy theo viết bài ca ngợi để bán báo, khi cần. Trong trường hợp giả định này, dù có giải thích thầm lén về một “nhiệm vụ kép” cao cả nào đó, thì mọi biện minh cũng đều là sự xúc phạm đến cái đời sống đang mệt nhoài vì cố gắng gầy dựng sự bình an.

Tất cả, sự bình an, báo chí, đạo đức xã hội… một lần nữa, lại bị vấy bẩn
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn